TS Trương Đình Hiển: Võ đài của tôi là thực tiễn đất nước
Với ông, khát vọng cống hiến cho đất nước vẫn vẹn nguyên như thời trai trẻ. Bạn bè và giới nghiên cứu thường gọi ông là con người yêu nước rất hồn nhiên. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại nhà riêng của ông, nằm khuất trong một con hẻm nhỏ ở Q.5, TP.HCM.
- Đang “ngồi” ở Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietso Petro), thu nhập cao, ổn định, đâu là lý do khiến ông về với miền Trung?
Tôi quan niệm nơi làm việc tốt nhất là nơi có thể phát huy tối đa chất xám của mình. Vì vậy, sau hai năm làm việc ở liên doanh trên, tôi xin về lại Viện Khoa học Việt Nam .
Lúc đó, nước ta đã hình thành hai vùng kinh tế trọng điểm. Ở miền Bắc là tam giác Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh còn ở miền Nam là TP.HCM, Biên Hòa và Vũng Tàu. Còn miền Trung thì vẫn được xem như cái “đòn gánh tre”, nghèo rơi nghèo rớt. Nghiên cứu một số tài liệu nước ngoài, tôi thấy nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Hàn Quốc, Singapore… đều chọn xuất phát điểm là những vùng duyên hải, làm bàn đạp để tiến sâu vào nội địa.
Nhìn lại miền Trung, tôi thấy “khúc ruột” này có vị trí rất tuyệt vời. Mặt hướng ra biển Đông, sau lưng là tiểu vùng sông Mê Kông. Để tận dụng được lợi thế, trước tiên miền Trung phải có cảng nước sâu, tạo thành đầu mối giữa nội địa và thế giới. Chỉ có như vậy mới làm được đại công nghiệp, mới xây dựng được trục giao thông, mới đi ra giao lưu với thế giới.
Mùa Xuân năm 1992, chúng tôi đưa ra đề cương nghiên cứu 12 cửa biển ở miền Trung để từ đó lựa chọn ra những địa điểm tốt nhất để xây dựng cảng biển nước sâu và khu công nghiệp. Tuy nhiên, ý tưởng đó không được ủng hộ.
- Điều đó cũng đồng nghĩa với việc “chương trình nghiên cứu 12 cửa biển ở miền Trung” không được rót kinh phí nghiên cứu?
Đúng vậy. Nghiên cứu và tính toán các số liệu là một khối lượng công việc khổng lồ và phức tạp, không thể làm thủ công mà phải sử dụng máy tính. Những tài liệu về Dung Quất chúng tôi lưu trữ đến giờ lên tới hàng mét khối. Thời điểm đó, phương tiện này đã bắt đầu du nhập vào thị trường Việt Nam nhưng giá rất mắc. Có những viện nghiên cứu còn không trang bị nổi một cái máy tính.
Chúng tôi vay mượn của người thân, bạn bè, hùn lại được gần 20 lượng vàng. Phần lớn khoản tiền này được dùng để mua hai dàn máy vi tính, hai máy in và một máy quét (scanner), phần còn lại để mua số liệu và làm công tác phí cho những chuyến khảo sát thực địa. Trong quá trình thực hiện đề án, may mắn là chúng tôi nhận được một hợp đồng tính toán các dẫn liệu đầu vào về các điều kiện tự nhiên cho việc thiết lập đường ống dẫn khí từ mỏ Rồng Bạch Hổ về Nhà máy gas Dinh Cố (Thủ Đức).
Nhờ vậy, chúng tôi không chỉ trả hết nợ vay mà còn có dư, đầu tư thêm vào công tác nghiên cứu cho các khu vực khác ở miền Trung. Tháng 9/1992, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu có được, chúng tôi đã chọn ra ba địa điểm có thể xây dựng cảng nước sâu và khu công nghiệp là Dung Quất (Quảng Ngãi), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) và Nhơn Hội (Bình Định).
- Nhưng tại sao Dung Quất lại là phương án được triển khai đầu tiên, thưa ông?
Chúng tôi thống nhất với nhau rằng trước mắt chỉ trình một phương án. Vì nếu trình cả ba thì chắc chắn hai phương án còn lại sẽ bị loại, không còn cơ hội để trình lại.
Thế là chúng tôi quyết định đưa Dung Quất ra trình trước tiên vì phía trước có vùng biển nước sâu, kín gió, không bị sa bồi, dân cư thưa thớt, gần đường dây 500 Kv, có nguồn nước lớn từ sông Trà Bồng và sông Trà Khúc…, mặt sau của Dung Quất là Tây Nguyên, có đường 24 lên Kontum và đến cửa khẩu Bờ Y, thông qua Lào - Campuchia - Thái Lan - Myanmar.
Tuy nhiên, theo thủ tục, chúng tôi trình dự án lên tỉnh Quảng Ngãi và sau khi tiếp nhận, tỉnh trình tiếp lên Chính phủ. Tháng 9-1992, sau khi khảo sát thực địa vũng Dung Quất, chúng tôi gửi cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi một bản báo cáo tóm tắt, trình bày dự án xây dựng cảng nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất có tầm cỡ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Một tuần sau, tôi nhận được điện thoại của ông Phạm Hữu Tôn - phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi. Ông Tôn cho biết đã đọc bản báo cáo của tôi và tham khảo ý kiến một số người am hiểu về Quảng Ngãi thì tất cả đều nói rằng “ông Hiển viết rất hay nhưng không có thật”.
Ông ấy dẫn ra bốn lý do. Thứ nhất, người Pháp ở Việt Nam cả 100 năm, người Mỹ, người Nhật cũng đều có thời gian ở Quảng Ngãi nhưng không hề đề cập đến việc có thể xây cảng nước sâu ở Dung Quất. Thứ hai, Viện Thiết kế Giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải theo yêu cầu của tỉnh đã tư vấn thiết kế cảng Sa Kỳ.
Mặc dù đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng nhưng công trình cách Dung Quất 18km này được nhân dân và báo chí gọi là cảng “Sa Lầy” vì nó là một cảng cạn với độ sâu chỉ khoảng ba mét, tàu bè đi lại khó khăn, hiệu quả kinh tế kém.
Thứ ba, một nhóm giáo sư tiến sĩ ở Hà Nội sau khi đi khảo sát đã để lại cho tỉnh một bản báo cáo dày khoảng trăm trang, nêu rõ Quảng Ngãi không được thiên nhiên ưu đãi, nên tập trung phát triển nông nghiệp. Cuối cùng, một đoàn công tác của Tổng cục Dầu khí, có cả chuyên gia nước ngoài, đi tìm địa điểm đặt nhà máy lọc dầu ở miền Trung đã để lại cho tỉnh một cái công văn với nội dung rất ngắn gọn: “ Quảng Ngãi có 130km bờ biển nhưng không có địa điểm để làm cảng nước sâu và xây dựng nhà máy lọc dầu”.
Tôi trả lời rằng cảng là một thực thể khách quan, có thể nhìn được, sờ được, tính toán được… vậy tại sao không mời các công ty tư vấn kiểm tra đề xuất của chúng tôi. Thực tiễn là chân lý. Đúng lúc đó thì có một công ty tư vấn của Nhật Bản đến làm việc với Phân viện Khoa học Việt Nam dưới sự chủ trì của GS.TSKH Trần Mạnh Trí. Sau buổi làm việc, họ đã nhất trí tiếp cận với Quảng Ngãi và Dung Quất để tiến hành khảo sát thực địa và xem xét phương hướng đầu tư.
Với nhiều chuyến khảo sát hiện trường, họ nhận định Dung Quất chính là nơi để Việt Nam cất cánh trong thế kỷ XXI, thậm chí vị trí còn ưu việt hơn cả cảng Nagoya của Nhật Bản. Tháng 12/1992, báo cáo chi tiết được Quảng Ngãi trình lên Chính phủ.
Ngày 19/9/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thị sát Dung Quất và quyết định hình thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kéo dài từ Liên Chiểu (Đà Nẵng) đến Dung Quất. Mười tám tháng sau, chúng tôi tiếp tục báo cáo với ông về Chân Mây. Khi ông về hưu, ông Phan Văn Khải lên làm thủ tướng, kế tục con đường của ông với công trình cảng nước sâu Nhơn Hội.
Tiến sỹ Trương Đình Hiển ra thăm Nhà máy lọc dầu Dung Quất (nguồn: nuocnga.net) |
Tôi nghĩ rằng số lượng cảng biển ở miền Trung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi và vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của nó đối với đất nước.
Khi đề nghị xây cảng nước sâu ở Quảng Ngãi, có nhiều ý kiến cho rằng có hàng hóa đâu mà làm cảng nước sâu. Nhưng nếu mời gọi đầu tư, các nhà đầu tư sẽ e ngại vì có cảng đâu mà đầu tư. Nghĩa là chúngta rơi vào câu chuyện luẩn quẩn “con gà có trước hay cái trứng có trước”.
Thiết nghĩ, chỗ này có gà thì tạo điều kiện để nó đẻ trứng, chỗ kia có trứng thì tạo điều kiện để ấp nở thành gà. Quảng Ngãi là một ví dụ điển hình. Từ một tỉnh nghèo với GDP vài trăm tỉ đồng mỗinăm, hiện nay Quảng Ngãi đã trở thành một khu đại công nghiệp lớn nhất cả nước, gia nhập câu lạc bộ hai ngàn tỉ đồng và sắp tới còn tiến xa hơn nữa.
- Năm 2002, ông đã chỉ ra hàng loạt sai lầm trong công tác thiết kế xây dựng cảng biển ở Dung Quất, Chân Mây và một số cảng khác ở Việt Nam. Phải chăng đó là những lý do khiến tiến độ triểnkhai công trình ở Dung Quất chậm lại?
Sự chậm trễ của Dung Quất là do cách tổ chức làm ăn, huy động vốn… còn những sai lầm trong thiết kế cảng Dung Quất cũng như các cảng khác sẽ liên quan đến sự trường tồn của khu kinh tế biển miềnTrung và các nơi khác. Những sai lầm trong thiết kế gây bức xúc trong dư luận, báo chí vào cuộc, đến mức Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã chuẩn bị tổ chức một hội thảo để mổ xẻ vấnđề.
Giấy mời đã phát, tham luận của các diễn giả, trong đó có tôi, đã gửi về ban tổ chức nhưng đến phút chót thì hội thảo bị hoãn và vụ việc cũng chìm dần vào lãng quên. Chỉ có tiền của nhân dân là mất.Điều đáng nói là rất nhiều công trình cảng biển ở nước ta do TEDI Port (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) tư vấn thiết kế đều mắc những lỗi kỹ thuật tương tự như ở Dung Quất.
- TEDI Port không phải là trường hợp hy hữu. Tình trạng “con làm, cha nghiệm thu” diễn ra ở khá nhiều ngành…
Tôi nghĩ rằng không phải lãnh đạo của chúng ta không biết. Lỗi hệ thống này đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắc đến nhiều lần. Nhưng có vẻ như vẫn còn mắc mứu ở đâu đó mà chưa thể giải quyết đượcmột cách triệt để. Quyền thường đi kèm với lợi.
- Giờ đây, Dung Quất đang thành hình. Sứ mệnh của ông liệu đã hoàn thành?
Công trình Dung Quất vẫn chưa xong. Tiềm năng của Dung Quất còn lớn lắm. Dung Quất là một đại nghiệp, vì vậy, nó là công việc thuộc nhiều thế hệ, của hàng triệu nhân dân. Cũng như Sài Gòn, đã thayđổi rất nhiều kể từ khi Nguyễn Hữu Cảnh đưa quân tiến vào Gia Định khai hoang lập ấp cách đây hơn 300 năm nhưng nay vẫn còn tiếp tục phát triển lên nữa. Tôi nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Còn làmđược gì, còn đóng góp được gì cho đất nước thì tôi không từ nan.
Cách nay ít bữa, đại diện một doanh nghiệp điện thoại cho tôi, đề nghị ký kết hợp đồng tư vấn. Tôi trả lời rằng nếu các bạn thì tôi đến, không phải băn khoăn chuyện hợp đồng, tiền nong gì hết. Tôi làmột võ sĩ. Võ đài của tôi là thực tiễn đất nước. Làm khoa học mà gần 70 tuổi vẫn có người kêu “thượng đài” là một hạnh phúc lớn, lớn lắm.
- Nhưng khoản thù lao đó là sức lao động của ông kia mà?
" Tôi có cảm giác bây giờ người ta bị đồng tiền chi phối nhiều quá. Chua làm mà đã tính đến quyền lợi, tính toán từng đồng tiền cắc bạc thì làm sao "vươn ra biển lớn" . - Ts Trương Đình Hiển |
Tôi có cảm giác bây giờ người ta bị đồng tiền chi phối nhiều quá. Chưa làm mà đã tính đến quyền lợi, tính toán từng đồng tiền cắc bạc thì làm sao “vươn ra biển lớn”. Tiền nhân của chúng ta làm được chuyện lớn là bởi đồng tiền không sai khiến họ được.
- Mười mấy năm lăn lộn với miền Trung là chừng ấy thời gian ông đi biền biệt. Công việc ở nhà dồn hết lên vai bà nhà?
Tôi thấy bây giờ người ta hay nhắc đến những quyền như tự do, dân chủ, học hành… nhưng có một chuyện ít người quan tâm là bày tỏ lòng biết ơn. Tôi biết ơn Nhà nước, biết ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, biết ơn chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và những người công nhân trên công trường Dung Quất… Nếu không có những con người đó thì tâm huyết của chúng tôi mãi mãi chỉ là xấp giấy nằm trong hộc bàn.
Tôi biết ơn vợ tôi vì đã chăm sóc chu đáo cho các con của chúng tôi lúc tôi vắng nhà. Tôi biết ơn các con tôi vì đã chăm chỉ học hành, không làm điều sai quấy để khiến tôi phải bận lòng.
- Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị Trung ương IV năm 2007 là Chiến lược biển đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn. Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Tổng cục Biển và Hải đảo tổ chức ngày 26-12-2008, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên dự báo đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp 53% GDP của cả nước trong khi giá trị kinh tế thu được từ biển hiện chỉ chiếm 12% GDP (theo Tuần Việt Nam). Ông nghĩ sao về ý kiến của ông Nguyên?
Là người làm khoa học, tôi chỉ phát biểu khi đã có đầy đủ thông tin. Điều tôi băn khoăn là cơ sở để đưa ra con số dự báo trên. Cách nay năm mươi năm, tiền nhân của chúng ta đã nhìn thấy vai trò quan trọng của kinh tế biển.
Nhưng từ năm 1975 trở lại đây, tôi có cảm giác chúng ta đầu tư quá ít cho việc nghiên cứu và phát triển về hải dương. Đất nước có hơn 3.200km bờ biển nhưng không hề có một viện nghiên cứu chuyên trách về công trình thềm lục địa.
- Chúng ta có Viện Hải dương học Nha Trang đấy chứ, thưa ông?
Tôi cũng đã có thời gian công tác tại cơ quan này. Đội ngũ nghiên cứu của viện này ngày càng mỏng, trang thiết bị quá lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chúng ta cứ lùi dần trong khi thế giới tiến như vũ bão trong nghiên cứu về hải dương. Gần ta nhất là Trung Quốc.
Năm 1964, khi tôi qua Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), công tác nghiên cứu của họ còn phải dựa rất nhiều vào các chuyên gia của Liên Xô. Thế nên, họ đã gặp rất nhiều khó khăn khi Liên Xô rút toàn bộ lực lượng này về nước. Muộn còn hơn không, tôi đề nghị Đảng và Nhà nước phải thành lập một viện nghiên cứu chuyên trách về biển càng sớm càng tốt, thậm chí, nói một thì phải làm hai, làm ba.
- Ở nước ta, viện thường thuộc một cơ quan ngang bộ. Nếu như viện do ông đề xuất lại trực thuộc một bộ nào đó thì khó mà tránh được tình trạng “mặc áo không qua khỏi đầu”, ấy là chưa kể chúng ta cũng đã có Tổng cục Biển và Hải đảo?
Liên Xô trước đây có Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Đây là cơ quan có tiếng nói quyết định về các công trình quốc gia. Chúng ta cũng có Viện Khoa học Việt Nam , tuy nhiên, vai trò của cơ quan này còn rất hạn hẹp. Chúng ta đã tụt hậu quá xa so với thế giới. Cần phải tư duy lại về biển. Đấy là vấn đề sống còn của đất nước.
Ngày xưa, tầm nhìn của chúng ta hạn chế, giang sơn chỉ ra đến mép nước. Bây giờ thời thế đã khác. Quan niệm đất nước ta hình chữ S có lẽ đã không còn phù hợp nữa. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là đất nước ta hình gì?
Tôi nghĩ Nhà nước nên xuất bản những tài liệu, công bố cụ thể cho nhân dân được biết lãnh thổ Việt Nam gồm những cái gì, chỉ rõ đâu là vùng lãnh hải, đâu là vùng đặc quyền kinh tế, đâu là vùng thuộc quyền tài phán, đâu là phần chồng lấn với các quốc gia khác.
Vùng biển của mình, lãnh thổ của mình mà nước ngoài nhảy vô khai thác là không thể chấp nhận được. Những ngày qua, tôi rất phẫn nộ khi biết tin các tàu đánh bắt cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn bị Trung Quốc bắt và đòi tiền chuộc trong lúc đang khai thác tại vùng biển của chúng ta. Việc làm như vậy là trái với luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của Việt Nam .
Kinh tế biển là một phạm trù rộng, gồm tất cả những yếu tố mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia có chủ quyền trên vùng biển đó như khoáng sản, tài nguyên, giao thông, cảng, khí hậu…
- Một vấn đề cũng đang được dư luận quan tâm là việc di dời cảng Sài Gòn ra khỏi khu vực nội đô của TP.HCM. Theo đó, một phần lớn của cảng Sài Gòn sẽ dời về Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, phần còn lại ra sông Thị Vải. Ông nghĩ sao?
Tôi nghĩ đây là một chủ trương đúng. Nhưng di dời đi đâu lại là một vấn đề khác. Việc di dời một phần cảng ra sông Thị Vải là đúng. Tiếc là không gian của sông Thị Vải không còn nhiều. Một cầu cảng dài năm bảy trăm mét là quá khiêm tốn so với quy mô của một cảng quốc tế. Còn về Hiệp Phước, tôi thấy có hai vấn đề.
Thứ nhất, nếu luồng vào theo luồng sông Lòng Tàu thì chỉ những tàu có trọng tải hai mươi ngàn tấn đến ba mươi ngàn tấn mới cập cảng. Thứ hai, nếu tàu vào theo hướng sông Soài Rạp thì cũng rất khó vì cửa sông này có một cồn cát rộng hàng trăm cây số vuông.
Có nhiều ý kiến cho rằng nên nạo vét cồn cát này nhằm tạo luồng đủ sâu cho tàu có trọng tải trên 50 ngàn tấn vào cảng. Nhưng theo tôi được biết thì chúng ta hoàn toàn chưa chứng minh được tính khả thi, song chiến lược xây dựng khu đô thị - cảng nước sâu Hiệp Phước đã được triển khai.
Tôi đã từng đề xuất phương án di dời cảng Sài Gòn về Gò Gia. So với Hiệp Phước, khu vực này có địa thế thuận lợi hơn, chẳng hạn như nền cao hơn, rộng hơn… đặc biệt luồng vào rất sâu, đủ khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới cả trăm ngàn tấn.
- Trong giới khoa học nghiên cứu về biển, Trương Đình Hiển được xem là một tiếng nói phản biện khá gay gắt. Có lẽ vì thế mà nhiều người cảm thấy khó chịu?
Tôi mang một món nợ với tiền nhân, với đất nước. Thời chiến, khi cả nước đi ra mặt trận thì tôi là một trong số ít những người được Nhà nước gửi đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh.
" Tất cả những ý kiến của tôi đều xuất phát từ quyền lợi của đất nước, của dân tộc, chứ không phải vì sự đố kỵ cá nhân" - Ts Trương Đình Hiển |
Tất cả những ý kiến của tôi, đều xuất phát từ quyền lợi của đất nước, của dân tộc, chứ không phải vì sự đố kỵ cá nhân. Thương mới khó chứ ghét thì dễ lắm. Có khi mình chẳng làm gì cũng bị người ta ghét. Tôi không sợ bị ghét. Tôi chỉ sợ hổ thẹn với lòng mình.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
TheoThượng Tùng(Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)