Thuốc trị bệnh cường giáp
Trong cơ thể, bình thường, tuyến giáp trạng sản xuất ra các hormon có chứa iod là thyroxin và triiodothyronin, dưới sự kích thích của tuyến yên. Thyroxin do iod kết hợp với globulin có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hoá chung của cơ thể, đặc biệt là sự phát dục.
Bệnh cường tuyến giáp trạng – còn được gọi và bệnh basedow - là tình trạng tuyến giáp tăng to và phì đại, gây ra quá thừa nồng độ thyroxin trong máu, dẫn tới các triệu chứng lâm sàng như rối loạn chức năng thần kinh, rối loạn hệ thống tuần hoàn và tim mạch. Ngoài ra còn có thể thấy mắt bị lồi và các triệu chứng như run tay, thay đổi tính tình… Bệnh basedow được xem là bệnh của hai tuyến nội tiết: tuyến yên và tuyến giáp trạng. Sự mất cân bằng giữa hai tuyến nội tiết quan trọng này; nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng suy tim, người suy mòn và bệnh nhân sẽ tử vong. Bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa khám nghiệm và chỉ định điều trị chứ không được tự dùng thuốc.
Các thuốc kháng giáp đã được đưa vào điều trị từ lâu và có những hiệu quả rõ rệt. Hiện nay người ta vẫn sử dụng các chất đã dùng phổ biến như metylthiouracil (MTU), propylthiouracil (PTU), benzylthiouracil (basdene), carbimazol, thiamazok, methimazol (tapazol)… Các thuốc kháng giáp tổng hợp này, chủ yếu được sử dụng qua đường uống, có tác dụng ức chế sự tổng hợp hormon tuyến giáp bằng cách ngăn cản sự hữu cơ hoá iod, làm giảm nồng độ thyroxin và triiodothyronin.
Khi uống, các thuốc kháng giáp được hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá, đạt nồng độ đỉnh trong khoảng 1-2 giờ sau khi sử dụng thuốc. Về liều lượng, tuỳ từng trường hợp mà thầy thuốc có chỉ định cụ thể. Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc cũng khác nhau tuỳ theo từng loại thuốc. Methimazol là loại thuốc có tác dụng mạnh gấp 10 lần so với PTU và có thời gian tác dụng kéo dài nên chỉ uống ngày một lần. Còn PTU thì được cho 2-3 lần một ngày. Trong điều trị tăng năng tuyến giáp, chuẩn bị phẫu thuật hoặc xạ trị tuyến giáp có thể cho uống methimazok mỗi ngày 3 lần, cách nhau mỗi 8 tiếng.
Các thuốc kháng giáp thường được điều trị kết hợp với phẫu thuật cắt tuyến giáp hoặc kết hợp trong trị liệu với iod đồng vị phóng xạ. Trong cơn cường giáp có thể dùng liều khởi đầu cao theo chỉ định của thầy thuốc tại bệnh viện. Thường thì thuốc có tác dụng lâm sàng sau 2-3 tuần sử dụng. Để điều trị có hiệu quả, cần dùng thuốc trong khoảng 8-12 tuần. Thường sau thời gian này liều dùng thuốc giảm đi một nửa hoặc chỉ còn bằng 1/4 liều ban đầu và cần duy trì tiếp tục ít nhất là 12-24 tháng.
Bên cạnh việc dùng thuốc, cần có chế độ dinh dưỡng tốt, nhiều đạm, đường, chất béo và vitamin để người bệnh mau hồi phục. Cần có chế độ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để tránh các yếu tố kích thích, chấn động thần kinh.
Bệnh cường tuyến giáp ở trẻ em có nhiều liên quan đến rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương, thường mang yếu tố gia đình và di truyền. Bệnh thường khởi phát sau sang chấn về tinh thần hoặc sau nhiễm khuẩn. Bệnh Basedow ở trẻ dưới 1 tuổi có tính chất bẩm sinh. Ở trẻ em khi bị cường chức năng tuyến giáp, trẻ thường lớn cao nhanh hơn bình thường, ăn nhiều nhưng lại gầy sút cân, trưởng thành giới tính chậm hơn trẻ cùng tuổi. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu bất thường đó cần đưa ngay trẻ đi khám bệnh.
Nguồn: Thuốc & Sức khoẻ, số 308, 15/5/2006