Một nhà khoa học cho biết, mục đích của việc phân tích là tìm kiếm điểm khác biệt với chất ướp thường thấy của người Việt cổ vốn hay dùng tinh dầu thông và dầu khuynh diệp. Trên nắp ngôi mộ cũng không có chữ viết nên Viện Khảo cổ sẽ phải nghiên cứu mẫu quần áo và mẫu gỗ quan tài để có được câu trả lời chính xác về niên đại sống và thân phận người trong mộ. Xác ướp của người trong mộ còn nguyên vẹn, sau khi khai quật để nhiều ngày vẫn có mùi thơm, v.v... Các nhà nghiên cứu ngôi mộ cổ ở cánh đồng đào Nhật Tân, phía Nam Thăng Long, Hà Nội vẫn còn nhiều điều chưa lý giải nổi về cách mai táng mộ hợp chất và kỹ thuật ướp xác kỳ lạ này.
Đến nay, các nhà khoa học đặt ra giả thiết nghi vấn, người trong mộ có thể là chồng của nữ sỹ Đoàn Thị Điểm. Nhưng điều khó lý giải hơn là kỹ thuật ướp xác trong ngôi mộ có nhiều điểm khác lạ. Trong khi phần lớn các ngôi mộ cổ đào được trước đó, phần cốt không còn nguyên vẹn, chủ nhân ngôi mộ này ướp bảo quản thi hài rất tốt. Theo lời miêu tả của những người khai quật mộ, da thịt, tóc của xác ướp vẫn không bị biến đổi. Nghiên cứu ban đầu cho thấy, chủ nhân là người đàn ông, khoảng 60 - 62 tuổi, có chiều cao 1,62m, tóc dài ngang lưng búi tó đằng sau.
Người trong mộ mặc rất nhiều áo với tổng cộng 9 áo lụa bên ngoài, 10 cái áo gấm và bên trong là 4 cái áo lụa nữa. Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, người chủ trì việc thực hiện khai quật ngôi mộ, số quần áo tư trang này rất có ý nghĩa trong việc giúp chúng ta biết được về trang phục của người Việt hai thế kỷ trước. Người này có thể sống ở thế kỷ 18, vì số lượng các ngôi mộ cổ hợp chất còn lại ở miền Bắc không nhiều. Trong số 35 ngôi mộ hợp chất ở miền Bắc, Hà Nội chỉ có 4 ngôi mộ kiểu thế này. Bao quanh mộ là những hợp chất cứng như xi măng, bên trong là quách gỗ rồi mới đến quan tài. Điểm đặc biệt so với ngôi mộ khác là ở phía dưới đáy mộ được trải khoảng 5cm gạo rang để hút ẩm, thay vì cát hoặc chè.
Thêm một phát hiện về kỹ thuật ướp xác trong ngôi mộ cổ cánh đồng Nhật Tân, các nhà khoa học có thêm cái nhìn mới về những điều bí ẩn còn chưa hay về người Việt cổ. Nguồn: netnam.vn 13/5/2005.
|