Thái Bình: Tư vấn, phản biện Đề án phát triển thương mại dịch vụ
Thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội do UBND tỉnh giao, ngày 13/11/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình đã tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Đề án Phát triển thương mại dịch vụ thành phố Thái Bình giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến năm 2045.
Tham dự Hội thảo có hơn 30 chuyên gia, đại biểu đại diện cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các sở, ngành trong và ngoài tỉnh. TS. Trần Thị Hòa, Chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì hội nghị.
Dự thảo đề án gồm ba phần được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, có tính khoa học và khả thi, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của cấp trên, thực trạng về phát triển thương mại và dịch vụ của Thành phố cũng như các yếu tố tác động đến phát triển thương mại và dịch vụ. Đề án đã bước đầu đánh giá được thực trạng hoạt động thương mại và dịch vụ của thành phố Thái Bình. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia tại Hội thảo, để quá trình triển khai thực tiễn đảm bảo mục tiêu đề ra, cơ quan soạn thảo cần chỉnh sửa Đề án theo hướng cô đọng hơn, tránh những nội dung trùng lặp; cập nhật số liệu so sánh, đánh giá thực trạng hoạt động thương mại dịch vụ của Thành phố Thái Bình so với Thành phố khác trong khu vực để xác định địa phương mình đang đứng ở vị trí nào; Bên cạnh việc nêu các hạn chế, yếu kém, bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, cần nhấn mạnh được việc phát triển thương mại và dịch vụ trong thời gian tới là xu hướng tất yếu nhằm tạo điều kiện việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; góp phần đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống khi Thành phố trở thành Đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đồng bộ với phát triển công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác của Thành phố; bổ sung, phân tích thông tin về tình hình hành chính, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố Thái Bình như Diện tích, dân số, GDP, số liệu về Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và cải thiện môi trường đầu tư, thị trường xuất nhập khẩu, thực trạng hoạt động thương mại điện tử … làm cơ sở để phân tích các chỉ số, nhu cầu và khả năng phát triển thương mại dịch vụ trong thời gian tới.
Về phần giải pháp, các đại biểu nhất trí với 06 nhóm nhiệm vụ giải pháp, tuy nhiên giải pháp đưa ra vẫn còn chung chung, chưa nêu bật giải pháp đột phá, giải pháp cần phải tập trung nguồn lực. Phần tồn tại, hạn chế cần bổ sung và phân tích kỹ hơn thị trường xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường truyền thống, xuất khẩu chính ngạch còn hạn chế, vẫn chủ yếu theo con đường tiểu ngạch (Gạo, lợn đông lạnh...); Hạ tầng thương mại nông thôn còn yếu, chưa thu hút được nguồn đầu tư; chuỗi cung ứng khép kín còn yếu....
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Trần Thị Hòa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đánh giá cao tinh thần làm việc khách quan, ghi nhận các ý kiến tư vấn, phản biện sâu sắc của các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Đề án trước khi trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.