Quyết định số 821/QĐ-UBND ngày 13/7/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Điều lệ Liên hiệp hội Bắc Ninh
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 821/QĐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 13 tháng 7 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Ninh
CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26.11.2003;
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21.4.2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Căn cứ Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26.11.2010 của Bộ Nội vụ, quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.
Xét đề nghị của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Ninh và Sở Nội vụ tại Tờ trình số 134/TTr-SNV ngày 24.6.2011.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Ninh đã được Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ nhất nhiệm kỳ 2011 – 2015 thông qua ngày 18.5.2011 gồm 06 Chương, 25 Điều (có bản Điều lệ kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Thứ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị có liên quan; Sở Khoa học và Công nghệ; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Ninh căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: - Như điều 2; - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; - TT.TU, TT.HĐND tỉnh (b/c); - Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh; - Lưu; VT, NC, CVP. | CHỦ TỊCH (đã ký) Nguyễn Nhân Chiến |
ĐIỀU LỆ
LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 821/QĐ-UBND ngày 13.7.2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh)
CHƯƠNG I. TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH VÀ CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bắc Ninh (gọi tắt là Liên hiệp Hội Bắc Ninh) là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Ninh. Liên hiệp Hội Bắc Ninh tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và đoàn kết.
Liên hiệp Hội Bắc Ninh là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2.Mục đích của Liên hiệp Hội Bắc Ninh là phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Điều 3.Liên hiệp Hội Bắc Ninh hoạt động theo quy định của pháp luật, theo Điều lệ Liên hiệp Hội Bắc Ninh, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Trụ sở của Hội đặt tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Liên hiệp Hội Bắc Ninh được phép phát hành tập san, các ấn phẩm, lập trang web theo quy định của pháp luật, để phổ biến các kiến thức, khoa học – công nghệ, kinh nghiệm quản lý….
CHƯƠNG II. CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ
Điều 5.Liên hiệp Hội Bắc Ninh có các chức năng sau đây:
1. Tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ người Bắc Ninh ở trong nước và nước ngoài; điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên trên địa bàn tỉnh.
2. Làm đầu mối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung trong hoạt động của Liên hiệp Hội Bắc Ninh.
3. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, hội thành viên, của trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Ninh.
Điều 6.Liên hiệp Hội Bắc Ninh có các nhiệm vụ sau đây:
1. Củng cố, phát triển tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các hội thành viên trong tỉnh.
2. Tham gia thực hiện xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, cụ thể là:
a) Góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tham gia hoạt động hội; phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ trong nhân dân; tổ chức và hướng dẫn phong trào quần chúng tiến vào khoa học và công nghệ.
b) Tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chương trình, kế hoạch, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, xây dựng pháp luật, tăng cường củng cố an ninh – quốc phòng; tham gia giám sát độc lập đối với các đề án, công trình quan trọng tại địa phương.
c) Tổ chức nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ; chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường.
d) Tham gia tổ chức các hoạt động tham quan, nghiên cứu tìm hiểu, khảo sát; tổ chức các hội nghị, các cuộc hội thảo, tọa đàm, tham gia hội chợ, triển lãm… về lĩnh vực khoa học và công nghệ.
đ) Tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bổ dưỡng nhân tài.
e) Tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
3. Thực hiện công tác vận động trí thức khoa học và công nghệ:
a) Góp phần phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần hợp tác, tính cộng đồng, tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp.
b) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.
c) Vận động trí thức khoa học và công nghệ người Bắc Ninh ở trong nước và nước ngoài tham gia vào công cuộc xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.
d) Tạo điều kiện nâng cao trình độ nghề nghiệp, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của những người làm công tác khoa học và công nghệ địa bàn tỉnh.
4. Thực hiện vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh:
a) Phối hợp các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh triển khai các hoạt động chung nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
b) Phản ánh nguyện vọng và ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong tỉnh với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh.
c) Tham gia đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh, vì tình hữu nghị, sự hiểu biết và hợp tác.
5. Xây dựng mối quan hệ và tăng cường hợp tác với các hội, các tổ chức ở trong nước và các tổ chức phi chính phủ của các nước, tham gia các tổ chức khoa học và công nghệ của khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG III. TỔ CHỨC CỦA LIÊN HIỆP HỘI
Điều 7.Tổ chức của Liên hiệp Hội tỉnh Bắc Ninh gồm:
- Đại hội đại biểu Liên hiệp Hội là cơ quan cao nhất của Liên hiệp Hội;
- Ban Chấp hành;
- Ban Thường vụ;
- Ban Kiểm tra;
- Văn phòng (bộ máy giúp việc) của Liên hiệp Hội;
- Các hội thành viên;
- Các tổ chức, đơn vị trực thuộc, việc thành lập các tổ chức, đơn vị trực thuộc… kèm theo quy định của pháp luật và Điều lệ Liên hiệp Hội.
Điều 8.Các hội thành viên là những tổ chức có quyền tự chủ, tự quản rộng rãi trong Liên hiệp Hội. Các hội thành viên có Điều lệ hoạt động riêng trên cơ sở tôn trọng Điều lệ của Liên hiệp hội tỉnh và chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của Ban chấp hành Liên hiệp Hội.
Điều 9.Quyền hạn của các hội thành viên.
1. Tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương liên quan đến hoạt động chung của Liên hiệp Hội tỉnh;
2. Được Liên hiệp Hội tỉnh tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ trong các hoạt động hội;
3. Tham gia các tổ chức và các hoạt động của Liên hiệp Hội;
4. Hưởng các quyền lợi khác do Liên hiệp Hội quy định;
5. Có quyền ra khỏi Liên hiệp Hội khi có nghị quyết chính thức của Đại hội thành viên.
Điều 10.Nghĩa vụ của các hội thành viên:
1. Tôn trọng và chấp hành điều lệ của Liên hiệp Hội, thực hiệm nghiêm chỉnh các chỉ thị, nghị quyết của Ban chấp hành Liên hiệp Hội;
2. Không ngừng mở rộng ảnh hưởng và tác dụng của Liên hiệp hội, vận động hội viên của mình hưởng ứng các hoạt động của Liên hiệp Hội;
3. Củng cố khối đoàn kết trong Liên hiệp Hội, hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động;
4. Đóng góp cho hoạt động của Liên hiệp Hội Bắc Ninh.
Điều 11.Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp Hội là Đại hội đại biểu của Liên hiệp Hội, 5 năm 1 kỳ Đại hội.
Đại hội có thể họp bất thường khi cố ít nhất ½ số hội thành viên chính thức đề nghị.
Việc cử đại biểu đi dự Đại hội Trung ương Liên hiệp Hội do Ban Chấp hành quyết định.
Điều 12.Đại hội đại biểu của Liên hiệp Hội có nhiệm vụ:
1. Thông qua báo cáo công tác của Ban Chấp hành về tình hình và kết quả hoạt động của Liên hiệp Hội tỉnh trong nhiệm kỳ, quyết định phương hướng hoạt động và nhiệm vụ của Liên hiệp Hội trong nhiệm kỳ tới.
2. Thảo luận và biểu quyết việc sửa đổi điều lệ của Liên hiệp Hội.
3. Bầu cử Ban Chấp hành Liên hiệp Hội.
Điều 13.Ban chấp hành Liên hiệp Hội gồm đại diện của tất cả hội thành viên và một số ủy viên khác do Ban Thường vụ khóa trước giới thiệu, nhưng không quá 30% tổng số ủy viên Ban chấp hành do Đại hội quy định. Khi xét thấy cần thiết, Ban chấp hành có thể quyết định bổ sung hoặc miễn nhiệm ủy viên Ban chấp hành. Ban chấp hành hoạt động trên cơ sở bàn bạc dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số.
Điều 14.Ban chấp hành Liên hiệp Hội thường lệ mỗi năm họp 2 lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Ban thường vụ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ủy viên Ban chấp hành đề nghị.
Ban chấp hành Liên hiệp Hội có nhiệm vụ tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Liên hiệp Hội, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Liên hiệp hội giữa hai kỳ đại hội.
Điều 15.Ban chấp hành bầu ra Ban thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Tổng thư ký. Thể thức bầu do Ban chấp hành quyết định.
Ban thường vụ là cơ quan thường trực của Ban chấp hành giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành và chịu trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Ban thường vụ thường lệ họp 3 tháng 1 lần.
Chủ tịch Hội là người đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật, là chủ tài khoản của Liên hiệp Hội. Triệu tập và chủ trì các hội nghị của Ban chấp hành, Ban thường vụ. Chủ tịch có quyền triệu tập hội nghị bất thường của Ban thường vụ.
Chủ tịch có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành toàn bộ các hoạt động của Liên hiệp Hội, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Liên hiệp Hội Việt Nam và toàn thể hội viên về các hoạt động của Liên hiệp Hội.
Các Phó Chủ tịch là người giúp việc Chủ tịch Liên hiệp Hội, về lĩnh vực công việc được Chủ tịch phân công hoặc ủy quyền. Các Phó Chủ tịch phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, trước Liên hiệp HỘi và trước pháp luật về những công việc mà mình được phân công hoặc ủy quyền.
Điều 16.Tổng thư ký chịu trách nhiệm tổ chức quản lý và điều hành công việc của cơ quan Liên hiệp Hội theo sự phân công của Chủ tịch Liên hiệp Hội.
Điều 17.Ban chấp hành bầu ra Ban kiểm tra của Liên hiệp Hội. Ban kiểm tra có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ của Liên hiệp Hội.
- Kiểm tra các hoạt động kinh tế, tài chính và các hoạt động khác của Liên hiệp Hội và các tổ chức trực thuộc.
- Hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của Ban kiểm tra các hoạt động của Ban kiểm tra các hội thành viên.
- Xem xét và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo qui định của pháp luật.
Điều 18.Cơ cấu, số lượng ủy viên và thể thức bầu Ban kiểm tra Liên hiệp Hội do Ban chấp hành quy định. Chủ nhiệm Ban kiểm tra là Ủy viên Ban thường vụ Liên hiệp Hội. Ban kiểm tra thường lệ họp 1 lần/quý và có thể họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch Liên hiệp Hội hoặc Chủ nhiệm Ban kiểm tra.
CHƯƠNG IV. TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH
Điều 19.Nguồn tài chính của Liên hiệp Hội gồm có:
- Ngân sách của nhà nước cấp.
- Đóng góp tự nguyện của các hội thành viên.
- Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế, tư vấn phản biện và các hoạt động có nguồn thu hợp pháp khác.
- Ủng hộ của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước.
Điều 20.Liên hiệp Hội có thể tổ chức thành lập các quỹ hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ.
Điều 21.Ban chấp hành Liên hiệp Hội quy định việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản của Liên hiệp Hội phù hợp với quy định của pháp luật.
Ban kiểm tra Hội có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo tài chính, tài sản công khai hàng năm cho Ban chấp hành Liên hiệp Hội.
CHƯƠNG V. KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 22.Các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc, các cá nhân hội viên có thành tích trong công tác của Liên hiệp Hội và trong hoạt động khoa học và kỹ thuật có thể được Liên hiệp Hội khen thưởng.
Hình thức khen thưởng do Ban thường vụ Liên hiệp Hội quy định.
Điều 23.Các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc, các cá nhân hội viên, nếu vi phạm pháp luật và Điều lệ Liên hiệp Hội thì bị xem xét thi hành kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Hình thức kỷ luật Ban thường vụ Liên hiệp Hội quy định.
CHƯƠNG VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24.Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phải được Đại hội đại biểu Liên hiệp Hội tỉnh Bắc Ninh thông qua và được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh quyết đinh phê duyệt mới có giá trị thực hiện.
Điều 25.Bản Điều lệ này gồm 6 chương, 25 điều đã được Đại hội đại biểu Liên hiệp Hội Bắc Ninh lần thứ I, nhiệm kỳ 2011 – 2015 thông qua ngày 18 tháng 5 năm 2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định phê duyệt.
Các hội viên và tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ của Liên hiệp Hội.