Phú Yên: Sáng tạo ra mô hình Hệ thống cảnh báo lũ cho vùng cao
Với mong muốn giảm thiểu thiệt hai cho người dân vùng cao miền núi, em Nguyễn Quỳnh Di (lớp 8A) và em Nguyễn Hoàng Bảo Đan (lớp 7A) thuộc trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tuy Hòa. Đã sáng tạo ra mô hình Hệ thống cảnh báo lũ cho đồng bào vùng cao. Mô hình này đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên-nhi đồng tỉnh Phú Yên lần thứ VII (2021-2022) .
Nguyễn Quỳnh Di (phải) và em Nguyễn Hoàng Bảo Đan (trái) bên mô hình tại Chung khảo cuộc thi
Hướng về người dân vùng núi
Theo em Nguyễn Quỳnh Di, “Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đã tác động đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là mùa bão lũ. Nhiều lần chúng em nghe trên tivi, đài, báo thông tin về những đợt lũ ống, lũ quét kinh hoàng làm thiệt hại của người dân ở vùng miền núi. Từ đó chúng em nảy ra ý tưởngxây dựng mô hình cảnh báo lũ, nhằm mục đích cảnh báo sớm cho bà con nhân dân ở vùng nguy cơ, góp giảm nhẹ tác hại của thiên tai lũ lụt ở các địa phương miền núi”.
Sau khi thống nhất ý tưởng em Nguyễn Quỳnh Di và em Nguyễn Hoàng Bảo Đan đã mạnh dạn trình bày ý tưởng với cô giáo Huỳnh Thị Chung, giáo viên dạy Vật lý của trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tuy Hòa. Sau khi nghe ý tưởng của Quỳnh Di và Bảo Đan, cô Chung ủng hộ hỗ trợ hướng dẫn và ba cô trò bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu các kiến thức trên nhiều thông tin để phục vụ việc sáng tạo mô hình.
Cô giáo Huỳnh Thị Chung, cho biết: “ Bắt tay vào làm mô hình cũng gặp khó khăn vì điều kiện kinh tế gia đình của hai em không cho phép, hơn nữa phụ huynh lo ngại Di và Đan sẽ chểnh mảng học hành nếu tập trung quá nhiều thời gian vào ý tưởng này”; “ Với việc sắp xếp thời gian hợp lý không ảnh hưởng đến học tập, dần dần Quỳnh Di và Bảo Đan đã tạo được niềm tin với cha mẹ, cùng vun đắp cho đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật của mình” cô Chung cho biết thêm.
Giới thiệu chung về mô hình, tại buổi chung khảo cuộc thi. Quỳnh Di, cho biết: “Hệ thống được xây dựng trên cơ sở sử dụng các thiết bị phát hiện, đo lượng nước tại vùng cao, nơi đầu nguồn của những cơn lũ ống, lũ quét. Trên cơ sở lượng mưa và mức nước thu thập được, sẽ gửi tín hiệu cảnh báo về vùng hạ lưu và những nơi có khả năng xảy ra lũ ống và lũ quét”
“ Như vậy, hệ thống cảnh báo lũ gồm các thành phần: Phần thu thập thông tin mức nước, hệ thống xử lý các tín hiệu và điều hệ thốngphát tín hiệu, hệ thống thu tín hiệu ở hạ lưu và cảnh báo, hệ thống nguồn nuôi trong điều kiện nơi không có nguồn điện lưới quốc gia” Quỳnh Di, thuyết minh thêm.
Sáng tạo thiết thực
Theo trình bày của em Quỳnh Di về nguyên lý hoạt động của mô hình: “Hệ thống gồm: các cảm biến mức nước, máy tính, hệ thống truyền tin hiệu và hệ thống cảnh báo. Cảm biến mức nước được đặt chắn chắn ở các vị trí sao cho đo được mức nước của khu vực thường xuyên có lũ. Các cảm biến được gửi về trung tâm điều khiển là máy tính.
Máy tính nhận được tín hiệu từ cảm biến với các mức 0,1,2,3 tùy vào điều kiện nước thực tế tại khu vực cần cảnh báo. Khi máy tính nhận được mức nước cao hơn mức 0 thì máy tính sẽ tự động ghi dữ liệu mức nước nhận được vào một dòng mới trên Google Shee, như thời gian đo mực nước; tình trạng và mức nước cảnh báo…nếu có dòng dữ liệu mới và tùy thuộc vào mức cảnh báo nhận được là mức 1, 2,3 thì hệ thống sẽ truyền tín hiệu / dữ liệu về vùng dân cư hạ lưu và thực hiện phát các âm thanh cảnh báo tương ứng để cảnh báo cho đồng bào vùng nguy cơ về tình trạng lũ, để các địa phương có kế hoạch di tản người dân khẩn cấp để không xảy ra những thương vong và những thiệt hại không đáng có”.
Về phạm vi, khả năng áp dụng mô hình, em Nguyễn Hoàng Bảo Đan, trình bày với Ban giám khảo: “Hệ thống được lắp đặt thượng nguồn của các vùng núi, nhằm cảnh báo lũ cho đồng bào ở dưới hạ lưu để bảo toàn tính mạng, ít gây ra những thiệt hại về người và của Ngoài ra, hệ thống có thể áp dụng cho cảnh báo lũ ở những tuyến đường giao thông, các hồ đập thủy lợi thường xuyên xảy ra lũ ống lũ quét” ; “Tạo ra một mạng lưới thông tin để giúp người dân nắm bắt thông tin về các nguy cơ mất an toàn nhanh nhất có thể. Các nguồn tin báo khẩn cấp này cũng có thể được cung cấp cho các Đài khí tượng thủy văn, các cơ quan phòng chống thiên tai....giúp đồng bào phòng chống được các điều kiện thời tiết bất lợi, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản” Bảo Đan, bộc bạch thêm.
TS. Lê Đàm Ngọc Tú- giảng viên trường Đại học Xây dựng miền Trung, thành viên giám khảo, đánh giá: “ Mô hình của hai em học sinh rất có ý nghĩa. Nếu áp dụng vào thực tế sẽ giúp người dân miền núi cũng như đồng bằng nâng cao cảnh giác và chủ động phòng chống lũ lụt hiện nay và những năm tới” ./.