Truyền thống xây và bảo vệ đất nước của dòng họ Lê Nhân
Lần theo sử sách, và nhân đọc tập Lê Nhân tộc phả kýcủa dòng họ Lê Nhân, (thôn Kim Cốc, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia), chúng tôi muốn làm rõ thêm những đóng góp quý giá của dòng họ này có thể coi là kỳ tích trong truyền thống đấu tranh của nhân dân vùng đất địa đầu xứ Thanh này. Một dòng họ đã trải qua hơn 500 năm lịch sử, qua 21 đời với hơn 4000 nhân đinh, hàng ngàn hộ đang có mặt trên 10 huyện của Thanh Hóa, Nghệ An và sinh sống rải rác trên nhiều vùng đất nước, luôn giữ vững truyền thống quý báu của dòng họ mình từ trong lịch sử, nổi bật trên các mặt sau:
Nhiều người có công trong xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền
Gia phả dòng họ Lê Nhân cho biết, cụ Lê Nhân Thực quê ở thôn Trà Giai, Đông Triều, Hải Dương, vào thời giặc Minh xâm lược đã đưa vợ con vào Thanh Hóa sinh sống. Cụ đã đến đây khai khẩn đất hoang, đắp đê ngăn mặn, tổ chức dân đinh bảoo vệ vùng biển Nam Thanh, Bắc Nghệ. Công trạng của cụ Lê Nhân Thực đã được vua Khải Định ban cho 2 đạo sắc, phong là phúc thần của làng Kim Cốc. Điều đáng lưu ý, cả 2 đạo sắc năm Khải Định thứ 2 (1917) và năm Khải Định thứ 9 (1924) đều đã ghi, cụ được ban thần hiệu: “Dực bảo trung hưng linh phù Quản lĩnh hầu kiêu kỵ úy”, tức là chức quan võ, nhưng công trạng cụ thể như thế nào, hiện vẫn tồn nghi.
Cũng theo gia phả họ Lê Nhân, cụ khải tông tổ Lê Nhân Quý đỗ khoa Hoành Từ dưới thời vua Lê Nhân Tông (1442 – 1459), được bổ làm tri phủ Thụy Anh (Thái Bình) rồi làm tri phủ Thiệu Thiên (Thanh Hóa), sau thăng Tổng ty ngự tiền trung quân. Ngày 6 tháng 6 năm Mậu Thìn (1460), Lê Nhân Quý đã cùng các đại thần: Nguyễn Xí, Lê Lăng, Đinh Liệt, Lê Niệm… phế Nghi Dân, đưa Lê Tư Thành (tức Lê Thánh Tông) lên ngôi Hoàng đế. Từ sự kiện này, Lê Nhân Quý được ban hàm Tam phẩm.
Tháng 12 năm Canh Dần (1470), Lê Nhân Quý đã theo vua Lê Thánh Tông đi dẹp giặc Chiêm Thành quấy rối phía Nam, khi thắng trận trở về, ông đã được vua trọng thưởng. Dưới thời Hồng Đức, Lê Nhân Quý được bổ làm Đông các đại học sĩ.
Cụ Thế tông tổ Lê Nhân Kim nhờ quốc ấm của cha là Lê Nhân Quý, được sung vào Sùng Văn Quán, được phong làm Nhân nghĩa công thần trụ quốc. Năm Kỷ Tỵ (1509), cụ đã theo Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang trừ nghịch thần, truất Lê Uy Mục, lập Lê Tương Dực lên ngôi vua. Năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) làm phó tướng cùng Nguyễn Hoàng Dục trừ nghịch tặc. năm 1515 cùng Trịnh Duy Sản dẹp loạn ở Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương… được phong Minh nghĩa công thần phụ quốc thượng tướng quân. Ngày 19 tháng 6 cùng năm cụ đã hy sinh khi giao chiến với giặc.
Cả 3 cụ Lê Nhân Thực, Lê Nhân Quý, Lê Nhân Kim do có nhiều công trạng trong việc xây dựng nhà nước trung ương thời Lê nên đều được phong làm Thành hoàng làng Kim Cốc.
Truyền thống khai hoang mở đất
Mở đầu cho công cuộc khai hoang mở đất của dòng họ Lê Nhân là cụ khải tổ Lê Nhân Thực. Sau khi rời đất Lương Niệm, Quảng Xương, cụ đã đến thôn Bộ Đầu xã Hà Nẫm (nay thuộc xã Hải Bình), khai khẩn đất ven biển, sau lại dời đến thôn Vinh Quang, xã Đồng Đội (nay là xã Tĩnh Hải) khai khẩn được hơn 3 mẫu đất, ở được vài năm lại dời đến chân núi Đòn. Suốt 10 năm ở đây, cụ Lê Nhân Thực cùng con cháu khai vỡ được một diện tích khá rộng tới hàng chục mẫu đất ở Đồng Cao, Mả Róc, Cồn Cách thuộc xã Mai Lâm bây giờ. Từ vùng đất này, cụ Lê Nhân Thực đã tổ chức đắp đê nhiều năm, thau chua rửa mặn, biến bãi hoang thành đồng nội và tổ chức dân phòng, bảo vệ làng xóm, góp phần giữ yên vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ.
Cụ Lê Nhân Quý, sau những năm tháng góp công xây dựng triều đình đã về nghỉ hưu tại quê nhà. Công lao lớn nhất trong công cuộc khai hoang mở đất của cụ là tổ chức đắp đê ngăn mặn từ phía Đông núi Tháp đến Cồn Mả Nghè còn gọi là đê Hoàng Cách dài gần một kilomet. Cũng nhờ con đê này mà từ một vùng nước mặn thông lưu đã thành hàng ngàn mẫu ruộng.
Với cụ Lê Nhân Kim, từ lúc đương quan, cụ đã góp gia sản của nhà cùng các dòng họ Trần, họ Nguyễn sửa sang, bồi trúc đê cũ, đắp thêm đê Đụn, từ Tây Nam Tháp Sơn đến phía đông thôn Đồng Lại (nay là thôn Hữu Lại), vừa phân lũ trong mùa gió bão, vừa làm đường giao thông, góp phần hưng thịnh quê nhà. Gia phả họ Lê Nhân cho chúng ta biết thêm, đời thứ 6 có khuyến nông sứ Lê Nhân Năng chuyên coi về việc nông tang. Có năm mất mùa, cụ đã bỏ thóc gạo của nhà phát chẩn cho dân nghèo. Đời thứ 11 có cụ phó sở sứ Lê Nương, coi sóc đồn điền cho Nhà nước. Tiếp tục truyền thống khai hoang mở đất của dòng họ Lê Nhân, các thế hệ tiếp nối đã tạo nên một diện tích rộng lớn khắp các xã Mai Lâm, Tân Trường, với những cồn bãi như cồn Đồi, Cồn Thỏn, Đồng Mây, đồng Rừng, đồng Trà… là niềm tự hào của một dòng họ đã đổ không biết bao mồ hôi và máu để tạo lập.
Truyền thống học hành khoa bảng
Sử sách chưa cho chúng ta rõ hơn về truyền thống học hành khoa bảng từ thời cụ khải tổ Lê Nhân Thực ở Đông Triều trước khi đưa gia đình vào Thanh Hóa. Đến đời cụ Lê Nhân Quý, dưới thời vua Lê Nhân Tông, đã thi đậu khoa Hoành từ “Khâm thụ Hàn lâm viện, kiêm Đông các Đại học sĩ” như gia phả họ Lê Nhân ghi rõ. Như vậy, cụ Lê Nhân Quý là người khai khoa đầu tiên cho dòng họ này. Theo thống kê qua gia phả, không kể từ đời cụ Lê Nhân Quý, từ đời thứ 4 đến đời thứ 18 đã có 35 người đỗ đạt từ Tú tài đến Cử nhân. Đời thứ 6, 5 người con cụ Khuyến nông sứ Lê Nhân Năng đều đỗ sinh đồ. Đời thứ 10, 5 người con cụ sinh đồ Lê Vinh Nhạ, đỗ sinh đồ xứng đáng là “ngũ tử đăng khoa, nhân xưng ngũ quế”, người đời đã ví cụ là người có 5 cây quế danh thơm tỏa ngát.
Con cháu dòng họ Lê Nhân tuy không có nhiều người làm quan to quyền nghiêng thiên hạ, nhưng đã có tới 16 đời có người tham gia việc nước, thấp nhất cũng là quan phủ, huyện, tổng hay đốc học. Cũng từ trình độ học vấn nhất định, nhiều người đã chuyên tâm với nghề làm thuốc cứu người. Chỉ tính từ đời thứ 13 đến đời thứ 20 đã có 17 vị đông y với nhiều môn thuốc gia truyền luôn được nhân dân khắp vùng Nam Thanh, Bắc Nghệ tri ân.
Trên hương án tại tổ đường họ Lê Nhân dưới chân núi Tháp, có hai bài vị được thờ. Một bài vị thờ 53 vị dòng họ Lê Nhân và cạnh đó là bài vị thờ Tiến sĩ Đỗ Trương (đỗ năm 1475), vừa là ngoại tổ vừa là thầy học của cụ Đông Các Đại học sĩ Lê Nhân Quý. Truyền thống tôn sư trọng đạo của một dòng họ như thế là hiếm thấy trong lịch sử khoa bảng nước nhà.