Phổ biến kiến thức phát triển cây sinh vật cảnh và cây bóng mát có giá trị kinh tế cao
Ngày 1/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức phát triển cây sinh vật cảnh và cây bóng mát có giá trị kinh tế cao.
PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Namphát biểu
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; ông Lê Thanh Tùng - Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam; ông Nguyễn Bình Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội tỉnh Yên Bái; ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và gần 70 đại biểu đại diện cho các hội sinh vật cảnh trên địa bản tỉnh Yên Bái.
Toàn cảnh Hội thảo
Sinh vật cảnh (SVC) là một ngành kinh tế sinh thái mang lại hiệu quả cao. Với nhiều thế mạnh tự nhiên, địa hình, sinh thái, khí hậu, nhân lực, Việt Nam là quốc gia rất có tiềm năng phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn và kinh tế SVC, trong đó thế mạnh rất lớn về phát triển hoa cảnh, cây cảnh, cây bóng mát. Nguồn gen hoa cảnh, cây cảnh phong phú, trong đó có nhiều nguồn gen quý, có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thị trường nội địa tiềm năng với xu thế đô thị hóa nhanh, nhiều tỉnh, thành phố đã nhận thức, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của SVC để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương đã quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh, làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh: Hà Nội (5.300ha, xây dựng làng nghề Đào cảnh, Quất cảnh, Hoa cảnh ở Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng Bá, Tây Tựu, Vân Tảo, Hồng Vân, Phù Đổng....); Bắc Ninh phát triển làng nghề cây cảnh Phú lâm; TP Hải Phòng phát triển làng nghề Hồng Thái, Đặng Cương, Đồng Thái; Hưng yên có làng nghề cây cảnh, hoa cảnh Phụng Công, Thắng Lợi, Xuân Quang - Văn Giang; Thái Bình có làng nghề sinh vật cảnh và du lịch Bách Thuận -Vũ Thư; Nam Định phát triển làng nghề hoa cảnh, cây cảnh ở Xuân Trường, Ý yên, Hải Hậu. Bình Định có các làng nghề trồng Mai cảnh ở An Nhơn. Long An có các làng nghề Mai cảnh ở Thạnh Hóa. Bến tre quy hoạch 31 làng nghề trồng hoa, cây cảnh, sản xuất cây giống tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc. Đồng Tháp có làng nghề trồng hoa cảnh, cây cảnh nổi tiếng về quy mô ở TP. Sa Đéc...
ÔngNguyễn Mạnh Quỳnh – Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Namphát biểu
Yên Bái cũng là một địa phương rất thuận lợi cho phát triển SVC. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội tỉnh Yên Bái - Nguyễn Bình Minh, toàn tỉnh hiện có khoảng 100 ha diện tích sản xuất SVC với 70.000 chậu cây cảnh các loại, trong đó cây bonsai nghệ thuật có giá trị kinh tế cao chiếm 60%, ước tính trên 450 tỷ đồng; trên 100.000 giò lan rừng các loại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Doanh thu hàng năm về cây SVC và cây bóng mát từ 20-25 tỷ đồng…
Phó chủ tịchThường trựcLiên hiệp Hội tỉnh Yên Bái-Nguyễn Bình Minh phát biểu
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được phổ biến kiến thức về vai trò của Hội SVC Việt Nam với phát triển ngành kinh tế sinh thái SVC; thực trạng nghiên cứu, sản xuất phát triển hoa, cây cảnh; tiềm năng phát triển và đưa ra một số giải pháp để phát triển kinh tế SVC góp phần nâng cao hiệu quả cơ cấu cây trồng, phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; một số điểm mới trong lĩnh vực phát triển cây cảnh, cây bóng mát trên địa bàn tỉnh Yên Bái; một số chủng loại hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao; giải pháp phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố Yên Bái…
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam - Phạm Quang Thao cho biết, SVC là một lĩnh vực kinh tế đã được quy định trong Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Đây là lần đầu tiên Liên hiệp Hội Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phối hợp với Liên hiệp Hội một số tỉnh, thành phố và các hội thành viên tổ chức chuỗi hoạt động phổ biến kiến thức phát triển cây sinh vật cảnh và cây bóng mát có giá trị kinh tế cao, tạo diễn đàn trao đổi chia sẻ những kiến thức ban đầu về chuyển đổi, nuôi trồng phát triển cây SVC và cây bóng mát, phát triển kinh tế từ SVC. Trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ giới thiệu chuyên gia, kết nối chuyển giao công nghệ, xây dựng chiến lược phù hợp với từng địa phương trong lĩnh vực phát triển cây SVC, cây bóng mát có giá trị kinh tế.
Hội thảo phổ biến kiến thức phát triển cây sinh vật cảnh và cây bóng mát có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Yên Bái là hoạt động nằm trong chuỗi Hội thảo do Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Hội SVC Việt Nam và các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức nhằm nâng cao kiến thức, nhằm phát triển SVC thành kinh tế sinh thái có giá trị cao, thúc đẩy sự gắn kết, phối hợp trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, phát triển cây bóng mát và cây SVC, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp cân bằng hệ sinh thái, tạo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Chuỗi hoạt động này sẽ được thực hiện từ năm 2023 và sẽ có các chuyên đề phù hợp gắn với từng địa phương.