Tiếng cười dân gian về chó
Trong kho tàng truyện cười dân gian không kết chuỗi, thuộc truyện cười đơn lẻ, có 40 truyện và 26 bản khác mang nội dung liên quan đến chó hoặc đối tượng chính là chó. Có loại truyện về chó phản ánh cuộc sống thường ngày và loại truyện phản ánh cuộc sống tâm linh, mà phần hiện thực, phản ánh cái thế tục chiếm ưu thế hơn. Đó cũng chính là phần nội dung nổi trội, đem lại nhiều giọng cười hơn cả.
1. Chó và cuộc sống thường nhật
Chó là con vật gần gũi thân thiết với con người từ lâu đời. Người xưa coi chó là vật nuôi trong lục súc (bò, dê, chó, lợn, gà, ngựa). Quan niệm thường gặp đối với chó là con vật giữ nhà, trông nom sự an toàn cho gia đình.
Con chó với những thuộc tính sinh vật giống loài được phản ánh qua tiếng cười dân gian khá tự nhiên. Những truyện Biết giữ lời hứa, Cái phúc được ăn thịt, Cãi nhau, Chó cắn, Chó chắp, Chó ngáp, Chọc tức bố vợ, Chưa chắc, Đâu phải con ngủ mà, Đầy tớ lù khù, Kém gì Lý Bạch, Rượu thịt phản ánh sinh động những sắc thái khác nhau thuộc về tập tính của loài chó. Đó là chuyện cất giữ đồ ăn để khỏi bị chó ăn vụng vì Chó treo mèo đậy là một kinh nghiệm đã được tổng kết. Chó thấy người lạ thì sủa, thì cắn, đặc biệt với những đối tượng bị coi là ăn mặc lôi thôi, thể hiện sự nghèo hèn mà dân gian khôi hài nói quá rằng khố rách áo ôm. Chó với những sinh hoạt bài tiết cũng được tiếng cười dân gian lý giải khá thú vị. Sở dĩ chó thường giơ một chân lên khi đi tiểu tiện vì nó liên quan tới lời hứa của chó với trâu. Trâu vốn có 8 chân mà chó lại chỉ có 3 chân. Chó năn nỉ xin trâu cho một chiếc để hình thù trở nên cân đối và di chuyển dễ dàng hơn. Trâu đồng ý với điều kiện không được làm ô uế chiếc chân đó, chả là chó thiếu chân sau mà. Chó đồng ý và từ đó trở đi luôn giữ lời hứa với trâu, không bao giờ làm sai, thường co lên cao để chân luôn sạch sẽ khi cơ thể cần bài tiết. Một bản khác của truyện này có tên Cái bàn tám chân cũng phản ánh nội dung trên, trâu thay thế bằng cái đẳng (cái bàn) tám chân. Chó cũng đến xin xỏ và kết quả như truyện Biết giữ lời hứa kể trên. Liên quan đến việc bài tiết của chó còn có chuyện Đâu phải con ngủ mà phản ánh thực tế chó ăn rất nhiều thứ bẩn, trong đó, có cả vật đã thải ra của con người vậy mà lúc “đi ngoài”, nó lại cho ra đủ loại vỏ khoai, hột ngô, hạt thóc… lổn nhổn. Chuyện chó đực chó cái đi lại với nhau trong mùa sinh sản trở thành chuyện Chó chắp, Cãi nhau. Chó xuất hiện trong những chuyện này khá hồn nhiên theo tư duy dân dã, đôi khi còn đậm chất thô vụng theo lối nói thẳng sự vật với tên gọi vốn dĩ thông tục của nó.
Văn hóa ẩm thực cũng xuất hiện qua những câu chuyện về chó. Thịt chó là món khoái khẩu của dân ta. Không chỉ dân thèm, quan thèm, mà cả sư, cả diêm vương… cũng thèm. Xung quanh chuyện ăn thịt chó có biết bao tiếng cười vui. Cười giễu vợ chồng người nông dân tham lam vội vàng vì nôn nóng muốn ăn dồi chó mà mất đi ba điều ước quý báu (Ba điều ước). Cười giễu anh chàng tham ăn nhưng sĩ diện, kiểu cách, đã ăn cả trôn chó chửa mà mồm vẫn khen thơm, ngon, béo (Tham ăn mắc cỡ). Cười các quan mũ cao áo dài nhưng tham lam ví như loài chó, trên dưới, trước sau… đều là chó cả (Bẩm chó cả). Các vị sư thanh bạch, giữ nghiêm giới luật cũng chỉ là hình thức, thực chất trong trai phòng của sư là món thịt chó - tức “đậu phụ chùa” (Đậu phụ). Và không chỉ sư ăn, chú tiểu cũng là đối tượng tiếp tay cho sư, mua thịt chó về cho sư dùng (Giấu đầu hở đuôi) cùng với thứ gia vị đặc trưng (Lá húng) ám chỉ sẽ giết thịt con chó không chịu nghe lời sư. Dưới âm phủ, vua Diêm vương cũng không giữ nổi thèm muốn bản năng khi nghe tội nhân chó cung khai quá trình bị giết thịt, xào xáo. Vua buột miệng thốt lên: “Thôi đừng nói nữa, tao thèm quá!” và xá cho tội nhân không phải thả vạc dầu (Diêm Vương thèm ăn thịt).
Mảng chuyện cười có số lượng nhiều hơn cả tập trung vào hàng ngũ quan lại, lý trưởng, chánh tổng. Quan hệ quan - chó được lặp lại nhiều lần qua nhiều câu chuyện. Ví quan như chó có các chuyện Bẩm chó cả, Đối được. Ví các quan không bằng chó có các chuyện Ba quan không mua được chó, Chó hơn quan, Ngồi cao hơn đứng, Quan sợ ai. Quan chánh tổng bực tức, sợ Chó biết nói, nói ra thói tật chòng ghẹo đàn bà con gái. Ông lý trưởng ăn bẩn trong truyện Cho ông lý ăn - sản phẩm trẻ con bĩnh ra - chó chê không ăn - kết quả sẽ cho ông lý ăn…
Trong nội dung những truyện cười phản ánh quan hệ quan - chó, ta thấy dường như nhân dân luôn ưu ái, xếp chó hơn quan, quan không bằng chó. Đó là ý nguyện lòng dân, cũng là sự phản ánh thực chất phần nào xã hội phong kiến đã bị tha hóa, trong đó tư cách của các bậc “phụ mẫu chi dân” thật không bằng loại lục súc trong nhà.
Không chỉ quan bị xếp ngang hàng, thậm chí dưới hạng với chó, các vị sư, hòa thượng, thầy đồ cũng bị tiếng cười nhân dân hướng đích đến.
Chân dung thầy đồ truyền dạy chữ nghĩa Thánh hiền hiện lên qua các truyện Chó cắn tay, Dốt mà giỏi, Đã có thầy giữ nhà hộ. Đó là những thầy đồ tham ăn, ăn mất bánh của học trò, tệ hại hơn, còn cắn cả vào tay học trò nữa. Khi cậu học trò nhỏ giãy giụa khóc lóc bắt đền thì thầy ta cuống lên, dỗ dành, căn dặn: “Thôi thôi, bữa nay tao tha mày học, về nhà có hỏi thì mày nói bị chó cắn nhằm tay nhé!” đã lột trần bộ mặt thật của thầy đồ. Truyện Dốt mà giỏi lại đưa ra một chân dung thầy đồ dốt nhầm chữ nọ dọ chữ kia mà lại rất tự tin với sự nhầm lẫn ấy khiến câu chuyện trở nên khôi hài khi tên trộm không bao giờ lai vãng đến nhà đó và thường nói với bạn bè rằng: “Tao sợ nhà ấy hơn nhà có chó dữ”. Như vậy, nhờ sự dốt nát của thầy đồ mà gia chủ vô tình đã thoát được nạn trộm cắp vặt ở nông thôn. Thầy đồ nhát, sợ ma, sợ chó mà lại bị nặng bụng. Tình thế khó khăn buộc thầy phải đánh liều đưa ra giải pháp. Kết quả hôm sau chủ nhà gọi đông đủ các thành viên trong gia đình và tuyên bố: “Nhà ta nuôi một đàn chó, rặt đồ ăn hại. Đêm qua, trộm nó vào đào ngạch, thế mà cả bầy chó không con nào biết. May có thầy, không thì khốn! Thôi đem mà giết thịt cả đi. Từ giờ đã có thầy giữ nhà hộ”. Không những vậy, chân dung những thầy đồ thiếu thực tế, chỉ sách vở suông cũng hiện lên qua câu chuyện Chó thui. Các thầy đồ đều bí không tìm ra đáp án chữ chó thui khi bị anh nghe lỏm xiên ngang đố: “Hai nghệ hai bên, khuyển trên hỏa dưới, là chữ gì?”.
Các học trò dốt cũng trở thành đối tượng của tiếng cười giễu. Vợ đối với chó và câu trả lời chèo chống cho vế đối vụng về:
Tối ba mươi ngoài nhà con chó sủa
Sáng mồng một trong bếp vợ tôi ho.
“Chữ chó và chữ tôi đều là chữ thứ bảy, vậy tôi đối với chó, vậy tôi mới là … chó chứ, có phải mẹ mi đâu! Thế mà cũng đọc câu đối!”. À, hóa ra chị vợ đã nhầm, anh chồng kể cũng tài chống chế!
Đối tượng nhà giàu keo bẩn, hợm hĩnh, cậy tiền cậy bạc làm càn được phản ánh qua các truyện Cà xốc, Cái phúc được ăn thịt. Rốt cuộc, con vật quý của nhà giàu biết gáy: Giàu có kho, hay biết sủa: Giàu hú, cũng chỉ là những lời lẽ láo xược. Và, “con chó ấy cũng giống như ông, cũng có cái phúc được ăn thịt”. Quả thật là những lời kết luận đích đáng của người dân.
Tiếng cười dành cho chính quần chúng nhân dân với những thói hư tật xấu cũng khá phong phú. Tính tham lam (Chó tha bạc, Chó mật), tham ăn (Cầm tinh con cầy); tham uống (Bác cứ mời đi); sĩ diện hão (Ăn cháo tấm, Mượn đầy tớ) bắt chước, rập khuôn một cách ngu xuẩn (Thơ vịnh con chó); khoác lác (Đi săn)… đều trở thành câu chuyện cười giễu khá sâu sắc.
“… Mi không thèm ăn, không thèm mặc, mà tha bạc làm chi kìa” thì đâu phải là lời mắng chó. Phân chó có bao giờ ngọt như mật để trở thành món ngon mời khách? Đó chính là lòng tham của con người dẫn dắt nên câu chuyện trở thành lố bịch, buồn cười. Tương tự, câu tục ngữ Tham như chó cũng được biểu hiện qua việc tham ăn, tham uống chốn đông người. Hơn nữa, tham tiền tham bạc, tham danh tiếng cũng là những thói xấu bị bêu trần qua nụ cười của cả cộng đồng.
2. Chó và văn hóa tín ngưỡng
Bước đầu khảo sát, chúng tôi sưu tầm được ba truyện về chó liên quan đến văn hóa tín ngưỡng Việt. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu tín ngưỡng, người Việt có tín ngưỡng thờ chó. Thông qua nụ cười dân gian, chúng tôi nhận thấy, yếu tố tín ngưỡng thờ chó được thể hiện dưới những nét chấm phá cụ thể.
Truyện Chó đá, kể lại câu chuyện giữa anh nhà giàu keo kiệt nanh ác, sư ông và con chó đá. Vốn đôi chó đá “chầu” hai bên lối đi vào chùa làm nhiệm vụ giữ chùa, chống trộm cắp bị anh nhà giàu kia ngỏ ý xin về một con để “Có chó đá giữ nhà lại chẳng tốn cái nuôi”. Đêm đến, sư ông mơ thấy con chó đá quấn quýt, năn nỉ xin nhà sư cho ở lại giữ chùa vì lý do: “Con sợ nhà giàu lắm! Người ta đồn rằng ông ta “đánh chó đá vãi cứt” thì còn gì là con nữa!”.
Truyện Chó đá đổ máu, nói về người học trò kia kém cỏi quá, đèn sách mãi mà chẳng làm nên công lênh gì. Bạn bè thường đem anh ta ra giễu cợt. Người học trò bực lắm, nhân khi ấy có con chó đá liền trỏ tay nói rằng: “Tôi đỗ ấy à? Bao giờ con chó đá kia đổ máu thì tôi đỗ…”. Ai dè một anh học trò khác tinh nghịch, nhổ bãi cốt trầu lên đầu chó đá rồi gọi bạn bè lại bảo rằng: “Chó đá đã đổ máu kia kìa, khoa này anh ấy đi thi, chắc đỗ mười mươi”. Không ngờ năm ấy anh học trò nọ đỗ thật, bạn bè không ai dám chế nhạo nữa. Những anh thi hỏng thì thào bảo nhau: “Học tài thi phận thật! Anh này thật nói ngáp mà gặp phiên chợ”.
Truyện Hai anh em và con chó đá kể rằng nhà kia có hai anh em đã có gia đình, ăn ở riêng tây. Ngặt nỗi, người anh tham lam quá, chiếm hết của cải nên giàu có. Người em nghèo khó nhưng tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người. Một ngày kia bụt hóa thành lão ăn mày xuống trần thử lòng nhân gian. Quả nhiên, vợ chồng người em đôn hậu nên được nhận của cải trả ơn từ miệng con chó đá. Cuộc sống vợ chồng người em trở nên sung túc khiến vợ chồng người anh nổi máu tham lam, đã chủ động lôi kéo vận may - ông lão ăn mày - về nhà tiếp đãi. Câu chuyện diễn ra như với vợ chồng người em, duy chỉ thay vì vợ chồng người em không tham lam, lấy số vàng bạc vừa mang theo, thì người anh hí hửng vội vàng thò cả cánh tay vào mồm con chó đá định khoắng một mẻ thật to. Ai ngờ, chó đá kia ngậm miệng lại, cánh tay không rút ra được, mà ông lão ăn mày cũng biến đâu mất. Sau ba năm đằng đẵng người vợ phải khổ sở phục dịch người chồng bị chó đá ngậm tay khiến của cải trong nhà người anh ngày một dần mòn khánh kiệt. Thất vọng vì “tưởng là chó đá có vàng, ai ngờ chó đá lại biết cắn”, người chồng nửa khóc nửa mếu đề nghị vợ “ngồi xuống đây cho ta vui dù chút ít, kẻo khi người chết, của hết thì còn giở trò trống gì được nữa”. Người vợ chiều lòng, không biết anh chồng nghịch ngợm vui đùa làm sao, “mà con chó đá trông thấy phải bật cười, há to miệng, người chồng vội rút ngay tay ra được”. Họ vội đưa nhau về, không dám ngoảnh lại trông con chó đá vẫn còn cười và rồi từ đó chừa tiệt cái tính keo cú cay nghiệt, tham lam vơ vét.
Ngoài ba truyện cười không kết chuỗi giới thiệu trên, tới hiện nay, theo sưu tầm của chúng tôi, chưa tìm được truyện nào khác liên quan đến chó dưới góc độ văn hóa tín ngưỡng Việt. Ở đây, yếu tố tín ngưỡng gắn với chó phổ biến trong quan niệm dân gian là con vật thiêng, thường “ngự” trước đền, chùa, đình miếu với tư cách là vật canh giữ, trấn yểm, đảm bảo di tích được an toàn. Có nhà nghiên cứu đã nhận định, chó canh cổng là con vật tham gia kiểm soát tâm hồn người hành hương. Chó canh cổng còn có nhiệm vụ xua đuổi tà ma quỷ quái. Dân gian có câu Chó cắn ma chính là nói về “công việc” quan trọng này của loài chó, trong đó, chó đá là con vật được thiêng hóa ở mức cao hơn chó thật gấp nhiều lần. Tín thức tâm động quỷ thần tri; Nhân bảo như thần bảo; Thần khẩu mách miệng cũng là hiện tượng văn hóa tín ngưỡng khá phổ biến trong đời sống thường nhật. Do vậy, từ câu nói buột miệng của người học trò mà sự việc dẫn dắt như có lực lượng siêu nhiên chi phối. Với những sự việc kiểu dạng này, dân gian thường nhận định là do tác động linh nghiệm của lời nói. Chính vì thế, việc kiệng kỵ, giữ gìn trong lời ăn tiếng nói của con người, nhất là những lời nói liên quan đến sinh mạng, đến học hành, mùa màng.v.v… cần hết sức kiêng né giữ gìn. Truyện cười Hai anh em và con chó đá mang dáng dấp cổ tích mà mục đích là thông qua hành động mở miệng (thưởng vàng bạc) và ngậm miệng (phạt tội tham lam), rồi lại mở miệng cười (tha tội) của chó đá gửi đến con người thông điệp hãy sống nhân hậu, tốt bụng, cuộc sống sẽ được đủ đầy. Chó đá cười trở thành câu tục ngữ nói về sự khôi hài của loài chó (thực) và sự linh nghiệm của loài chó khi mang tư cách thiêng.
Truyện cười dân gian người Việt về chó và các con vật tuy chiếm số lượng không nhiều, song rõ ràng, cùng với những tiếng cười về muôn mặt cuộc sống, tiếng cười về loài vật nói chung, loài chó nói riêng chắc hẳn sẽ đem lại cho độc giả những phút giây thư giãn trong cảm quan chung về một con giáp rất quen thuộc với chúng ta.