Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 28/02/2023 09:16 (GMT+7)

Tiền Giang: 10 năm triển khai Hội thi Sáng tạo kỹ thuật

Hội thi sáng tạo kỹ thuật (gọi tắt Hội thi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức.

tm-img-alt

Chủ tịch LHH Nguyễn Văn Khang trao giải cho các tác giả đạt giải Hội thi lần thứ XIV, năm 2020 – 2021

Kết quả phối hợp giai đoạn 2012 - 2022

Kể từ năm 2007 (Hội thi lần thứ VII), UBND tỉnh ban hành Quyết định giao trách nhiệm cho Liên hiệp Hội chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan (Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn) tổ chức. Tính từ năm 2012 đến năm 2022, Liên hiệp Hội đã chủ trì tổ chức 6 lần Hội thi (từ Hội thi lần thứ X đến Hội thi lần thứ XV; trong đó, Hội thi lần thứ XV, năm 2022 – 2023 đang triển khai).

Về lĩnh vực dự thi, thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Hội thi toàn quốc, có 6 lĩnh vực tham dự Hội thi cấp tỉnh, bao gồm: (1) Công nghệ thông tin, Điện, Điện tử; (2) Công nghiệp, Cơ khí – tự động hóa; (3) Xây dựng, Giao thông Vận tải; (4) Nông lâm ngư nghiệp – Môi trường; Y dược; (5) Giáo dục – Đào tạo; (6) lĩnh vực khác (Công nghệ sinh học, quản lý).

Về giá trị giải thưởng, căn cứ Thông tư số 27/2018/TT-BTC, ngày 13/3/2018 của Bộ Tài chính Quy định chế độ tài chính cho hoạt động tổ chức Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng, Liên hiệp Hội phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND quy định mức chi cho hoạt động tổ chức Hội thi, Cuộc thi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với mức giải thưởng được tăng lên đáng kể so với trước đây. Theo đó, giải Nhất 30 triệu đồng/giải; giải Nhì 24 triệu đồng/giải; giải Ba 18 triệu đồng/giải; giải Khuyến khích 6 triệu đồng/giải.

Qua 10 năm phối hợp tổ chức, triển khai Hội thi sáng tạo kỹ thuật, tỉnh Tiền Giang thu hút 636 giải pháp tham dự. Trung bình mỗi kỳ tổ chức, Hội thi thu hút 127 giải pháp tham dự thuộc nhiều lĩnh vực; trong đó, có 168 giải pháp đoạt giải cấp tỉnh và toàn quốc, chiếm 27,51% so với tổng số giải pháp dự thi.

Trong số các giải pháp đoạt giải Hội thi cấp tỉnh và toàn quốc, nhiều giải pháp được tác giả hiện thực hóa ý tưởng thông qua quá trình trải nghiệm thực tế và việc nghiên cứu cho ra đời giải pháp sáng chế góp phần giải quyết những khó khăn từ thực tế sản xuất và đời sống. Các giải pháp này cũng được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất, chi phí đầu tư…

Một số kết quả được ứng dụng

Một số giải pháp đoạt giải được tác giả thương mại hóa gắn với dự án khởi nghiệp. Điển hình như: Dự án khởi nghiệp của nhà sáng chế - lương y Đoàn Văn Khanh (Giám đốc DNTN Long Thuận, huyện Châu Thành) được bắt đầu với sáng chế chiết xuất thành công sản phẩm tinh dầu hoa bưởi và nước bưởi ép (đạt giải Hội thi), tiến tới tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số quốc gia như: Đức, Pháp, Mỹ, Canda, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm khởi nghiệp cùng sự ra đời của Công ty TNHH MTV cơ khí và tự động hóa Tân Phước Đông (huyện Tân Phú Đông) với hàng loạt sáng chế phục vụ lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp như: Thiết bị cân bằng động, máy mài lưỡi cưa, máy cưa CD tự động, máy cưa dĩa, máy bấm me lưỡi cưa, máy mở lưỡi cưa…

Đối với nhà sáng chế không chuyên Dương Quốc Thái, sự ra đời của Cơ sở cơ khí Quốc Thái (huyện Cái Bè) gắn với 3 sản phẩm do anh sáng chế gồm: Bộ bông xới, thiết bị đắp bờ, thiết bị đào rãnh nước đã đoạt 3 giải Hội thi là sự nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo của người thợ cơ khí được mệnh danh là “kỹ sư không bằng cấp”, đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động (lao đông cơ bắp) cho nông dân.

Bên cạnh đó, một số tác giả còn tiến hành lập thủ tục đăng ký cấp Bằng độc quyền và Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với giải pháp đạt giải Hội thi. Trong đó: Cơ sở cơ khí Quốc Thái được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Bằng độc quyền “Kiểu dáng công nghiệp” cho thiết bị đắp bờ, thiết bị đào rảnh nước và được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với biểu tượng (logo) của cơ sở. Cơ sở kéo cắt tỉa Phước Lộc (xã An Hữu, huyện Cái Bè) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 5 Bằng độc quyền “Kiểu dáng công nghiệp”, 1 Bằng độc quyền “Giải pháp hữu ích” và 1 Giấy chứng nhận “Đăng ký nhãn hiệu”...

Song song đó, các giải pháp đoạt giải Hội thi còn có những đóng góp quan trọng (trực tiếp hay gián tiếp) vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp, cơ khí, y tế, chăm sóc sức khỏe... Trong đó: Giải pháp “Nhân rộng kết quả đề tài nghiên cứu tỉ lệ nhiễm và xây dựng quy trình phòng một số bệnh đường hô hấp phổ biến trên heo sau cai sữa tại hộ chăn nuôi gia đình ở tỉnh Tiền Giang” (đoạt giải Nhất cấp tỉnh năm 2017).

Mô hình “Cải tiến khám chữa bệnh ban đầu BHYT, xây dựng mô hình chăm sóc ban đầu toàn diện theo các nguyên lý y học gia đình tại tỉnh Tiền Giang” (đoạt giải Nhì cấp tỉnh, giải Ba toàn quốc 2018) giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ và chất lượng sống của người dân theo chủ trương xã hội hóa của ngành Y tế. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, mô hình bác sĩ gia đình phát huy hiệu quả tích cực thông qua thực hiện nhiều hoạt động dịch vụ tại nhà theo yêu cầu của người dân như: Tư vấn, thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm (test nhanh, PCR) cho người nghi nhiễm Covid-19... “Dây chuyền sản xuất bột sữa dừa” do kỹ sư Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất máy và thiết bị công nghiệp Thái Hòa cùng cộng sự nghiên cứu, thiết kế (đạt giải Khuyến khích Hội thi toàn quốc) theo công nghệ tiên tiến của châu Âu với chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với thiết bị nhập ngoại nên khá phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp trong nước. Dây chuyền này có một số ưu điểm so với thiết bị nhập ngoại như: Thời gian sản xuất liên tục khoảng 72 giờ cho một chu kỳ sản xuất, thành phẩm hao hụt ít hơn (từ 0,3 – 0,5%). Mỗi giờ, dây chuyefn này có thể sản xuất 200 kg bột sữa dừa thành phẩm xuất khẩu. Bột sữa dừa có thể bảo quản lâu, rất tiện dụng cho ngành chế biến thực phẩm...

Xem Thêm

Phú Yên: Tuyên truyền Cuộc thi lần thứ 9 và Hội thi lần thứ 11
Ngày 23/4, tại Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa tổ chức tuyên truyền Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng Phú Yên lần thứ 9 (2023-2024) và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 11 (2024-2025).

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.