Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 17/05/2006 22:18 (GMT+7)

TS Nguyễn Trọng Hiền – Người đầu tiên cắm lá cờ Tổ quốc tại Nam Cực

TS Nguyễn Trọng Hiền là người đã thiết kế và xây dựng thành công bộ thu bolometer và kính viễn vọng, mà một trong những chiếc kính viễn vọng đó đã được đặt ở Nam cực, mùa hè năm 1992.

Trong lần thứ hai đi Nam cực (tháng 12.1993), anh đã cắm lá cờ Việt Nam bên cạnh cờ của 13 nước khác trong Hiệp ước Nam cực trước sự ngỡ ngàng và thán phục của các đồng nghiệp.

Sau một thời gian giảng dạy ở Trường Đại học Chicago, anh trở về California và được nhận vào làm việc tại Phòng thí nghiệm hỏa tiễn của NASA (tháng 7.1997) mà không phải qua bất kỳ cuộc thi tuyển nào. Tại đây, anh có thể làm việc bất cứ thời gian nào mình muốn, hoàn toàn không phải chịu sự kiểm soát.

Hiện tại, công việc chính của anh là nghiên cứu chế tạo kính thiên văn cho các đài thiên văn vũ trụ. Dự án mới nhất anh đang thực hiện là nghiên cứu chế tạo kính thiên văn cho đài thiên văn vũ trụ hợp tác giữa Mỹ và châu Âu, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2007.

Thông qua GS Đinh Ngọc Lân, chúng tôi được biết anh đang có những dự án nghiên cứu khá thú vị ở Nam cực và muốn tìm hiểu về những công việc anh đang làm. Khi viết thư trả lời những câu hỏi của Tạp chí Hoạt động Khoa học (TCHĐKH), TS Nguyễn Trọng Hiền (TS NTH) đang trên đường đi Nam cực (những câu chuyện nghiên cứu ở Nam cực của anh sẽ là những câu chuyện rất thú vị mà chúng ta sẽ có dịp nhắc tới trên một số bài báo khác), nhưng anh đã tranh thủ trả lời chúng tôi ngay khi có thể.

- Xin anh cho biết, hiện anh đang phụ trách lĩnh vực nghiên cứu nào ở NASA? Công trình khoa học nào mà anh tâm đắc?

Tôi hiện đang công tác tại Phòng thí nghiệm hoả tiễn - Jet Propulsion Laboratory (JPL), NASA, ở thành phố Pasadena, California, Mỹ. Tôi là một người nghiên cứu chuyên sâu của Phân ban Vật lý Thiên văn, là thành viên của Nhóm chuyên ban Vũ trụ học (Cosmology).

Tôi về công tác tại JPL từ năm 1997. Lúc ấy, tôi là một postdoctoral scholar (nghiên cứu sinh sau tiến sỹ) của California Institute of Technology (Caltech). Đến năm 1998, tôi trở thành một khoa học gia (Scientist), thành viên chính thức của JPL và từ năm 2002 là nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu (Research Scientist). Hiện nay, JPL có khoảng 5.000 nhân viên, đa số là các kỹ sư và kỹ thuật viên, còn lại một số ít là khoa học gia. Tôi không nắm rõ con số người Việt Nam ở đây, song có lẽ không quá 50 người. Một trong những người Việt Nam có thành tích được biết đến nhiều nhất ở đây là TS Eugene Trinh. Ông vốn là một phi hành gia, đã từng lên phi thuyền con thoi của Mỹ (nếu tôi nhớ không nhầm là sau chuyến bay với phi hành đoàn Soviet của Phạm Tuân).

Lĩnh vực nghiên cứu của tôi là chế tạo thiết bị quan trắc thiên văn ở các bước sóng mm và sub-mm (sóng viba). Các vấn đề thiên văn mà tôi tâm đắc nhất là sự phát triển của vũ trụ, đặc biệt là giai đoạn phôi thai (Early Universe) - qua việc đo đặc tính bất đẳng hướng của bức xạ nền vũ trụ (the anisotropy of the cosmic microwave background radiation) và sự cấu thành của các vật thể thiên văn lúc vũ trụ mà ta biết vừa tạo thành. Điều tôi mong mỏi là hiểu được một cách xác đáng hay phát hiện được những cơ chế vật lý trong kỷ nguyên cấu thành này (the formation epoch), vốn xảy ra cách đây từ 10 đến 15 tỷ năm.

- Anh có thể giúp gì (hiện tại và tương lai) cho các nhà khoa học ViệtNam, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không - vũ trụ và vật lý thiên văn?

Lĩnh vực hàng không - vũ trụ và vật lý thiên văn ở Việt Nam hiện đang còn giới hạn. Tôi nghĩ tình trạng này sẽ thay đổi rất nhanh trong thời gian sắp tới nhờ việc cập nhật thông tin qua Internet, và một phần nữa là các bài toán thiên văn khá hấp dẫn và không quá khó đối với những bộ óc tò mò của người Việt mình...

Hiện tại, tôi cố gắng giới thiệu các em học sinh Việt Nam với các đồng nghiệp của mình ở các viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới. Bước đầu, chúng tôi đào tạo các nhà vật lý thiên văn cho Việt Nam ở nước ngoài. Trong tương lai, tôi mong mỏi được cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước thành lập ra một cơ sở đào tạo cho các em học sinh trong nước và được cộng tác chung trong một chương trình nghiên cứu lâu dài. Tôi nghĩ thế giới ngày nay đã thu nhỏ hơn và ta nên tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước ra nước ngoài công tác. Việc cộng tác chung sẽ tạo điều kiện cho các học sinh Việt Nam học hỏi được các nhà nghiên cứu nước ngoài, và đó cũng là một cách để giải quyết vấn đề kinh phí cho công việc nghiên cứu. Tôi cho rằng, đòi hỏi Nhà nước ta đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu vật lý thiên văn là điều không dễ thực hiện, điều này vốn đã khó thực hiện ở các nước tiên tiến, huống chi là ở nước ta. Còn vấn đề giáo dục vật lý thiên văn lại là một chuyện khác. Tôi cho đây là một câu hỏi chính đáng. Giúp được gì cho các nhà khoa học Việt Nam là điều tôi và các bạn học hằng mong mỏi, kể từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi cho rằng, đây là ước mơ và là niềm vinh dự cho bất cứ người con Việt Nam nào, ở bất cứ nơi đâu.

- Ý kiến của anh về nền khoa học và công nghệ ViệtNamhiện nay? Để khoa học và công nghệ Việt Nam có thể phát triển, theo kịp các nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, theo anh, các nhà quản lý và khoa học Việt Nam cần phải làm gì?

Đây là một câu hỏi khó. Điều trước tiên là tôi tin ở con người chúng ta. Tôi thực sự khâm phục ý chí của người Việt Nam chúng ta. Nếu có điều kiện, họ sẽ làm không thua bất cứ ai.

Nền khoa học và công nghệ hiện đại là một sân chơi rất rộng. Khó mà có một tiêu chuẩn cho thế nào là bắt kịp hay không. Điều quan trọng là mình có sẵn điểm mạnh nào thì hãy tạo điều kiện cho chúng phát triển. Không cần thiết phải chạy theo thế giới tiên tiến trên mọi lĩnh vực. Ở Mỹ, để phát triển một lĩnh vực gì thì người ta mời các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực đó về dẫn dắt đội ngũ nghiên cứu của mình. Đây là cách để bắt nhanh với sự phát triển của thế giới mà chúng ta rất nên học tập.

Một điều quan trọng nữa là, các nhà quản lý cần tạo điều kiện để có một sự hợp tác khoa học giữa các nhà nghiên cứu trong nước với châu Âu, châu Úc, các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản thì dần dần ta sẽ phát triển. Đây là một vấn đề cần được bàn thảo thêm và liên quan đến công tác đào tạo, rất cần Nhà nước cung cấp một ngân sách nhất định... Về cơ bản, tôi nghĩ hướng đi nên là như thế. Điều này có thể chứng thực bằng cách nhìn lại kinh nghiệm trong 20 năm qua: Người Việt Nam có mặt ở khắp nơi trên thế giới và đã gặt hái được nhiều thành công trong khoa học và công nghệ ngay trong thế hệ đầu tiên.

- Cảm ơn anh và chúc anh luôn thành công.

Nguồn: Tạp chí Hoạt động khoa học, số 4/2006.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.