Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 15/08/2006 16:18 (GMT+7)

Thoả thuận hợp tác về khoa học kỹ thuật, ngày 3 tháng 8 năm 2006 giữa UBND Tỉnh Thừa Thiên - Huế và Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam

Căn cứ chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) đến năm 2010 và kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (Khoá IX), Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIII;

Căn cứ chức năng nhiệm vụ và tiềm năng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam;

Căn cứ tiềm năng lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế về khoa học công nghệ với lực lượng khoa học của các cơ quan trung ương và các sở, ban ngành của tỉnh,

Hôm nay, ngày 3/8/2006 tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất ký kết Thoả thuận hợp tác giữa hai bên với các nội dung chính như sau:

1. Tư vấn xây dựng tiềm lực KHCN và các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế

1.1. Phát huy thế mạnh của Liên hiệp trung ương, nơi tập hợp các chuyên gia đầu ngành thuộc tất cả các lĩnh vực, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp hội Việt Nam) cam kết giới thiệu các chuyên gia hoặc lập các hội đồng KHCN tư vấn cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc đề xuất các nhiệm vụ KHCN các cấp, đặc biệt là các nhiệm vụ có tính liên ngành, có quy mô lớn, nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết của Thừa Thiên Huế trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội; tham gia tư vấn về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội theo đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế bố trí kinh phí phù hợp cho việc thực hiện các hoạt động tư vấn nêu trên.

1.2. Trên cơ sở kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực KHCN của tỉnh, Liên hiệp hội Việt Nam ưu tiên tiếp nhận các nhà khoa học, các cán bộ quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế đến học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ KHCN ngắn hạn tại các cơ sở Liên hiệp hội Việt Nam.

1.3. Tỉnh Thừa Thiên Huế tạo điều kiện ưu tiên về đất đai và cơ chế ưu đãi khác trong việc hình thành và phát triển các tổ chức trực thuộc Liên hiệp hội Việt Nam để phục vụ nhiệm vụ của Liên hiệp hội Việt Nam ở tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.

1.4. Liên hiệp hội Việt Nam liên kết hoặc tư vấn cho tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng và phát triển một số tổ chức KHCN trên cơ sở nhu cầu của địa phương và phù hợp với thế mạnh của Liên hiệp hội Việt Nam nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tổng hợp từ hai phía.

2. Nghiên cứu phát triển KHCN và ứng dụng, chuyển giao công nghệ

2.1. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẵn sàng tiếp nhận, tạo điều kiện triển khai các đề tài nghiên cứu, các dự án thử nghiệm, các công nghệ đã thành công của Liên hiệp hội Việt Nam trên địa bàn tỉnh; đối với các dự án có hiệu quả, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của tỉnh Thừa Thiên Huế thì bố trí ngân sách của tỉnh để triển khai trên diện rộng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của mình.

Các đề tài, dự án thử nghiệm trên địa bàn tỉnh sẽ được Liên hiệp hội Việt Nam và tỉnh xem xét để hỗ trợ một phần kinh phí cho việc chuyển giao, tiếp nhận công nghệ và kết quả nghiên cứu.

2.2. Liên hiệp hội Việt Nam khuyến khích các nhà khoa học, các đơn vị, tổ chức KHCN thuộc Liên hiệp hội Việt Nam tham gia đề xuất, đăng ký tuyển chọn thực hiện các nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổ chức KHCN hoặc cá nhân các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội Việt Nam được Liên hiệp hội Việt Nam chấp thuận đề xuất thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh hàng năm thì Hội đồng khoa học của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xem xét, kiến nghị giao thẳng cho đơn vị hoặc cá nhân đó.

2.3. Trong điều kiện cho phép, Liên hiệp hội Việt Nam điều hoà, phối hợp các hội chuyên ngành trung ương chuyển giao các tiến bộ KHCN, đặc biệt là các tiến bộ về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nông nghiệp (giống, cây, con tạo ra năng suất và chất lượng cao, an toàn lương thực - thực phẩm) lĩnh vực thuỷ lợi, nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường...

2.4. Các nhà khoa học, các đơn vị, tổ chức KHCN thuộc Liên hiệp hội Việt Nam phối hợp với các tổ chức KHCN và cá nhân các nhà khoa học của địa phương nghiên cứu, đề xuất các dự án KHCN có quy mô lớn, có tính liên ngành nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của tỉnh để đăng ký tham gia hoặc đấu thầu các đề tài độc lập, các đề tài nhánh thuộc chương trình KHCN và kinh tế kỹ thuật cấp nhà nước, các chương trình KHCN của các bộ, ngành trung ương.

3. Cung cấp, trao đổi thông tin KHCN và tạo lập thị trường công nghệ

3.1. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tạo điều kiện để các tổ chức KHCN thuộc Liên hiệp hội Việt Nam giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ dưới các hình thức thích hợp, theo thoả thuận riêng. Liên hiệp hội Việt Nam tạo điều kiện để các đoàn của tỉnh tham quan các hoạt động nghiên cứu, tham khảo các kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được và trao đổi với các cá nhân và tổ chức KHCN thuộc Liên hiệp hội Việt Nam.

3.2. Liên hiệp hội Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích các tổ chức và cá nhân khoa học công nghệ và các tầng lớp nhân dân tỉnh tham gia Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam và Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, tổ chức triển lãm, giới thiệu các công trình đạt giải tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hàng năm, tỉnh Thừa Thiên Huế gửi thông tin tình hình kinh tế - xã hội và kết quả hoạt động KHCN trên địa bàn của tỉnh cho Liên hiệp hội Việt Nam; ngược lại, Liên hiệp hội Việt Nam gửi thông tin về các kết quả hoạt động KHCN của Liên hiệp hội Việt Nam cho tỉnh để tham khảo.

4. Huy động các nguồn vốn cho KHCN

Ngoài nguồn vốn ngân sách sự nghiệp KHCN của tỉnh và Liên hiệp hội Việt Nam, hai bên sẽ phối hợp tìm kiếm các nguồn tài chính cho các hoạt động KHCN thông qua việc phối hợp đề xuất, xây dựng các đề tài nghiên cứu, điều tra cơ bản, các dự án thử nghiệm, các nghiên cứu khả thi,... gửi các nhà tài trợ trong và ngoài nước tranh thủ vốn thực hiện. Tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kinh phí để tiếp nhận các công nghệ mới từ Liên hiệp hội Việt Nam.

5. Tổ chức thực hiện

Để thực hiện tốt thoả thuận hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hai bên thống nhất:

5.1. Căn cứ vào những nội dung đã thống nhất, hai bên sẽ trao đổi, cụ thể hoá các chương trình, kế hoạch về các đề án, dự án, nhiệm vụ cụ thể thuộc từng lĩnh vực để có kế hoạch triển khai cho phù hợp.

5.2. Hàng năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức kiểm điểm, rà soát, đánh giá tiến trình và kết quả thực hiện cụ thể trong năm, vạch kế hoạch cho năm sau; trên cơ sở đó, giao trách nhiệm cho các đơn vị có liên quan của hai bên tổ chức thực hiện.

5.3. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giao cho Văn phòng Liên hiệp hội Việt Nam là cơ quan thường trực, làm đầu mối giúp việc để tổ chức thực hiện thoả thuận hợp tác này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, hai bên sẽ bàn bạc để thống nhất giải quyết.

Văn bản thoả thuận hợp tác này được lập thành 04 bản, mỗi bên giữ 02 bản và có giá trị ngang nhau.


TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH



Ngô Hoà

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KH&KTVIỆT NAM

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ

Hồ Uy Liêm

Xem Thêm

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.