Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 02/03/2007 21:04 (GMT+7)

Thử bàn về vấn đề đổi đạo hay nguyên nhân du nhập và tiếp nhận đạo Công giáo ở Việt Nam

1. Cách đặt vấn đề nghiên cứu

1.1. E. Fromm nhận xét: mọi nền văn hoá đều bắt nguồn từ tôn giáo. Không cường điệu như vậy, nhưng chúng ta khẳng định rằng tôn giáo là một bộ phận quan trọng của văn hoá, và lẽ đương nhiên, cần phải nhìn nhận sự du nhập đạo Công giáo vào Việt Nam là một sự du nhập văn hoá - thực chất là kết quả của sự đụng độ, giao thoa giữa các nền văn hoá Đông - Tây. Quá khứ không mất đi mà không để lại dấu vết, và nắm bắt quá khứ cũng là một cách để hiểu rõ hiện tại.Trong bối cảnh hội nhập văn hoá, đối thoại tôn giáo hiện nay, khi mà mọi quốc gia, dân tộc đang đối mặt với các luồng văn hoá đang “tự do đi lại không có rào cản” (1), việc tìm hiểu sự du nhập của một hiện tượng tôn giáo-văn hoá phương Tây trong quá khứ là một sự khảo nghiệm cần thiết về lí luận, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề mang tính thời sự như: sự tương tác văn hoá; vấn đề thay đổi niềm tin tôn giáo, v.v...

Trong bài trả lời phỏng vấn của báo Lao độngsau hội nghị ASEM – 5 vào tháng 7/2004, GS. ĐỗQuang Hưng đã nhận xét rằng vấn đề đổi đạo là một vấn đề “gai góc”. Quả thực không dễ dàng giảithích, tại sao tín đồ của một tôn giáo, tín ngưỡng lại có thể từ bỏ nó để gửi gắm niềm tin của mình vào một tôn giáo khác. Nói riêng, đã có rất nhiều công trình khoa học của các tác giả trong nước và nước ngoài tìm hiểu quá trình truyền bá đạo Công giáo ở Việt Nam, song câu hỏi: Tại sao người dân nơi đây lại tiếp nhận tôn giáo mới, khi đã có bề dày truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng riêng? vẫn chưa có được câu trả lời thoả đáng.

Trong quá trình đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi nêu trên, chúng tôi nhận thấy rằng, không thể khám phá vấn đề đổi đạo nếu chỉ dừng lại ở những nghiên cứu dưới góc độ của khoa học lịch sử - nghĩa là xem xét sự vận động của khách thể theo mũi tên thời gian một chiều từ quá khứ - hiện tại - tương lai. Trở ngại của vấn đề là ở chỗ buộc phải tính đến rất nhiều nhân tố: các quá trình xã hội và văn hoá, đặc thù tư tưởng và tâm lí, tính cách dân tộc, quyền lợi chính trị và kinh tế của các quốc gia, các nhóm, tầng lớp người trong xã hội, v.v...trong sự tồn tại, biến đổi đồng thời và sự tươngtác lẫnnhau của chúng. Dưới góc độ của nhận thức triết học, các hiện tượng, quá trìnhxã hội có thể được xem xét không chỉ theo dòng thời gian, mà có thể dừng lại ở một điểm nào đó, có thể nắm bắt toàn bộ hay một phần của sự kiện cùng sự tác động đa chiều của các nhân tố đối với sự kiện đó. Điều này có liên quan trực tiếp khi lí giải và tìm kiếm nguyên nhân của sự du nhập đạo Công giáo vào Việt Nam, giúp cho việc khám phá sâu hơn bản chất của quá trình này với tính cách là một quá trình đổi đạo.

1.2. Khi giải đáp về những nguyên nhân của sự truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam, một số nhà nghiên cứu cho rằng tôn giáo này (cũng như Nho giáo, Phật giáo hay Đạo giáo…) được du nhập vào nước ta là nhờ: 1) bản tính dung chấp (bao dung, chấp nhận) của văn hoá Việt Nam và 2) sự áp đặt, nuôi dưỡng của giai cấp thống trị và các thế lực ngoại xâm nhằm dễ bề cai trị quần chúng nhân dân.

Mặc dù không thể phủ nhận rằng sự du nhập của đạo Công giáo vào Việt Nam chịu ảnh hưởng ít nhiều của những nhân tố kể trên, nhưng khó có thể nói rằng đây là những lí do chủ yếu quyết định sự tiếp nhận tôn giáo mới của người bản địa, bởi lẽ: Thứ nhất, tính dung chấp của văn hoá Việt Nam chỉ nói lên rằng đó là một nền văn hoá có khả năng dung nạp những yếu tố văn hoá ngoại lai mà không đảm bảo rằng bất cứ một hiện tượng văn hoá nào từ bên ngoài cũng đều được tiếp nhận vào văn hoá bản địa và tương thích với nó. Lịch sử chỉ chứng tỏ tính dung chấp văn hoá của người Việt trong giai đoạn truyền giáo đầu tiên, khi đạo Công giáo được tiếp nhận dễ dàng mà không gặp phải bất cứ một trở ngại nào, cũng như trước đó các tôn giáo khác như Phật giáo, Nho giáođược du nhập không mấy khó khăn từ các nước láng giềng trong khu vực. Tuy vậy, tính dung chấp hay mối thiện cảm ban đầu này nhanh chóng biến mất và thay vào đó là sự phản ứng quyết liệt của tầng lớp Nho sĩ, những chỉ dụ cấm đạo của chính quyền phong kiến Việt Nam . Điều gì khiến cho đạo Công giáo có thể vượt qua được sự thử thách khắc nghiệt ấy để tiếp tục tồn tại? Có thể giả định rằng trong tôn giáo này hiện diện một hệ thống giá trị mà nhiều người Việt Nam thời đó ít nhiều cảm nhận thấy và sẵn lòng theo đuổi! Thứ hai, trong đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của con người - do tính đặc thù của nó-không bao giờ có chỗ cho sự áp đặt hay cấm đoán. Nếu có thì đóchỉ là hiện tượng nhất thời. Hơn nữa, các số liệu lịch sử đã chỉ ra rằng, giai đoạn mà công cuộc truyền giáo của Giáo hội đạo Công giáo gặt hái được nhiều thành công nhất trong việc thu hút tín đồ chính là giai đoạn trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược và bắt đầu áp đặt ách thống trị trên đất nước ta năm 1858.

2. Lí giải một số nguyên nhân du nhập và tiếp nhận đạo Công giáo ở Việt Nam

Có thể nói rằng người Việt Nam đã đứng trước một sự lựa chọn vào thế kỉ XVII: tiếp nhận hay không tiếp nhận tôn giáo mới lạ từ bên ngoài tới? Để lí giải điều này, cần phải tìm kiếm câu trả lời từ chính các yếu tố đặc thù, bên trong của tôn giáo ngoại sinh và các tôn giáo, tín ngưỡng địa phương; từ các nhân tố tâm linh, tâm lí, xã hội và tính tích cực của chủ thể trong quá trình truyền giáo.

Về sự du nhập của đạo Công giáo ở Việt Nam , có thể đặt ra những câu hỏi sau đây:

2.1. Vì những lí do gì mà đạo Công giáo được truyền bá vào Việt Nam ?

  Vào các thế kỉ XVI-XVII, giai cấp tư sản Châu Âu non trẻ đang tích cực tìm kiếm không gian mới cho các hoạt động kinh tế của nó - không gian có thể đem lại lợi nhuận và làm tăng trưởng sự giàu có. Đó chính là lí do đích thực của việc tìm kiếm thuộc địa, đặc biệt là lục địa phía Đông gồm Trung Quốc, Ấn Độ và những vùng xung quanh. Việt Nam (ngẫu nhiên) là một nuớc nằm trong khu vực, có vị trí địa-chính trị thuận lợi, có tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn nhân công rẻ. Tất cả những yếu tố này hội đủ những điều kiện cần thiết mà giai cấp tư sản Châu Âu hướng đến.    

Phần lớn giai cấp tư sản Châu Âu thời đó đều là tín đồ đạo Kitô giáo (chủ yếu là đạo Công giáo và đạo Tin Lành). Lịch sử xã hội loài người đã chỉ ra rằng một dân tộc này không thể chinh phục một dân tộc khác chỉ bằng vũ khí và sự thô bạo. Hơn nữa, cái mà giai cấp tư sản Châu Âu cần không phải là chiến tranh mà là tư bản, là của cải mà nó hi vọng kiếm được ở những nước này. Chiến tranh chỉ là thủ đoạn cuối cùng mà nó sử dụng để đạt được mục đích bằng mọi giá. Mặc dù của cải “là kết quả của hoạt động lao động”, như Ađam Xmit và Đavit Ricacđô về sau đã tổng kết (thế kỉ XIX), thực tế của nền kinh tế hàng hoá đã chứng minh điều đó sớm hơn nhiều. Để hoạt động lao động có hiệu quả, cần phải có mối quan hệ chặt chẽ, sự hợp tác của người địa phương (với tư cách là nhân công) và giới tư sản (trongvai trò là nhà tổ chức sản xuất). Phương thức tốt nhất(và ít tốn kém nhất) để giải quyết vấn đề hợp tác này là cùng theo một tôn giáo, bởi vì lòng tin tôn giáo tạo nên ở các tín đồ những giá trị chung, những chuẩn mực đạo đức chung và tình cảm đoàn kết. Giữa họ sẽ có môi trường tâm lí thuận lợi, làm nảy sinh nhu cầu giao tiếp, liên minh .

Như vậy, với tính cách là tôn giáo-nhân tố có chức năng liên kết và ràng buộc (một cách tự nguyện) các cá nhân tín đồ thành cộng đồng chung, “là sợi dây cố kết xã hội” (2)-đạo Công giáo đã được giới tư sản Châu Âu lợi dụng như một thứ công cụ tinh thần hữu hiệu để tìm kiếm sự đồng thuận (dù là vô thức) của người bản xứ vì mục tiêu kinh tế và chính trị của mình. Đây chính là cái tất yếu khiến lịch sử của chính sách thuộc địa luôn luôn gắn liền với sự truyền bá đạo Công giáo ở các nước thuộc địa. Và như thế, đạo Công giáo tất yếu phải được truyền bá sang phía Đông, trong đó có Việt Nam .

2.2. Vấn đề thay đổi niềm tin tôn giáo, hay vấn đề đổi đạo là một vấn đề lớn và k hông thể chỉ giải thích bởi những nhân tố bên ngoài. Theo chúng tôi,niềm tin tôn giáo là cái thuộc về đời sống tâm linh của con người, và bản chất của việc tạo lập đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của con người lại không dựa trên cơ chế của sự áp đặt mà dựa trên cơ chế của sự lựa chọn có ý thức. Điều đó có nghĩa là cần phải tìm kiếm những nguyên nhân khác-trước hết là những nguyên nhân nội tại trong bản thân các tôn giáo để trả lời cho câu hỏi đặt ra là: Tại sao một bộ phận người Việt Nam lại tiếp nhận tôn giáo mới khi đã có cả một bề dày văn hoá, tôngiáo và tín ngưỡng truyền thống? Có thể nêu lên một số nguyên nhân sau đây.

-Đặc thù tư tưởng văn hoá tâm linh

Giáo lí của đạo Công giáo khác biệt về nguyên tắc so với giáo lí của Phật giáo trong việc giải quyết vấn đề số phận con người và vị trí của con người trong thế giới.Ví dụ, các tôn giáo sẽ đối xử với con người như thế nào khi nó phạm tội? Đạo Phật đã chỉ ra rằng sự trừng phạt là điều không tránh khỏi. Cái giá mà con người phải trả cho hành vi phạm tội là rõ ràng và không thể đảo ngược. Quan điểm này của Phật giáo làm cho con người phụ thuộc hoàn toàn vào tội lỗi mà nó đã phạm phải, dù chỉ trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Trong tâm lí của kẻ phạm tội sẽ diễn ra sự căng thẳng thường xuyên, một mối đe doạ bị trừng phạt. Sự sợ hãi của kẻ phạm tội sẽ theo đuổi con người không chỉ trong sự tồn tại trên thế gian, mà còn theo đuổi nó trong sự “luân hồi của số kiếp”, thậm chí ở thế giới bên kia, dưới các tầng địa ngục. Sự sợ hãi đó đương nhiên làm nảy sinh cảm giác mất tự do.

Nhưng con người là thực thể có ý thức, và vì vậy nên nó không chỉ sống bằng đời sống vật chất mà cả bằng đời sống tinh thần. Nếu như đời sống sinh học của con người chỉ diễn ra theo một chiều hướng thời gian từ quá khứ-hiện tại- tương lai thì đời sống tinh thần của nó lại diễn ra theo nhiều chiều hướng của thời gian, có thể là hiện tại-tương lai, và có thể là tương lai-hiện tại. ở chiều hướng sau, quá khứ không mất đi mà có tính chất của hiện tại-hiện tại trong trí nhớ. Điều đó có nghĩa là toàn bộ quá trình vận động của cuộc sống được rút ngắn, tập trung trong hiện tại. Trong cái hiện tại đặc thù này, con người có thể suy ngẫm (quá khứ) và lựa chọn (tương lai), trải nghiệm và so sánh chúng với thực tại và hành động trên cơ sở của thực tại. Chính đây là bản chất của sự lựa chọn có ý thức. Điều cốt lõi là sự lựa chọn có ý thức trong bất cứ trường hợp nào cũng liên quan đến việc có tự do hay không có tự do. (ở đây không bàn đến tự do trong thực tại mà là tự do trong tư tưởng).

Tình huống phạm tội của con người trong giáo lí đạo Công giáo đuợc đối xử một cách khác: con người có thể tránh được sự trừng phạt những tội lỗi mà nó đã phạm phải nhờ lòng thương của Chúa, nếu người đó thành tâm cầu xin Chúa và nhận được từ đó sự tha thứ. Đây là quan điểm hoàn toàn khác về chất so với giáo lí của Phật giáo. Nó liên quan đến nhân tố lựa chọn, nhân tố tự do, và suy cho cùng là liên quan đến khả năng bộc lộ những phẩm chất cá nhân. Con người được tự do quyết định số phận của nó bằng hành vi thú tội hay không thú tội. Nếu thành tâm-(tác giả nhấn mạnh) thú nhận tội lỗi và được tha thứ, người đó sẽ trở nên trong sạch, mọi cái sẽ được bắt đầu lại từ đầu. Nếu không thú nhận, trong đầu kẻ phạm tội sẽ luôn có dấu ấn của tội lỗi mà nó đã thực hiện, kết quả là nó sẽ bị ràng buộc, mất tự do.    

Vấn đề thế giới siêu nghiệm, linh hồn con ngườicũng được đạo Công giáo giải quyết trên một tinh thần khác. Thuyết luân hồi của Phật giáo (và các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống khác của người Việt) không đảm bảo cho con người “hạnh phúc vĩnh cửu”, vì linh hồn sau khi rời bỏ thể xác, người chết lại được đầu thai vào một sự sống khác, và sự sống đó lại bắt đầu trong “bể khổ” của trần gian. Trái lại, theo đạo Công giáo, linh hồn sau khi đã từ bỏ trần gian sẽ ở lại vĩnh viễn trong một thế giới khác (Thiên Đường hay Địa Ngục). Tín đồ ngoan đạo của đạo Công giáo, theo đó, sẽ có được “hạnh phúc vĩnh viễn” trên Thiên Đường.

Có ý kiến cho rằng cõi “Niết Bàn” của Phật giáo và chốn “Thiên Đường” của đạo Công giáo cũng chỉ là một, các tôn giáo giống nhau về bản chất khi hứa hẹn một thế giới “cực lạc” cho tín đồ! Thực ra, sự khác biệt không nằm ở tên gọi mà là ở tầm đạt tới: “Niết Bàn” của nhà Phật chỉ dành cho các bậc chân tu - những người đã vượt qua tất thảy những thử thách, cám dỗ của trần gian và “ngộ” ra chân lí, còn chốn “Thiên Đường” của đạo Công giáo lại ở trong tầm với của tất cả mọi tín đồ bình thường - chỉ sau cái chết.

Trên đây là một số những nét đặc thù của đạo Công giáo trong vấn đề tâm linh và là nét hấp dẫn quan trọng của nó, điều khiến cho một bộ phận người Việt Nam sẵn lòng tiếp nhận tôn giáo mới này.

-Tư tưởng xã hội và nhân văn

Thứ nhất, sự phổ biến đạo Công giáo ở Việt Nam cùng với hệ thống các giá trị đi kèm với nó cũng đồng nghĩa với sự phá hoại các quan hệ phong kiếnvà tạo lập những tiền đề tư tưởng cho một xã hội mới-xã hội tiền tư bản chủ nghĩa. Cho dù lí tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” chỉ chính thức trở thành tuyên ngôn trong Cách mạng Tư sản Pháp năm 1789 thì những ngôn từ ấy cũng đã được nói đến từ lâu trong giáo lí đạo Công giáo: mọi người đều bình đẳng trước Chúa, không phân biệt tài sản hay địa vị xã hội; tình yêu thương đồng loại, v.v...Nếu như Nho giáo dạy bảo con người biết chấp nhận trật tự đẳng cấp một chiều và khuôn phép bất di bất dịch trong mọi mối quan hệ: vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, sự phân biệt giàu - nghèo, sang - hèn, người trên - kẻ dưới, v.v...thì sự truyền bá các giá trị tư tưởng đạo Công giáo vào Việt Nam đã ngầm tạo ra làn sóng “nổi loạn” và phản kháng, nhằm vào hệ giá trị, chuẩn mực của xã hội phong kiến đương thời. Các tầng lớp trên trong xã hội (Nho sĩ và quan lại - những người xuất thân từ Nho học) nhận thức được sự nguy hiểm đối với xã hội phong kiến do sự xung đột giữa văn hoá và tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống với những tư tưởng văn hoá và tôn giáo mới được các giáo sĩ phương Tây truyền bá vào Việt Nam và đó chính là một trong những lí do thực sự khiến Nho sĩ phản ứng, chính quyền phong kiến ban hành các chỉ dụ cấm đạo liên tục trong suốt ba thế kỉ XVII, XVIII và XIX. ở đây chúng tôi chưa bàn tới nguy cơ ngoại xâm mà thực dân phương Tây lợi dụng nhằm vào đất nước ta.

Luồng tư tưởng mới mẻ của phương Tây đã đặt một tầng lớp người Việt Nam ở thế kỉ XVIII trước một sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục theo đuổi và bảo vệ các giá trị truyền thống của xã hội phong kiến phương Đông, hoặc là chấp nhận những giá trị Việt Nam hoá, tôn giáo mới do những nhà truyền giáo phương Tây đem tới? Trong sự lựa chọn này, một số tư tưởng tiến bộ có trong đạo Công giáo đã chiếm được niềm tin của một bộ phận người Việt Nam . Đặc biệt, quan điểm hôn nhân một vợ một chồng trên nguyên tắc tự nguyện của đạo Công giáo là một sự công kích mạnh mẽ và tỏ rõ sự thắng thế đối với tư tưởng bảo thủ trọng nam khinh nữ và chế độ đa thê, gả bán phụ nữ trong xã hội phong kiến. Trong một trường hợp tương tự, khi giải thích về sự lựa chọn của tín đồ giữa hai tông phái chính của nhà Phật, nhà triết học Nga Crưvelốp đã từng nhận xét rằng, một trong những lí do khiến Phật giáo Bắc tông (Đại Thừa) phát triển và có ảnh hưởng rộng rãi hơn Phật giáo Nam tông (Tiểu Thừa) chính là nhờ “tính chất dân chủ, bình quyền của Phật giáo Bắc tông. Nếu Phật giáo Nam tông chốibỏ phụ nữ trong quyền lợi tôn giáo thì Phật giáo Bắc tông lại thừa nhận họ” (3). Rõ ràng là, những quan điểm xã hội tiến bộ của văn hoá phương Tây trong hình hài đạo Công giáo đã đáp ứng được nguyện vọngcủa một bộ phận người bản xứ muốn phá bỏ cái trật tự xã hội phong kiến đang đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của họ.

Thứ hai, trong con mắt của một bộ phận người Việt Nam khi đó các giáo sĩ đạo Công giáo là những người đại diện cho nền văn minh mới, với lối sống tư bản chủ nghĩa. Định hướngcơ bản của của lối sống đó là những thành quả cá nhân,thể hiện ở sự giàu cóvà mức độ của sự giàu có trong đời sống vật chất.Điều này hết sức quan trọng vì các tôn giáo đều hướng con người đến với một thế giới khác-thế giới siêu nghiệm,thoả mãn, đền bù những ước muốn của con người chỉ sau khi chết, ở thế giới bên kia. Trong khi đó, con người sống không chỉ vì thế giới bên kia. Nó còn cần đến những thành quả trong đời sống xã hội hiện tại, mà đạo Công giáo, ở một mức độ nào đó có thể đáp ứng được nhu cầu này của quần chúng tín đồ.

Ở đây có sự khác biệt căn bản về quan niệm sống của con người trong văn hoá phương Đông và phương Tây: người phương Đông hoàn toàn xa lạ với định hướng thoả mãn các nhu cầu con người trong đời sống vật chất. Cái được xã hội nơi đây tôn vinh, chú trọng thường khi không phải là những giá trị vật chất mà là những giá trị tinh thần. Trọng danh hơn trọng thực-một mặt là nét đẹp của văn hoá phương Đông, nhưng mặt khác cũng ẩn chứa nguy cơ xa rời thực tiễn. Phải chăng vì không mấy nỗ lực và quan tâm thích đáng việc thoả mãn phương diện vật chất của đời sống con người nên các xã hội truyền thống Phương Đông luôn nằm trong tình trạng trì trệ và chậm phát triển?. Dù thế nào đi nữa, con người trước hết phải sống bằng đời sống vật chất; nhu cầu thoả mãn đời sống đó vẫn luôn tồn tại thường trực, chỉ có điều là nó có thể bị kìm hãm trong mỗi con người và bị coi nhẹ trên bình diện xã hội. Tư tưởng con người phương Tây lại khác: luôn đề cao cá nhân, sự thành đạt về tinh thần, sự giàu có về vật chất. Tư tưởng đó đã cởi bỏ gánh nặng về tâm lí đối với những người có khuynh hướng thực dụng ở Việt Nam thời phong kiến.

Nét đặc thù, sự khác biệt giữa hai truyền thống văn hoá còn nằm ở chỗ: nếu người phương Tây thường đề cao nguyên tắc tính cá thể con người, tính tích cực, phẩm chất và thành quả cá nhân thì trái lại, cuộc sống của những cư dân truyền thống làm nông nghiệp ở một quốc gia phương Đông luôn phải đối mặt với thiên tai và giặc ngoại xâm luôn chỉ ra giá trị của sự cố kết cộng đồng thành sức mạnh. Tính cộng đồng, vì vậy, được người Việt Nam coi trọng và trở thành nguyên tắcchi phối toàn bộ các mối quan hệ của họ. Lẽ dĩ nhiên, con người trên phương diện cá thể với những quyền lợi, nhu cầu, tính độc lập sáng tạo, v.v...của nó phải bị chìm lấp đi trong cái cộng đồng, trở thành thứ yếu hoặc thậm chí phải bị hi sinh.

Tuy nhiên, xu hướng cân bằng và tái lập sự cân bằng là năng lực vốn có và là phương thức tồn tại cơ bản của mọi sự vật, hiện tượng. ở đây, tính toàn vẹn và sự phát triển con người và xã hội tất yếu phải được đảm bảo bởi sự song hành hài hoà, cân đối của tính cộng đồng và tính cá thể trong mỗi bản thân con người.Chủ nghĩa cá nhân phương Tây (với những khía cạnh tích cực của nó) có ý nghĩa như một sự phản tỉnh, tác dụng như một liều thuốc đánh thức phần “cái Tôi” quý giá của con người và là sự bổ sung hợp lí đối với nhân sinh quan của người Việt Nam thế kỉ XVII - XVIII. Những điều mới lạ trong giáo lí của đạo Công giáo và văn hoá phương Tây do các giáo sĩ nước ngoài đem tới đã có sức cuốn hút đối với một bộ phận người Việt Nam đương thời và họ đã tin theo niềm tin tôn giáo mới đó.

-T ính hiệu quả của hoạt động xã hội và văn hoá-giáo dụccủa các giáo sĩ-chủ thể của quá trình truyền giáo, cũng đóng vai trò không nhỏ trong sự truyền bá đạo Công giáo vào Việt Nam. Các hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ đạo Công giáo thường được gắn liền với các hoạt động văn hoá-giáo dục và các hoạt động xã hội khác. Đó là việc thành lập các bệnh viện, trường học, các trại trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, v.v... Những hoạt động giải quyết các vấn đề xã hội này đã không được đặt ra, không được tổ chức thành hệ thống trong xã hội phong kiến. Khi hoạt động này được đẩy mạnh trong quá trình truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây đã góp phần không nhỏ trong tiến trình hiện đại hoá xã hội Việt Nam .

   Những thay đổi dễ nhận thấy nhất diễn ra trong lĩnh vực giáo dục, mà trước hết là trong phạm vi ngôn ngữ học - đó là sự ra đời của hệ thống chữ viết tiếng Việt được Latinh hoá do các giáo sĩ Châu Âu sáng tạo từ thế kỉ XVII. Hệ chữ viết mới này là phương tiện truyền bá văn hoá phương Tây và văn hoá thế giới, phổ biến những thành tựu khoa học kĩ thuật hiện đại, đồng thời tạo khả năng cho sự phát triển vượt bậc của ngành in và báo chí. Chỉ bằng cách sắp xếp 24 chữ cái, tiếng Việt mới (hay ta quen gọi là chữ Quốc ngữ) đã có thể chuyển tải bất kì một thông tin nào. So với khối lượng đồ sộ các chữ Hán, đây là một ưu thế và ưu thế này được hiện thực hoá bằng sự ra đời của hàng loạt các nhà in và các báo đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt do các tín đồ đạo Công giáo làm chủ.

Một trong những điểm đáng chú ý khác của hoạt động truyền giáo của giáo hội đạo Công giáo là việc đào tạo con người trong hệ thống các chủng viện cũng như các trường tư thục dưới sự bảo trợ của Giáo hội. Học sinh ở các trường này không chỉ học giáo lí mà cả ngoại ngữ, các khoa học tự nhiên - kĩ thuật và các khoa học xã hội theo kiểu phương Tây, nghĩa là theo phương thức hoàn toàn khác với việc học trong các trường làng của chế độ phong kiến-nơi học sinh chủ yếu chỉ được học các tín điều Nho giáo và bình luận văn chương. Kết quả của hệ thống giáo dục ở các chủng viện và hệ thống giáo dục của chính quyền thực dân Pháp dưới sự bảo trợ của Giáo hội là đã làm xuất hiện một thế hệ người Việt có trình độ học vấn tương đối toàn diện về các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, có trình độ ngoại ngữ và thói quen tư duy phê phán. Họ sẽ là những nhân tố đầu tiên đưa phương Đông và phương Tây xích lại gần nhau, ứng dụng khoa học kĩ thuật và nền văn minh nhân loại vào đời sống xã hội Việt Nam.

Các hoạt động từ thiện xã hội, văn hoá - giáo dục của giáo sĩ, ngoài mục đích hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội và giới tư sản Châu Âu, còn phải được tính đến như là những hoạt động xuất phát từ nguyên lí tình thương của đạo Công giáo: không ít giáo sĩ phương Tây vì lòng tin chân thành vào sứ mệnh “cao cả” truyền bá Phúc Âm, đạo Công giáo hoá toàn thế giới, đã tự nguyện đi đến các vùng xa xôi ngoài Châu Âu để truyền đạo, với lòng tin ngây thơ rằng họ đang theo đuổi mục đích “cứu rỗi” loài người thoát khỏi sự nô lệ và tội lỗi.Lòng tận tụy, đức hi sinh (dù bị chủ nghĩa thực dân lợi dụng) của các giáo sĩ trong công cuộc truyền giáo không thể không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người bản xứ đang khủng hoảng lòng tin dưới chế độ phong kiến đã lỗi thời.

Những đổi thay nhất định của bộ mặt xã hội - kết quả hoạt động thực tiễn của các giáo sĩ Châu Âu đã tạo nên mối thiện cảm ở người bản xứ, và đó chính là nhân tố hết sức quan trọng khiếnmột bộ phậnngười Việt Nam dễ dàng tiếp nhận niềm tin tôn giáo mới.

- Ngoài ra, bản chất ý thức con người là tìm kiếm những điều mới lạ, những điều bí mật. Đạo Công giáo, với người Việt Nam là điều bí mật ấy, với những tư tưởng, nghi lễ và sự thờ cúng mới mẻ, âm nhạc và kiến trúc nhà thờ, v.v… đã có sức lôi cuốn đặc biệt.

Tóm lại, đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam có thể được coi như một hiện tượng văn hoá mới lạ trong điều kiện của xã hội phong kiến đã bước vào thời kì khủng khoảng. Loại trừ yếu tố bị chủ nghĩa thực dân lợi dụng vào mục đích vụ lợi của chúng, hệ thống giá trị của văn hoá phương Tây mà đạo Công giáo mang vào dường như có thể bổ sung cho nhu cầu phát triển của con người và xã hội Việt Nam đương thời. Vì vậy nó đã được một bộ phận người Việt Nam tiếp nhận bất chấp sự cấm đoán gắt gao của triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

Chúng tôi không có tham vọng trong phạm vi của một bài báo nhỏ này có thể giải quyết được một cách toàn diện và thấu đáo vấn đề đã được đặt ra. Tính phức tạp của nó đòi hỏi sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, từ góc độ của các khoa học khác nhau mới mong làm sáng tỏ./.
_______________________

*. TS., Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

1.Đại cương về văn hoá Việt Nam. Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội 2004, tr. 107.

2. I. A. Krưvelôp. Lịch sử các tôn giáo. Nxb Tư tưởng Moskva 1988, tr. 258 (tiềng Nga).

3.Dẫn theo: I.N. Iablokov. Tôn giáo học. Nxb Tổng hợp, Moskva 2001, tr. 257. (tiềng Nga).

Nguồn: hoidantochoc.org.v. (31/10/06)

Xem Thêm

Đề xuất giải pháp triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL
Ngày 18/4, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bạc Liêu (Liên hiệp hội) và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh tổ chức Hội thảo: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” - Những vấn đề đặt ra.
Nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học gửi tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
Tại hội thảo “Một số ý kiến của trí thức khoa học công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV” diễn ra sáng 9/4, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung quan trọng về kinh tế-xã hội, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW...
Xây dựng ngành năng lượng bền vững cần sự tham gia tích cực của đội ngũ trí thức và nhà khoa học
Để có thể xây dựng và phát triển ngành năng lượng và điện lực Việt Nam theo hướng bền vững, xanh, TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh cần phải có sự tham gia tích cực của đội ngũ khoa học và trí thức trong công tác tư vấn và phản biện...
Cần sớm hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện
Việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kỹ thuật điện - Hệ thống lưới điện là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tính an toàn, đồng bộ, hiệu quả cho hệ thống điện trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và phát triển hạ tầng lưới điện hiện đại.

Tin mới

Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.