Thành tạo và biến động bãi bồi ven biển cửa sông miền Trung
Là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc vào mùa đông, gió mùa Tây Nam vào mùa hè và hướng gió Đông trong năm, cho nên các hướng sóng trong năm đều có điều kiện phát triển mạnh do mặt biển thoáng và đà sóng dài. Đặc biệt vào những ngày dông bão vai trò của sóng gió có tính phá huỷ bờ biển khá nghiêm trọng. Đó cũng chính là những nhân tố tạo ra dòng chảy, dòng bồi tích ven bờ áp lực sóng vỗ bờ. Một nguyên nhân quan trọng đóng vai trò chính trong việc hình thành bờ biển mài mòn – tích tụ và thành tạo các val, đụn, doi cát kéo dài dọc bờ biển ở những đoạn bờ lõm hoặc có cửa sông phát triển.
Hình thái địa hình đường bờ biển miền Trung phần lớn có vách, bậc ở đoạn bờ nhô ra biển còn các dạng tích tụ val, đụn, doi… ở đoạn bờ lõm. Độ dốc sườn bở ngầm lớn cộng với mặt biển thoáng, biên độ thuỷ triều nhỏ, chế độ thuỷ văn sông chỉ mạnh vào mùa lũ, nên sóng và dòng ven vẫn áp sát vào bờ để xâm thực, vận chuyển, sắp xếp lại vật liệu thành tạo nên các bãi bồi ở dọc ven bờ dưới dạng các val, đụn, doi cát kéo dài dọc theo đường bờ biển mài mòn – san bằng có kiểu cửa sông thẳng (liman).
Trầm tích tầng mặt cửa sông ven biển miền Trung có kích thước đường kính thay đổi từ 0,001 mm đến một vài cm. Các trầm tích hạt thô có đường kính lớn hơn 0,3 mm thường phân bố trên các bề mặt val bờ, đụn cát, bãi bồi cửa sông có diện hẹp và cùng phương với đường bờ biển. Các đặc trưng cơ học của trầm tích phản ánh khá rõ qui luật phân bố của dòng chảy ven bờ, hướng vận chuyển của bồi tích theo mùa trong năm ở vùng cửa sông ven biển. Vật liệu của trầm tích tầng mặt hiện đại ở cửa sông ven biển miền Trung ngoài một phần do sông mang ra, phần lớn là do các quá trình mài mòn, xâm thực bờ tại chỗ. Dưới tác động tích cực của các nhân tố động lực biển và gió, vật liệu bồi tích được sắp xếp phân bố lại ở dải ven biển, ở khư vực cửa sông dưới các val, đụn, doi… kéo dài. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân của sự thành tạo các đầm hồ, lagun ở khu vực cửa sông ven biển miền Trung. Có thể nói rằng quá trình thành tạo bãi bồi ven biển cửa sông miền Trung là quá trình thành tạo val, đụn, doi cát mà nguyên nhân chủ yếu là dòng chảy ven bở, gió và một phần là dòng bồi tích trong sông mang ra. Quá trình di chuyển ngang và dọc bờ của dòng bồi tích là cơ chế thành tạo nên các val ngầm và val bờ ở các đoạn bờ cách xa cửa sông. Còn ở khu vực cửa sông do có sự tham gia của dòng bồi tích sông khá dồi dào ở vào thời kỳ mùa lũ, bãi bồi cửa sông phát triển, thành tạo có xu hướng dịch chuyển ra biển. Khi không có lũ các nhân tố biển lại đóng vai trò chính, bãi bồi ở cửa sông lại bị san bằng dịch chuyển vào trong sông che lấp cửa.
Tác động mạnh của sóng thường diễn ra ở đới sóng vỡ, đây là khu vực bị sóng phá huỷ - xâm thực thành tạo nên một trắc diện sườn bờ có xu thế ổn định cân bằng hơn, mặt khác đây cũng là nguyên nhân xuất phát điểm khởi đầu cho việc hình thành dòng bồi tích ven biển. Các nhân tố thành phần thạch học của đá cấu tạo nên bờ biển, hình thái đường bờ, các tác động hoạt động kinh tế của con người đã làm thay đổi lượng bồi tích ven bờ, bồi tích sông tham gia vào quá trình thành tạo bãi bồi ở vùng cửa sông ven biển làm cho khu bờ biển miền Trung, từng đoạn bờ, từng khu vực cửa sông có những nét khác biệt.
Chế độ dòng chảy bùn cát trong vùng cửa sông ven biển phụ thuộc vào dòng nước, bùn cát từ thượng lưu đưa về, chế độ sóng, gió thủy triều, hải lưu, ảnh hưởng của lớp phủ thực vật và tác động của con người. Nguồn gốc bùn cát trong vùng cửa sông ven biển miền Trung có 2 nguồn cơ bản: một nguồn do dòng chảy sông mang ra và nguồn khác do sóng biển phá huỷ bờ, bãi từ nơi khác mang đến dưới tác động của dòng chảy biển (dòng sóng, dòng triều…), nên chế độ bùn cát ở vùng cửa sông luôn thay đổi theo thời gian và không gian, phụ thuộc chặt chẽ vào sự biến đổi tuần hoàn và phi tuần hoàn của các yếu tố động lực sông - biển.
Xét các mối quan hệ mưa - bốc hơi - ẩm, xói mòn lưu vực và kiểu thảm thực vật thì vùng cửa sông ven biển Thanh Hoá đến Khánh Hoà đặc trưng cho cấu trúc cán cân nước và sa bồi kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, Ninh Thuận đến Bình Thuận đặc trưng cho kiểu rừng nhiệt đới khô, thưa, chịu hạn, ít nhiều đã cho thấy lượng bùn cát các lưu vực sông vùng miền Trung thuộc loại nhỏ, chính vì thế lượng bùn cát hàng năm từ thượng nguồn mang về bồi đắp cho vùng cửa sông ven biển không lớn. Lượng bùn cát này chủ yếu tập trung trong các tháng mùa lũ (3 đến 4 tháng), chiếm tới 90% lượng bùn cát cả năm, còn mùa cạn lượng bùn cát cung cấp cho vùng cửa sông ven biển rất ít, chủ yếu do xâm thực tại chỗ của dòng nước ở vùng hạ du. Với lượng bùn cát mang về cửa sông quá ít lại phân bố khá chênh lệch trong năm đã tạo cho vùng ven biển miền Trung một hệ cửa sông mang nhiều nét đặc thù riêng biệt so với các vùng ven biển khác của nước ta. Đó là các cửa sông có kích thước nhỏ, mặt biển thoáng rộng và có độ ổn định lòng dẫn cửa sông không cao, lạch chính thường xuyên bị thay đổi. Hiện tượng xói lở bờ biển, bờ sông, lấp cửa hoặc thay đổi vị trí cửa ngày càng mạnh hơn. Vận chuyển bùn cát ven biển cửa sông khác với sự chuyển động của bùn cát trong sông. Tại vùng ven biển cửa sông, sự vận chuyển của bùn cát hoàn toàn không theo một hướng nhất định tùy thuộc vào tỷ trọng vectơ vận tốc các dòng chảy bộ phận. Bùn cát chuyển động được là nhờ động năng dòng chảy, các thành phần dòng chảy như dòng triều, dòng trôi, dòng mật độ. Do vậy, vận chuyển bùn cát dọc bờ phụ thuộc theo tác động của dòng chảy ven bờ là chủ yếu và hầu hết trước các cửa sông miền Trung đèu có các bãi, doi cát kéo dài dọc bờ và chắn cửa sông.
Trên quan điểm đánh giá tổng hợp có hệ thống vai trò động lực của các yếu tố thuỷ thạch động lực, chế độ thuỷ hải văn, địa hình địa chất, cảnh quan sinh thái đã cho thấy quá trình phát triển bãi bồi cửa sông ven biển miền Trung tựu chung lại có những đặc trưng cơ bản như sau:
- Khu bờ biển hiện đại miền Trung thuộc loại bờ biển mài mòn – tích tụ, sườn bờ ngầm có độ dốc lớn , đường bờ có vách xen lẫn bờ đụn cát, val bờ và các cửa sông có dạng liman. Vai trò động lực của các quá trình gió ngoài việc tác động kết hợp với sóng, chúng còn đóng vai trò vận chuyển, di chuyển và vun cao dần các val cát tạo nên các val bờ và các đụn cát có độ cao khá phổ biến từ 5 – 15 m ở khu bờ biển.
- Bờ biển miền Trung quá trình xói lở xảy ra đặc biệt mạnh đối với các đoạn bờ có cấu tạo bằng các vật liệu, gắn kết yếu (cát, bột, bùn sét… ) đôi khi xói lở xảy ra ngay ở các bãi bồi cửa sông, cửa đầm phá, nhất là các cửa sông lớn vào thời kỳ lượng bồi tích trong sông mang ra ít. Đã đưa đến nhiều công trình ven biển cửa sông bị phá huỷ xảy ra có tính nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng và kinh tế của người dân.
Nguyên nhân của các quá trình thành tạo bãi bồi cửa sông ven biển chủ yếu là do các quá trình ngoại sinh trong đó nguồn bồi tích ven biển và nguồn bồi tích trong sông là chính. Quá trình thành tạo và phát triển bãi bồi cửa sông có liên quan tới mức cơ sở xói mòn, đó là sự thay đổi của mực nước đại dương so với bờ lục địa, động lực thúc đẩy của các quá trình xói lở - bồi tụ. Các quá trình hoạt động mang tính chu kỳ ngắn xảy ra nhanh chóng như sóng, dòng chảy, bão, lũ, nước dâng… là các động lực tích cực, trong quá trình gây sạt lở bờ biển và làm biến động hình thái bãi bồi vùng cửa sông.
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể có nhiều, song về hiện tượng xói lở bờ biển có thể có 3 nguyên nhau chủ yếu sau:
Một là, sự dâng lên của mực nước biển. Các nghiên cứu về dao động mực nước đại dương trên thế giới cho thấy trong nhiều thập kỷ gần đây mực nước đại dương có chiều hướng tăng lên, với mức độ khác nhau. Ở Việt Nam qua số liệu thống kê nhiều năm của các trạm ven biển từ Bắc tới Nam như trạm Cô Tô, Hòn Dáu, Sơn Trà, Phú Quí, Vũng Tàu, Côn Sơn, Phú Quốc trong mấy chục năm qua cũng thể hiện quá trình biến động của mực nước biển có chiều hướng tăng. Mức độ tăng trung bình nhỏ nhất là 0,05mm/năm và lớn nhất là 20mm/năm, tại Hòn Dáu mực nước biển tăng trung bình 2,25 mm/năm, trong khi đó phần lục địa ven biển Trung bộ chỉ được nâng lên với giá trị trung bình 0,05 - 0,1 mm/năm, nhỏ hơn hẳn so với mực nước biển dâng tại Hòn Dáu tới 37 lần. Với tương quan như vậy, chứng tỏ biển tiến đang xảy ra trên suốt dọc bờ biển nước ta, dẫn đến nhiều đoạn bờ bị chìm nhập dưới mực nước biển và năng lượng sóng truyền vào bờ cũng được tăng lên, kết quả là mức độ xói lở bờ tăng lên.
Theo như dự báo của các nhà khoa học Mỹ thì đến năng 2050 mực nước đại dương sẽ dâng cao 3,0 m như vậy đa số vùng đất thấp ven biển như Thanh Hoá - Nghệ An, Vũng Tàu - Cần Giờ… và các phần cửa sông ven biển của miền Trung sẽ bị chìm ngập trong nước biển. Hậu quả của nó sẽ làm cho hệ sinh thái ven biển bị phá huỷ và hàng triệu người phải dời chỗ ở, nhiều công trình ven biển như đê đập, cầu cảng, đầm nuôi hải sản, khu du lịch… bị tàn phá và diện tích canh tác bị giảm đi nghiêm trọng.
Hai là, sự gia tăng tần suất bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa. Trong khoảng 40 năm trở lại đây (1960 – 2000), bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào nước ta ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất, đặc biệt là khu vực miền Trung. Bão tăng lên làm cho mức độ xói lở bờ dưới tác động của sóng bão tăng lên. Bên cạnh đó là nước dâng trong bão và nước dâng do gió mùa cũng đóng vai trò quan trọng gây bồi xói vùng ven biển cửa sông. Nước dâng do gió mùa có biên độ không lớn nhưng thời gian liên tục và kéo dài nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình bồi xói và bồi lấp cửa sông. Nước dâng trong bão cao nhất ở bờ biển Trung bộ đạt khoảngg 150 – 200 cm, trung bình khoảng 80cm.
Ba là, sự tác động của con người. Các công trình điều tiết nước trên vùng thượng nguồn các con sông đã làm giảm đáng kể lượng bùn cát vận chuyển về hạ du bồi đắp cho vùng cửa sông ven biển, gây thiếu hụt lượng trầm tích hàng năm bổ sung cho vùng ben biển, cửa sông dẫn đến hiện tượng bờ bị xói lở. Việc phá rừng ngập mặn, đắp đầm nuôi hải sản, làm cản trở hay đổi hướng dòng chảy khu vực cửa sông gây xói lở và bồi tụ cục bộ. Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản, rạn san hô làm vật liệu xây dựng một cách tuỳ tiện đã góp phần làm gia tăng xói lở bờ biển khu vực.
Như vậy bản chất của quá trình phát triển thành tạo và biến động bãi bồi cửa sông ven biển miền Trung là sự tổng hoà của các nhân tố nội và ngoại sinh, trong đó các quá trình ngoại sinh luôn chiếm ưu thế.
Có thể thấy trong những năm qua, việc khai thác tài nguyên của dải nói chung và các bãi bồi ven biển cửa sông nói riêng còn rất manh mún, riêng rẽ theo ngành và theo lãnh thổ mà hậu quả kinh tế chưa phát triển đúng tầm của nó và môi trường bị ô nhiêm. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu qui hoạch chi tiết, chưa nắm bắt được đầy đủ các qui luật thành tạo và phát triển các bãi bồi ven biển cửa sông. Phần lớn những ưu thế của dải ven biển - mặt tiền của nước ta chưa được đánh giá khai thác đúng mức. Đồng thời trong một thời gian dài các chủ trương, chính sách đối với dải ven biển còn chưa được thống nhất, đồng bộ, chưa phù hợp nên đã hạn chế phát huy giá trị của các dạng tài nguyên. Đối với dải ven biển miền Trung, các chủ trương chính sách phải đảm bảo huy động được nhân lực, tài lực, vốn và khoa học - công nghệ cao để khai thác tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Khai thác tổng hợp các dạng tài nguyên các bãi bồi ven biển cửa sông từ Thanh Hoá đến Bình Thuận là yêu cầu bức xúc, song khai thác tổng hợp chỉ có thể đem lại hiệu quả cao trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên. Giải pháp cơ bản sử dụng hợp lý tài nguyên ven biển miền Trung, trước hết là phải xây dựng được quy hoạch chi tiết cho sự khai thác tổng hợp và sử dụng hợp lý tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước trên cơ sở quản lý khai thác lưu vực kết hợp hài hoà giữa tài nguyên khí hậu, nước và thổ nhưỡng để phát triển nông – lâm nghiệp theo các nguyên lý sinh thái một cách tối ưu nhất. Phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường nâng cao hiệu quả của công tác điều tra cơ bản và triển khai công nghệ. Đồng thời phải có chính sách huy động nhân lực, tổ chức thực hiện một cách đúng đắn và phù hợp.
Tài nguyên – môi trường các bãi bồi ven biển cửa sông từ Thanh Hoá đến Bình Thuận rất nhạy cảm và biến động mạnh, do đó mọi hoạt động dân sinh kinh tế ở vùng này cần phải xem xét thận trọng và chỉ được tiến hành khi đã có cơ sở khoa học chắc chắn. Bài báo cũng kiến nghị với Nhà nước và các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan cần tiến hành đánh giá tác động môi trường của các mô hình khai thác, các dự án phát triển. Đồng thời để theo dõi, kiểm soát diễn biến tài nguyên môi trường của vùng đất đầy biến động này cần thiết phải xây dựng trạm quan trắc giám sát tổng hợp tài nguyên môi trường.
Khai thác sử dụng hợp lý đất bãi bồi ven biển cửa sông miền Trung trong giai đoạn tới trên thực tế vừa là một cuộc đổi mới toàn diện về nhận thức lẫn hành động để giải quyết vấn đề KT – XH của hôm nay và tạo tiền đề cho các thế hệ mai sau, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.