“Trường thành xanh” ngăn sa mạc
Hai ngàn năm trước, người Trung Quốc bắt đầu xây dựng Trường Thành để chặn đứng những cuộc tiến công của giặc ngoại xâm. Ngày nay, người Mông Cổ cũng đang xây dựng một bức trường thành tương tự. Điều đặc biệt là bức trường thành này không phải được dựng lên từ gạch đá mà là bằng… cây xanh.
Bức trường thành bao gồm các loại cây thông, bách xù, đào gai, dương… sẽ được trải dài trên 3000 km qua sa mạc Gobi để ngăn các trận bão cát và hiện tượng sa mạc hóa đang đe dọa trực tiếp đất nước này. Dự kiến, người ta sẽ phải mất 30 năm để hoàn thành bức tường sinh thái trên và sẽ phải cần ít nhất một khoản tiền là 150 triệu USD để hiện thực hóa tham vọng này của người Mông Cổ.
Mục đích Mông Cổ triển khai dự án khổng lồ này nhằm tự bảo vệ chính mình và thế giới nói chung trước những trận bão cát từ sa mạc Gobi. Được những cơn bão từ Trung Á tiếp sức làm cho mạnh thêm, cát bụi của những trận bão này bay sang cả khu vực Đông Á và xa hơn. Những đám mây bụi từ sa mạc Gobi ảnh hưởng nặng nề tới miền Nam Mông Cổ và phía Bắc Trung Quốc, che phủ bầu trời của Trung Quốc và Hàn Quốc, khiến các sân bay phải đóng cửa và gây nên một số căn bệnh về đường hô hấp. Thậm chí, người ta còn phát hiện dấu vết của những cơn bão cát này ở vùng Kansas của nước Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương.
Mặt khác, Mông Cổ là một trong những nước có tốc độ sa mạc hóa ở mức đáng báo động. Hiện nay, sa mạc đã chiếm gần 1/10 tổng diện tích của quốc gia này, trong vài năm trở lại đây đã có gần 700 con sông bị khô cạn, và lượng mưa trung bình đã giảm 10% so với những năm 1940. Sự nóng lên của khí hậu toàn cầu có thể là một nguyên nhân của hiện tượng này. Nhưng đặc thù của lối canh tác du mục của những người dân ở đây cũng là một tác nhân không nhỏ gây nên hiện tượng sa mạc hoá.
Vì lẽ đó, bức “Trường Thành xanh” này trở thành một đòi hỏi hơn bao giờ hết để bảo vệ môi trường sinh thái của Mông Cổ nói riêng và khu vực nói chung. Trong hai năm qua, một phần của bức tường thành đã dần hình thành với hơn 360.000 “chiến sĩ xanh” đã và đang bảo vệ cuộc sống cho hàng triệu người dân trong khu vực. Khi dự án được hoàn tất, người ta hy vọng nó sẽ là lá phổi điều hòa khí hậu cho Mông Cổ. Đây cũng sẽ là một kỳ quan biểu tượng cho ý chí chinh phục thiên nhiên của con người.
Nguồn: KH&ĐS Số 88 Thứ Sáu 3/11/2006