Tiền Giang: Nghiệm thu đề tài khoa học – công nghệ cấp tỉnh
Ngày 15/12/2021, Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học – công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu đề xuất mô hình chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp trên nền đất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực khó khăn vùng ngọt hóa Gò Công”. Thạc sĩ Dương Văn Bon, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài chủ trì cuộc họp.
Đề tài do Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) làm chủ nhiệm và Tiến sĩ Trần Thanh Phong (Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh đồng chủ nhiệm Đề tài được triển khai trong 3 năm (2015 – 2017).
Đánh giá hiện trạng sản xuất, phân tích và đề xuất mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả kinh tế, thích ứng biến đổi khí hậu trên đất lúa tại khu vực khó khăn, vùng ngọt hoá Gò Công.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đánh giá hiện trạng sản xuất trên đất lúa khu vực khó khăn, vùng ngọt hoá Gò Công; xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng chuyển đổi, giảm vụ sản xuất lúa (luân canh lúa 02 vụ/năm); đề xuất mô hình phù hợp để nhân ra diện rộng tại vùng ngọt hóa Gò Công
Các nội dung nghiên cứu bao gồm: Thu thập thông tin thứ cấp từ ngành nông nghiệp và đánh giá hiện trạng sản xuất trên đất lúa khu vực khó khăn vùng ngọt hóa Gò Công trong 3 năm liền kề (2015-2017); tham quan, học tập mô hình trồng măng tây, cây màu trên đất lúa tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp; xây dựng các mô hình luân canh tại 2 xã: Bình Xuân (TX. Gò Công) và Tân Phước (huyện Gò Công Đông). Mỗi xã chọn 02 ha (mỗi điểm thực hiện 01 ha); tổng diện tích thí nghiệm 36 ha (4 ha x 9 vụ). Mỗi điểm xây dựng 04 loại hình luân canh: Lúa – lúa – màu; Màu – lúa – màu; Lúa – lúa – lúa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các mô hình luân canh lúa – màu trên nền đất lúa đều cho hiệu quả đầu tư cao hơn so với mô hình độc canh 3 vụ lúa; trong đó, mô hình luân canh màu – lúa – màu cho hiệu quả cao nhất, kế đến là mô hình lúa – lúa – màu và lúa – màu – lúa với các chủng loại rau màu luân canh như: Ớt, dưa leo, khổ qua, cải tùa sại. Một kết quả khác của nghiên cứu là giúp rút ngắn thời gian sử dụng nguồn nước ngọt cuối vụ Đông Xuân khoảng 1 tháng so với trước đây (15 tháng 2 thay vì 15 tháng 3 dương lịch); kết quả nầy có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống hạn mặn vùng ngọt hóa Gò Công. Từ đó, nhóm tác giả cũng kiến nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông” theo Quyết định 3064/QĐ-UBND, ngày 27/10/2016 và Quyết định 717/QĐ-UBND, ngày 19/3/2018 của UBND tỉnh; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất tăng mức hỗ trợ nhằm khuyến khích việc chuyển đổi nhanh mùa vụ và cơ cấu cây trồng cho nông dân vùng ngọt hóa Gò Công.
Kết quả nghiên cứu đề tài được các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và đề nghị xếp loại xuất sắc (loại A)./.
Huỳnh Văn Xĩ