Tôi mong chúng ta đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập tự cường và tự chủ*
Báo “Cứu quốc” (số 416 ra ngày thứ hai 25/11/1946) đăng tin về Hội nghị văn hoá toàn quốc** như sau: “Hà Nội 24/11/1945- Hội nghị văn hoá toàn quốc họp phiên khai mạc sáng hôm nay vào hồi 9 giờ tại Nhà hát lớn. Tới dự có Cụ Hồ, Chủ tịch Chính phủ, cụ Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và mấy vị Bộ trưởng. Các đại biểu, các nhà văn hoá toàn quốc có hơn 200 vị gồm cả Trung Nam Bắc.
“Hồ Chủ tịch đọc diễn văn khai mạc. Mở đầu, Người nhắc lại khi Người sang Pháp vừa rồi, qua Ba Lê thì có dịp có Hội nghị Văn hoá toàn quốc Pháp. Các nhà văn hoá có nhã ý mời Người dự vào Đoàn Chủ tịch danh dự. Nhưng bấy giờ chưa có cuộc đón tiếp chính thức của Chính phủ, nên Người không tiện nhận lời, Người chỉ viết một thư cảm ơn.
“Sau khi Hội nghị văn hoá bế mạc, có 12 nhà văn hoá đàn ông và đàn bà Pháp đến thăm Người. Họ ngỏ ý các nhà văn hoá Pháp hết sức tán thành nền độc lập của Việt Nam . Đồng thời họ nhờ Người chuyển lời chào thân ái về cho các nhà văn hoá Việt Nam . Hồ Chủ tịch khiêm tốn nói rằng Người sẽ chỉ nói đến văn hoá theo ý kiến quan điểm của Người.
“Hồ Chủ tịch thiết tha mong muốn nền văn hoá mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.
“Người nói tiếp đến văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại. Ở đây, Người nói qua về lịch sử của những ảnh hưởng đó. Và Hồ Chủ tịch đưa ra một câu hỏi: Ta nên theo văn hoá nào?
“Theo ý người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam . Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ. Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hoá có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hoá của ta lại còn lấy tự do, độc lập làm gốc.Văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình. Vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng.
“Với xã hội, văn hoá phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nếu được hưởng.
“Số phận dân ta là ở tay dân ta. Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi.
“Hồ Chủ tịch đã xét qua đến tình hình văn hoá Việt Nam sau cuộc Cách mạng tháng Tám.
“Văn chương, nghĩa là viết sách và tiểu thuyết, về phương diện lột cho hết tinh thần dân tộc, chưa một quyển nào đạt được.
“Hồ Chủ tịch đặc biệt chú ý đến nhi đồng… Người thiết tha nói với các nhà văn hoá:
“Tôi tin văn hoá Việt Nam sẽ có một tương lai rực rỡ, tôi lại thay mặt nhi đồng kêu gọi các nhà văn hoá phải chú ý đến nhi đồng.
“Để kết luận, Người nói:
“Tôi mong chúng ta đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.
Do tình thế, Hội nghị chỉ làm việc trong một ngày, buổi chiều và buổi tối họp ở giảng đường trường Đại học phố Lê Thánh Tông. Hội nghị thảo luận về việc thành lập Hội Văn hoá. Người thì muốn dùng hai chữ “toàn quốc”, người thì muốn dùng hai chữ “Việt Nam ”. Cuối cùng, hai chữ “Việt Nam ” được chọn và Hội Văn hoá Việt Nam được thành lập.
Buổi tối, hồi 6 giờ, các đại biểu văn hoá lại họp ở giảng đường trường Đại học, ngay sát một “bốt” của bọn Tây mũi đỏ, để bầu Ban chấp hành của Hội. Tất cả có 106 phiếu bầu, mở phiếu vào hồi 7 giờ 30, có 102 phiếu hợp lệ và 4 phiếu trắng. Mấy anh em tích cực trong Ban thường trực Uỷ ban vận động đã được nhiều phiếu hơn cả và xếp theo thứ tự là: Vũ Ngọc Phan, Hoàng Xuân Hãn, tiếp theo là Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Thi, rồi đến Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Nguyễn Văn Tố, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên… và 4 dự khuyết nữa là: Lưu Hữu Phước, Hoàng Tích Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn.
Hội Văn hoá Việt Nam được thành lập ngót một tháng thì đến ngày Toàn quốc kháng chiến. Tuyệt đại đa số trí thức Việt Nam đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Qua chín năm kháng chiến trí thức Việt Nam đã được tôi luyện, nên đội ngũ trí thức đã dần dần trở thành một khối vững chắc dưới lá cờ của Đảng, quyết tâm phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bất kỳ tình huống nào.
* Lời Bác Hồ.
** Tham dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 1946 gồm đại biểu của hơn 10 đoàn thể văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật.
Nguồn: Khoa học & Tổ quốc, kì 1, 4/2006