Sơn La: Tìm giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến cà phê
Ngày 23/8/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Sơn La (LHH tỉnh) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội cà phê tỉnh Sơn La tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La".
Quang cảnh hội thảo
Chủ trì hội thảo có Bà Phạm Thị Hà, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội; Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Ông Vương Văn Hải - Chủ tịch Hội Cà phê tỉnh Sơn La. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận tỉnh uỷ, HĐNĐ tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND thành phố, huyện Mai Sơn, Thuận Châu, các doanh nghiệp, HTX, hộ chế biến cà phê và một số hộ gia đình trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 cơ sở sơ chế cà phê nhân theo quy mô công nghiệp tổng sản lượng quả chế biến trên 90.000 tấn quả tươi/năm (chiếm gần 50% sản lượng quả toàn tỉnh) chủ yếu được chế biến bằng phương pháp ướt; có 05 đơn vị chế biến sâu sản phẩm cà phê 500-1000 tấn/năm. Từ năm 2017 sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La; đến nay đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “cà phê Sơn La” cho 6 tổ chức sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn toàn tỉnh. Có 02 sản phẩm cà phê được cấp chứng nhận OCOP, trong đó 01 sản phẩm cà phê bột nguyên chất đạt 5 sao, 01 sản phẩm Trà vỏ cà phê đạt 4 sao.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất cà phê trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, diện tích cà phê phát triển khá nhanh, một số diện t ích còn phân tán, việc chuyển đổi cơ cấu giống còn hạn chế chủ yếu là giống cà phê chè Catimor, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; canh tác cà phê còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp dẫn đến việc thực hiện áp dụng các quy trình kỹ thuật chưa mang tính bền vững; sản xuất cà phê chưa gắn với thích ứng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả đầu tư thâm canh của người sản xuất.
Chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, kiểm soát chất lượng đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại chưa gắn kết chặt chẽ; các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê bộc lộ nhiều mặt hạn chế; sơ chế, chế biến cà phê quy mô nông hộ và các cơ sở chế biến khác còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến môi trường.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi xung quanh các vấn đề: công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh; công tác thẩm định công nghệ, nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý chất thải; thực trạng và các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến cà phê; công tác bảo vệ nguồn nước sinh hoạt và giải pháp đảm bảo cấp nước kho có sự cố môi trường; đánh giá một số kết quả ứng dụng một số công nghệ xử lý nước thải; các phụ phẩm khác của cây cà phê và phương án xử lý...
Qua hội thảo, LHH tỉnh sẽ tổng hợp, đề xuất các giải pháp, xây dựng cơ chế, chính sách với tỉnh nhằm phát triển cà phê bền vững gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.