Thái Bình: 6 bài học rút ra khi triển khai mô hình xử lý rác thải
Câu chuyện "quá tải rác" gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, xảy ra trong nhiều năm qua ở các địa phương vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Để giải quyết tình trạng trên, một trong những biện pháp khả thi được áp dụng là phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Hướng dẫn người dân kỹ thuật đảo đống ủ phân vi sinh từ rơm, rạ
Nhận thức được điều này, hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), tháng 2/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với 3 xã gồm: Bình Định (Kiến Xương), Tây Ninh (Tiền Hải) và Minh Quang (Vũ Thư) triển khai thực hiện mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tiến hành thu thập số liệu, biên soạn tài liệu và triển khai tổ chức tập huấn cho 630 hộ dân tại 03 xã. Tham gia tập huấn, người dân được hỗ trợ vật tư phân loại rác gồm: thùng đựng rác vô cơ, thùng đựng rác tái chế, thùng ủ và chế phẩm xử lý rác;cung cấp thông tin cơ bản về các vấn đề liên quan đến môi trường nông thôn; nghĩa vụ, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; được hướng dẫn thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn kỹ thuật ủ phân vi sinh có sử dụng chế phẩm sinh học theo quy mô hộ gia đình tại vườn, ruộng. Kiến thức tập huấn còn được trang bị cho các thôn trưởng, tổ tự quản tại các xã, đảm bảo cho quá trình nhân rộng mô hình khi có điều kiện.
Đến nay, qua gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình điểm được xây dựng tại 03 xã đã phát huy hiệu quả tích cực. Tại các hộ gia đình tham gia mô hình, lượng rác thải ra môi trường đã giảm trên 60%. Mức độ giảm này tăng dần qua các tháng. Lượng rác thu gom hàng tháng của thôn, xã có hộ dân tham gia mô hình cũng giảm đến trên 45%. Nhờ đó, các thôn, xã tiết kiệm được chi phí trong xử lý rác thải sinh hoạt. Tham gia mô hình, ý thức về phân loại rác tại nguồn của các hộ dân đã được nâng cao, giúp cho việc gìn giữ vệ sinh môi trường sống trong cộng đồng dân cư nâng lên rõ rệt. Mô hình còn giúp tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ ủ thành phân vi sinh bón lót cho cây trồng trong sản xuất, làm tăng độ phì nhiêu giúp đất phục hồi dinh dưỡng một cách bền vững; góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn.
Đặc biệt, từ nguồn rác tái chế thu gom của các hộ dân, Hội phụ nữ xã Bình Định còn phát động thành công phong trào “mẹ đỡ”, hàng tháng trao gói hỗ trợ về kinh phí trị giá 1.200.000 đ cho các em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trong xã, động viên, khuyến khích các em nỗ lực vượt khó, học tập. Đây là hoạt động xã hội mang ý nghĩa rất nhân văn từ những hành động tưởng chừng rất nhỏ của người dân trong việc phân loại rác.
Để có được thành tích trên, Liên hiệp Hội tỉnh Thái Bình đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, cần xây dựng kế hoạch thực hiện, đặt mục tiêu rõ ràng trong quá trình triển khai mô hình với các bước tiến hành cụ thể. Chủ động tìm hiểu thực tế tại địa phương cần triển khai để có những thay đổi bám sát với hoàn cảnh của từng xã, từ đó tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn khi thực hiện mô hình.
Thứ hai, xác định thông tin, tuyên truyền là yếu tố quyết định, Liên hiệp Hội đã chủ động đổi mới nội dung và phương pháp tập huấn, trang bị cho người dân những kiến thức cô đọng, bổ ích, thiết thực nhất liên quan đến việc triển khai thực hiện mô hình, “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn người dân thực hành quá trình phân loại, ủ phân vi sinh ngay tại lớp để việc “tai nghe, mắt thấy, tay làm” sẽkhiến các hộ dân nhớ lâu, nhỡ kỹ, làm đúng những nội dung được truyền đạt, khiến cho việc phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen, nếp nghĩ của mỗi người. Đặc biệt, Liên hiệp Hội còn tích hợp công nghệ, truyền tải kiến thức tập huấn qua mã QR in trên các thùng rác để khi cần, người dân sẽ quét mã tự kiểm tra việc thực hiện quy trình ủ rác của mình, đảm bảo đúng kỹ thuật, đạt hiệu quả.
Thứ ba, chú trọng đến công tác phối hợp hoạt động giữa Liên hiệp Hội và chính quyền các cấp; đề cao sự đồng lòng, đoàn kết giữa cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể và người dân trong xã; tăng cườngsự phối hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia mô hình: hộ dân - đơn vị thu gom - đoàn thể, chính quyền xã; nhấn mạnh đến vai trò giám sát trực tiếp việc thực hiện phân loại rác của mỗi cán bộ tổ thu gom.Trên tinh thần tự nguyện tham gia, mỗi hộ dân đều nhất trí ký cam kết thực hiện mô hình, đồng thuận với chủ trương và sự chỉ đạo sâu sát của tổ chức hội, chính quyền xã.
Thứ tư, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai mô hình. Từ đó, tạo động lực để hiệu ứng của mô hình lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường theo tinh thần Luật bảo vệ môi trường (hiệu lực từ 01/01/2022). Theo đó, triển khai bắt buộc phân loại rác thải tại các hộ gia đình và tính phí rác thải theo khối lượng. Những hộ nào không phân loại sẽ không được thu gom; hộ nào phân loại, lượng rác tái chế sau phân loại sẽ được thu gom miễn phí, nếu không sẽ phải trả phí cho toàn bộ lượng rác thải ra.
Thứ năm, để việc triển khai mô hình hiệu quả, đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ ban đầu cho thực hiện mô hình là việc làm hết sức cần thiết. Song song với đó là việc xã hội hóa hoạt động từ các bên tham gia (chính quyền, hộ dân) để cả cộng đồng cùng chung tay, vào cuộc khiến việc triển khai, áp dụng mô hình được lâu dài và bền vững.
Thứ sáu, mỗi xã, tùy vào đặc điểm của địa phương, cần xây dựng quy chế về thu gom, xử lý rác thải, đưa công tác bảo vệ môi trường vào hương ước thôn xóm, đồng thời triển khai các giải pháp cụ thể bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người dân.
Trong thời gian tới, trên cơ sở các bài học kinh nghiệm được đúc rút, Liên hiệp Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác tại nguồn, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.