Trồng thí điểm củ cải đường ở Việt Nam
Các giống củ cải đường được trồng ở Việt Nam là các giống chịu nhiệt do Công ty Syngenta lai tạo. Ba giống củ cải đường chịu nhiệt được đưa vào trồng thử nghiệm ở Việt Nam là Posada, Doratea và HI 0064. Khi được 1,5 tháng tuổi, cây có thể chịu được 45 oC.
Sau 5 đến 6 tháng, khi thu hoạch, trọng lượng một củ cải đường từ 2-3kg. Ước tính, một ha sẽ cho khoảng 80 tấn củ cải đường. Hàm lượng đường trong củ cải đường từ 14-18%, trong khi hàm lượng đường trong mía chỉ từ 10-12%. Do đó, trồng một ha củ cải đường sẽ thu hoạch được từ 11-16 tấn đường. Còn trồng mía chỉ thu được từ 6-10 tấn đường.
Một ưu điểm khác của củ cải đường là thời gian thu hoạch ngắn (5-6 tháng, so với mía là 12 tháng). Mỗi vụ trồng củ cải đường cần lượng nước tưới 600-800mm, chỉ bằng 1/3 so với mía. Với cây củ cải đường, nông dân có thể cải tạo cơ cấu đất, thành phần cây luân canh và nâng cao năng suất mùa vụ.
Bên cạnh trở thành nguyên liệu cho việc sản xuất đường, củ cải đường còn là nguyên liệu cho ngành chế biến ethanol, một loại nhiên liệu dùng để phối trộn với xăng tạo ra gasohol. Một tấn củ cải đường có thể chế tạo được 90 lít ethanol. Một ha củ cải đường có thể sản xuất được 7.200 lít ethanol.
Đại diện công ty Syngenta cho biết, nếu việc trồng thí điểm củ cải đường chịu nhiệt thành công, sẽ phát triển diện tích trồng củ cải đường tại Việt Nam vào năm 2006 từ 5.000-10.000ha, và 10.000-20.000ha vào năm 2007.
Củ cải đường chịu nhiệt đã được trồng thử nghiệm tại Ấn Độ và một số nước ở Nam Phi vào những năm 1955. Đến năm 2004, tại Ấn Độ, củ cải đường đã được phát triển và trồng thương mại, ở những vùng mà lượng mưa hàng năm chỉ có 500-600mm. Các nhà máy chế biến đường từ mía chỉ cần trang bị thêm một số thiết bị ở giai đoạn đầu là có thể thu đường từ củ cải đường. Thay vì máy ép mía, người ta sẽ đầu tư các loại máy móc để xay nghiền củ cải đường.
Nguồn: tuoitre.com.vn 25/7/2005