Thanh Hóa: Phản biện đề án chuyển đổi số của huyện Quảng Xương
Ngày 28/02/2023, tại Thanh Hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo khoa học phục vụ phản biện “Đề án chuyển đổi số huyện Quảng Xương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án). Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Liên hiệp hội, chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có các thành viên Hội đồng khoa học phản biện và một số chuyên gia của Liên hiệp hội; Thường trực, cơ quan và các ban của Liên hiệp hội; Thường trực Huyện Ủy, Thường trực UBND huyện, các phòng ban, đơn vị liên quan của huyện Quảng Xương và đại diện đơn vị tư vấn xây dựng Đề án - Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Quảng Xương, Liên hiệp hội đã phối hợp với UBND huyện thống nhất ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBQX-LHH ngày 30/11/2022 về việc phản biện “Đề án chuyển đổi số huyện Quảng Xương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Liên hiệp hội đã lựa chọn chuyên gia, thành lập Hội đồng phản biện và tổ chức triển khai các bước của quy trình phản biện Đề án theo quy định.
Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung của Báo cáo đề dẫn phục vụ phản biện do Liên hiệp hội chuẩn bị. Đề án được xây dựng dựa trên cách tiếp cận nội dung “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đã đánh giá được hiện trạng ứng dụng CNTT, xác định mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp đối với nội dung cần tiến hành trong quá trình chuyển đổi số của huyện, phân tích tính khả thi và hiệu quả của Đề án và cập nhật tương đối đầy đủ các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, tỉnh và huyện. Tuy nhiên, Đề án cần quan tâm: nội dung của Đề án phải được xây dựng phù hợp thực tiễn về chuyển đổi số của huyện; kết cấu, bố cục cần đảm bảo tính logic giữa các phần; còn thiếu rất nhiều thông tin về thực trạng, những nội dung liên quan đến chuyển đổi số của huyện; chưa nêu được nội dung chuyển đổi số cụ thể của chính quyền huyện, xã và nội dung cần chuyển đổi số trong từng lĩnh vực sản xuất và đời sống; các mục tiêu của Đề án cần xác định phù hợp với quỹ thời gian thực hiện, tránh tình trạng mục tiêu đề ra là quá lớn, thời gian thực hiện không nhiều; cần minh chứng được cơ sở khoa học và thực tiễn về tính khả thi của Đề án.v.v…
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện, ghi nhận các ý kiến của Hội đồng phản biện và các đại biểu tại Hội thảo; đề nghị đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Đề án. Đồng chí mong muốn đơn vị tư vấn và Liên hiệp hội giúp huyện xây dựng Đề án một các cụ thể, phù hợp với nguồn lực tài chính của huyện, có tính khả thi, không trùng lặp với các chương trình, dự án khác của tỉnh đã và đang triển khai; từ đó phát huy được tiềm năng thế mạnh của huyện, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ về chuyển đổi số do UBND tỉnh giao.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Liên hiệp hội, nhấn mạnh: Đề án chuyển đổi số của huyện Quảng Xương là đề án có nội dung mới nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng Đề án. Vì vậy, để Đề án có khả thi khi triển khai thực hiện, cần thể hiện được 3 nội dung lớn của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; phân tích, đánh giá hiện trạng chuyển đổi số của huyện cần bám sát theo bộ chỉ tiêu do UBND tỉnh ban hành; cần xác định được điểm mạnh, hạn chế của địa phương để làm căn cứ xác định lĩnh vực ưu tiên; khai thác, thu hút tối đa cơ chế, chính sách của tỉnh, Trung ương về chuyển đổi số trên địa bàn huyện; xác định được danh mục các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai và phân bổ theo thời gian; giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị và phân bổ cụ thể nguồn kinh phí thực hiện cho từng nhiệm vụ.
Sau Hội thảo, Liên hiệp hội sẽ hoàn thiện Báo cáo phản biện, gửi UBND huyện, đơn vị tư vấn làm căn cứ để hoàn thiện Đề án theo đúng kế hoạch.