Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 27/05/2014 21:37 (GMT+7)

Tiết nghĩa Đại Vương NGUYỄN MẪN ĐỐC

  Làng Dòng là mảnh đất có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Người thành đạt về đường nho học ở các thứ hạng khác nhau thời nào cũng có, nhưng chạm được tên vào học vị Bảng nhãn như Nguyễn Mẫn Đốc thì không có người thứ hai. Ông đỗ tiến sĩ sau Nguyễn Doãn Cung 49 năm, sau thầy học là Trạng nguyên Vũ Duệ, người làng Trình Xá, cùng bản huyện, 28 năm, sau Hoàng giáp Nguyễn Chính Tuân, họ Nguyễn Ba ngành, người đồng hương, 4 năm, cùng thời với Nguyễn Hãng, họ Nguyễn Mả Nội, anh rể, lúc đó đang theo học ở Quốc Tử giám. Làm quan đến chức Thị thư Hàn lâm viện, chuyên soạn các chế, cáo, chiếu chỉ của nhà vua.

Sự kiện Nguyễn Mẫn Đốc vì phù Lê, diệt Mạc mà tuẫn tiết được các tài liệu lưu trữ đương thời ghi nhận chính xác đến từng chi tiết và về cơ bản là thống nhất. Theo chính sử, năm 1527, Mạc Đăng Dung đã tiếm ngôi nhà Lê. Vua Lê Chiêu Tông phải bỏ chạy vào Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay). Sử sách không ghi rõ gia cảnh riêng của Nguyễn Mẫn Đốc lúc đó ra sao, chỉ biết ông đã từ bỏ mọi vinh hoa phúc lộc dành cho một đại thần cùng Vũ Duệ và môn đồ Nguyễn Hoán chiêu tập vài trăm binh mã, quyết tâm ứng nghĩa, nhằm hướng hoàng thượng vừa bôn ba mà chạy theo. Bị quân Mạc truy lùng ráo riết đến châu Lang Chánh thì cùng đường, một số người thoái chí, muốn quay lại liền bị Nguyễn Mẫn Đốc lớn tiếng mắng: “Loài chó lợn! Mau về nhà mà hưởng phú quý!” Nguyễn Mẫn Đốc viết một bức thư bằng máu chích ra tử đầu ngón tay, đoạn dính lên cánh diều rồi thả vào thành, sau đó đập đầu vào đá mà chết để tỏ rõ nghĩa khí của một bề tôi trung thần. Về sự kiện này có tài liệu chép: Nguyễn Mẫn Đốc cùng Vũ Duệ và Ngô Hoán thống suất hương binh theo vua đến Thanh Hoa thì bị dứt liên lạc, không biết nhà vua lưu tán ở đâu, đã hướng về Lăng tẩm bái vọng rồi cùng nhau tự vẫn. Tài liệu khác cho hay: Thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc tìm được vua ở Lạc Thổ, nay là huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, bàn mưu việc lớn nhưng lại bị nhà Mạc binh hùng, thế mạnh đánh bại.

Theo Nguyễn Hữu Mùi thì trong lịch sử khoa cử Việt Nam các triều đại phong kiến luôn coi trọng ngạch văn hơn ngạch võ. Trong cuốn Truyền thống hiếu học và hệ thống Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ ở Vĩnh Phúc xuất bản năm 2011, ông đã đưa ra một nhận định thỏa đáng: “Một điều tưởng như nghịch lý nhưng được cả xã hộ chấp nhận là các vương triều quân chủ Việt Nam thời độc lập tự chủ đều do những người giỏi võ khởi dựng, còn khi điều hành đất nước, lại phải coi trọng ngạch văn, tức phải sử dụng đội ngũ văn quan để cai trị đất nước” (tr.144). Trước khi nhà Lê thiết lập Võ học sở, tức trường Võ học ở Thăng Long, năm 1721, thì suốt cả một thời kỳ dài việc tuyển chọn người tài trong quân đội chỉ được thông qua hình thức tuyển cử hoặc khảo hạch. Quan niệm chính thống cho rằng, trong một xã hội bình yên dưới chính chế tốt đẹp của một vương triều không thể thiếu văn được. Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc cũng là một văn quan.

Công trạng của Nguyễn Mẫn Đốc đã được các thời đại nhìn nhận và đánh giá thế nào? Sau khi đậu Bảng nhãn, ngoài việc được bổ nhiệm ngay vào chức vị cao trong triều, Nguyễn Mẫn Đốc, theo lệ, còn được cấp 18 mẫu đất thế nghiệp để dung riêng và thu tô từ 130 đến 300 mẫu chi phí ngoài lương bổng, phần này gọi là lộc điền. Đó là chưa kể các đặc ân khác. Như vậy từ xa xưa, nhà nước phong kiến Việt Nam đã coi việc đạt được những thành tựu cao trong lĩnh vực khoa cử cũng có thể sánh ngang với những cống hiến trên mọi lĩnh vực xã hội khác. Một sự thừa nhận phân minh, mang tính nhân văn rõ rệt và có ý nghĩa thực tiễn lâu dài.

Không nên quên rằng, triều Lê trung hưng trong điều kiện nhà Mạc đang rất mạnh, không dễ lật ngược thế cờ. Bởi vậy, giải pháp hữu hiệu trước mắt là phải tập hợp lực lượng, giương cao ngọn cờ phù Lê, diệt Mạc. Ngày nay, việc tìm kiếm hài cốt những anh hùng, liệt sĩ đã thất lạc để quy tập về các nghĩa trang và giải quyết chế độ, chính sách đối với những cá nhân, những gia đình có công đối với Tổ quốc đã trở thành nét đẹp trong đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Nhưng ở thế kỷ XVI, thời kỳ đầy nhiễu hương, tao loạn, việc nhà Lê sớm tiến hành tổng rà soát lại danh tính những trung thần, nghĩa sĩ đã tận trung, tận hiếu trước sự tồn vong của mình để đền ơn, đáp nghĩa, như cách nói đời nay, hẳn phải được coi là một chủ trương sáng suốt và hợp lòng người? Không gì khác, đó chính là nghệ thuật thu phục nhân tâm. Nguyễn Mẫn Đốc là một trong 13 bề tôi có công theo vua Lê mà tiết nghĩa được truy phong Tiết Nghĩa Đại Vương, thụy Nhã Lượng. Năm 1667(Đinh Mùi) đời Cảnh Trị thứ 5, niên hiệu vua Lê Huyền Tông, cho phép lập “Tiết Nghĩa từ” ở quê hương, xuân thu nhị kỳ, gia ban quốc tế - chủ tế phải người nhà nước mới xứng tầm. Đây cũng là lúc triều Mạc Kinh Vũ, triều vua cuối cùng của nhà Mạc tan rã. Tên Nguyễn Mẫn Đốc được ghi vào bia đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3 đặt ở Quốc Tử giám (bia số 13). Hài cốt của ông được liệm trong quan, ngoài quách đồng, cho rước về quê táng tại một quả đồi ở xóm Lũng Bô. Còn được dựng Lăng miếu thờ theo kiểu thờ một vương tước, vì thế nơi ấy có tên là Rừng Lăng(Lăng nghĩa là đồi rất lớn). Đôi câu đối tương truyền do vua ban được lưu truyền trong dòng họ và làng xã một thời: “ Tảo tuế khôi khoa thiên hạ hữu – Trung thần tiết nghĩa thế gian vô”.- Đỗ đạt sớm thì thiên hạ có người – Ít tuổi mà tiết nghĩa thế gian không có ai. Xã chí Xuân Lũng, bản chữ Hán và Quốc ngữ hiện còn lưu giữ ở viện nghiên cứu Hán Nôm, do lý trưởng Nguyễn Liên, tiên chỉ Lê Như Bách và trưởng bạ Nguyễn Viết Đạo thị thực, ký tên và áp triện năm 1943, còn ghi lại đôi câu đối: “ Thần chung tử hiếu cương thường tại – Địa hiếu thiên lưu tiết nghĩa trường”- ý rằng, bề tôi trung, con cháu hiếu thảo, cương thường còn,tiết nghĩa bền. Sách Tam khôi bị lục của Hồ Ngu Thụy, dịch giả Nguyễn Hữu Tùng, Bộ Giáo dục Trung tâm học hiệu Sài Gòn, 1968, gọi ông là “ Thiếu niên kim tiết” (tuổi trẻ mà khí tiết như vàng). Các triều vua nối tiếp nhau đều có sắc phong cho Nguyễn Mẫn Đốc, tất cả gồm 10 đạo, bản gốc hiện vẫn còn được cất giữ tại đền thờ ông, Ông được phong Thành hoàng làng Xuân Lũng, Thượng đẳng phúc thần, một nhân thần bên cạnh thiên thần Thành hoàng Cao Sơn Đại Vương. Một số làng xã trong bản huyện cũng tôn ông làm Thành hoàng làng mình. Vinh dự cao quý ấy, lấy gì lo được?

Trùng thuyên bi ký khi bàn về ông có bài tán:

Khoa bảng đỗ đầu

Theo vua tiết nghĩa

Sinh tử đều vinh

Cương thường giữ trọn.

Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Hà Nhậm Đại, niên hiệu Sùng Khang 9(1574) đã có thơ khen Nguyễn Mẫn Đốc in trong tập Khiếu vịnh thi tập(bản dịch):

Nhà vua gặp nạn quyết phò nguy

Hoạn nạn, lời thầy vẫn nhớ ghi

Quán trọm mắng ngay phường chó lợn

Bo bo danh lợi ấy mà chi

Nhớ lúc ba sinh niềm vui cuối

Nghĩa vì một chết để làm ghi

Tiết trong, nước bạc lưu muôn thuở

Tên ở Lam Sơn, đá chẳng đi. Hơn ai hết, Nguyễn Mẫn Đốc thấm sâu nguyên tắc đạo đức của nho gia gồm tam cương là ba đạo vua tôi, cha con, chồng vợ và ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Theo nhà bác học Lê Quý Đôn, đó là rường cột giữ trời đất, là cột đá yên vững nhân dân… từ xưa tới nay chưa có ai từ bỏ điều đó mà có thể đứng vững trong trời đất. Vua, thầy và cha là ba bậc mà Nguyễn Mẫn Đốc phải phụng thờ như một. Ông là người chịu ảnh hưởng giáo dục về nhiều mặt của gia đình và dòng họ mà thân phụ Nguyễn Doãn Cung là tiêu biểu. Xả thân vì vua, Nguyễn Mẫn Đốc đã tỏ rõ lòng trung quân ái quốc của mình, chứng minh sự hết lòng phụng sụ bề trên của mình, đưa lại vinh quang đời đời cho gia tộc, cho quê hương bản quán. Đấy chính là điểm ngời sáng trong phẩm chất tính cách của một con dân, hơn thế, của một đấng trung thần hiếm gặp. Sắc ban cho lập “ Tiết nghĩa từ” chính là nhằm tôn thờ lòng yêu nước của ông, một vấn đề còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với chúng ta. Đâu phải ngẫu nhiên dòng họ Nguyễn Mẫn.. ở Xuân Lũng được vua ban cho đổi sang họ Nguyễn Trung? Con cháu trong họ hôm nay hỏi mấy ai quan tâm đến vinh hạnh có một không hai này?

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.