Phát hiện đàn Xã Tắc: Hé lộ huyền sử
Vào những ngày này, khu khai quật di tích đàn Xã Tắc thu hút rất đông bà con đến thắp hương. Buổi tối, cán bộ khảo cổ phải cho người canh giữ để ngăn người dân không đốt vàng mã ảnh hưởng đến di tích. Hiện tại, các cán bộ khảo cổ đang khai quật 4 hố. Hố bên trái so với mặt đường Nguyễn Lương Bằng phát hiện tầng gạch đỏ, một số viên có hoa văn, nằm ở lớp mặt độ sâu khoảng 1,5m . Hố thứ hai phát hiện một số di tích gốm, sành, nắp chum. Hố này có lớp đất sét khá mịn, rắn chắc, khi gặp nước rất dính. Hố thứ ba có hai lớp nền sành, sứ, độ sâu khác nhau, ngăn cách nhau bởi một đường vòng cung như bờ thành Cổ Loa. Tại hố khai quật thứ tư sát khu nhà dân phát hiện một lớp nền gạch đỏ, có một số bộ hài cốt. Theo quan sát của phóng viên KH&ĐS, các bộ hài cốt còn tương đối nguyên vẹn, có bộ nằm ở tư thế thẳng, có bộ ở tư thế nghiêng khom, tất cả đều không có dấu hiệu của quách, hay di chỉ kèm theo. Hầu hết các hố khai quật ở trên mặt đê cao hơn so với mặt đường Nguyễn Lương Bằng nên đất khá khô. Theo ông Nguyễn Hồng Kiên, cán bộ Viện Khảo cổ phụ trách thám sát di chỉ đàn Xã Tắc, các hiện vật tìm được là gạch ngói của cả thời Lý, Trần, Lê. Có nhiều bát gốm, sứ cùng niên đại nhưng chỉ là những mảnh vỡ chủ động đậïp ra để làm nền. Từ thực tế khai quật so với tư liệu lịch sử có thể khẳng định đây chắc chắn là đàn Xã Tắc- một trong những di tích linh thiêng và tối quan trọng của thời phong kiến xưa.
Theo ông Tống Trung Tín, Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam, lớp nền hố thứ nhất có niên đại thời Trần. Hố thứ hai có lớp đất sét mịn, sạch, chắc, khác các hố khác là khu vực chính đàn (đàn Xã Tắc). Vì vậy, đây là nơi cán bộ khảo cổ và người dân chọn lập bàn thờ. Hố thứ ba có hai nền: nền trên là các di vật xác định niên đại thế kỷ 15. Nền sành dưới đã xác định có niên đại thế kỷ 11. Các nền đầm sành này có cấu trúc, vật liệu tương tự như trong di chỉ Hoàng Thành Thăng Long. Bờ đất giống đường thành Cổ Loa chỉ là bờ ngăn xây dựng để đổ lớp đầm sành phía dưới. Theo nhận định ban đầu thì những hài cốt ở hố khai quật không có dấu hiệu yểm bùa theo tục lệ của người xưa mà có niên đại muộn đầu thế kỷ 20.
Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, các cán bộ được khai quật, thám sát 100m 2trong vòng 1 tháng, sau đó họp báo cáo rồi mới tiếp tục được mở rộng. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin về tầm quan trọng của di chỉ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đã trực tiếp xuống hiện trường và cho phép được khai quật trong 2 tháng. Hiện các chuyên gia đã dùng máy đo đạc, ước lượng độ sâu di chỉ so với mặt đường và mặt đê để tiến hành khai quật thêm các hố mới. Mặc dù khẳng định đây là một di tích linh thiêng và quan trọng có niên đại 1000 năm nhưng đến nay, chưa có một nhận định nào trong việc ứng xử với di tích này. Được biết, đường mới Kim Liên - Ô chợ Dừa vẫn phải đảm bảo tiến độ hoàn thành như đã định.
PGS-TS. Bùi Xuân Đính, chuyên viên nghiên cứu làng xã, Viện Dân tộc học
Đàn Xã Tắc rất cần được khôi phục
Theo Đại Việt sử ký toàn thư (chính sử thời Lê), Việt sử thông giám mục bộ (chính sử thời Nguyễn), Đại nam nhất thống chí (Địa chí về các tỉnh trong cả nước của thời Nguyễn), đàn Xã Tắc được lập từ năm Mậu Tý đời Vua Lý Thái Tông (năm 1048). Đàn được dùng để tế Xã Tắc tức là tế Hậu Thổ (thần Đất) và Thần Nông (thần Ngũ cốc), - hai vị thần được coi là quan trọng nhất của xã hội nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, nước nhà bình yên, mưa thuận gió hòa, nông nghiệp được mùa, người dân no ấm, sung túc, con cái đông đủ. Đây là một trong hai nghi thức tế lễ quan trọng nhất của vua: Tế tiên tổ và tế xã tắc. Vì thế, bốn mùa vua đều thân chinh chủ trì tế lễ xã tắc tại đàn Xã Tắc.
Đối chiếu nền Xã Đàn là một dải đất vuông, cao, trước đây có hai cây gạo lớn ở phía Bắc làng Xã Đàn (đã bị phá năm 1930) với địa chí xưa là địa dư làng Xã Đàn với phía Bắc là đường Khâm Thiên, phía Nam là Cống Đá - nơi dòng sông Lừ chảy qua phố Nam Đồng, phía Đông là Cống Trẹm (hay Cống Đá Tàu Bay) - nơi sông Kim Ngưu chảy qua đường Tàu Bay (đường Trường Chinh) thì trùng khớp với di chỉ khai quật đàn Xã Tắc vừa khai quật. Với tầm quan trọng, linh thiêng, có liên quan đến sự thịnh vượng của đất nước thì nên khôi phục di chỉ đàn Xã Tắc. Đây sẽ là một trong những di chỉ khảo cổ minh chứng rõ nét cho kinh thành Hà Nội xưa, nhất là vào thời điểm tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Đàn tế Xã Tắc này là nơi tế lễ của các vị vua các đời Lý, Trần, Lê. Đến thời nhà Hồ, vua Hồ Quý Ly dời đô vào Thanh Hoá, đàn tế Nam Giao, Xã Tắc cũng đồng thời được xây dựng ở đây. Đến triều Nguyễn, đàn tế Nam Giao, Xã Tắc lại được dời vào Phú Xuân (Huế).
Đoạn đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa dài 1 km thuộc tuyến đường vành đai I. Tổng kinh phí đầu tư 773 tỷ đồng. Đây là một trong các dự án trọng điểm phát triển đô thị. Theo kế hoạch, tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 22/12/2006.
Nguồn: KH&ĐS Số 93 Thứ Hai 20/11/2006