Trừ rệp đào hại cây trồng
Tác hại
Rệp đào chích hút dịch cây ở các bộ phận non, làm cho lộc non bị cong queo, rụng sớm; cành lá non không sinh trưởng được. Thời kỳ cây ra hoa - quả, rệp đào gây hại làm rụng hoa quả non khá nhiều. Rệp đào được xác định là môi giới truyền bệnh virút gây khảm màu lá khoai tây và nhiều cây trồng khác. Ngoài ra, chất dịch do chúng bài tiết là thức ăn cho kiến và là môi trường cho nấm muội đen phát triển. Trong các ổ rệp có thể gặp kiến lui tới ăn chất dịch mật do rệp tiết ra và khi cần thiết, chung tha từng con rệp đưa đi nơi khác. Đây được coi là hiện tượng cộng sinh giữa kiến và rệp. Chất dịch mật rệp đào tiết ra sau khi kiến ăn vẫn còn dính bám trên bề mặt lá, cành non, tạo điều kiện cho nấm muội đen phát triển, bao bọc mặt lá, mặt quả, cản trở khả năng quang hợp của các bộ phận lá, làm cho cây chậm lớn, quả giảm chất lượng.
Nhận biết
Rệp đào phát triển theo 2 giai đoạn: rệp non và rệp trưởng thành. Rệp cái trưởng thành không đẻ trứng mà đẻ rệp non. Có 2 dạng rệp trưởng thành: có cánh và không có cánh. Rệp cái không có cánh to hơn rệp cái có cánh, đẻ cũng nhiều hơn, mỗi ngày có thể đẻ 4-6 rệp non. Rệp cái có cành thường hình thành khi thức ăn ở nơi quần thể rệp sống đã cạn kiệt, hoặc khi thời tiết chuyển mùa, bất lợi cho rệp sinh sống. Rệp cái có cánh chủ yếu làm nhiệm vụ di chuyển tìm nguồn thức ăn và bảo tồn nòi giống nên chỉ đẻ rệp non trong vài ngày, mỗi ngày đẻ 2-3 rệp non.
Biện pháp phòng trừ
Theo dõi vườn đào, mơ, mận và cây trồng ngắn ngày từ đầu mùa xuân (khi nhiệt độ ấm dần và có lộc non) để phát hiện các ổ rệp mới xuất hiện đem thu gom tiêu hủy.
Khi rệp phát sinh nhiều, phun một trong các loại thuốc sau: Actara 25WG, Carbavin 85WP, Decis 25 tab, Supracid 40EC… Cần phun sớm khi rệp mới phát triển, lộc non và quả non mới hình thành (tránh phun thuốc khi hoa nở).