Ông Võ Văn Kiệt với vấn đề hòa hợp dân tộc: Tổ quốc là của mình
Những năm gần cuối thế kỷ 20, có một nhà báo từ thành phố Hồ Chí Minh “cắc cớ” hỏi ông Võ Văn Kiệt: “Thủ tướng có tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia giàu mạnh không?”. Ông cười, hỏi lại: “Thế nhà báo có tin không? Tôi thì tôi cho rằng không chỉ riêng tôi mà cả dân tộc ta đều có niềm tin mãnh liệt và có cơ sở đó. Trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc ta đã vượt qua những thử thách, hy sinh gian khổ một cách phi thường vì chúng ta có niềm tin. Nếu không có niềm tin là Tổ quốc chúng ta sẽ giàu mạnh, nhân dân ta sẽ hạnh phúc thì thử hỏi mọi nỗ lực của chúng ta, khối Đại đoàn kết của toàn dân ta đã và sẽ thực hiện còn có ý nghĩa gì? Tôi nhớ có câu ngạn ngữ đại ý: Mất tiền thì được kinh nghiệm, mất bạn thì mất niềm vui, còn mất niềm tin thì mất tất cả!”.
Lại một nhà báo hỏi: “Thưa ông, sau ngày 30-4-1975, việc cần làm là gì?” Ông Võ Văn Kiệt trả lời ngay: “Là vấn đề đại đoàn kết dân tộc. Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu. Cho nên tinh thần hòa hợp dân tộc phải được coi trọng. Chúng ta còn nhớ, sau ngày 30-4-1975, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai!”
Năm 1977, ông phát biểu một thông điệp mới với thanh niên Sài Gòn đầy ấn tượng mà sau này khi ông nằm xuống, nhiều người còn nhắc lại. Ông nói: “Ta phải thấy rằng, khi tuổi trẻ đã đi với cách mạng là bước đầu vượt qua mọi níu kéo, ràng buộc của quá khứ. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy số đông bạn trẻ chúng ta đã tiếp thụ cái mới mà khi tìm ra lẽ sống họ dám sống đến cùng. Thế hệ trẻ đang lớn lên ở thành phố ta ra đời từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau, chịu ảnh hưởng tinh thần và tín ngưỡng khác nhau. Không ai chọn cửa để sinh ra. Đối với mỗi người tuổi trẻ đang bước vào đời, chúng ta nhìn họ như nhau, cùng là người chủ tương lai của thành phố. Xã hội muốn tuổi thanh xuân không mặc cảm và rất thanh thản trong tâm hồn. Không phân biệt đối xử trên con đường đi tới. (…) Xã hội phải đối xử công bằng với tất cả lớp người trẻ đi lên với xã hội này, ai ai cũng có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau. Vì lợi ích của toàn xã hội, chúng ta lấy thực tâm, thực tài làm tiêu chuẩn, không để quá khứ này ràng buộc tương lai mà hạn chế chí tiến thủ và hoài bão cống hiến của mỗi người…”
Sau này, ông còn nói: “Yêu nước có thể bằng nhiều con đường”, là ông nói bằng chính nỗi đau của mình. Có rất nhiều người đã từng phải bỏ nước ra đi chỉ vì họ yêu nước bằng một con đường khác. Ông nhấn mạnh: “Tổ quốc là của mình. Việt Nam là của mình chứ không phải là của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.
Năm 1980, trong khi GS.Chu Phạm Ngọc Sơn đang đi công tác ở Liên Xô, một người con của ông vượt biên không thành. Phải sống ở Sài Gòn thời ấy mới cảm nhận được sự dữ dội của hai chữ “vượt biên”. Trở lại Sài Gòn, ông Kiệt nói với giáo sư Sơn: “Để cháu đi như vậy có gì, tôi với anh có tội”. Vợ GS.Chu Phạm Ngọc Sơn là dược sĩ đang làm ở một bệnh viện lớn. Giải phóng, bà được xếp vào thành phần “bóc lột”, bị thay thế bởi một người yếu kém về chuyên môn. Con gái ông sau này trở thành một bác sĩ giỏi ở Mỹ, những năm ấy, thi vào dự bị Y khoa không đậu. Cho dù giáo sư Sơn vẫn quyết tâm gắn bó với chế độ mới, lòng tin của vợ chồng ông vơi dần.
Biết chuyện, ông Võ Văn Kiệt thỉnh thoảng qua lại trò chuyện với gia đình GS.Chu Phạm Ngọc Sơn, nhưng ông nhận ra mình bất lực. Ông Kiệt nói với giáo sư Sơn: “Thôi, anh cứ để cho cô ấy và mấy cháu đi, đi chính thức. Bên đó có điều kiện cho các cháu học hành. Sau này, nếu các cháu về thì tốt, nếu không, tôi và anh cũng được làm tròn bổn phận.”
Giáo sư, bác sĩ Dương Quang Trung – Anh hùng lao động nhớ lại: Anh Võ Văn Kiệt nói câu: “Không ai chọn cửa để sinh ra” là để làm giảm đi cái “Chủ nghĩa lý lịch”. Có những người vượt biên bị bắt, bị tù, chúng tôi phải lãnh ra. Sau đó phải bố trí anh em vào làm các công tác thích hợp và sau này phần lớn đều vào vị trí lãnh đạo. Đó là dược sĩ Trần Văn Nhiều, nguyên là đổng lý văn phòng phụ tá đặc biệt Tổng trưởng y tế chế độ cũ, sau này trở thành Anh hùng lao động, Tổng Giám đốc công ty cổ phần dược đầu tiên ở miền Nam… Lúc đó, các thế hệ bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Trần Thành Trai, Trần Đông A… còn trẻ, đi xe đạp được. Riêng đối với các giáo sư, bác sĩ lớn tuổi như Phạm Biểu Tâm, Ngô Gia Hy…, anh Võ Văn Kiệt đích thân đi tìm từng lít xăng cho các vị…”
Ông Võ Văn Kiệt được giới trí thức trong và ngoài nước yêu mến vì thái độ chân thành, thẳng thắn và cởi mở, một tinh thần thực sự cầu thị và biết lắng nghe. Ông là Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam “dám” tập hợp trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước để lập nên “Tổ tư vấn Thủ tướng”. Khi còn đương quyền, năng lực lắng nghe của ông là phi thường, ông đã từng tâm sự phải “trân mình” lắng nghe những góp ý đôi khi không khác gì những nhát dao sắc bén cứa vào da thịt. Mối quan hệ giữa ông và trí thức, không riêng gì người Việt mà cả người nước ngoài giống như một mối quan hệ tri kỷ. Ông trở thành một chỗ dựa tinh thần cho họ, một chỗ để trút những tâm sự, những kỳ vọng về các giải pháp cho một Việt Nam cường thịnh, ngay cả khi ông rời mọi chức vụ, trở về làm một công dân bình thường.
Một trong những điều lạ tưởng chừng rất nhỏ nhoi ở ông là ông chơi thân với nhiều văn nghệ sĩ, gần gũi, giản dị, “la cà” với anh em, thương yêu và tôn trọng. Những anh chàng trông chừng rất tài tử, lơ mơ ấy vậy mà một điều gì đó như là bản năng, lại có thể là những ăng ten rất nhạy, biết rung lên vì mỗi biến động còn rất nhỏ, rất sâu, còn mơ hồ lắm của đời sống. Mà ông thì luôn tha thiết muốn nghe được chính cái đời sống ấy. Cho nên ông có thể bỏ bữa cơm nhà để nhận lời mời đến bữa nhậu ngẫu hứng của một vài văn nghệ sĩ quen biết. Cánh khách nhậu bữa ấy thật bất ngờ khi ông có mặt chỉ sau 30 phút được mời, vừa thân tình ngồi xuống ghế vừa nói: “Sợ các cậu đợi lâu mất hứng”.
Bằng bản lĩnh của người hiểu rõ sứ mệnh trước nhân dân mình, ông Võ Văn Kiệt tìm mọi cách để gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi thảo luận với nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, ở các vùng miền khác nhau, những đồng sự trong cấp lãnh đạo, ở nhiều địa phương… Ông không đến với họ chỉ với tư cách là Thủ tướng, ông đến với họ như một người bạn biết lắng nghe, học hỏi và chia sẻ. Vì vậy mà ông tích lũy cho mình những hiểu biết, những tri thức phong phú thật sự cần thiết cho việc hoàn thành trọng trách mà nhân dân đã trao cho ông.