Tập hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức KH&CN hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức KH&CN
Là một tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ Trung ương đến địa phương, trong 5 năm qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức KH&CN ở trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức nhiều hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc củng cố, phát triển đội ngũ trí thức và các hội của trí thức, góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Liên hiệp Hội Việt Nam đã không ngừng phát triển, tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương từng bước củng cố, phát triển; số hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc tăng lên đáng kể, thu hút được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức; 15% Liên hiệp hội tỉnh, thành phố có đại diện lãnh đạo chủ chốt tham gia Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Nội dung và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú; hoạt động tôn vinh trí KH&CN tiêu biểu đượcLiên hiệp Hội Việt Nam khởi xướng và lan tỏa tới nhiều hội thành viên; Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức được triển khai thường xuyên góp phần tạo môi trường mới để thu hút nhiều trí thức bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến quan trọng trong việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết.
Nhiều chương trình thỏa thuận hợp tác giữa Liên hiệp Hội Việt Nam với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, trường đại học, tập đoàn được ký kết, tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương, các hội ngành thành viên, các tổ chức KH&CN triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn theo các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, truyền thông và phổ biến kiến thức, thúc đẩy các phong trào sáng tạo kỹ thuật và hợp tác quốc tế, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có được những kết quả nêu trên là do sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên trong toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, đồng thời có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp, hỗ trợ từ phía các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo TS Mậu, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như địa vị pháp lý của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương là tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ. Mặc dù Liên hiệp Hội Việt Nam được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ khẳng định là tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, nhưng thiếu văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa đầy đủ các chủ trương trên thành các cơ chế, chính sách đối với Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương như các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Thiếu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ Trung ương về công tác tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, các hoạt động đối với Liên hiệp hội địa phương; công tác quản lý, hỗ trợ cơ quan báo chí, xuất bản và tổ chức KH&CN chưa được quan tâm đúng mức.
Các hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; nội dung và hình thức hoạt động chưa hấp dẫn trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia. Cơ chế vận hành của một số Liên hiệp hội địa phương và một số Hội ngành toàn quốc chưa năng động, đổi mới sáng tạo.
Hoạt động của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có. Một số hội ngành thành viên chưa phát huy được vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học kỹ thuật; thiếu sự chủ động kết nối và hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội.
Là tổ chức chính trị - xã hội, nhưng cơ cấu tổ chức bộ máy chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau. Mặc dù Chỉ thị số 42-CT/TW đã ban hành được gần 10 năm và Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về “Thi hành điều lệ Đảng” đã được 4 năm, nhưng đến nay chỉ có 50/63 Liên hiệp hội địa phương có tổ chức đảng đoàn. Tổ chức bộ máy và nhân sự lãnh đạo của các Liên hiệp hội địa phương còn nhiều khác biệt, chưa thống nhất; thiếu văn bản pháp lý quy định nhân sự trong biên chế được Nhà nước giao làm việc tại cơ quan Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương là công chức, viên chức; chế độ, chính sách của người lao động đang công tác tại các Liên hiệp hội địa phương chưa bình đẳng như các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của các hội ngành thành viên và tổ chức trực thuộc còn khó khăn. Các hội ngành thành viên, các tổ chức KH&CN ngoài công lập ít có cơ hội tiếp cận với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Chưa gắn kết được chặt chẽ mối quan hệ giữa trí thức KH&CN với cộng đồng doanh nghiệp để góp phần biến KH&CN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Mối quan hệ phối hợp giữa Liên hiệp Hội ở Trung ương, đia phương với các hội ngành thành viên, giữa các hội thành viên với nhau còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên.
Nhiều kết quả hoạt động và thành tựu của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương, các hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc chưa được xã hội biết đến.
Và để phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo, Liên hiệp Hội Việt Nam cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, tích cực tham mưu, đề xuất việc thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về Liên hiệp Hội Việt Nam thành cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương, các hội ngành thành viên và đơn vị trực thuộc để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao có vai trò hết sức quan trọng vừa trước mắt, vừa lâu dài đối với toàn hệ thống. Năng động, sáng tạo, củng cố và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, huy động và thu hút đa dạng các nguồn lực để triển khai nhiệm vụ; phát huy dân chủ, biết thuyết phục, vận động, lắng nghe, coi trọng sự đồng thuận là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên.
Vận dụng một cách sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác tập hợp, vận động trí thức; bám sát các chương trình, nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước để xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả. Phải đổi mới phương thức hoạt động bằng các hình thức tổ chức linh hoạt, nội dung phong phú, đa dạng, thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, các trí thức trẻ trong và ngoài hệ thống tham gia các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam. Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn; hướng các hoạt động của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên về cơ sở, gắn kết hoạt động, đồng hành và bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương.
Bài, ảnh: HT