Thái Bình: Phản biện Đề án Phát triển hệ thống Y tế dự phòng
Ngày 09/01/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình đã tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Đề án Phát triển hệ thống Y tế dự phòng tỉnh Thái Bình. Tham dự Hội thảo có hơn 20 chuyên gia, đại biểu đại diện cho các sở, ngành của tỉnh. TS. Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì hội thảo.
Dự thảo Đề án do sở Y tế xây dựng có bố cục chi tiết, gồm nhiều phần mục với các thông tin và số liệu phong phú, được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau; căn cứ pháp lý xây dựng đề án khá đầy đủ.
Phát biểu tại Hội nghị, các chuyên gia có nhiều ý kiến tư vấn khách quan cho đơn vị soạn thảo. Các đại biểu cho rằng, Đề án đã có tính khả thi cao, bước đầu đã đánh giá được thực trạng tổ chức hoạt động hệ thống y tế dự phòng tại Thái Bình trên 2 mặt: Tổ chức, bộ máy, nhân lực y tế dự phòng và kết quả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Đề án có mục tiêu rõ ràng và đã đưa ra được 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để xây dựng và phát triển mạng lưới y tế dự phòng của tỉnh Thái Bình, đồng thời cũng đưa ra lộ trình cụ thể thực hiện đề án theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, thành viên Hội đồng phản biện cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải xem xét lại mục tiêu Đề án, bố cục Đề án chưa thật logic, nội dung nhiều phần mục còn trùng lặp; một số nội dung trong đề án chưa thống nhất như cụm từ “tầm nhìn 2030” hay “định hướng đến năm 2030” và các giai đoạn trong đề án, các mục, tiểu mục, phụ lục. Phần sự cần thiết xây dựng Đề án chưa nêu bật được sự cần thiết xây dựng Đề án. Phần đánh giá thực trạng hệ thống y tế dự phòng tỉnh Thái Bình chưa làm nổi bật những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, để làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án một cách tốt hơn. Cơ quan soạn thảo cũng nên đánh giá thêm về tài chính y tế; kết quả hoạt động tự chủ phần chi thường xuyên xem có khó khăn, vướng mắc gì không? Phần nhiệm vụ, giải pháp còn khá chung chung, khó kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả. Cần nêu cụ thể và bổ sung thêm một số giải pháp như: phối kết hợp liên ngành; hợp tác; nghiên cứu khoa học; bổ sung các chỉ số và thời gian thực hiện, như: nhân lực đủ là bao nhiêu, khuyến khích tuyển nhân lực có trình độ cao và đào tạo nhân lực như thế nào, đầu tư phương tiện công nghệ cao, ứng dụng phần mềm, hoạt động nghiên cứu khoa học...
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đánh giá cao tinh thần làm việc khách quan, ghi nhận các ý kiến phản biện sâu sắc của các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Đề án trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.