Phát minh độc đáo của những người chân đất
Bảng không phấn của người bán hàng ăn
Anh Nguyễn Đình Nhơn (sinh năm 1967, quê Bình Định), đang kinh doanh một điểm bán hàng ăn nhỏ. Anh nói, nhiều bạn bè anh làm nghề giáo, quanh năm hít thở cùng bụi phấn, không ít người bị các bệnh hô hấp. Mà với cách viết phấn, trung bình mỗi lớp tốn khoảng 25.000/ đồng tháng.
Trên thị trường đã có nhũng loại bảng từ tính nhỏ dùng cho em bé. Loại này rất tiện ích, nhưng hạn chế là mỗi lần xóa phải xóa hết. Về nguyên tắc thì làm bảng nhỏ dễ, nhưng làm bảng lớn trong lớp thì khó.
Mày mò tìm tài liệu, rồi mua những chiếc bảng từ tính của trẻ con về nghiên cứu, anh đã “chế” ra mô hình bảng viết chưa có trên thị trường. Mặt bảng có vô số lỗ ống có kích thước nhỏ hình trụ, bên trong các lỗ này là những thỏi nam châm vĩnh cửu. Những thanh nam châm này có thể dịch chuyển về trước hay sau dưới tác dụng của lực từ bên ngoài. Những thanh nam châm này được phủ lớp sơn mầu sáng như mầu trắng phấn. Lực từ bên ngoài được làm dưới dạng cây bút từ có hai đầu: một đầu dùng viết (bố trí khác cực với bảng) còn đầu kia dùng để xóa (cùng cực với bảng). Khi viết cây bút sẽ hút các thỏi nam châm hình trắng về phía trước tạo chữ, còn khi xóa, cây bút sẽ đẩy các thanh nam châm này ra phía sau, tạo việc xóa.
Nếu đầu tư mỗi bảng - bút từ tính khoảng dưới 1 triệu đồng/ bộ, có thể dùng lâu dài, kinh tế hơn dùng phấn mà an toàn cho môi trường.
Công việc chính hiện nay của nhà sáng tạo Nguyễn Đình Nhơn vẫn là kinh doanh một cửa hàng ăn nhỏ. Những khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, anh lại đi tiếp thị sáng kiến của mình. Cho đến nay, ngoài giải pháp bảng không phấn đã đăng ký bằng độc quyền sáng chế, anh Nhơn còn nghiên cứu một loại gạch trang trí lạ dựa trên nguyên lý từ tính. Cả hai dự án này đang được anh gửi dự thi chương trình Khởi nghiệp của VTV3.
Giữ giếng nước sạch trong mùa lũ của bác nông dân
Anh Lê Văn Thưa |
Ông Lê Văn Thưa (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã nghĩ ra một giải pháp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả: giữ sạch nước giếng bằng cách bịt miệng giếng trước khi lụt.
Ông Thưa cho biết, trước khi nghĩ ra phương pháp này ông cũng trăn trở dữ lắm vì chuyện không có nước sạch dùng mùa lụt. Thế rồi, qua những bài vật lý đọc trong sách của con về nguyên tắc bình thông nhau, ông hiểu rằng, nước lụt cao bao nhiêu thì nước giếng cũng sẽ đầy lên bấy nhiêu. Tuy nhiên, khác với nước bên ngoài, trước khi thông, nước vào giếng đã qua một quá trình lọc tự nhiên, vì thế sạch hơn.
"Tôi chợt nghĩ, tại sao không thể làm cho giếng nước trở thành một bọc nước sạch nằm trong biển nước. Vậy là tôi nghĩ ra giải pháp bịt miệng giếng. Đây là một phương pháp không tốn kém, lại hiệu quả. Chỉ cần chuẩn bị trước một tấm vải mưa (tăng, bạt hoặc tấm nhựa polyetylen) có độ lớn rộng hơn miệng giếng và một sợi dây buộc quanh miệng. Thời điểm bịt miệng giếng tốt nhất là khi lũ sắp tràn qua miệng giếng. Dù lũ lớn đến đâu, lâu đến mấy, khi lũ rút, nước giếng vẫn trong.
Sáng kiến dân dã nhưng hiệu quả của bác nông dân Lê Văn Thưa đã vượt qua nhiều đề tài nghiên cứu khác để lọt vào top 4 đề tài xuất sắc nhất trong cuộc thi Cộng đồng với việc bảo vệ môi trường. Từ đầu năm đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhiều lần phát tin sáng kiến này của ông để phổ biến cho cư dân vùng lũ lụt.
Nguồn: vnexpress.net 10/8/2005