Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 24/11/2011 20:53 (GMT+7)

Vai trò của Nguyễn Cư Trinh trong việc xác lập chủ quyền vùng đất ở An Giang và Nam bộ

1. Thân thế Nguyễn Cư Trinh

Nguyễn Cư Trinh là một người văn võ toàn tài, ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng hay chữ. Ông làm quan cho chúa Nguyễn lên đến chức Thượng thư bộ Lại. Từ năm 1753 đến 1759 ông đã giúp cho chúa Nguyễn mở rộng và xác lập chủ quyền vùng đất ở An Giang - Nam bộ .

Cha của Nguyễn Cư Trinh là ông Nguyễn Đăng Đệ vốn là cháu đời thứ bảy của Trịnh Cam, từng làm quan dưới triều Lê, đến chức Binh bộ Thượng thư. Nguyễn Đăng Đệ vốn nổi tiếng về tài văn chương, thi đỗ sinh đồ, làm Tri huyện Minh Linh, được chúa Nguyễn Phúc Chu mến tài ban cho quốc tính (được mang họ Nguyễn).

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống khoa cử, ngay từ nhỏ Nguyễn Cư Trinh đã nổi tiếng hay chữ. Năm Canh Thân (1740), ông thi đỗ Hương cống, được bổ làm Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Năm Canh Ngọ (1750), được lên chức Tuần vũ Quảng Ngãi, ông đánh dẹp cuộc nổi dậy chống triều đình ở Đá Vách (Quảng Ngãi). Sau đó trải qua các chức như: Ký lục dinh Bố Chánh, Thượng thư bộ Lại Kiêm Tào vận sứ, tước Nghi Biểu Hầu.

Năm Quý Dậu (1753), Nguyễn Cư Trinh được cử vào Nam. Ông đã giúp cho chúa Nguyễn mở rộng và xác lập chủ quyền ở An Giang - Nam bộ và đề xuất nhiều chủ trương phát triển tinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ kế sách "dĩ man công man" 1và "tầm thực" 2, ông đã khéo léo thu cả miền Đồng bằng sông Cửu Long về cho Đại Việt. Ông có công lớn trong việc mở nước, an dân. Ông giao thiệp tương đắc với Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên, họa thơ với các danh sĩ trong nhóm Chiêu Anh Các, khiến họ Mạc trọng vọng, nể phục. Từ mối quan hệ này góp phần đưa Mạc Thiên Tích thần phục chúa Nguyễn.

Nguyễn Cư Trinh là một người văn võ toàn tài. Thơ văn ông còn truyền tụng nhiều, gồm một số thơ chữ Hán và chữ Nôm, đặc sắc nhất là: Truyện Sãi Vãi (Nôm) và Đạm Am thi tập (Hán). Ngoài ra ông còn để lại một số thư điều trần gửi chúa Nguyễn và thư đáp lại thư của cha con họ Mạc. Tác phẩm của Nguyễn Cư Trinh một phần được Lê Quí Đôn dẫn ra trong Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục và được Phạm Nguyễn Du chép trong Nam hành ký đắc tập. "Toàn bộ sự nghiệp văn học của ông gắn với tâm sự và chí khí kinh bang tế thế, gắn với cuộc đời hoạt động của ông. Một số bài thơ có khí vị lối thơ biên tái, vừa phấn phát sôi nổi, hùng tráng; vừa lắng đọng, trầm tĩnh, bi hoài. Một số bài khác thì lại phản ánh tâm sự cô đơn, phiền muộn của một người đầy lòng ưa ái, thấy rõ tình hình thối nát của tập đoàn phong kiến Đàng Trong, thấu hiểu cảnh sống cơ cực, đau khổ của người dân, muốn "bàn nói mưu ngay, lẽ phải, nhưng đều không được theo" (Lê Quí Đôn) 3.

Nguyễn Cư Trinh còn nổi tiếng liêm chính, giỏi việc chính trị, doanh điền, ngoại giao. Năm Ất Dậu (1765) Nguyễn Phúc Thuần lên nối ngôi chúa, quyền thần Trương Phúc Loan ỷ thế lộng quyền, Nguyễn Cư Trinh đã khẳng khái nói: "Chốn triều đình bàn việc đã có định chế, Phúc Loan sau dám vô lễ như thế, sắp muốn chuyên quyền chăng? trong nước sinh loạn tất là người ấy. Phúc Loan giận lắm nhưng e sợ, không dám làm gì" 4.

Năm Đinh Hợi (1767) ông bị bệnh mất, hưởng dương 51 tuổi, được truy tặng danh hiệu Tá Lý công thần, Vinh lộc đại phu, thụy Văn Định. Đến đời Minh Mạng, ông được truy táng là Khai quốc công thần, Hiệp biện đại học sĩ, đồi tên thụy thành Văn Cách, truy phong tước Tân Minh Hầu, cho tòng tự ở Thái miếu - nơi thờ các vị công thần.

Khu mộ Nguyễn Cư Trinh tọa lạc tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và đã được Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 05/1999/QĐ/BVHTT ngày 12-1-1998. Tên của ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Việt Nam.

2. Bối cảnh lịch sử An Giang - Nam bộ

Từ thế kỷ I đến thế kỷ VI, vùng đất An Giang ngày nay thuộc vương quốc Phù Nam. Đây cũng là thời kỳ hình thành và phát triển nền "văn hóa Óc Eo" đặc sắc gắn liền với đất nước - con người ở An Giang - Nam bộ.

Đầu thế kỷ VII, lợi dụng sự suy yếu của vương quốc Phù Nam, Chân Lạp đã chiếm lấy vùng đất này - Nam bộ (ngày nay). Tuy nhiên, trong đợt biển tiến cuối cùng của thời kỳ Toàn Tân kéo dài 800 năm (350 - 1150), cả Nam bộ chìm trong nước biển nên con người không thể sinh sống ở đây được. Sau khi biển thoái, Nam bộ là một vùng đồng bằng mênh mông, với nhiều vùng sình lầy, khí hậu ẩm thấp và nhiều thú dữ sinh sống, dân cư sinh sống thưa thớt. Hiện trạng này kéo dài trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Châu Đạt Quan trong tác phẩm "Chân Lạp phong thổ ký" đã phản ánh hiện trạng của Nam bộ trong thế kỷ VIII như sau: "... cả vùng là bụi rậm của rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chảy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của những gốc cây cổ thụ và cây mai dài tạo nên nhiều chỗ sum suê. Khắp nơi vang tiếng chim hót và tiếng thú kêu" 5. Đến thế kỷ XVIII, tình trạng hoang vu này vẫn còn được ghi lại trong tác phẩm "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn: "Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu toàn là rừng rậm mấy nghìn dặm" 6.

Tuy vậy, từ thế kỷ X, nước biển rút dần, An Giang trở thành những vùng đất đai màu mỡ thu hút đông đúc cư dân đến cư trú. Từ thế kỷ XII, những người nông dân Khmer nghèo, bỏ trốn sự bóc lột hà khắc cùng các loại thuế khóa nặng nề của các thế lực phong kiến của đế chế Angkor, và họ đã tìm đến đây. Tại đây, họ tập trung sinh sống ở các giồng cát lớn, tổ chức thành khu vực cư trú có mối quan hệ chặt chẽ theo kết cấu dòng họ và gia đình.

Từ năm 1431, quân Xiêm tấn công cướp phá Angkor, để tránh khỏi sự đàn áp và bóc lột của các lực lượng phong kiến Xiêm, nhiều nhóm người Khmer, trong đó có cả các sư sãi và trí thức người Khmer đã tổ chức di cư đến khu vực An Giang và một số vùng khác ở miền Tây Nam bộ sinh sống.

Từ thế kỷ XV trở đi vương quốc Chân Lạp bắt đầu đi vào thời kỳ suy tàn. Năm 1594, thủ đô mới của Chân Lạp là Lovek bị Xiêm chinh phục, đánh dấu sự suy sụp trầm trọng của đế chế này. Sự kiện này cũng tạo điều kiện thúc đẩy hàng loạt người Khmer tiếp tục di cư đến An Giang và nhiều vùng khác ở Nam bộ để tránh chiến sự. Tại đây, họ hòa nhập với những lớp người Khmer đến trước, tiếp tục khai phá và biến những vùng đất sình lầy thành những điểm tụ cư đông đúc.

Trên thực tế, vào thời điểm này, người Khmer là thành phần dân cư duy nhất sinh sống ở An Giang - Nam bộ. Theo một số tài liệu ghi lại, người Khmer ở đây thuộc ngữ hệ Nam, nhóm Môn - Khmer ở lưu vực sông Sê Mun chảy qua Ubon (Thái Lan), vùng Nam Lào và Bắc Campuchia ngày nay. Trên đại thể, họ và người Khmer ở Campuchia là những người đồng tộc có chung lịch sử phát triển, ngôn ngữ, tôn giáo và rất gần gũi và đặc biệt là rất gần gũi nhau về những đặc trưng tộc người. Tuy nhiên, từ khi đến An Giang - Nam bộ sinh sống, nhóm người này đã sống độc lập và không có quan hệ hành chính với bất kì một quốc gia nào thời đó. Và do sống tách biệt với người Khmer ở Campuchia lâu dài, người Khmer ở Nam bộ đã tạo ra những đặc điểm riêng cho cộng đồng mình về cư trú, tinh tế, văn hóa và xã hội.

Đối với An Giang - Nam bộ, từ thế kỷ X - XV, do đợt biển tiến cuối cùng kéo dài 800 năm (350 - 1150), do sự suy tàn của vương quốc Chân Lạp, nên đây là một vùng đất gần như vô chủ, thiên nhiên còn hoang dã, rừng rậm thâm u. Cuối thế kỷ XVI, cùng tình cảnh của người Khmer trước đây, hàng ngàn nông dân người Việt từ phía Bắc của Đại Việt vì chiến tranh, loạn lạc, bị các thế lực phong kiến (Đàng Trong) đàn áp bóc lột phải ly tán về phương Nam, ban đầu cư trú trên những vùng đất Mô Xoài (Bà Ria), Đồng Nai - Gia Định; rồi dần dần tiến xuống chinh phục cả An Giang - miền Tây Nam bộ. Những cư dân người Việt trên vùng đất An Giang (ngày nay) đã đoàn kết, tương thân tương ái, dựa vào nhau mà sống trên vùng đất mới mẻ này, để làm ra hạt thóc củ khoai nuôi mình và nuôi xã hội, chống chọi với bệnh tật, thú dữ... Họ đã kết hợp lại thành một tổ chức xã hội, với tên gọi là "nậu" - một hình thức tổ chức xã hội phổ biến ở miền Trung và miền Bắc nước ta. Mỗi "nậu" cử ra một "trưởng nậu" - người lanh lợi, có sức khoẻ, hiểu biết - để chỉ huy, điều hành mọi sinh hoạt của "nậu", từ việc sản xuất, xây dựng nhà cửa, đến việc ma chay, hiếu hỷ... Đây là một tổ chức xã hội mang tính tự quản cao, mang tính chất của một xã hội dân sự. Các "nậu" thường tụ cư trên hai địa bàn chính:

- Vùng ven núi, ven rừng để khai thác nguồn lợi từ rừng núi như săn bắn, khai thác gỗ và trồng các loại hoa màu.

- Trên các giồng cao ven sông hay trên các cù lao để sinh sống, sản xuất.

Ở đây, người Việt cùng người Khmer áp dụng khá hiệu quả các phương pháp canh tác phù hợp với môi trường tự nhiên, lựa chọn các giống lúa thích hợp với từng loại đất hay từng loại ruộng.

Người đến trước giang tay đón người đến sau:

Người đi dao rựa dắt lưng

Ngó sông sông rộng, ngó rừng rừng cao

(ca dao)

Như vậy, trước khi vùng đất An Giang được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, nơi đây đã có đông đảo người Việt, Khmer, Hoa... sinh sống.

3. Vai trò của Nguyễn Cư Trinh trong việc xác lập chủ quyền vùng đất ở An Giang và Nam bộ

Nguyễn Cư Trinh là một danh sĩ nổi tiếng đương thời, ông không chỉ học giỏi đỗ đạt, giữ chức quan cao trong triều đình chúa Nguyễn, mà còn nổi tiếng về tài năng đức độ. Sau khi giúp chúa Nguyễn đánh dẹp cuộc nổi dậy của bộ lạc người Hrê ở Đá Vách (Quảng Ngãi) vào năm Canh Ngọ (1750) Nguyễn Cư Trinh được điều động vào Nam thực hiện công cuộc mở đất, xác lập chủ quyền vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm Quý Dậu (1753) với chức Thượng thư bộ Lại Kiêm Tào vận sứ, tước Nghi Biểu Hầu, ông được chúa Nguyễn cử vào miền Nam mở mang bờ cõi, khẩn hoang lập ấp, thực hiện kế sách đối phó với Chân Lạp. Ông đã chủ trương và tạo điều kiện thúc đẩy các đợt di dân tự phát của người Việt, đẩy mạnh quá trình di dân vào khai phá vùng đất mới, tiến tới xác lập chủ quyền của đất nước.

Năm 1756, quốc vương Chân Lạp là Nặc Nguyên đưa quân uy hiếp người Côn Man (người Chiêm Thành), thừa lệnh chúa Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Cư Trinh đưa quân tấn công đánh bại. Nặc Nguyên phải chạy sang Hà Tiên nương nhờ họ Mạc, sau đó dâng đất Tầm Bôn, Lôi Lạp để chuộc tội 7. Chúa Nguyễn đồng ý và cho người hộ tống Nặc Nguyên về nước. Từ đó, Nặc Nguyên được sự bảo hộ của chúa Nguyễn, mà trực tiếp là Nguyễn Cư Trinh - vị tướng ngoài biên ải. Như vậy, Nguyễn Cư Trinh đã có công lớn trong việc chinh phạt Chân Lạp, duy trì sự ổn định cho vùng Nam bộ, bảo vệ cuộc sống của những di dân Chiêm Thành chạy loạn, né tránh chiến tranh.

Năm 1757, Nặc Nguyên mất, tình hình Chân Lạp tiếp tục rối ren, Nguyễn Cư Trinh nhận thấy đây là cơ hội cho Đàng Trong củng cố thế lực của mình ở vùng miền Tây Nam bộ. Do đó, khi Nặc Nhuận (quan Giám quốc) - chú họ Nặc Nguyên - người thay thế Nặc Nguyên bị Nặc Nhuận (con rể) giết chết cướp ngôi, Nguyễn Cư Trinh và quyền thần chúa Nguyễn cùng ủng hộ Nặc Tôn (con trai Nặc Nhuận) làm vua Chân Lạp. Để tạ ơn, Nặc Tôn dâng Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc, vùng đất giữa Sông Tiền và Sông Hậu) cho chúa Nguyễn. Từ đây vùng đất An Giang (ngày nay) chính thức sáp nhập vào lãnh thổ đất nước ta.

Sau khi xác lập chủ quyền ở An Giang, Nguyễn Cư Trinh đã thi hành nhiều biện pháp khuyến khích đưa lưu dân người Việt từ miền Bắc, miền Trung vào sinh sống trên vùng đất này cùng với cư dân bản địa là người Khmer; "tổ chức đưa dân đủ mọi tầng lớp vào đây lập nghiệp, không riêng gì dân nghèo, trong đó có cả nhà sư, nhà nho. Ngoài ra, nhà nước còn khuyến khích những người khá giả đứng ra tổ chức đưa dân đi như kiểu đồn điền, vào đây họ sẽ trở thành những chủ điền trang" 8. Theo GS.Trần Văn Giàu, họ là "những người dân Trung, Bác bần cùng, lưu tán hay muốn tránh cuộc phân tranh đẫm máu kéo dài giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn" 9. "Đất lành chim đậu", từ thế kỷ XVIII, cùng với người Khmer, lưu dân người Việt, người Hoa đã đến An Giang ngày càng đông, họ chung tay khai khẩn và biến vùng đất này trở thành một vùng trù phú, nơi giao thương buôn bán mạnh mẽ giữa Đại Việt và Chân Lạp; hình thành nên những khu chợ vùng biên, góp phần đẩy mạnh quá trình xác lập chủ quyền vùng đất An Giang vào Đại Việt.

Bên cạnh việc xác lập chủ quyền, Nguyễn Cư Trinh cũng có công lớn trong việc củng cố chủ quyền trong những ngày đầu, khi vùng đất An Giang vừa sáp nhập vào Đàng Trong, đó là, thực hiện chính sách "an dân", phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách "tầm thực" - theo nguyên tắc "an dân" để "tầm thực".

Trong bối cảnh chính trị, xã hội rối ren giữa thế kỷ XVIII ở vùng đất An Giang - Nam bộ, Nguyễn Cư Trinh thấu hiểu sâu sắc tình cảnh người dân. Ông cho rằng "Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước chẳng thể yên, cho nên nếu ngày thường không chăm dùng ân huệ để cố kết lòng người, thì đến khi có việc xảy ra, còn mong chờ vào đâu?... Nên để cho dân được yên, không nên khuấy động họ, vì yên thì dễ trị, khuấy động thì dễ sinh loạn" 10. Do đó ông đã đề xướng với chúa Nguyễn thực hiện nhiều chính sách an dân, phát triển làng xã người Việt, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt vùng đất An Giang và Nam bộ. Một trong những chính sách tiêu biểu mà Nguyễn Cư Trinh đề xuất trong thời kỳ này là thực hiện "yên dân" để khẩn hoang. Theo ông, muốn "yên dân" không chỉ "không nên khuấy động họ" mà phải hiểu được dân, kể cả dân lậu. "Dân lậu có hai hạng. Một hạng trốn thuế mà đi lang thang, một hạng vì quá cơ hàn mà phải phiêu bạt... Vậy, xin xét cho kĩ, dân lậu nào còn có cái sinh nhai thì thu thuế như lệ thường, còn những ai đói rét khốn cùng thì cho miễn và tùy cách mà vỗ về nuôi nấng để cứu lấy dân nghèo" 11. Cho nên trong một thời gian ngắn, dân số vùng An Giang và Nam bộ từ giữa thế kỷ XVIII trở đi đã tăng nhanh chóng. Chính quyền chúa Nguyễn còn khuyến khích những người giàu có đứng ra mộ dân khai hoang lập ấp. Con số tối thiểu để xin lập một ấp là 10 người, đủ số ấy mới được khai khẩn và lập bộ. Sau đó nếu ấp quy tụ thêm những người dân phiêu tán, thì những người này không cần ghi tên vào sổ bộ, cứ sống theo quy chế dân lậu. Khi ruộng đất thành thuộc, dân đông hơn thì nâng lên thành một làng. Chính quyền cũng ra lệnh cho các hạng dân ai muốn làm đồn điền mà đồ làm ruộng không đủ thì nhà nước cho vay, mỗi năm thu thóc sưu mỗi người 8 hộc, thuế thân xem như quân hạng, lao dịch đều miễn. Kẻ nào không muốn làm đồn điền thì bắt phải thụ dịch tòng chinh, để răn kẻ chơi bời lười biếng. Đồng thời cho phép dân ở các dinh lãnh trưng ruộng đất bỏ hoang, ba năm bắt đầu thu thuế, hạn nộp đơn xin lãnh trưng là 20 ngày, ngoài hạn ấy thì không xét mà đem đất hoang ấy cấp cho quan quân cày cấy, dân gian không được tranh giành.

Nhờ thực hiện tốt chính sách "an dân", phát triển kinh tế, nền sản xuất hàng hóa ở An Giang phát triển và việc buôn bán sớm thành một hoạt động kinh tế sôi nổi, trong thế kỷ XVIII, ở vùng này đã xuất hiện nhiều thị tứ, nhiều tụ điểm buôn bán ở những giao điểm các trục lộ đường thủy, đường bộ, ở các bến đò,... Nói chung là ở những chỗ giao thông thuận tiện và đông người qua lại. Chợ ở An Giang (lúc bấy giờ) có nhiều loại hình: chợ trên bến dưới thuyền, chợ của những ghe buôn nhóm họp ở một giao lộ đường thủy, chợ cố định trên đất liền, chợ lưu động bằng các ghe buôn bách hóa... Các chợ này dùng làm nơi trao đổi buôn bán các loại hàng hóa, trong đó có nhiều chợ hình thành rất sớm và khá trù mật. Ở các chợ ở đây lúc nào cũng đầy ắp các mặt hàng nông lâm thủy sản như lúa gạo, cau, các nông sản khác, sản phẩm thủ công hải sản và lâm sản chưa qua chế biến hoặc đã qua chế biến.

Một An Giang "sáng sủa", một môi sinh xã hội mới mẻ được tạo nên từ bàn tay của người lao động và trí tuệ của những người lãnh đạo quốc gia lúc bấy giờ, trong đó phải kể đến đầu tiên là Nguyễn Cư Trinh. Vị thế và sự phát triển của An Giang đã có một nền tinh tế khá vững vàng với cả nông nghiệp, thương nghiệp ngày một tăng trưởng nhanh chóng. Bằng chính sách thúc đẩy công cuộc khẩn hoang theo kế "tầm thực" của Nguyễn Cư Trinh, vùng đất hoang sơ của An Giang xưa đã sớm trở thành vùng trù phú, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam bộ ngày nay. Lãnh thổ Đại Việt không ngừng được mở rộng và kéo dài xuống phía Nam tạo dựng lên một cơ đồ vững chãi về chính trị, tạo điều kiện cho nền kinh tế Đàng Trong (cả thương nghiệp lẫn nông nghiệp) phát triển, làm cho đời sống của nhân dân được nâng lên, xứ Đàng Trong có sự chuyển biến mạnh mẽ so với nền kinh tế ngày càng lạc hậu của Đàng Ngoài.

Các chúa Nguyễn đã thực thi chính sách "tầm thực" của Nguyễn Cư Trinh, để từng bước đưa các lực lượng di dân Việt và Hoa vào khai phá vùng đất An Giang - Nam bộ ngày nay. Và đã hoàn thành việc xác lập chủ quyền trên toàn bộ vùng đất này vào cuối thế kỷ XVIII.

Quá trình xác lập An Giang và Nam bộ vào lãnh thổ phía Nam của nước ta được tiến hành từ cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII, do sự suy sụp của vương quốc Chân Lạp, do sự di cư khai khẩn của đồng bào các dân tộc Việt, Hoa; đặc biệt, trong đó có sự đóng góp của Nguyễn Cư Trinh thông qua các kế sách "dĩ man công man" và "tầm thực".

Kế sách xác lập chủ quyền của Nguyễn Cư Trinh và thực tiễn quá trình xác lập chủ quyền ở An Giang và Nam bộ không phải bằng con đường chiến tranh xâm lược, mà được tiến hành trên cơ sở khai khẩn trên một vùng đất mới "tầm thực", thông qua sự hợp tác và bằng con đường ngoại giao - "bảo hộ", các vị vua Chân Lạp cắt đất, giao chủ quyền cho chúa Nguyễn. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của các triều đại phong kiến trong lịch sử; đất đai thuộc sở hữu của các vua chúa phong kiến. Sự tồn vong của mỗi một triều đại nào đó gắn liền với quyền sở hữu một lãnh thổ nhất định. Trong thời đại phong kiến, lãnh thổ, quốc gia thuộc sở hữu cá nhân (vua) hay một tập đoàn phong kiến (dòng họ) chứ không thuộc sở hữu của một dân tộc hay của một nhóm dân tộc nào đó. Do đó, đứng trên quan điểm lịch sử, vùng đất An Giang và Nam bộ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của nhà nước phong kiến Chân Lạp, thuộc về các vị vua Chân Lạp lúc bấy giờ (như Nặc Tha, Nặc Nguyên, Nặc Nhuận, Nặc Tôn, Nặc Ông) đã chính thức tự nguyện dâng tặng cho chúa Nguyễn.

Trong lịch sử thế giới đã từng có nhiều quốc gia xuất hiện và tồn tại trong nhiều thế kỷ, sau đó bị diệt vong, lãnh thổ và cư dân của chúng bị sáp nhập vào bản đồ nước khác. "Trường hợp nước Chân Lạp từ thế kỷ XVI trở đi suy yếu, nên có những vùng đất đai của nó tách ra thành những quốc gia độc lập (như Lào, Xiêm) hay sát nhập vào bản đồ Việt Nam (như vùng Thủy Chân Lạp, tức Nam bộ ngày nay)... Không thể nói rằng các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã dụng ý thi hành một chính sách bành trướng, xâm lược đối với Campuchia. Trái lại, có thể nói rằng chúa Nguyễn lúc đó chỉ có xác nhận một tình trạng đã xảy ra, công nhận một sự việc đã hoàn thành, tất nhiên là có lợi cho họ" 12.

* CHÚ THÍCH:

(*) Khoa Sử, Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM.

1. Dĩ man công man hay "dĩ địch chế địch" ý nói lấy người man (Côn Man) chống lại người man (Chân Lạp). Côn Man là chỗ những người Chiêm Thành, vì nhiều nguyên nhân sang tụ họp ở tại xứ Chân Lạp. Từ đó, các bộ sử của triều Nguyễn gọi người Chăm ở Chân Lạp là người Côn Man. Theo Địa chính Giang tập 2, do UBND tỉnh An Giang xuất bản 2007. tr. 205).

2. Lối xâm lấn dần dần như tằm ăn lá dâu.

3. Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr. 1118 - 1119.

4. Đại Nam thực lục Tiền biên, quyển 5. Dẫn theo Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên quyển 2, tr. 214.

5. Châu Đạt Quan, 1970, Chân lạp phong thổ ký, Bản dịch của Lê Hương, Sài Gòn, tr. 80.

6. Lê Quý Đôn, 1964, Phủ biên tạp tục, Hà Nội, tr. 380 - 381.

7. Hai vùng đất đó trở thành hai phủ Gò Công và Tân An.

8. Lê Quý Đôn (1964), Phủ biên tạp tục, Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 440.

9. Trần Văn Giàu (2001), Người Lục tỉnh. Trong sách Nam bộ xưa và nay, tr. 160.

10. Tấu sớ của Nguyên Cư Trinh dâng lên chúa Nguyễn - Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 10) - Dẫn theo Wikipedia.

11. Tấu sớ của Nguyễn Cư Trinh dâng lên chúa Nguyễn - Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 10) - Dẫn theo Wikipedia.

12. Đinh Xuân Lâm, 2002, Quan hệ Việt - Campuchia thời Nguyền trong nửa đầu thế kỷ XIX, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6 (57) - 2002, tr. 20.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Châu Đạt Quan, 1970, Chân lạp phong thổ ký,Bản dịch của Lê Hương, Sài Gòn.

2. Lê Quý Đôn (1964), Phủ biên tạp tục,Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Trần Văn Giàu (2001), Người Lục tỉnh. Trong sách Nam bộ xưa và nay. Hội Khoa học Lịch sử TP. HCM.

4. Đinh Xuân Lâm, 2002, Quan hệ Việt - Campuchia thời Nguyễn trong nửa đầu thế kỷ XIX,Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6 (57) - 2002, tr. 20.

5. Từ điển văn học(bộ mới), Nxb Thế giới, 2004

6. UBND tỉnh An Giang, 2007, Địa chí An Giang, tập 2.

7. http://vi.wikipedia.org

Xem Thêm

Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Đề xuất giải pháp triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL
Ngày 18/4, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bạc Liêu (Liên hiệp hội) và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh tổ chức Hội thảo: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” - Những vấn đề đặt ra.
Nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học gửi tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
Tại hội thảo “Một số ý kiến của trí thức khoa học công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV” diễn ra sáng 9/4, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung quan trọng về kinh tế-xã hội, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW...

Tin mới

Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.