Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 21/10/2005 14:40 (GMT+7)

Trồng ngô ngọt vụ thu đông

Giống và thời vụ


Giống ngô siêu ngọt Sugar 75:
Sinh trưởng khỏe mạnh, phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn 70-75 ngày vụ thu đông. Thích ứng với khí hậu nước ta, nên có thể trồng nhiều vụ trong năm. Giống ngô siêu ngọt Sugar 75 cho bắp to, tỷ lệ đóng bắp cao, chắc và đều hạt, lượng đường cao, phù hợp cho ăn tươi và làm nguyên liệu chế biết thực phẩm đóng hộp cho hiệu quả kinh tế cao.


Giống ngô siêu ngọt Hoa Trân:
Bắp lai siêu ngọt Hoa Trân sinh trưởng khỏe, thời gian sinh trưởng ngắn, vụ thu đông khoảng 75-80 ngày, năng suất cao, bắp đồng đều, mỗi cây cho 1-2 bắp, trung bình mỗ bắp nặng 200-250g, hạt vàng, mềm, vị ngọt tuyệt vời. Được người tiêu dùng ưa chuộng, thích hợp cho ăn tươi và chế biết thực phẩm đóng hộp.


Một số giống ngô ngọt khác cũng được bà con nông dân trồng phổ biến như: Các giống lai F1 Hibrix 5 và Hibrix 10…Lượng hạt giống cần cho một sào là 0,45-0,50kg/sào (360m 2).


Thời vụ:
Trồng tháng 8, tháng 9 cho thu hoạch vào tháng 10, tháng 11.

Kỹ thuật trồng trọt


Chọn đất gieo hạt:
Chọn đất tốt giàu dinh dưỡng, đất bãi ven sông, đất phù sa, thịt nhẹ, cát pha chủ động tưới tiêu.


Làm đất, bón phân
: Cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống rộng 90-110cm, cao 20-25cm, rãnh rộng 30cm theo hướng đông-tây. Trồng hàng kép, rạch hai hàng cách nhau 70-75cm. Trên bãi đất ven sông, chân đất màu bằng phẳng, sau khi cày bừa kỹ, cày rạch hàng cách nhau 70-75cm. Giống ngô ngọt thường đóng túi 0,5kg giá 200 đến 250 ngàn đồng, trồng trên 4-4,5 sào bắc bộ.


Mật độ, khoảng cách, cách trồng:
Ngô ngọt trồng với mật độ 1600-1700 cây/sào. Khoảng cách: 70-75x25cm mỗi cây.


Hạt được ngâm nước 10-12 giờ, đem ủ ấm ở nhiệt độ 28-32 oC trong 24-30 giờ cho nứt nanh.Gieo hạt theo kiểu chéo nanh sấu giữa hai hàng đơn liền kề nhau để tận dụng tốt ánh sáng mặt trời. Lấp hạt sâu 2-3 cm bằng đất nhỏ. Cần gieo thêm 3-5% số hạt dự trữ ở một luống nhất định để giặm kịp thời khi bị chết cây con do nhiều nguyên nhân. Có thể làm ngô bầu, tranh thủ được thời vụ, chọn được cây ngô tốt, độ đồng đều cao và xoay được lá ngô ra rãnh luống, cho năng suất cao hơn so với gieo hạt khoảng 10-15%.


Lượng phân bón và cách bón phân:
Tính trung bình cho 1 sào. Phân chuồng 4-5 tạ; đạm ure 12-15 kg; kali clorua 6-8 kg, super lân 20-25kg. Nếu đất chua, cần bón thêm 20-25 kg vôi bột trước khi làm đất.


Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân + 1/3 lượng đạm, kali, bón cách hạt giống 12-15cm (vị trí bón vào giữa hai cây).


Bón thúc đợt 1: Khi ngô có 3- 4 lá thật, bón 1/3 lượng đạm cách gốc 10-15cm, kết hợp với xới phá váng vun nhẹ vào gốc.


Bón thúc đợt 2 khi ngô có 10-12 lá, bón nốt lượng đạm và kali còn lại, kết hợp vét đất ở rãnh luống vun cao vào gốc.


Biện pháp thụ phấn nhân tạo:
Để giúp ngô đẫy hạt ta cần thụ phấn bổ sung cho ngô. Khoảng 8-9 giờ sáng, khi đã khô sương, dùng tờ giấy báo cuốn hình loa kèn hứng bên dưới bông vừa nở, rung nhẹ cho hạt phấn rơi vào, sau đó dùng ngón tay búng nhẹ vào “loa kèn” đựng hạt phấn cho hạt phấn rắc đêu lên râu ngô mới phun, mỗi bắp chỉ cần thụ phấn bổ sung một lần là được. Công việc này phải tiến hành trong 3-5 ngày.


Tỉa bỏ lá gốc già, màu vàng để gốc ngô thông thoáng, giảm sâu, bệnh hại.


Tưới ẩm thường xuyên cho ngô đủ độ ẩm 70-80% độ ẩm đồng ruộng để ngô đạt năng suất cao tối đa.


Phòng trừ sâu, bệnh và cỏ dại


Sau khi trồng được 0-2 ngày cần tiến hành phun thuốc trừ cỏ dại cho ngô bằng các loại thuốc sau: Dual; Ronstar; Lasso…Chú ý phun thuốc khi mặt luống đủ ẩm thì hiệu quả trừ cỏ mới cao.


Trừ sâu hại:
Chú ý trừ sâu xám cắn cây con, sâu đục thân làm giảm mật độ, năng suất ngô. Dùng thuốc Vibasu 5H hoặc Bam 10H lượng 1kg/sào rắc đều lên mặt luống rau khi gieo hạt để trừ sâu xám. Rắc 3-4 hạt thuốc vào nõn ngô sau khi trồng 20-25 ngày và 35-40 ngày để trừ sâu đục thân.


Rệp cờ dùng thuốc Actara 25 EC, Trebon 10EC, Sokupi 0,3 AS…phun trừ.

Thu hoạch


Sau khi trồng được 70-75 ngày, râu ngô đã héo, tiến hành bóc thăm , thấy hạt ngô đã vào mẩy, đạt yêu cầu của thị trường tiêu thụ là thu hoạch, bán tươi.


Nguồn: Khoa học và Đời sống: số59 (1777)

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.