Sáng tạo khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
Ngày 11/10, tại Đà Lạt, Liên hiệp Hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương và UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức hội thảo “Sáng tạo khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”.
Quang cảnh hội thảo
Tham dự có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Lâm Đồng; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố; các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sáng tạo có giải pháp sáng kiến đoạt giải thưởng.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, TS. Lê Xuân Thảo - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Lê Xuân Thảo đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật của các công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc vào sản xuất và đời sống; tôn vinh các đơn vị ứng dụng xuất sắc thành tựu khoa học - công nghệ (KHCN) và động viên khuyến khích các tác giả và các đơn vị tiếp tục đăng ký tham gia Giải thưởng và Hội thi sáng tạo các năm tiếp theo.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tại hội thảo 14 tham luận chứa đựng hàm lượng KHCN cao đã được trình bày, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo được trao đổi nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào thực tiễn lao động sản xuất và đời sống. Có thể kể các tham luận: Nghiên cứu công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất nhựa A Polyestes không no công suất 25.000 tấn/năm phục vụ sản xuất đá nhân tạo thạch anh (TS. Hà Thu Hường – Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A); Nghiên cứu công nghệ, thiết bị nuôi và chế biến dịch giun tự động (TS. Lê Xuân Hảo – Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch); Nghiên cứu và sản xuất thuốc thảo dược Sunkovir điều trị các bệnh do virus lây truyền qua đường hô hấp và cúm mùa (ThS. Nguyễn Thị Hương Liên – Công ty Cổ phần Sao Thái Dương); Nghiên cứu xây dựng và tích hợp hệ thống giám sát vận hành trạm biến áp phân phối với chương trình quản lý máy điện (OMS) và bản đồ địa dư (GIS) tại Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (ThS. Trần Anh Tuấn); Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện nguy cơ mất an toàn lưới điện từ hình ảnh video thu thập được từ UAB nhiệm vụ bay (ThS. Lê Công Hiếu – Điện lực Quảng Trị); Nghiên cứu, sản xuất thiết bị tách dầu mỡ (ông Phan Hoàng Minh – Công ty Thoát nước Hà Nội) …
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã bày tỏ sự trân trọng với việc Liên hiệp Hội Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương chọn Đà Lạt – Lâm Đồng là nơi diễn ra hội thảo. Nhiều tham luận tại hội thảo rất hữu ích với sự phát triển của Lâm Đồng; trong đó vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn đang là vấn đề lớn của Lâm Đồng. Mong các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu phát triển các loại cây trồng đặc trưng thế mạnh của Lâm Đồng để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu hệ động thực vật phong phú ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nghiên cứu các nguồn gen đặc hữu cùng rất nhiều giống cây rừng quý hiếm cần bảo tồn. Từ đó tạo sức hút, phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái rừng.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Cùng với sự chủ động “đặt hàng” các nhiệm vụ KHCN của tỉnh với các nhà khoa học, Lâm Đồng mong muốn các nhà khoa học giao nhiệm vụ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ phù hợp giúp Lâm Đồng phát triển bền vững. Đến với Lâm Đồng là yêu quý, là chia sẻ; sự kết nối giữa các nhà khoa học ở Trung ương, ở các tỉnh, thành trong cả nước sẽ hỗ trợ cho Lâm Đồng ngày càng phát triển.
Đại biểu tham quan gian hàng bên lề hội thảo trưng bày những sản phẩm kết quả trong việc ứng dụng KHCN phát triển kinh tế, xã hội
Bên lề hội thảo, 22 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp là thành quả của nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đó là cũng là minh chứng sống động cho việc ứng KHCN, đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng.