Phát hiện “bản sao” của Trái đất
Ngoại hành tinh tí hon
Hành tinh mới có kích thước lớn gấp đôi và khối lượng gấp khoảng 5 lần Trái Đất, được các nhà khoa học đặt tên là Gliese 581C, theo tên sao mẹ của nó, Gliese 581 - một sao lùn đỏ cách Trái Đất 20,5 năm ánh sáng. Nhóm 11 nhà khoa học đến từ Thuỵ Sĩ, Pháp, Bồ Đào Nha đã phát hiện ra Gliese 581 C bằng kính viễn vọng đặt tại đài thiên văn ESO ở Chilê.
Gliese là hành tinh nằm ngoài Thái Dương hệ (ngoại hành tinh) nhỏ nhất được phát hiện cho đến nay. Một năm trên hành tinh này chỉ bằng 13 ngày ở Trái Đất. Khoảng cách giữa nó và sao mẹ ngắn hơn khoảng cách từ trái đất đến mặt trời khoảng 14 lần. Vì sao mẹ có khối lượng chỉ bằng 1/3 Mặt Trời, cường độ sáng yếu hơn khoảng 50 lần và lạnh hơn rất nhiều nên mặc dù ở khoảng cách gần như vậy nhưng nhiệt độ trên Gliese 581 C vẫn ở mức khá dễ chịu, từ 0 0C đến 40 0C, đủ để nước có thể tồn tại trên bề mặt nó ở dạng lỏng.
Địa chỉ hấp dẫn trong vũ trụ
Mô hình trên máy tính dự đoán Gliese 581 C có thể được cấu tạo bằng đá giống như Trái Đất hoặc cũng có thể toàn bộ được bao phủ bởi các đại dương. Về mặt lý thuyết, hành tinh này có thể có bầu khí quyển. Song tính chất của khí quyền ở đây như thế nào thì vẫn còn là điều bí ẩn. Ngay cả việc trên bề mặt nó có nước ở thể lỏng hay không cũng mới chỉ là giả định dựa trên lý thuyết về cấu tạo của hành tinh chứ chưa có bằng chứng cụ thể và xác thực nào khẳng định điều đó. Tuy nhiên, chỉ với những gì mà các nhà khoa học đã biết hiện nay thì Gliese 581 C đã xứng đáng là một địa chỉ hấp dẫn cho các nghiên cứu về cuộc sống trong vũ trụ.
Xavier Delfosse (Đại học Grenoble, Pháp), một trong những thành viên nhóm đã phát hiện ra Gliese 581 C nhận xét: “Nước ở thể lỏng là yếu tố then chốt của sự sống. Vì có nền nhiệt độ phù hợp và hơn nữa lại nằm ở khá gần, hành tinh này rất có thể sẽ là mục tiêu quan trọng cho các cuộc viễn du tương lai tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất”.
Còn Chris Mckay, chuyên gia của NASA thì cho rằng: “Điều kiện trên Gliese 581C không có nghĩa là ở đó có sự sống, nhưng nó rất giống Trái Đất và là nơi sự sống có khả năng phát triển”.
David Charbonneau, nhà thiên văn học thuộc Trung tâm vật lý thiên thể Smithsonian, đại học Harvard lại lạc quan hơn khi cho rằng việc tìm ra Gliese 581C cho thấy vẫn còn nhiều hành tinh khác như vậy trong vũ trụ.
Trong khi đó, một số ý kiến khác lại tỏ ra khá thận trọng. Stephen Hawking, nhà nghiên cứu vật lý lý thuyết nổi tiếng nhất hiện nay trả lời phỏng vấn hãng AP nhận định: “Có những hành tinh giống Trái Đất, nhưng ở đó có sự sống hay không thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác”. Trên thực tế, các hành tinh trong hệ Gliese 581 (bao gồm cả Gliese 581C) đã hai lần được Chương trình tìm kiếm các dạng trí tuệ ngoài Trái Đất (SETI) khảo sát nhưng đều không cho thấy tín hiệu nào khả quan. Một cuộc khảo sát thứ ba đang được lên kế hoạch và có thể sẽ bắt đầu trong một vài tháng nữa. Về lâu dài, người ta đang tính đến việc đưa một số kính thiên văn vào vũ trụ để ghi nhận những tín hiệu ánh sáng có thể có liên quan đến các quá trình sinh học, tìm hiểu thành phần khí quyển để có câu trả lời cụ thể hơn về việc liệu có hay không có sự sống trên hành tinh này.
Nếu bạn sống trên Gliese 581C:
- Cứ 13 ngày bạn sẽ tổ chức sinh nhật một lần vì một năm ở đây chỉ bằng 10 ngày trên Trái Đất.
- Bạn sẽ nặng 80 kg thay vì 50 kg như ở Trái Đất vì trọng lực ở đây bằng 1,6 lần trọng lực Trái Đất.
- Bạn sẽ không phải sắm thêm quần áo vì nhiệt độ ở Trái Đất ở Gliese 581C là tương đương.