Trước mắt cần “những nhà khoa học chuyên sâu” hơn là những nhà lý thuyết suông
>> Thành lập ĐH đẳng cấp quốc tế: Gấp rút từ bây giờ
>> ĐH đẳng cấp quốc tế: Bài học từ Hàn Quốc
>> Xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế: Chọn lối đi nào?
>> Một số đề nghị để đưa học liệu mở vào Việt Nam
>> Xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN: Làm ào ào sẽ hỏng!
Anh Đặng Đình Thi, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nghiên cứu sinh Kỹ thuật Hàng không, University of Florida, Hoa Kỳ đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi xoay quanh việc xây dựng đại học ĐH đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam với Tuổi Trẻ Online.
Xây mới và kiện toàn đội ngũ giảng dạy
* Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây trên báo chí, ông Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư), Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng quốc gia về giáo dục, tổ trưởng Tổ Công tác xây dựng Đề án thành lập trường ĐH đẳng cấp quốc tế, cho rằng cần phải xây dựng hẳn một trường mới. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
- Về quan điểm xây mới hay xây trên nền một đại học có sẵn, tôi xin có ý kiến như sau:
Cá nhân tôi nhất trí cao với quan điểm của ông Trần Xuân Giá cho rằng “phải xây dựng trường mới. Kinh nghiệm thực tế đã cho thấy cải tạo một trường cũ khó lắm. Sức ì hiện rất mạnh. Bước đi chậm chạp của hai ĐH Quốc gia là một ví dụ”.
Lấy ví dụ về đội ngũ giảng viên đang giảng dạy tại các trường đại học : hãy nhìn thẳng vào sự thật xem nếu chúng ta xây dựng trên một nền đại học có sẵn thì kiện toàn đội ngũ giảng viên này như thế nào?
Chỉ xét trên khía cạnh làm nghiên cứu khoa học của giảng viên, nếu kiện toàn để hướng tới một ĐH đẳng cấp quốc tế thì chúng ta phải cho phần lớn đội ngũ giảng viên này “nghỉ mất sức” hay chuyển công tác. Nhiều giảng viên của chúng ta chưa từng nghiên cứu khoa học, chưa từng có một công trình được đăng báo quốc tế, chưa từng báo cáo tại các hội nghị lớn quốc tế, thế thì làm sao mà có kinh nghiệm để hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học?
Nhiều người tốt nghiệp bằng đỏ ở các nước Đông Âu, tuy cũng có những công bố nghiên cứu khoa học ở các nước đó nhưng khi về nước thì xa rời công việc nghiên cứu từ mấy chục năm nay rồi. Do nhiều nguyên nhân (chủ quan và khách quan), họ đã không cập nhật trau dồi kiến thức chuyên môn lẫn ngoại ngữ, máy tính, sử dụng Internet.
Có người được cho là giáo sư đầu ngành của Việt Nam, nhưng lại không biết những giáo sư nổi tiếng thế giới trong ngành mình là những ai, ở đâu. Họ cũng không biết trong ngành của mình có những tạp chí gì, và tạp chí nào là nổi tiếng nhất... Đấy là chưa kể có những người không còn có tư cách một người thầy nữa, thế thì làm sao có thể trở thành giảng viên của ĐH đẳng cấp quốc tế mà chúng ta đang mong muốn xây dựng được?
Kiện toàn đội ngũ giảng viên này hoàn toàn không phải là điều dễ dàng nhưng lại là điều kiện tiên quyết của một ĐH đẳng cấp. Liệu chúng ta có làm được không? Tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta phải có một tiêu chuẩn quốc tế nghiêm túc đế đánh giá và tuyển chọn lại giảng viên. Sau đó xem xét để sửa lại Luật Giáo dục, Luật Công chức đã, rồi mới kiện toàn sâu và rộng toàn bộ đội ngũ giảng viên chúng ta.
Nếu xây dựng trên cơ sở một ĐH có sẵn chúng ta cũng phải xem xét lại vị trí của người hiệu trưởng, của từng trưởng khoa, trưởng bộ môn, và những người quản lý giáo dục khác... Những người này có dễ dàng từ bỏ chức vụ cho người khác làm không?
Nếu chúng ta không kiện toàn lại đội ngũ giảng viên, mà chỉ bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực kể cả những người có thâm niên ở nước ngoài về thì không khác gì “bắt một con cá ở sông về thả ở một ao tù”. Sau một thời gian, chúng ta sẽ thấy nó chết hoặc nếu sống thì cũng phải thay đổi màu da. Làm như vậy, chúng ta sẽ không có một ĐH đẳng cấp, hoặc sẽ không biết đến bao giờ mới có. Chúng ta nên xây mới, xây mới thì chúng ta phải đầu tư vốn lớn, và chắc chắn sẽ có những khó khăn ban đầu, nhưng cái chính là xây mới, dự án của chúng ta sẽ khả thi hơn và phát huy hiệu quả nhanh chóng hơn.
Tôi không nghĩ chúng ta thiếu tiền để xây dựng một ĐH. Về tập hợp đội ngũ giảng viên, kinh nghiệm của các nước khác đi trước như Hàn Quốc cho thấy là không nên lôi kéo các giảng viên giỏi ở các trường khác trong nước, tuy nhiên chúng ta có thể mời những người này làm đồng giáo sư, hay giáo sư thỉnh giảng... cho trường ĐH đẳng cấp quốc tế.
Hiện tại, có rất nhiều người Việt Nam, kể cả những người Việt lâu năm ở nước ngoài có năng lực và tâm huyết, mong muốn cống hiến cho quê hương đất nước, họ là những nghiên cứu sinh, hoặc những nhà nghiên cứu ở các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm lớn ở ngoại quốc, nhiều người là giáo sư tại các ĐH ở nước ngoài. Nếu có môi trường làm việc hấp dẫn và chính sách phù hợp thì họ sẽ về nước nghiên cứu và giảng dạy hoặc làm giáo sư thỉnh giảng.
Đặng Đình Thi, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Nghiên cứu sinh Kỹ thuật Hàng không, University of Florida, Hoa Kỳ. Anh là một trong những người ủng hộ nhiệt tình việc xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. Là một giảng viên trẻ đã theo dõi sát sao những biến chuyển của nền giáo dục nước nhà trong nhiều năm qua, anh đã có một số bài viết gởi đến báo chí để “hiến kế” xây dựng một mô hình ĐH đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam. |
Cầu nối giữa nghiên cứu và nhu cầu xã hội
* Theo anh, mô hình ĐH quốc tế nào thích hợp với Việt Nam?
- Về mô hình ĐH quốc tế tôi xin có mấy ý kiến thế này:
Thứ nhất,ĐH này phải là mô hình ĐH nghiên cứu, hay mô hình viện công nghệ (chú ý rằng, về cơ bản, mô hình viện công nghệ và mô hình ĐH không khác nhau nhiều lắm, như ở Mỹ những viện công nghệ (như MIT hay Caltech) không có khác biệt các ĐH nghiên cứu khác về mô hình, nhưng chuyên sâu hơn về khoa học công nghệ).
Thứ hai,như tôi đã nói trong một bài viết gần đây về ĐH đẳng cấp quốc tế: Bài học từ Hàn Quốc, mô hình ĐH nghiên cứu của chúng ta phải xuất phát từ bức tranh chung của nền kinh tế và giáo dục. Cần xác định đúng vai trò tối quan trọng của khoa học công nghệ trong công cuộc hiện đại hóa và phát triển đất nước, phải nhìn được cái yếu kém chính từ “sản phẩm” của đào tạo ĐH chúng ta.
Ở đây tôi cho rằng ĐH quốc tế của chúng ta phải là một ĐH nghiên cứu kiểu mẫu, là “cầu nối” giữa nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo với sản xuất kinh doanh. Có một vài ý kiến cho rằng chúng ta chưa có thị trường cho giáo dục, vì vậy không nên xây dựng ĐH nghiên cứu. Tôi không đồng ý quan điểm này, hiện tại rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn của chúng ta còn rất lạc hậu, cần cải tiến tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.
Điều cơ bản nhất mà chúng ta chưa có là cầu nối giữa nghiên cứu, đào tạo và thực tiễn sản xuất. Chương trình đào tạo chưa theo hướng thị trường, chưa có cơ chế để tạo ra môi trường phù hợp cho các nhà khoa học.
Có thể học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước đã làm trước chúng ta nhiều năm, ví dụ tại Hàn Quốc vào đầu thập kỷ 60 khi thành lập các viện KIST, KAIST... thì ngành công nghiệp còn kém chúng ta bây giờ; các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Hyundai, LG... mới hưng thịnh và phát triển về sau này.
Thứ ba,chúng ta nên có mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ, mục tiêu ngắn hạn có thể 15-20 năm nữa ĐH đẳng cấp quốc tế này sẽ nằm trong 400 ĐH hàng đầu của thế giới, sau 40-50 năm: trong 200 ĐH hàng đầu, và cuối cùng có thể trong 100 ĐH hàng đầu của thế giới, lấy thứ hạng (ranking) làm một trong những thước đo để phấn đấu, nhưng cái quan trọng nhất là sản phẩm của ĐH này phải đóng góp thiết thực vào vấn đề thực tiễn của Việt Nam.
Theo tôi, trước mắt chúng ta nên chọn một số ngành công nghệ mũi nhọn hướng vào tương lai và công nghệ bản địa, phù hợp với đòi hỏi thực tế của Việt Nam, để đào tạo và nghiên cứu, ví dụ như: công nghệ hóa học và công nghệ sinh học; công nghệ thông tin và điện điện tử; cơ khí và cơ điện tử; điều khiển tự động; khoa học vật liệu; khoa học tính toán (Computational Science)...
Chọn "ngành nào làm hạt nhân?"
Trước mắt, đào tạo và nghiên cứu trong các ngành này phải được coi là “những hạt nhân” trong trường ĐH đẳng cấp quốc tế của chúng ta. Sau đó, theo thời gian, chúng ta phát triển và mở rộng ra các ngành khoa học kỹ thuật khác, các ngành thuộc xã hội nhân văn mà chúng ta đang thiếu các chuyên gia giỏi như là kinh tế, hoạch định chính sách phát triển, luật,...
Nhìn lại các trường lớn trên thế giới, chúng ta thấy ban đầu người ta cũng phát triển từ một số ngành “hạt nhân” được lựa chọn. Chúng ta không thể nào cùng một lúc mà xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế có đầy đủ hết các ngành nghề, trang thiết bị được, không thể nào trong một vài năm mà phát triển ĐH của chúng ta thành một ĐH danh tiếng có uy tín như MIT hay Caltech, Harvard được. Vài chục năm, hay 100 năm sau chúng ta nghĩ đến điều đó mới thực tế hơn.
Theo quan điểm cá nhân tôi, trong giai đoạn hiện nay, trước mắt chúng ta nên đào tạo ra nhiều những người có trình độ chuyên sâu, tức là những người chuyên làm khoa học và nghiên cứu giỏi thực sự, đáp ứng ngay đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, chính điều đó sẽ nuôi sống ĐH đẳng cấp quốc tế và bản thân họ, hơn là những nhà lý thuyết xuông uyên bác.
Có thể trong 20-30 năm nữa các ĐH Quốc gia, các ĐH Bách Khoa và các ĐH khác của chúng ta sẽ phát triển mạnh hơn ĐH đẳng cấp quốc tế mà chúng ta xây dựng thì đó cũng là một trong những mục tiêu của ĐH đẳng cấp quốc tế rồi.
Thứ tư,muốn dự án này thành công trước hết phải chọn được những người lãnh đạo xứng đáng cho ĐH đẳng cấp quốc tế (giám đốc/chủ tịch, và hội đồng quản trị)... chọn được vị giám đốc đúng thì ông ta sẽ biết những cái gì cần phải làm, điều này là rất quan trọng cho ĐH đẳng cấp quốc tế lúc ban đầu. Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh tất cả ý tưởng, mô hình, hay việc viết một bản đề cương chi tiết... cũng không phải là quá khó. Cái quan trọng nhất vẫn là những bước triển khai cụ thể, và cái này quyết định sự thành công của dự án.
Việt Nam chúng ta có rất nhiều ý tưởng hay lúc ban đầu nhưng do không biết cách triển khai hoặc khâu triển khai làm không đến nơi đến chốn nên dẫn đến thất bại kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Tôi lấy ví dụ như Bộ GD-ĐT gần đây đưa Học liệu mở OCW- MIT vào các trường ĐH (thực ra nhiều giảng viên tâm huyết và năng động cũng đã tham khảo Học liệu mở và bổ sung vào bài giảng của họ từ vài năm nay rồi chứ không chờ đến bây giờ), mới đầu làm khá rầm rộ, nhưng bây giờ không hiểu sao lại giao cho Đoàn thanh niên để triển khai Học liệu mở?
Ví dụ thứ hai là chính sách thu hút nhân tài của TP Hà Nội, ban đầu tổ chức tuyên truyền rất rầm rộ, nhưng cuối cùng, tôi được biết, qua báo chí trong 8 thủ khoa được Hà Nội nhận về công tác, 7 người đã ra đi, và hiện tượng “ở trong nhiều người muốn ra, ở ngoài nhiều người không vào được” là phổ biến.
* Xin cảm ơnanh!