Phân biệt “triển khai” và “phát triển” như những đối tượng điều chỉnh của Luật KH&CN
Dẫn nhập
Có hai khái niệm được sử dụng không chuẩn xác trong Luật KH&CN (sau đây gọi tắt là Luật), đó là các khái niệm “Triển khai” và “Phát triển”. Sự nhầm lẫn này không đơn giản về thuật ngữ được sử dụng, mà dẫn tới những khó khăn trong khi vận dụng các chính sách về đầu tư và tài chính.
Tuy đã có sự phân biệt khi chuyển ngữ trong tiếng Việt từ lâu, nhưng khi đưa vào Luật với tư cách là những đối tượng điều chỉnh khác nhau, thì lại không được chú ý đầy đủ. Vì thế, dẫn đến những khiếm khuyết về đối tượng điều chỉnh của Luật.
Chúng tôi viết bài này dựa theo các nguồn tài liệu sau:
- Sổ tay thống kê về hoạt động khoa học và kỹ thuật (Manuel pour les statistiques relatives aux activités scientifiques et techniques, sau đây gọi tắt là Manuel) do UNESCO đưa ra từ năm 1980, nay vẫn còn nguyên giá trị.
- Các tài liệu rải rác về quản lý công nghệ của các tổ chức có uy tín, như: Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), Nghị hội Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), Ủy hội Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) và Trung tâm Chuyển giao Công nghệ châu Á - Thái Bình Dương (APCTT).
Khái niệm R&D theo UNESCO
Trong hệ thống khái niệm của UNESCO được trình bày trong Manuel, các thuật ngữ R&D được giải thích như sau:
-R là nghiên cứu, tiếng Pháp là Recherche, bao gồm hai loại:
Nghiên cứu cơ bản, tiếng Pháp là Recherche fondamentalle.
-Nghiên cứu ứng dụng, tiếng Pháp là Recherche appliquée.
-D, viết tắt tiếng Pháp từ khái niệm Développement expérimental, nói tắt là Développement, GS Tạ Quang Bửu chuyển ngữ là “Triển khai”, hoàn toàn khác với khái niệm “Phát triển” mà chúng tôi xin được làm rõ ngay trong phần sau.
Quá trình “Triển khai” (D) được phân chia thành 2 giai đoạn, và được UNESCO mô tả trong Manuel như sau:
-Giai đoạn 1: Tạo sản phẩm mẫu, tức sản phẩm đầu tiên từ kết quả nghiên cứu, trong Manuel gọi là prototype. Tại phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Quân giới ở Việt Bắc từ năm 1947, GS Tạ Quang Bửu gọi là “Vật mẫu” 1.
- Giai đoạn 2: Làm pilot để thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm prototype vừa được tạo ra từ giai đoạn 1, trong Manuel gọi là “installation pilot”.
Toàn bộ công việc của giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được làm trong “Pilot Workshop”, cũng trong năm 1947, được GS Tạ Quang Bửu đặt tên là “Xưởng mẫu”1. Toàn bộ quá trình nghiên cứu khoa học, bao gồm cả R&D được kết thúc ở đây. Tiếp sau là giai đoạn đưa vào sản xuất thử nghiệm trong sản xuất để khẳng định độ ổn định của công nghệ sản xuất theo prototype vừa được tạo ra từ giai đoạn pilot. Các nhà nghiên cứu công nghệ cũng gọi giai đoạn sản xuất thử nghiệm này là “Sản xuất série 0”.
Từ lâu, khái niệm “Triển khai” đã đi vào hệ thống tổ chức nghiên cứu khoa học, và sau đó, được sử dụng một cách chính thức trong hệ thống kế hoạch hóa KH&CN của Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước mà GS Tạ Quang Bửu là Tổng Thư ký đầu tiên 2.
Khái niệm “Phát triển” trong quản lý công nghệ
Quá trình quản lý công nghệ được bắt đầu ngay sau khi công nghệ được chuyển giao và được vận hành trong sản xuất. Đó là công nghệ theo nghĩa hẹp. Trong xã hội hiện đại, khái niệm công nghệ được mở rộng tới hầu hết các hoạt động xã hội (không có trong các khoa học nhân văn). Chẳng hạn, công nghệ dạy học, công nghệ du lịch, thậm chí công nghệ biểu diễn… Tuy nhiên, dù công nghệ hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, khái niệm “Phát triển” công nghệ vẫn mang những hàm ý chung, như chúng tôi sẽ đề cập trong phần này.
Trong hoạt động quản lý công nghệ của sản xuất, người ta cần làm rất nhiều công việc, nhưng trên đại thể, chúng ta có thể quan sát thấy hai loại công việc chủ yếu sau đây:
Thứ nhất,bảo dưỡng và duy tu thiết bị, đảm bảo cho công nghệ vận hành ổn định, tạo ra sản phẩm có chất lượng tin cậy theo đúng thiết kế. Biểu hiện cụ thể và rõ rệt nhất của giai đoạn này là quản lý chất lượng theo ISO 9000.
Thứ hai,tiếp tục phát triểncông nghệ để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của sản xuất. Tùy nhu cầu phát triển sản xuất, việc phát triển công nghệ được tiến hành theo hai loại:
- Phát triển công nghệ theo chiều rộng, tức mở rộng công nghệ, tiếng Anh là extensive development of technology, cũng còn gọi là diffusion of technology.
- Phát triển công nghệ theo chiều sâu, tức nâng cấp công nghệ, tiếng Anh là intensive development of technology, cũng còn gọi là upgrading of technology.
Trong Luật KH&CN hoàn toàn bỏ trống quá trình này 3. Đó là một chỗ hổng rất lớn của một đạo luật về KH&CN. Chỗ hổng đó là: Luật đã không xem hoạt động công nghệ trong sản xuất là một đối tượng quan tâm, mặc dù tên của Luật là “Luật Khoa học và Công nghệ”.
Khác biệt về chính sách giữa “Triển khai” và “Phát triển”
Hai khái niệm, nhưng thực ra là hai loại hoạt động, “Triển khai” và “Phát triển” hoàn toàn khác biệt nhau với tư cách là những đối tượng điều chỉnh của Luật và đối tượng phân biệt đối xử trong chính sách.
Thứ nhất,về mặt khái niệm, chúng ta có thể nhận ra những phân biệt sau:
- “ Triển khai” (Experimental development) là một phần của hoạt động R&D. Đó là sự kế tục các kết quả nghiên cứu để tạo ra prototype, là tiền đề cho sự ra đời những sản phẩm mới và công nghệ mới. Trong quá trình “Triển khai”, trong tư duy của người nghiên cứu và trong phòng thí nghiệm chỉ mới xuất hiện những nguyên lý công nghệ và những thực nghiệm đang tiến hành để hiện thực hóa ý tưởng công nghệ thể hiện trên prototype, chưa hề tồn tại bất cứ một công nghệ nào, càng chưa thể có một công nghệ nào để “Phát triển”.
- “ Phát triển công nghệ” (Technology Development) là những tác động tiếp tục vào công nghệ đang tồn tại, để làm cho công nghệ ấy tiếp tục được hoàn thiện và nhân rộng trong sản xuất và trong đời sống xã hội. Quá trình nhân rộng công nghệ được gọi là phát triển công nghệ theo chiều rộng. Xin lưu ý rằng, đây là sự phổ biến tri thức công nghệ trong sản xuất. Sự mở rộng tri thức đó thường đi kèm sự phát triển dây chuyền công nghệ. Còn quá trình thứ hai, phát triển công nghệ theo chiều sâu. Đó là quá trình cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai,về mặt chính sách đầu tư có sự phân biệt rất quan trọng sau đây:
- Nguồn vốn để sử dụng cho hoạt động “Triển khai” là nguồn vốn dành cho R&D, là nguồn vốn cấp không phải hoàn lạicủa các quỹ tài trợ, hoặc được ngân sách cấp theo kinh phí nghiên cứu. Nếu là hoạt động “Triển khai” của các công ty thì đó cũng là nguồn vốn dành riêng cho R&D của công ty, chuyên phục vụ cho hoạt động nghiên cứu đổi mới sản phẩm và công nghệ.
- Nguồn vốn cho phát triển công nghệ, nếu là trong sản xuất, thì không thể là nguồn vốn thuộc loại cấp không hoàn lại, mà phải là vốn tự có của sản xuất hoặc vốn vay, được tính vào giá thành sản phẩm. Với những công nghệ mới nghiên cứu thành công, chưa được thử thách trong sản xuất, còn có độ mạo hiểm, nhất là các công nghệ cao, thì nguồn vốn quan trọng còn có thể là vốn đầu tư mạo hiểm (venture investment). Nguồn vốn này do các nhà đầu tư mạo hiểm bỏ vào, trong dự kiến nó có thể mất trắng, song cũng có thể thành công. Khi thành công thì các nhà đầu tư được quyền chia sẻ quyền lợi.
Thứ ba,về chính sách thuế cũng có sự phân biệt căn bản:
- Quá trình thực hiện công việc “Triển khai” là quá trình nghiên cứu, có thể dẫn tới thành công hoặc thất bại. Khi thành công, người nghiên cứu thu được một mẫu về sản phẩm và công nghệ; còn khi thất bại thì người nghiên cứu rút ra được bài học kinh nghiệm cho quá trình nghiên cứu sau đó. Trong cả hai trường hợp, ngay cả khi nghiên cứu thành công, kết quả thu được từ quá trình triển khai chưa hề mang lại một mảy may lợi nhuận. Vì vậy, quá trình triển khai phải được miễn thuế.
- Quá trình phát triển công nghệ, dù là mở rộng công nghệ hay nâng cấp công nghệ đều dẫn đến việc nâng cao doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, nó phải chịu thuếtheo các quy định về thuế trong sản xuất kinh doanh, đương nhiên, hoạt động phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích với một chính sách ưu đãi ở các mức độ khác nhau, không được hoàn toàn miễn thuế như quá trình “Triển khai”.
Khuyến nghị về chuẩn hóa khái niệm trong Luật KH&CN
Sau khi cân nhắc, so sánh khái niệm “Triển khai” (D) trong cụm từ viết tắt R&D với khái niệm “Phát triển công nghệ” trong sản xuất, chúng tôi xin mạnh dạn nêu một vài kết luận và khuyến nghị sau:
1. Luật KH&CN tuy có sử dụng các khái niệm “Triển khai” và “Phát triển”, nhưng có sự “sai lệch” so với ý nghĩa và vai trò các khái niệm này với tư cách là những đối tượng điều chỉnh của Luật.
2. Khái niệm “Phát triển” trong Luật KH&CN hoàn toàn trùng khớp với khái niệm “Triển khai” mà GS Tạ Quang Bửu đã chuyển ngữ từ khái niệm Développement expérimental của UNESCO. Vì vậy, nó cần được đổi lại là “Triển khai” như đã sử dụng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và hệ thống kế hoạch hóa KH&CN từ trước đến nay.
3. Trong Luật KH&CN đã hoàn toàn không xem xét đến hoạt động “Đổi mới công nghệ” trong sản xuất, bao gồm 2 kiểu “Phát triển công nghệ”, là mở rộng công nghệ và nâng cấp công nghệ. Nghĩa là, Luật KH&CN đã để trống toàn bộ hoạt động đổi mới và phát triển công nghệ trong sản xuất.
Đó là những đề xuất của chúng tôi nhân dịp thảo luận về việc hoàn thiện Luật KH&CN kỳ này.
_____________
1“NCKT, Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới, Kỷ niệm 50 năm thành lập, 1947-1997”. Ban Liên lạc NCKT (tác giả Hoàng Đình Phu là Phó Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới, năm 1947).
2Nghị định 263/HĐBT về kế hoạch hóa KH&KT năm 1983.
3Vũ Cao Đàm: Luật KH&CN cần quan tâm đến “Hoạt động KH&CN” trong sản xuất. Tạp chí Hoạt động Khoa học, số 6.2008.