Sự hình thành kiểu quản lý Nhật Bản
Điều này như là một kết quả mang tính thực tiễn chứng minh cho sự thành công của mô hình quản lý doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản từ những thập niên cuối của thế kỷ 20 và bước vào những năm đầu của thế kỷ 21 tiếp tục bộc lộ nhiều vấn đề cần phải có sự sửa đổi. Và người ta đã khẳng định rằng kể cả mô hình quản lý doanh nghiệp truyền thống vốn có của Nhật Bản cũng cần phải được điều chỉnh mới. Mặc dầu đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về quản lý Nhật Bản trên nhiều bình diện và các góc độ khác nhau. Song phần đông các công trình đó đã tập trung vào giới thiệu các thành công của quản lý Nhật Bản trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao. Nhưng bên cạnh đó, việc nghiên cứu nguồn gốc ra đời với các yếu tố cơ bản cấu thành nên phong cách quản lý đặc thù của nó từ các góc độ lịch sử, kinh tế, văn hoá và xã hội thì chưa có nhiều. Với lý do cho rằng sự tiếp cận từ góc độ nêu trên sẽ giúp chúng ta góp phần lý giải một cách có hệ thống và hoàn chỉnh hơn các giá trị cốt lõi được cho là thành công trong mô hình quản lý Nhật Bản ở quá khứ và cũng như việc đi tìm các cơ sở để tác động cho sự điều chỉnh của mô hình này trong tương lai. Do vậy bài viết sẽ tập trung trình bày trên một số mặt sau đây:
I. Từ đặc điểm xã hội và con người Nhật Bản cổ xưa - xây dựng nền tảng của quan hệ quản lý.
1. Một vài đặc điểm trong xã hội Nhật Bản cổ xưa.
Sự cô lập về mặt địa lý đã mang lại những hệ quả xã hội hết sức sâu sắc cho nước Nhật ngày nay. Từ khía cạnh lịch sử thấy rằng các thế lực quân đội hùng mạnh đã từng tồn tại trên các vùng lục địa á- âu luôn luôn bị chặn lại ở bán đảo Triều Tiên trước khi nó có thể vươn tới quần đảo Nhật Bản. Phần đại đa số các cư dân của những hòn đảo này từ buổi đầu lịch sử nước Nhật chưa bao giờ bị buộc phải chạy trốn rời khỏi nơi quê cha đất tổ của họ hoặc bị chinh phục.
Chúng ta biết rằng trong nghiên cứu xã hội học cho thấy các giai tầng xã hội và các đẳng cấp được hình thành khi một xã hội bao gồm có những kẻ đi chinh phục và một dân tộc bị khuất phục. Do vậy, các giai cấp mang dáng dấp như theo cách tư duy kiểu phương Tây đã không phát triển ở Nhật Bản. Trong lịch sử Nhật Bản, tất nhiên đã có các tầng lớp xã hội kiểu như quý tộc, võ sĩ (samurai) và nông dân tồn tại dưới thời xã hội phong kiến. Nhưng, kết cấu xã hội Nhật chưa bao giờ có những sự khác biệt ghê gớm giống như giữa đế vương và một kẻ nô lệ đáy cùng của xã hội kiểu phương Tây hoặc cũng không có hiện trạng tồn tại các rào ngăn tính không thể chuyển đổi cho thân phận một con người như ở một số nước khác trên thế giới. Tính đồng nhất tương đối về mặt tộc người của Nhật đã tạo ra sự không cần thiết phải tồn tại các hành động trừng phạt hà khắc như người ta được chứng kiến ở các quốc gia có các sự phân biệt đối xử rất khác biệt về tộc người và đẳng cấp xã hội. Trong lịch sử Nhật Bản, khi hai nhóm samurai đánh nhau, trong hầu hết các trường hợp số đầu lĩnh phía bại trận bị buộc phải tự tìm cái chết cho mình bằng cuộc tự sát đầy khí phách. Vị trí và các tước vị của các thành viên còn lại được nhập vào nhóm chiến thắng như là một gia đình mới - gia đình chiến thắng. Mặc dầu, trong xã hội phong kiến những điều kiện lao động khắc nghiệt đã dẫn tới có nhiều vụ nông dân nổi dậy ở Nhật Bản. Nhưng từ những kết quả nghiên cứu mang tính so sánh với các vụ bạo loạn nông dân ở phương Tây (trong thời kỳ Phục hưng phong kiến) thì những nông dân ở phương Tây phải gánh chịu các cuộc đàn áp dã man khó có thể so sánh được với trường hợp ở Nhật Bản. Mặc dù tính cuồng tín tôn giáo hay bài thị tôn giáo thường dẫn tới các cuộc tắm máu trong các nước tồn tại sự độc tôn tín ngưỡng là Thiên chúa giáo hay Hồi giáo. Nhưng đối với người Nhật Bản hiếm khi sử dụng đến sức mạnh đao kiếm để giải quyết xung đột đối với người khác vì các lý do mang tính học thuyết giáo lý. Có rất ít cuộc chiến tranh tàn nhẫn mang sắc thái thần thánh trong cácxã hội theo đạo Phật bởi vì những lời răn dạy của đạo Phật về sự không kháng cự, không bạo lực và giết chóc đã đi vào tâm thức các tín đồ.
Hơn nữa Nhật Bản đã từng đứng bên bờ vực của cuộc nội chiến vào mùa xuân năm 1868 khi lực lượng quân đội của chế độ Tokugawa và các đơn vị trung thành với Hoàng đế Minh Trị đã đụng độ lẻ tẻ ở Satsuma và Choshu. Nhưng sau đó các nhà lãnh đạo đã kịp thương thuyết đi đến một giải pháp dung hoà. Họ đã chia sẻ một ý niệm về cuộc khủng hoảng dân tộc cho rằng nếu người Nhật Bản cứ tự chiến đấu chém giết lẫn nhau trong khi người nước ngoài đang đe doạ vận mệnh đất nước họ thì giản đơn là người Nhật chỉ biết giơ tay lên mà đầu hàng. Sự chuyển giao từ chế độ Tướng quân Tokugawa sang Chính phủ Hoàng đế Minh Trị đã được giải quyết giống như một sự tranh chấp trong nội bộ gia đình hay một bè đảng mà thôi. Những điều này có ảnh hưởng rất lớn tới các hành vi trong quan hệ quản lý sau này ở Nhật Bản.
2. Người Nhật Bản
Từ lăng kính nghiên cứu lịch sử cho thấy phần lớn các cư dân nông nghiệp Nhật Bản sinh sống nối tiếp nhau trên những hòn đảo này kể từ thời xa xưa đã định hình nên một mối kết gắn vững chắc đối với quê hương của họ. Từ các kết quả điều tra thăm dò ý kiến công chúng, các nhà nghiên cứu về tâm lý học người Nhật Bản đã đưa ra một số kết luận có giá trị về tư duy con người Nhật Bản. Người ta đã tìm thấy một biểu hiện rất đặc biệt về phản ứng nhạy cảm có liên quan tới nguồn gốc thân thế gia tộc trong mỗi con người Nhật Bản. Quê hương chưa hẳn đã là nơi mà ở đó người ta được sinh ra. Ví dụ, đối với một người đàn ông Nhật Bản hiện đang sống ở Tôkyô thì địa danh nơi anh ta xác định với nó chính là nơi cha của anh ta đã được sinh ra với lý do ông bà của anh ta đã sống ở đó nhiều thế kỷ nay rồi. Người Nhật Bản khi chết muốn được chôn trên cùng mảnh đất quê hương để được đoàn tụ với tổ tiên của họ. ý muốn tâm linh được chôn cất trên mảnh đất của riêng họ phản ánh các ý nghĩ của nhóm cư dân nông nghiệp sống quần cư và không thích có sự thay đổi nơi cư trú. Khía cạnh này cho chúng ta thấy tính quần tụ được thể hiện rất mạnh trong các tập đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản, hay đi xa hơn là sự phát triển các mô hình gia đình công ty của Nhật Bản.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng người Nhật Bản phải chăng là các hậu duệ của những người nhập cư tứ xứ. Nếu như vậy thì có lẽ họ sẽ không có được sự kết gắn bền chặt với mảnh đất quê hương của họ như thế. Song, thực tế xã hội và con người Nhật Bản lại chứng minh cho điều ngược lại. Tính cố kết cộng đồng với quê hương đất tổ, ví dụ mong muốn tiếp tục được ngủ dưới cùng một ngọn núi hay dưới cùng một bầu trời trên mảnh đất quê hương, là một đặc trưng nổi bật của chủ nghĩa nhóm trong tính cách con người Nhật Bản. Khái niệm nhóm đ ã mở rộng vượt tới sự liên kết hiện thời đối với cả những con người của quá khứ. Thuật ngữ gia đình hàm chứa cả những thế hệ nối tiếp nhau, và công ty (hay một doanh nghiệp) bao gồm những người sáng lập và các thế hệ của những người công nhân đầu tiên cũng như là các nhân viên của công ty hiện thời.
Người Nhật cho rằng quá khứ không ra đi mãi mãi mà vẫn còn sống ở trong hiện tại. Ví dụ, ông bà tổ tiên của một gia đình hay những người sáng lập ra một công ty mặc dù đã mất nhưng người Nhật Bản hiểu là họ vẫn còn sống dưới các dạng là thần thánh hay linh hồn, luôn dõi theo các hoạt động của con cháu họ, hay quan sát sự thay đổi của công ty từ dưới nấm mồ. Giống như những người theo đạo Thiên chúa, họ cầu nguyện Chúa Giê-su hòng nhờ tới sự bảo vệ siêu phàm của ông ta, còn người Nhật Bản kêu gọi tới sức mạnh siêu nhiên từ niệm cầu tinh thần bằng sự hi vọng vào việc tổ tiên họ mang các điều phước lành tới cho con cháu.
Khái niệm linh hồn mà tiếng Nhật gọi là sorei là một chìa khoá quan trọng để hiểu cách suy nghĩ của các cư dân nông nghiệp Nhật Bản. Mặc dầu không có một tôn giáo phổ thông xuất hiện chiếm ưu thế ở Nhật Bản giống như đức tin của các thứ giáo lý tồn tại trong các vùng xa mạc (đạo Hồi) hay vùng lạnh châu âu (đạo Thiên chúa) mà sự cầu nguyện đặt vào Đức Chúa trời (Giê-su hay Thánh A-la), song đất nước Nhật Bản trải dài trong một vùng khí hậu ôn hoà lại sản sinh ra một thuyết duy linh mà chúng dạy con người thái độ tôn kính tổ tiên, đất đai và tự nhiên. Mặc dầu vào cuối thế kỷ thứ 19, Chính phủ quân sự Nhật Bản (thời kỳ Minh Trị) đã tổ chức một cách có hệ thống những niềm tin của người dân vào đạo Shinto (gọi là Thần đạo), và nó được quy định như là quốc đạo ở Nhật Bản trong khoảng thời gian đó. Song, một thuyết duy linh có tính sơ khai đã tồn tại rất lâu trước khi nó được chuyển hoá để trở thành hiện đại như ngày nay.
Những cuộc điều tra nghiên cứu về niềm tin tôn giáo chỉ ra rằng thậm chí nhiều người Nhật theo đạo Thiên chúa vẫn tiến hành tổ chức lễ hội Bon có tính tâm linh rất cao vào tháng 8 hàng năm. Các số liệu như vậy chỉ rõ niềm tin vào sorei (linh hồn) là mạnh hơn cả một loại tôn giáo thông thường. Trong thực tiễn, liên quan tới khía cạnh này, một công ty của Mỹ kinh doanh các mặt hàng đồ uống đã cố gắng khai thác sự nhạy cảm đó trong mùa lễ hội Bon. Người ta có thể nhìn thấy các dòng quảng cáo đầy ấn tượng và rất lạ lùng, đại thể như: "hương vị của nước uống Pepsi Cola ngon và hấp dẫn đến mức khiến những người bà con thân thích đã yên nghỉ của bạn sẽ phải từ các nấm mồ của họ mà đi ra để đòi được thưởng thức chúng"(1).
Mặc dù trong nhiều kết quả nghiên cứu so sánh thấy rằng người Hàn Quốc có ý thức nhiều hơn về các chi, nhánh trong hệ phả gia đình họ và duy trì một sự kết gắn gia đình bền chặt hơn so với người Nhật, song họ vẫn là con người mang tính cá lẻ. Người Hàn Quốc thường nói: Một chọi một, chúng ta có thể đánh bại người Nhật. Nhưng nếu một đội 3 người Nhật thà đấu với một đội 3 người Hàn Quốc, thì chiến thắng luôn thuộc về phía họ (đội 3 người Nhật). Mặc dầu điều này được nói với hàm ý bông đùa, song thực tế cho hay là người Hàn Quốc thường làm rất tốt trong một nỗ lực mang tính cá nhân và người Nhật sẽ xuất sắc với hành động của một nhóm công tác. Từ góc độ phân tích lịch sử, Hàn Quốc đã trải qua nhiều thế kỉ là một quốc gia theo đạo Khổng chính thống, và trong một số cách thức nào đó thứ tôn giáo này đưa người Hàn Quốc đạt tới niềm tin vững chắc hơn ngay cả so với điều này ở chính nước Trung Quốc, là nơi hình thành các thuyết giáo đạo Khổng. Trong nhiều thập kỷ qua, số người theo đạo Thiên chúa giáo ở Hàn Quốc đã tăng lên khá nhanh. Một số báo cáo cho thấy con số này đã lên tới 25% tổng dân số Hàn Quốc(2).
Điều giải thích cho hiện tượng số người Hàn Quốc theo đạo Thiên chúa gia tăng như vậy là nhờ có mảnh đất ươm trồng màu mỡ bởi chủ nghĩa cá nhân. Nếu nhìn vào cách viết chữ Hán của từ ngữ gia đình ở Hàn Quốc được cấu tạo bởi chữ mon đọc theo âm Hán Việt (nghĩa là cổng) và chữ trung, (đọc theo tiếng Hàn là munjung) thì chúng ta có nhận xét rằng gia đình ở Hàn Quốc phải được dẫn dắt bởi một người đàn ông có đầy đủ khả năng hoặc là một người đàn ông chủ nhà danh giá mới đảm trách được vai trò làm trung gian, trụ cột và bảo vệ gia đình. Còn từ gia đình trong tiếng Nhật đọc là kazoku, theo kết cấu chữ Hán được viết theo 2 thành tố là ie nghĩa là ngôi nhà và zoku nghĩa là gia đình hay bà con họ hàng. Do đó, người con trai lớn tuổi nhất trong một nhà tự nó đương nhiên đã hàm chứa với tính cách là đại diện cho một gia đình đó. Qua nghiên cứu lịch sử, trong số những cư dân làm nghề nông, các vị trí lãnh đạo trong làng thường thường là có tính cha truyền con nối, tuy nhiên trong số những người du mục ở Bắc á, năng lực con người lại là một tiêu chí để bầu chọn làm lãnh đạo. Một người trưởng thôn có rất ít ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh của cộng đồng đó, nhưng đối với một tộc trưởng bất tài thì có thể đồng nghĩa với một thảm hoạ cho bộ tộc đó. Khả năng lãnh đạo vượt trội là một vấn đề sống hay chết cho các bộ tộc du mục.
Rõ ràng là người Nhật và người Hàn Quốc có thể chia sẻ một cội nguồn chung trong quá khứ cổ đại, nhưng người Hàn Quốc ngày nay vẫn cho thấy các dấu vết của văn hoá cưỡi ngựa hay nuôi dưỡng gia súc của vùng Tây Bắc á. Với người Nhật Bản dường như là một sự hoà trộn giữa phương Bắc và phương Nam trong khía cạnh văn hoá chăn nuôi, nhưng lại có một cách nhìn của nhóm người cư dân canh tác nông nghiệp phương Nam. Đặc tính này có ảnh hưởng rất lớn tới việc tạo tính cách trong các hành vi tạo quyết định quản lý cũng như tuân thủ các quyết định quản lý ở trong x ã hội Nhật Bản sau này. Hay nói cách khác nó cũng là các cơ sở của quan hệ quản lý trong kinh doanh.
II. Quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp cổ xưa ở Nhật Bản là tiền đề hình thành các hành vi quản lý kiểu Nhật Bản.
Chúng ta biết rằng với nước Nhật bị biệt lập do điều kiện địa lý tự nhiên quy định, hoạt động sản xuất nông nghiệp trong các làng xã Nhật Bản từ xa xưa được xây dựng trên sáu đặc trưng lớn mà theo đó chúng đã định hình cho các hành vi ứng xửxã hội và các giá trị của người Nhật Bản ngày nay. Đó là những tiền đề cho sự hình thành các hành vi quản lý kiểu Nhật Bản sau này.
1. Công việc gieo trồng lúa gạo: một hoạt động mang tính nỗ lực của cả một nhóm làm nền tảng cho kiểu tổ chức quản lý theo nhóm công tác.
Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống trong xã hội Nhật Bản xa xưa, công việc của làng (mura) được quyết định bởi nhóm với tính cách như là một ý chí chung của cộng đồng dân cư. Những người nông dân thực hiện các công việc sao cho luôn tạo ra một sự gần gũi giữa người này với những người kia khiến cho sự hợp tác trở thành một bản chất thứ hai trong con người Nhật Bản. Không có gì xẩy ra giống như với những nông dân ở vùng Kansas hay Iowa của Mỹ. Người ta thực hiện việc cày bừa trên những cánh đồng rộng mênh mông cách xa nhiều dặm so với cánh đồng gần nhất của người hàng xóm. Điều đó dẫn tới tính chất hợp tác theo nhóm đã bị triệt tiêu mà thay vào đó là một nỗ lực cá nhân được đề cao.
Thực vậy ngay cả đối với những cánh đồng gieo trồng ngũ cốc đã được thuỷ lợi hoá ở Nhật Bản, từ việc đưa nước vào ruộng hay việc tháo nước ra thì toàn bộ những thửa ruộng của làng phải được tưới nước một cách đồng thời. Điều đó nó đòi hỏi có một sự hợp tác rất cao. Ngay cả việc sử dụng phân bón cho những thửa ruộng ở phía đầu nguồn nước có thể sẽ bị dò rỉ sang các thửa ruộng của những người nông dân khác ở phía dưới thấp hơn. Do vậy, mọi người nông dân trong làng đều phải tính toán thống nhất trong việc sử dụng cùng một thứ phân bón nào đó cho phù hợp với loại đất và cây trồng của mình. Những nông dân có ruộng ở đầu các mương nước phải rất cẩn trọng khi họ muốn tháo nước vào những cánh đồng của mình hay sẽ để những cánh đồng lúa ở xa phía dưới mương nước hoàn toàn bị ngập. Hoặc những cánh đồng lúa đã được tháo kiệt nước khi cây lúa đến lúc thu hoạch và mọi người phải làm công việc đó cũng trong cùng một thời gian như thế nào. Điều đó có nghĩa là các cư dân nông nghiệp Nhật Bản rất ưa thích tới sự phối hợp hoạt động theo một mô thức tập thể mà nó được hiểu là chủ nghĩa nhóm trong quản lý sau này.
2. Không hướng tới phân công lao động chuyên sâu trong sản xuất nông nghiệp - cơ sở cho hình thức tổ chức quản lý sử dụng người lao động đa năng.
Nếu quan sát công việc săn bắn mang tính hoang dã thì chúng lại được chi tiết hoá tới từng nhiệm vụ tách biệt. Ví dụ những người đánh trống xua đuổi thú dàn hàng ngang trước các con mồi và trong khi đó những tay săn thú sẽ mai phục đợi đâu đó cho chúng chạy tới rồi ra tay. Ngược lại, trên những cánh đồng gieo trồng ngũ cốc như ở Nhật Bản, mọi người làm việc như một người đa năng. Họ phải làm tất cả các nhiệm vụ công việc từ việc chuẩn bị đất, cấy lúa, làm thủy lợi, làm cỏ và thu hoạch. Ngoại trừ người nông dân ốm yếu về mặt sức khoẻ, công việc cộng đồng mang tính tập thể không cho phép những cá nhân lựa chọn làm những công việc lặt vặt trong nhà. Từ ảnh hưởng của các tập quán hoạt động sản xuất nông nghiệp lâu đời đó người ta cho rằng nó là lý do cơ bản khiến cho các công ty của người Nhật sử dụng phương pháp dùng những người đa năng thay cho những chuyên gia trong lĩnh vực hẹp. Nhà quản lý Nhật Bản vẫn tin rằng mọi người lao động nên có đầy đủ khẳ năng thực hiện tất cả các khía cạnh của một hoạt động công việc.
3. Tính ổn định và lặp lại - đặc trưng khá cơ bản trong hoạt động canh tác lúa gạo của các cư dân nông nghiệp Nhật Bản - tạo phẩm chất kiên nhẫn trong người quản lý.
Từ rất lâu, cứ năm này qua năm khác, vào mỗi niên vụ người nông dân Nhật Bản lại thực hiện những công việc nặng nhọc đó giống như trước đây đã từng làm. Trên khía cạnh này thì hoạt động canh tác trồng trọt không có gì là giống với các hoạt động săn bắn tự nhiên hay là cuộc sống chăn nuôi du mục. Một con thú thoát chết sau một lần bị sập bẫy hoặc trong một cuộc bị săn đuổi sẽ học được sự cảnh giác từ những tiếng động la thét gần nó, và chính điều này buộc những người thợ săn phải nghĩ ra các mưu mẹo mới. Ví dụ nếu một con thú tránh được những cái hố bẫy đã bố trí trong một khu vực cây cối rậm rạp, thì tiếp đó những người thợ săn sẽ cố gắng xua đuổi nó vào một khoảng trống để tiện cho việc phát huy hiệu quả của các dụng cụ săn bắn khác như cung, nỏ. Việc điều chỉnh hành động theo sau sự phản ứng của con mồi khiến cho những người thợ săn có cơ hội thử nghiệm các phương pháp và vũ khí mới.
Thậm chí khi quan sát so sánh tập quán canh tác nông nghiệp theo kiểu đốt nương rẫy ở một bộ phận cư dân nông nghiệp vùng núi cao ở các nước Đông Nam á, nó không đòi hỏi có các nhiệm vụ công việc đơn điệu giống nhau năm này qua năm khác. Ví dụ, những người nông dân thay đổi các loại hạt giống cây trồng và các mùa vụ mang tính hàng năm.
Nhưng trên những cánh đồng gieo trồng lúa gạo ở Nhật Bản, có rất ít những sự thay đổi của năm này so với năm trước. Không có những phương pháp mới mang tính nổi trội có thể được áp dụng cứ sau mỗi năm canh tác. Tất nhiên, thời tiết cũng là một yếu tố hay thay đổi. Khô hạn có thể làm giảm sản lượng thu hoạch, nhưng những người nông dân chỉ có thể sử dụng các phương pháp giống như thế này vào vụ canh tác năm tới và đặt hy vọng vào trời sẽ đổ mưa. Những tục ngữ trong tiếng Nhật biểu đạt một tiền đề của chủ nghĩa Khắc kỷ như Nanigoto mo shinbo ga daiichi, tạm hiểu kiên nhẫn là đức tính đầu tiên, hay Ishi no ue nimo sannen- bền bỉ sẽ đạt tới chiến thắng.
Vận dụng trong điều kiện sản xuất công nghiệp cho thấy triết lý của nhiều công nhân cổ trắng trong các công ty lớn hay các tổ chức doanh nghiệp của người Nhật được dựa trên một ẩn dụ kiểu dân dã nông thôn rằng nếu bạn dừng một cách kiên nhẫn ở trên cùng một nơi, vụ mùa sẽ đơm trái và sự thu hoạch sẽ là bội thu. Họ ưa chuộng kiểu thuê mướn lao động suốt đời với một tổ chức, hay một doanh nghiệp và được thăng tiến một cách đều đặn thông qua chế độ thâm niên. Ngược lại, với những đồng nghiệp của họ ở các nước khác như Mỹ hay châu âu thì những người công nhân cổ trắng ở đó cố gắng lao mình vào việc săn đuổi, tìm kiếm để đạt tới vị trí đứng đầu công ty hay những công việc có triển vọng. Dường như nó được coi như là một tiêu chí đánh giá động lực cho kiểu văn hoá phương Tây.
4. Tính bắt trước ngẫu nhiên từ hoạt động sản xuất canh tác nông nghiệp là cơ sở hình thành kiểu tư duy trong điều hành quản lý của người Nhật.
Tìm hiểu đặc điểm này có thể giải thích điều mà cho đến nay người ta vẫn buộc tội Nhật Bản là "một kẻ giỏi bắt chước" kỹ thuật của người khác.
Trên thực tế, các công ty Nhật bị người ta chỉ trích về sự thường xuyên copy (sao chép) các công nghệ và các sản phẩm nước ngoài. Nhưng một người nông dân canh tác trên cánh đồng lúa bắt trước một cách rất tự nhiên các kỹ thuật canh tác thành công của người hàng xóm. Việc săn bắt là một hoạt động mang tính đơn lẻ, và bí quyết săn bắt thú có thể được giữ kín. Cây lúa lớn lên trên những cánh đồng được thuỷ lợi hoá, và chúng được phô diễn một cách tự nhiên và công khai trên những cánh đồng của cộng đồng làngxã ở nông thôn Nhật Bản. Những cải tiến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp có thể nói rộng cho tất cả mọi người trong cộng đồng. Chúng không thể bị che dấu hay bị sao chép lại như một tài sản thuộc sở hữu trí tuệ của ai đó. Ví dụ, quan sát tính đồng thuận của một nhóm khách du lịch người Nhật khi gọi thực đơn bữa ăn ở một khách sạn là xuất phát từ tính bốc đồng giống nhau để sao chép y nguyên nội dung thực đơn của người bên cạnh mình. Ngược lại, không giống như người Nhật, ví dụ ngay cả người Hàn Quốc được cho là con cháu của những người sinh sống theo phương thức săn bắn muông thú thì việc gọi thực đơn cho mỗi cá nhân hoàn toàn khác nhau. Đây là một tâm lý của người đi săn, ưa thích sự khác biệt và độc lập.
Đối chiếu với thực tiễn ngày nay, thông qua việc thực hiện cuộc điều tra tâm lý giới doanh gia được tiến hành cả ở Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 1993, giáo sư Hayashi là một nhà nghiên cứu quản lý và khoa học hệ thống của Trường Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản đ ã đưa ra một số kết luận như sau.
Trong điều tra khảo sát, nhóm nghiên cứu của ông sử dụng việc đặt câu hỏi tình huống có các lời đáp lựa chọn:
- Tình huống thứ nhất: Theo một cách suy nghĩ, việc khai thác các kết quả thuộc về các nỗ lực và sự sáng tạo của một người hay một công ty khác - mà tên được gán cho hiện tượng này là "đi tàu không mất tiền" hay "cưỡi ngựa miễn phí", hay "đi nhờ" (free ride), là một tập quán kinh doanh khôn ngoan, có thể chấp nhận được trong một chừng mực hành động của bạn không làm tổn hại về mặt tài chính cho các đối tác khác.
- Tình huống thứ hai: Tuy nhiên, có người lại mang cách suy nghĩ khác, đây là một sự không đúng đắn để sử dụng các tài sản của một công ty khác mà không hề quan tâm tới việc liệu hành động này có làm họ tổn hại về mặt tài chính?
Theo bạn, nên lựa chọn ý kiến nào?
Kết quả phản ánh quan niệm "cưỡi ngựa miễn phí" là một tập quán kinh doanh có thể chấp nhận được trong đó Nhật Bản là 66,5% đồng ý cho câu hỏi tình huống thứ nhất và Hàn Quốc là 54,2% cho câu hỏi thứ hai(3).
Điều thú vị là tỷ lệ này đều đạt được quá 2/ 3, một con số xác xuất được đảm bảo tốt. Con số này cũng phản ánh số người ủng hộ quan điểm "free ride" ở Nhật Bản cao hơn so với Hàn Quốc. Theo độ tuổi, những người Nhật Bản trẻ tuổi nhất (từ 20 đến 29) tán thành quan niệm này lên tới 75,6%. Lớp người trung niên cũng nhanh chóng tỏ rõ sự tán đồng quan điểm trên. Măc dầu so với người Nhật Bản, có nhiều người Hàn Quốc hơn nói rằng họ chống đối lại kiểu "đi nhờ", nhưng trên thực tế việc sao chép nhn mác, các logo và các sản phẩm bắt chước lại là một vấn đề xẩy ra nghiêm trọng ở Hàn Quốc hơn là ở Nhật Bản. Các nguyên tắc đạo lý thông thường và thực tiễn hoạt động kinh doanh thường là trái ngược nhau. Trong thế giới phương Tây, việc gọi là "đi nhờ" được xem là một hành vi phi đạo đức, tỷ lệ chấp thuận quan điểm này là rất thấp.
Tuy nhiên, từ thời kỳ văn hoá lúa gạo cổ xưa cho đến tận bây giờ, ở Nhật Bản đối với việc bắt chước nhanh chóng các kỹ sảo của một người láng giềng vẫn được xem xét là một đức tính tốt và tất nhiên còn một khoảng cách rất xa với khái niệm được cho là phi đạo đức trong kinh doanh.
5. Sáng tạo và thích ứng hoàn cảnh: di sản kế thừa từ hoạt động sản xuất lúa gạo làm nền tảng cho tính linh hoạt khi ra quyết định của người quản lý.
Thực tế lịch sử cho thấy với những vùng khí hậu nhiệt đới có các điều kiện nguồn nước phong phú, ở đó những người nông dân có thể dễ dàng sử dụng các loại giống cây trồng và phương pháp sản xuất giản đơn từ cổ xưa truyền lại. Do vậy họ ít quan tâm tới việc đổi mới điều kiện và phương thức sản xuất. Tuy nhiên, Nhật Bản lại là một trường hợp điển hình của sự khắc nghiệt do điều kiện tự nhiên mang lại. Việc sản xuất lúa gạo của những người nông dân Nhật Bản từ xa xưa đ ã trở nên rất phức tạp và đòi hỏi phải có một sự cần cù, sáng tạo ghê gớm nhằm chiến thắng lại sự khắc nghiệt của tự nhiên. Nhờ vậy, các kỹ thuật và điều kiện sản xuất nông nghiệp của họđ ã trở nên tinh sảo sau nhiều thế kỷ trôi qua.
Ngày nay, những người nông dân đã thực sự cải tạo nâng cấp những cánh đồng của họ đến mức khiến ai đó nghĩ là Nhật Bản đã từng có một điều kiện sản xuất thuận lợi hơn bất cứ nơi nào khác. Trong công việc đồng áng người nông dân Nhật Bản vẫn chứng tỏ tính cần cù và cẩn thận vốn có của cha ông họ, được ví như bầu tâm huyết của những người thợ thủ công dành vào một tác phẩm gốm sứ nghệ thuật vậy. Các gia đình nông dân Nhật Bản vẫn làm việc chăm chỉ cả trong các mùa nghỉ nhàn rỗi. Sự cần cù nhẫn nại của lao động thủ công kết hợp với các thao tác sử dụng máy móc nông nghiệp thuần thục và nhẹ nhàngđ ã chứng tỏ một ngành nông nghiệp phát triển của Nhật Bản. Tuy nhiên, quá trình cơ giới hoá nông nghiệp được lan rộng kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và thực sự đã lấy đi của người nông dân Nhật Bản nguyên tắc lao động cơ bắp (chân tay) theo kiểu cổ truyền trước kia, song đặc tính cần cù và sáng tạo vốn có vẫn được duy trì.
6. Sự mờ nhạt của cá nhân chỉ huy trong tổ chức sản xuất nông nghiệp cổ xưa nhưng đề cao kiểu lãnh đạo tập thể.
Lịch sử ở Nhật Bản đã chứng minh cho thấy việc tổ chức các công việc đồng áng không yêu cầu cần phải có một người lãnh đạo giỏi giang và có quyền uy như một thủ lĩnh trong các bộ tộc của những người đi săn bắn du mục. Vì các hoạt động sản xuất được lặp đi lặp lại một cách đều đặn năm này qua năm khác trên cùng một mảnh ruộng của mỗi một hộ gia đình đơn lẻ. Và phần nhiều là người ta tuân theo cùng những phương pháp canh tác giống nhau có tính phổ biến của làng hay ở vùng đó. Toàn bộ các hoạt động sản xuất ở nông thôn Nhật Bản có thể được điều hành thông qua một sự đồng thuận ý chí của làng mà không cần có một sự lãnh đạo cá nhân. Khi vụ mùa đã được thu hoạch hoàn tất, cả cộng đồng dân cư của làng sẽ tiến hành các hoạt động hội hè ngày mùa ngay tại các ngôi đền của làng dưới sự điều phối của một ban tổ chức chung.Thậm chí ngày nay ở Nhật Bản, một nền nông nghiệp hoàn toàn được cơ giới hoá, ở mỗi thôn làng, cộng đồng dân cư vẫn tổ chức các hội mùa để bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với sự sùng kính trời, đất, và các con sông người đã cung cấp cho họ một sự no đủ.v.v. Nhìn ở khía cạnh tổ chức quản lý nó là cơ sở cho việc hình thành sự lãnh đạo nhóm, được hiểu là một trong các đặc trưng trong quản lý Nhật Bản sau này.
III. Sự hoà trộn tính truyền thống với kiểu quản lý của phương Tây.
Chúng ta đều biết rằng, do điều kiện địa lý đặc thù, đất nước quốc đảo này có sự biệt lập tương đối với vùng đất lục địa á- âu rộng lớn. Những người Nhật Bản thủa đầu sống trong những ngôi làng nhỏ bé, được tổ chức xung quanh các hoạt động mang tính hợp tác trong việc canh tác trồng trọt lúa gạo. Xuất xứ ban đầu của chủ nghĩa nhóm kiểu người Nhật Bản hiện thời là bắt nguồn từ một sự cố kết làng xã - tiếng Nhật gọi là mura, một cộng đồng tự cố kết bên trong mà mỗi một cá thể là một thành viên của nó và tất cả các thành viên này đều cơ bản là bình đẳng như nhau. Những thành viên này đã làm việc cật lực với một tinh thần chuyên cần năm này qua năm khác để thực hiện những nhiệm vụ không có gì thay đổi của cộng đồng làng xã đó.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ vùng lục địa á - Âu rộng lớn đã tràn vào quần đảo này giống như một sự thẩm thấu qua mũi tiêm. Chúng được diễn tả một cách chậm chạp, một cách từ từ, và từng giọt từng giọt một. Qua nhiều thế kỷ,xã hội Nhật Bản đã hình thành nên một chất kháng thể đối với các ảnh hưởng bên ngoài đó. Người ta nói rằng một nền văn hoá "khoẻ khoắn" như vậy đã buộc những cái từ nước ngoài du nhập vào bên trong nó trở thành cái có hình dạng hoàn toàn mới và thích nghi ngay với hoàn cảnh Nhật Bản. Do đó nó không bao giờ đánh mất đi cái bản sắc của riêng mình.
Từ thời cổ xa xưa, các cư dân Nhật Bản đã có một thói quen treo các mành làm bằng tre trước các cửa ra vào trong các ngôi nhà nơi họ sinh sống, tiếng Nhật gọi là misu. Điều đó nhằm mục đích là tạo cho gia chủ có thể quan sát thấy những thứ bên ngoài cửa nhà mình trong khi đó nếu từ bên ngoài lại không thể nhìn được bên trong đang làm gì. Tương tự như vậy, những thế hệ người Nhật trước đây đã dõi theo sự phát triển ở thế giới bên ngoài từ đằng sau bức màn phủ bởi sự biệt lập với thế giới bên ngoài và đã đón nhận hoặc đã sao chép những thứ của các nền văn minh khác. Có thể nói rằng đó là luồng chảy một chiều với nghĩa văn hoá nước ngoài đi vào trongxã hội Nhật nhưng trái lại không có gì đi ra cả. Nhật Bản vẫn giữ một sự huyền bí, thậm chí đến cái tên người ta đặt cho quốc đảo này cũng không rõ ràng, ví dụ như người nước ngoài đầu tiên là Marco Polo đã gọi vùng đất này là Zipangu, Zipangii, Cyampagu, và Cimpagu.
Điều không phải tốn nhiều giấy mực để bàn cãi là Nhật Bản đã bệ nguyên xi các thể chế luật pháp và chính trị từ bên ngoài vào trong bức màn che củaxã hội mình. Vào thế kỷ thứ 17, Chính phủ Hoàng gia Nhật đã đón nhận mô hình cấu trúc chính quyền và các đạo luật của triều đại nhà Thanh (Trung Hoa) áp dụng trong xã hội Nhật Bản, và đến cuối thế kỷ 19, Chính quyền Minh Trị đã một lần nữa lặp lại quá trình vay mượn kiểu này. Lần này là sự vay mượn mô hình kết cấu các thể chế quốc hội của châu âu. Sự vay mượn luôn được xem là có sự chọn lọc rất cao, trong đó các thể chế bên ngoài sẽ bị cải biến sao cho nó phù hợp với các nhu cầu thực tế của xã hội Nhật Bản đương thời. Chúng ta biết khi đó mặc dù người Nhật vẫn là nước á Đông nhưng lại có các thể chế chính trị-xã hội tổ chức theo hệ thống quốc hội và dân chủ phương Tây.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các nhà lãnh đạo giới doanh thương Nhật Bản đã háo hức quay sang với Hoa Kỳ để tìm những thứ cần du nhập. Danh sách của những thứ đi vay mượn thì rất dài ví dụ như hệ thống phân công trong việc tổ chức công ty mà ở đó mỗi một bộ phận sản xuất một dây chuyền các sản phẩm riêng biệt; cơ cấu tổ chức theo mô hình ma trận toán học; các chiến lược cho các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài; các phương pháp xây dựng kế hoạch sản phẩm; việc kiểm soát chất lượng; các công cụ kỹ sảo marketing; hay ngay cả quan niệm về liên doanh vốn đầu tư,v.v . Nhật Bản đã tìm thấy các mô hình đó ở Hoa Kỳ và đã sao chép chúng phải chăng với một ý thức nguyên xi?
Tuy nhiên, đã có một sự kiểm chứng về các mô hình ngoại lai cấy ghép trongxã hội Nhật Bản. Ví dụ như từ hệ thống đảng phái chính trị đến kiểu chủ nghĩa tư bản cổ phần tập trung. Chúng đều chỉ ra rằng các phiên bản của người Nhật là các phiên bản copy giả hiệu. Ngay cả đối với mô hình kết cấu các tổ chức công đoàn kiểu phương Tây khi du nhập vào Nhật Bản đã trở thành không phải là một tổ chức tập thể của những người cùng nghề hay các tổ chức công nghiệp theo chiều rộng mà nó là các cơ sở công đoàn dựa trên nền tảng của một doanh nghiệp, tựa như ở cấp độ công ty (tức là trong mỗi một gia đình "Ie" hoặc trong một tập đoàn doanh nghiệp).
Lưu ý rằng hệ thống nhân sự và tổ chức sản xuất theo dây chuyền của Hoa Kỳ đã bị buộc phải sửa đổi vì nó tạo ra cho con người lao động luôn nhàm chán với các hành động, thao tác giản đơn của họ và các chức năng tổ chức của nó được vận hành theo các đơn vị dây chuyền sản phẩm. Mặc dầu người Nhật đã nghiên cứu chiến lược quản lý và quá trình ra quyết định của Hoa Kỳ, nhưng Nhật Bản chấp nhận và du nhập thuật ngữ ấy để rồi mở rộng các nội dung quan niệm tới mức khi sử dụng chúng thì các ý nghĩa ban đầu của nó đã bị biến dạng đi rất nhiều. Người ta đã đi tới kết luận rằng hình thức sự vật vẫn được khoác lên nhưng bản chất của nó đã bị thay đổi. Nếu đặt nó theo quan điểm tích cực thì những mô hình nguyên mẫu đã bị biến dạng đi một cách khéo léo để đáp ứng với các đòi hỏi thực tế của địa phương. Một ví dụ có thể cho là nổi tiếng nhất về việc định hình lại các ý tưởng của người Mỹ sang các mô hình của người Nhật là vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm - tiếng Anh gọi là quality control (QC). ở Nhật Bản, QCban đầu có liên quan với hoạt động của một nhóm nhỏ tại nơi làm việc và rồi mở rộng phạm vi sang một phong trào kiểm soát chất lượng toàn bộ (TQC). Nó đã trở thành một chức năng không tách rời của việc sản xuất chế tạo, cuối cùng lan rộng tới các khu vực khác của nền kinh tế.
Các thủ thuật trong hoạt động marketing của Mỹ là một ví dụ khác chứng minh cho sự nhập khẩu "ăn liền" nhưng có sửa đổi được giới doanh nhân Nhật Bản thực hiện. Người ta còn nhớ rằng vào đầu những năm 1950, các chuyên gia người Mỹ đã được mời tới Nhật Bản để giảng dậy hoặc được thuê như là các cố vấn. Trước kia trong ngôn ngữ tiếng Nhật không có từ biểu đạt hoạt động "Marketing" cho mãi tận vài ba thập kỷ gần đây. Một trong những bài học được người Nhật nhập tâm tốt đã giúp một cách đáng kể cho sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đó là việc sản xuất các sản phẩm cho các đoạn thị trường. Các xe ô tô xuất khẩu đã đáp ứng được các đặc thù khác nhau phụ thuộc vào các nơi mà xe được đem tới bán, ví dụ xe ô tô có tay lái bên trái hay tay lái ở bên phải, và màu sơn của chúng hay việc chống lại các đặc điểm khí hậu khác nhau v.v.. cũng rất là đa dạng theo từng đoạn thị trường mà sản phẩm hướng tới. Lại một lần nữa chúng ta thấy chất xúc tác văn hoá Nhật Bản ở công việc "tiêu hoá" các ý tưởng của nước ngoài trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của người Nhật.
Văn hoá và các tính chất tổ chức trong quản lý của Nhật Bản không lớn lên đơn thuần bởi chất nội sinh. Trên thực tế, đã có sự giao thoa với cácxã hội khác, nhưng các hình thức nguyên khai của "chất Nhật Bản" đã được bảo tồn. Nhiều câu hỏi đặt ra liệu Nhật Bản sẽ tiếp tục giữ lại các cách thức xử lý các sự việc theo kiểu độc đáo của riêng mình, tức là chỉ có "vào" mà không có "ra" được nữa hay không? Tìm câu trả lời thoả đáng cho vấn đề này sẽ cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo và đòi hỏi có nhiều thời gian hơn nữa để tiếp tục kiểm chứng các giả thuyết đưa ra ở trên.
Kết luận
Đối với mô hình quản lý Nhật Bản, qua nghiên từ các góc độ kinh tế, lịch sử và văn hoá khẳng định hoạt động sản xuất nông nghiệp từ xa xưa là cơ sở vật chất quan trọng hình thành nên các hành vi quản lý hiện đại sau này. Bên cạnh đó, các đặc trưng văn hoá và xã hội là nguồn gốc thứ hai tạo tính khác biệt của mô hình quản lý Nhật Bản so với các mô hình quản lý khác, ví dụ như của Mỹ và phương Tây (châu âu). Sự ra đời của hoạt động quản lý trong doanh nghiệp Nhật Bản ngày nay được chứng minh bằng sự kết hợp của yếu tố nội sinh và ngoại sinh với một nguyên tắc hình thành nên một cái mới nhưng bản chất nội sinh không mất đi. Sự độc đáo trong quản lý doanh nghiệp Nhật Bản là sự độc đáo trong xử trí mối quan hệ giữa quản lý và lao động mà từ đó động lực làm tăng năng suất lao động được sản sinh ra.
Tài liệu tham khảo
1. Tanabe Hajime, "Rekishiteki Genjitsu- Historical reality", Tokyo , Iwanami Shoten, 1940.
2. Hidemasa Morikawa, "History of top Management in Japan-Managerial Enterprises and Family Enterprises", Oxford University Press, 2001.
3. Masahiko Aoki and Ronald Dore, "The Japanese Firm: Sources of competitive strength", Oxford University Press, 1994.
4. Tetsuo Abo, "Hybrid factory: the Japanese production system in the United States" Oxford University Press, 1994.
5. Magnus Blomstrom; Byron Gangnes and Sumner La Croix, " Japan" s new economy: Continuity and chang in the 21 century", Oxford University Press, 2002.
6. Nobuo Kawabe and Eisuke Daito, "Education and training in the development of modern corporations", Universityof Tokyo Press, 1993.