Phú Yên: Sôi nổi vòng Chung khảo cuộc thi lần thứ 9
Ngày 22/7/2024 tại cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Phú Yên, đã diễn ra Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên- Nhi đồng tỉnh Phú Yên lần thứ 9 năm 2023-2024 (Cuộc thi lần thứ 9) rất sôi nổi, thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng trăm em học sinh từ các trường học trên địa bàn tỉnh.
Đây là một sự kiện quan trọng, khẳng định tinh thần sáng tạo, đam mê khoa học của thế hệ trẻ Phú Yên, đồng thời tạo ra sân chơi bổ ích cho các em học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Học sinh Rơ Chăm Y Va (Bên trái), thuyết trình mô hình (lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập) với thành viên giám khảo
Rộn ràng Chung khảo
Sự kiện Chung khảo Cuộc thi lần thư 9 năm nay đặc biệt ấn tượng với số lượng thí sinh và các mô hình, giải pháp dự thi tăng đáng kể so với các năm trước. Chung khảo Cuộc thi lần thứ 9 năm nay đã thu hút hơn 150 học sinh tham gia với trên 80 mô hình, giải pháp thuộc 5 lĩnh vực: (Đồ dùng dành cho học tập; Phần mềm tin học; Sản phẩm thân thiện với môi trường; Dụng cụ sinh hoạt gia đình và Đồ chơi trẻ em; giải pháp kỹ thuật ứng phó với BĐKH và Phát triển kinh tế) từ các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Trung cấp nghề trong toàn tỉnh. Các mô hình, giải pháp vào Chung khảo Cuộc thi lần thứ 9 được học sinh (tác giả/nhóm tác giả ) đã đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều kiểu dáng khác nhau, góp phần tạo cho không gian trưng bày mô hình sản phẩm thêm phần sinh động.
Khung cảnh hội trường của Liên hiệp Hội Phú Yên, trở nên náo nhiệt với sự xuất hiện của các khu vực trưng bày mô hình sản phẩm, nơi các tác giả, nhóm tác giả thuyết trình về mô hình, giải pháp của mình với trước Ban Tổ chức Cuộc thi và các thành viên hội đồng Ban Giám khảo. Những gương mặt rạng rỡ, ánh mắt đầy nhiệt huyết và sự tự tin của các học sinh (tác giả/nhóm tác giả) đã tạo nên không khí sôi nổi, hào hứng cho ngày Chung khảo.
Theo đó, Chung khảo cuộc thi năm nay có sự sự tham gia học sinh là người dân tộc Êđê (Rơ Chăm Y Va: lớp 9-Trường Tiểu học và THCS xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa), hay như nữ học sinh người dân tộc Chăm H’roi (So Thị Trúc: Lớp 11A- Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Yên) đã thể hiện hưởng ứng Cuộc thi đã lan tỏa đến vùng miền núi. Đặc biệt đã xóa bỏ sự tự ti về trình độ, đam mê sáng tạo kỹ thuật giữa học sinh miền núi và miền miền xuôi…
Học sinh Rơ Chăm Y Va, trải lòng: “Lần đầu tiên em được dự Chung khảo Cuộc thi. Được biết đây là lần thứ 9 của tỉnh Phú Yên tổ chức, qua Chung khảo kỳ này em rất vinh dự được làm quen một số bạn học sinh cùng lứa tuổi ở thành phố và các huyện, qua đây em cũng học tập rất nhiều trong việc sáng tạo mô hình ở các lĩnh vực- Em sẽ tuyên truyền lại cho các bạn ở trường em, sang năm 2025 tham gia nhiều hơn…”
Tại buổi lễ khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp Hội Phú Yên, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi lần thứ 9 Nguyễn Văn Khoa, phát biểu: “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên,nhi đồng tỉnh Phú Yên là một hoạt động quan trọng nhằm khuyến khích và phát huy tinh thần sáng tạo của các em học sinh. Đây cũng là dịp để các em thể hiện tài năng, trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng mềm, từ đó đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.”
Nữ học sinh Lê Thị Khánh Linh (Bên trái) thuyết trình mô hình (lĩnh vực: Giải pháp kỹ thuật ứng phó với BĐKH bảo vệ môi truwongf Phát triển kinh tế) với thành viên Giám khảo
Đa dạng mô hình, giải pháp
Chung khảo Cuộc thi năm nay có nhiều mô hình, giải pháp nổi bật, trong đó có những ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao với cuộc sống. Đặc biệt, các mô hình liên quan đến Công nghệ thông tin, Bảo vệ môi trường và Giải pháp kỹ thuật phát triển kinh tế, nhận được nhiều sự chú ý của Hội đồng Giám khảo, như:“Sản xuất nấm Bào ngư trên phụ phẩm Nông. Lâm nghiệp”, giải pháp này do 02 học sinh lớp 11 Sinh (VõThị Hồng Phúc Lê Trần Bảo Ngân- trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) thực hiện và các em cho biết mục tiêu của giải pháp: “Nghiên cứu sản xuất nấm bào ngư trên phụ phẩm nông lâm nghiệp giúp tạo việc làm cho nguồn lao động nông nhàn, tăng chất lượng cuộc sống của người dân. Nấm bào ngư có giá trị kinh tế cao, hộ dân có thể làm giàu từ việc sản xuất nấm bào ngư, tăng GDP hằng năm của Việt Nam. Khi sản xuất chúng trên phụ phẩm nông lâm nghiệp sẽ cho ra nguồn nấm sạch cho người tiêu dùng, tận dụng được nguồn phụ phẩm bị lãng phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ việc xử lí rơm và mùn cưa không đúng cách…”
Mô hình giải pháp“Hệ thống phát hiện và cảnh báo tài xế buồn ngủ khi điều khiển ô tô” thuộc lĩnh vực: Phần mềm tin học, của nhóm học sinh (Nguyễn Lê Bảo Hân và Nguyễn Duy Kha: Lớp 8 trường THCS Nguyễn Hòa Sự- xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân), theo các em cho biết ý tưởng để thực hiện mô hình này là: “Hiện nay trên các ô tô đời mới hầu hết trang bị AI (trí tuệ nhân tạo) để giúp tài xế một phần trong việc điều khiển xe. Hiện nay nước ta đang trong quá trình hiện đại hóa đất nước đồng nghĩa với lượng xe lưu thông trên đường ngày một nhiều. Vì một đất nước muốn phát triển thì phải đi kèm với ngành giao thông phát triển nhằm vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hằng năm có khoảng 6.000 người tử vong nguyên nhân do tai nạn giao thông. Hơn 30% do tài xế bị ngủ gật. Vì thế nên chúng em đã nghiên cứu để thực hiện giải pháp nêu trên để cảnh báo buồn ngủ cho tài xế…”
Hoặc trong lĩnh vực dụng cụ gia đình và Đồ chơi trẻ em, ba em học sinh là Nguyễn Long Nhật (lớp 10A2), Lê Xuân Bách (lớp 10A1) và Đinh Long Thưởng (lớp 11A1) ở trường THPT Trần Quốc Tuấn xã Hòa Định Động, huyện Phú Hòa. đã trình bày mô hình Robot AIFBT. Học sinh Nguyễn Long Nhật, chia sẻ về ý tưởng mô hình “Qua tìm hiểu chúng em nhận thấy người khuyết tật mất khả năng nói, nhìn thật sự rất khó trong quá trình di chuyển. Không chỉ những người khuyết tật gặp khó khăn mà người nhà còn mất thời gian trong việc chăm sóc, lo lắng cho người khuyết tật, bởi những người khuyết tật gần như phải hoàn toàn phụ thuộc vào người nhà trong các hoạt động như ăn uống và các hoạt động khác. Từ đó đã thôi thúc chúng em phải làm được điều gì đó thật hữu ích cho người khuyết tật, mục tiêu nhắm đến là những người khuyết tật mất khả năng nói, nhìn”,
Được biết, sau Chung khảo và có kết quả giải thưởng. Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ chọn những giải pháp xuất sắc nhất để gửi tham gia cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên- Nhi đồng toàn quốc lần thứ 20 năm 2024.
Chung khảo Cuộc thi lần thứ 9 của tỉnh Phú Yên đã khép lại thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các thí sinh và thầy cô giáo. Cuộc thi không chỉ là nơi tôn vinh những ý tưởng sáng tạo, mà còn là nguồn cảm hứng để các em học sinh tiếp tục khám phá, học hỏi và cống hiến cho cộng đồng.
Theo ông Lê Kim Anh (Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung, thành viên Hội đồng giám khảo), nhận xét: “Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên- Nhi đồng tỉnh Phú Yên lần thứ 9, không chỉ là một sân chơi bổ ích mà còn là nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ để các em học sinh Phú Yên không ngừng phấn đấu, học hỏi và sáng tạo, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững cho tỉnh nhà và cả đất nước” ./.