Sự tích cây nêu trong cư dân Mnông
Đến ngày phải lên đường, Lênh bú mẹ lần cuối và hút thêm bảy ống sữa mẹ mang theo. Vào rừng sâu, Lêng chặt gỗ làm nêu nhưng vì còn yếu, Lêng kiệt sức và chết bên bờ suối.
Lúc đó có hai nữ thần là Bing và Jông đi tắm suối nhìn thấy người chết, chẳng biết là ai liền chạy về nhà báo cho thần Jung và Jrêng biết. Họ nhanh chóng trở ra suối và lấy ngải nhai thổi vào xác chết. Vừa làm xong thì Lêng cử động, nói được, đứng dậy ngơ ngác định chạy trốn. Thần Jung nắm tóc giữ lại, hỏi đầu đuôi mới biết rõ sự tình. Thương Lêng, các nữ thần nhận chặt cây, đẽo giúp nêu cho Lêng. Họ đẽo thật tài, xong giao cho Lêng. Lêng còn nhờ thần thổi cho mình lớn, khoẻ. Thần bảo Lêng ngồi trên hòn đá rồi đánh một phát bằng sống dao vào gáy, Lêng chết ngay tại chỗ. Thần bỏ Lêng vào nồi to, đem quay lửa cháy trụi thành tro, rồi lấy nhiều loại ngải: ngải lúa, ngải cơm cháy, ngải đánh nhau cho khoẻ, ngải sáng mắt, ngải lành vết thương… thổi vào nồi làm Lênh sống lại. Lênh nhảy ra khỏi nồi và tót lên cây đa. Thần Jung muốn thử sức Lêng mạnh đến đâu, liền phóng mình nhanh như điện giăng tơ chém ngay vào Lêng. Lêng dùng khiên chống cự, hai bên đánh nhau bằng khiên, tiếng khiên chạm nhau nghe chan chát. Cuối cùng khiên của Lêng bị vỡ, Lêng không chịu nổi bỏ chạy.
Thần Jung đuổi bám theo. Sức của Lêng chưa bằng thần Jung, nên thần cho Lêng ăn thêm củ ngải thành người to lớn, khoẻ mạnh lạ thường. Bấy giờ Lêng biết vui, biết buồn, biết thương, biết ghét, biết tức, biết giận… Lêng được thử sức lần nữa với thần Jung. Tiếng khiên, tiếng gươm vang đến tận trời xanh mà hai bên vẫn không phân thắng bại. Lêng xin ăn thêm ngải rồi trở về để kịp ngày cúng.
Bấy giờ thần Jung giao cây nêu cho Lêng. Lêng phải xếp gọn, giấu kín trong người vả chỉ chặt cọc trơn mang về dựng trước cửa nhà. Rồi Lêng biến thành người nhỏ bé, một bước đi chỉ được một gang, Ting - thủ lĩnh đầu bon Kon Kop - tức giận đánh Lêng một tát tai, Lêng khiếp đảm như gà sợ ó.
Ngày làm lễ “ăn trâu” đến, khách mời đã đông đủ, phải lấy cọc trơn trồng trước nhà làm cây nêu để cúng. Người ta thắp đèn, dọn cơm, mang rượu cần, thịt ra cúng và đãi khách. Mọi người ăn uống đông vui, chật các gian nhà, chen chúc đến nỗi duỗi chân không thấu.
Đến đêm khuya, mọi người đã đi ngủ, Lêng lén bước nhẹ ra khỏi chỗ, lấy ngải thổi khắp nhà làm mọi người càng ngủ say. Ngay con sóc trên cây, con cá sấu dưới nước cũng phải ngủ không kịp táp mồi; con chim cú mèo, con chim cù lần, con chim cu đang ăn cũng phải ngủ; con trâu đang cột trước nhà cũng phải ngủ; cả đến dòng suối đang chảy cũng phải nằm im…
Tất cả đều im lặng! Lêng lấy tay vỗ vào đùi, trong người văng ra cây nêu tuyệt mỹ của thần Jung làm giúp. Cây nêu tự nhiên phát sáng trưng, cao vút, toả sáng đất trời, hoa văn đẹp không còn chỗ chê, khắc đủ loại: hình còn tép, con tôm, con cua đang bò; hình con chim đang hót, con diều, con rling, con ong đang làm tổ hay mớm mồi cho con; hình con người biết mở mắt, biết hút thuốc lá, đang ăn cơm; có cả hình quả cà, quả đậu to bằng cái gùi, cái nia v.v…
Gió thổi nhẹ làm rung cành nêu, vang lên một âm thanh rất hay, người ta gọi là nhạc nêu, vang đến các bon khác làm người nghe nhạc nêu ngủ không yên, ăn không ngon phải ra khỏi nhà để nghe ngóng. Đến khi thức dậy, mọi người đều ngạc nhiên, thán phục không biết ai làm ra cây nêu tài đến thế? Họ bảo nhau: Chắc là Lêng đã dựng nêu. Bấy giờ Ting rất hối hận, bước đến bên Lêng xin tha lỗi. Lêng đáp lại: Em đâu biết làm gì, khắc hoạ văn chưa thạo, cây nêu cũng chưa được vừa lòng lắm!
Từ đó, cây nêu trở thành một tượng đài quan trọng của mọi lễ hội. Chỉ có điều, mỗi lễ hội khác nhau thì hình thức cây nêu sẽ được trang trí khác nhau, nhưng cây nêu thì không thể không có trong lễ hội dân gian của người Mnông. Bởi vì, theo sự tích thì nó là tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật tổng hợp hoàn mỹ nhất do thần linh sáng tạo để giúp con người trang trí trong lễ hội. Đồng thời con người bao giờ cũng cảm nhận rất thiêng liêng về hình tượng cây nêu. Người Mnông quan niệm, trong ngày lễ hội, cây nêu trang trí càng đẹp thì mới có nhiều thần linh đến dự và ban phát những điều tốt lành cho con người. Vì thế, những hình ảnh chạm khắc, sáng tạo treo trên cây nêu thường rất phong phú, sinh động, thể hiện được ước vọng, suy tử của con người với thần linh.
Nguồn: Dân tộc & Thời đại, số 82, 9/2005, tr 14, 18