Những vấn đề phát triển ở Việt Nam - Giải pháp
I. Về tăng trưởng và công bằng xã hội
Từ đầu thập kỷ 90 đến nay, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế khá cao 7 - 8% một năm, đó là một thực tế. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn không, và tăng trưởng cao đó có đi cùng với tiến bộ và công bằng xã hội không?
Có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn,vì Việt Nam vẫn còn là một nước kém phát triển, những khả năng phát triển theo chiều rộng còn rất lớn, tiềm năng lao động tiền công thấp còn lớn, còn điều kiện sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước có hiệu quả, khả năng khai mở thị trường trong và ngoài nước còn nhiều, còn nhiều khả năng ứng dụng công nghệ nhập khẩu có hiệu quả, các tài nguyên thiên nhiên chưa khai thác còn lớn v.v..
Về tiềm năng lao động. Năm 2002 Việt Nam có 38,75 triệu lao động chiếm 48,3% dân số, trong đó 66% lao động trong nông lâm nghiệp và thuỷ sản, số người thất nghiệp ở các thành phố khoảng 6%, thời gian nhàn rỗi của lao động nông thôn hiện khoảng 25%. Việt Nam về cơ bản đã xoá nạn mù chữ, đang phấn đấu phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Tiền lương của lao động Việt Nam nói chung còn thấp hơn các quốc gia trong khu vực. Nhược điểm căn bản của lao động Việt Nam là thiếu đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, số lao động không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tới 84,2% tổng số lao động (2002). Số lượng lao động Việt Namđông đảo có văn hoá, nếu được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tốt, đó sẽ là một nguồn lực phát triển rất cơ bản của Việt Nam .
Về nguồn vốn. Nguồn vốn tiền tiết kiệm của dân cư trên GDP của Việt Nam vào loại cao khoảng 30%. Các loại thu nhập ngoại tệ do xuất khẩu lao động, thu từ du lịch, kiều hối… hàng năm ước tính khoảng 6-7 tỷ USD. Nguồn vốn ODA hàng năm được các nhà tài trợ cam kết khoảng trên 2 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cam kết trong những năm 1996, 1997 đã tới 6-7 tỷ USD, tuy trong những năm gần đây đã giảm mạnh, năm 2004 đã tăng lên hơn 4 tỷ USD. Đối với vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài Việt Nam chưa có chủ trương tiếp nhận rõ rệt. Nếu Việt Namcó cơ chế sử dụng vốn có hiệu quả, khả năng gia tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển ở Việt Nam còn lớn.
Về thị trường.Việt Nam về cơ bản mới có thị trường hàng hoá, còn thị trường dịch vụ, thị trường tiền tệ, vốn, bất động sản thực sự mới chỉ manh nha. Một khi những thị trường này phát triển, thì đó là một nguồn lực hết sức to lớn cho sự phát triển.Việt Nam chưa là thành viên của WTO, do vậy cánh cửa của các thị trường của các quốc gia thành viên WTO chưa thực sự được mở, Việt Nam cũng chưa ký kết các Hiệp nghị thương mại tự do song phương với những trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Một khi Việt Nam gia nhập WTO ký kết các Hiệp nghị thương mại tự do song phương với các nền kinh tế lớn, thì đó sẽ là một cơ hội mở rộng thị trường bên ngoài vô cùng to lớn.
Về công nghệ. Trình độ công nghệ của Việt Nam hiện là thấp xa so với những nước tiên tiến. Một nước đi sau sẽ có những lợi thế do nhập khẩu công nghệ mang lại. Cho đến nay, Việt Nam mới chủ yếu nhập khẩu máy móc thiết bị, chưa nhập các bằng sáng chế, phát minh, các ý tưởng công nghệ… do vậy tiềm năng này còn rất lớn.
Về tài nguyên.Các nguồn tài nguyên của Việt Nam như dầu khí, bô- xít, đất hiếm, đặc biệt là vị trí địa lý thuận lợi chưa được thăm dò khai thác bao nhiêu. Đó là một nguồn lực quan trọng cho phát triển.
Về thể chế.Có thể nói nguồn lực về thể chế ở Việt Nam hiện còn rất lớn, vì các thể chế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hoặc còn chưa hoàn thiện, hoặc thiếu vắng. Chỉ cần Việt Namxem xét, ban hành các thể chế pháp luật phù hợp với các thông lệ quốc tế hiện nay cũng đã đủ tạo ra một hành lang phát triển thông thoáng cho nền kinh tế Việt Nam .
Ngoài những nguồn lực trên, còn có thể có những nguồn lực khác như truyền thống dân tộc, văn hoá dân tộc… Nếu biết phát huy sử dụng, cũng sẽ là một nguồn lực to lớn.
Thực tế khu vực cũng cho thấy những quốc gia láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc đã có tốc độ tăng trưởng cao 9- 10% năm kéo dài trong nhiều năm, một số tỉnh ven biển của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu, Phúc Kiến… có quy mô lớn bằng cả Việt Nam cũng đã có tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên 10% kéo dài vài chục năm nay. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã có tốc độ tăng trưởng "thần kỳ". Việt Nam hoàn toàn có đủ những nguồn lực cho một sự tăng trưởng và phát triển với nhịp độ cao, vấn đề là cần có những chính sách, thể chế, chiến lược phát triển thích hợp để tận dụng có hiệu quả các nguồn trên.
Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là một vấn đề bức xúc đối với mọi quốc gia, cũng như đối với Việt Nam .
Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ thập kỷ 90 đến nay là khá cao chỉ sau Trung Quốc. Điều này đã là một thực tế, được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Tăng trưởng kinh tế cao đã mang lại nhiều hệ quả tích cực về xã hội: gia tăng các khoản thu của chính phủ đặc biệt là thuế, phí và lệ phí, mức tăng này hàng năm từ 2000 đến 2003 đạt khoảng 17,5% đến 20,7%- đây là cơ sở quan trọng để chính phủ có thể gia tăng chi cho phát triển giáo dục, y tế, các chương trình an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo đảm bảo việc làm cho những người đến tuổi lao động, tỷ lệ nhóm người này ở Việt Nam hàng năm cao nhất thế giới, theo đánh giá của các nhà tài trợ tại Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam ở Hà Nội, tháng 12/2003 tỷ lệ này là 85% đối với nam và 83% đối với nữ (2002).
Sự tăng trưởng kinh tế cao ở Việt Nam đã đi liền với sự gia tăng chênh lệch về phát triển và bất bình đẳng.
Thứ nhất, việc gia tăng sự chênh lệch về phát triển liệu có là cần thiết? Đối với Việt Nam , một quốc gia đang chuyển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, thì sự gia tăng chênh lệch phát triển là cần thiết, xét về mặt tạo động lực phát triển, tạo lập cơ chế cạnh tranh… Không ít người ở Việt Nam hiện đang phê phán mạnh mẽ sự gia tăng chênh lệch phát triển, xem đó như là mặt trái của kinh tế thị trường, và yêu cầu phải hạn chế, phải thu hẹp sự chênh lệch phát triển này. Người ta có thể đưa ra câu hỏi: Trung Quốc đã có cả chiến lược phát triển miền Tây để giảm bớt sự chênh lệch này, tại sao Việt Nam chưa có? Nước ta đang chuyển từ cơ chế phân phối bình quân - cả nước nghèo như nhau, sang cơ chế phân phối theo thị trường - tạo ra sự chênh lệch phát triển - đây là một trong những điểm mấu chốt của sự tăng trưởng và phát triển của nước ta. Nếu thu hẹp, hay xoá bỏ sự chênh lệch này, trở về cơ chế phân phối bình quân, thì xem như nước ta sẽ không có đổi mới. Vấn đề chỉ là ở chỗ mức chênh lệch phát triển ở nước ta hiện đã quá cao chưa, đã dẫn tới những bất ổn xã hội chưa? So sánh với các quốc gia trong khu vực và thế giới có cùng trình độ phát triển như nước ta, thì mức độ chênh lệch phát triển ở nước ta còn thấp hơn, và điều quan trọng là chưa dẫn tới những vấn đề bất ổn xã hội nghiêm trọng. Do vậy, chưa nên đặt vấn đề phải hạn chế hay thu hẹp, và phải xem đó là một kết quả của quá trình đổi mới, mặt tích cực của kinh tế thị trường.
Thứ hai, phải có những biện pháp loại bỏ những kẻ làm giàu bất hợp pháp, tham nhũng, buôn lậu…Trong số dân cư giàu có lên nhanh chóng nhờ quá trình đổi mới, đa số họ đã làm ăn theo pháp luật, có các nguồn thu hợp pháp. Phải ủng hộ, khuyến khích, động viên tầng lớp giàu có chân chính này. Sự giàu có của họ sẽ góp phần làm gia tăng sự giàu có của đất nước. Tuy nhiên trong số đó cũng có không ít kẻ đã giàu có lên nhờ tham nhũng, buôn lậu, làm ăn bất hợp pháp, phải có những biện pháp răn đe, ngăn chặn và trừng trị thích đáng. Giải pháp trước hết là phải đổi mới hoàn thiện thể chế và chính sách, giảm bớt và loại bỏ những khe hở cho tham nhũng và buôn lậu. Sau đó mới đến những công tác giáo dục ý thức tôn trọng luật pháp, giám sát, phát hiện và trừng trị những kẻ làm trái pháp luật.
Thứ ba, thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo. Xây dựng một xã hội có nhiều người giàu, không có người nghèo đói, hoặc có người nghèo đói nhưng được xã hội trợ giúp, quan tâm- đó là một định hướng mà Việt Nam lựa chọn. Chương trình xoá đói giảm nghèo đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện có kết quả trong nhiều năm nay là một thể hiện rõ rệt quyết tâm đó, những kết quả thu được là rõ rệt - đã giảm được một nửa số người nghèo trong vòng 10 năm. Có thể nói là chương trình xoá đói giảm nghèo theo nghĩa rộng nhất đã bao gồm toàn bộ chương trình phát triển của Việt Nam , nhưng theo nghĩa hẹp nó chỉ tập trung vào những trợ giúp cho các vùng, các tầng lớp nghèo đói. Tuy nhiên có thể còn phải có những cố gắng tiếp tục hoàn thiện chương trình này theo hướng - xây dựng một hệ thống an sinh xã hội hoàn thiện hơn, đảm bảo an toàn hơn cho những người gặp rủi ro, cơ lỡ, hỗ trợ tốt hơn cho những vùng nghèo.
II. Phát triển thị trường
Phát triển kinh tế thị trường là một trong những động lực quan trọng nhất cho sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam từ thập kỷ 90 đến nay, và đây cũng là lĩnh vực Việt Nam tiến hành những đổi mới sâu rộng nhất và đạt nhiều thành tựu to lớn nhất, và đây cũng là lĩnh vực mà lúc nào cũng có nhiều vấn đề phức tạp nhất, gây tranh cãi nhiều nhất, ít sự thống nhất ý kiến nhất. Sự phát triển kinh tế thị trường đã bao gồm hầu như tất cả các vấn đề kinh tế từ giá cả, tỷ giá, lãi suất đến các thành phần kinh tế, đến các doanh nghiệp, đến cả hội nhập quốc tế, ngân hàng tài chính và cả các lĩnh vực dịch vụ… Có những vấn đề như "khoán hộ" trong nông nghiệp mà người ta đã tưởng nó không cần đến giải pháp thị trường, đã quy cho nó vai trò như một giải pháp đột phá quan trọng nhất cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, nhưng thực ra nếu tách "khoán hộ" khỏi sự phát triển của thị trường, khỏi sự tự do hoá thu mua, phân phối lương thực, khỏi sự bãi bỏ chế độ độc quyền kinh doanh lương thực, vật tư nông nhiệp của Nhà nước… thì chế độ "khoán hộ" sẽ không thể có tác dụng gì hoặc chỉ có tác dụng hạn chế. Thực tế cho thấy, chế độ "khoán hộ" ở Việt Nam đã được phép chính thức áp dụng từ đầu những năm 80, nhưng mãi đến 1988, Việt Nam hàng năm vẫn phải nhập khẩu lương thực hàng trăm ngàn tấn. Việt Nam vẫn luôn thiếu nông phẩm từ hạt muối, mớ rau. Chỉ từ năm 1989, cơ chế thị trường bắt đầu được áp dụng phổ biến ở Việt Nam, thì nền kinh tế thiếu nông phẩm mới bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thừa nông phẩm, mới xuất khẩu gạo và các nông phẩm khác.
Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc xây dựng và phát triển kinh tế thị trường là quá rõ ràng: đã thiết lập được cơ chế thị trường quy định giá cả, tỷ giá, lãi suất; đã hình thành các thị trường cơ bản dù còn sơ khai; các thành phần kinh tế, các chủ doanh nghiệp, các chủ thể kinh doanh đã được khuyến khích phát triển và đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh rộng rãi; hệ thống các luật kinh tế thị trường đã được ban hành tuy còn khiếm khuyết; nền kinh tế đã mở cửa và hội nhập quốc tế v.v. Việt Nam đã chuyển đổi sang kinh tế thị trường không phải với giá phải trả là suy thoái và trì trệ, mà với phần thưởng là liên tục tăng trưởng cao và mức sống của dân cư được cải thiện.
Vấn đề được đặt ra hiện nay là đối với Việt Nam kinh tế thị trường hiện còn có thể mở rộng, phát triển hơn nữa, liệu còn có vai trò là một động lực tăng trưởng và phát triển quan trọng bậc nhất nữa không?
Có thể nói là kinh tế thị trường ở Việt Nam mới hình thành sơ khai đang còn nhiều lãnh địa để phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu:
Về chiều rộng, còn nhiều thị trường chưa được khai mở ở cả trong nước và ngoài nước. Thị trường vốn và bất động sản mới khởi động, đây là hai thị trường cơ bản, nếu được phát triển chúng sẽ tạo ra một dung lượng thị trường lớn hơn thị trường hàng hoá, và tạo ra một động lực phát triển mạnh mẽ hơn thị trường hàng hoá mà Việt Nam có cho đến nay. Thị trường dịch vụ, thị trường công nghệ, thị trường lao động cũng là những thị trường cực kỳ quan trọng và thường có một thị phần rất đáng kể trong mọi nền kinh tế thị trường, thì ở nước ta chúng lại chiếm một thị phần còn quá nhỏ bé và rất kém phát triển, thậm chí còn không ít lĩnh vực dịch vụ còn chưa có thị trường, do ở đó chỉ có các cơ quan nhà nước làm dịch vụ bao cấp. Nếu tất cả những thị trường này được khai mở và phát triển, chắc chắn thị trường nội địa của nước ta sẽ được mở rộng lớn hơn hiện nay. Thị trường bên ngoài của Việt Nam tuy đã được mở rộng, nhưng thực tế hàng rào bảo hộ của các thị trường này đối với hàng hoá Việt Nam hiện còn khá cao, nên hàng hoá Việt Nam rất khó thâm nhập vào thị trường này. Một ví dụ có thể thấy rõ ràng đó là thị trường Mỹ. Từ khi Hiệp nghị thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực, hàng rào bảo hộ của Mỹ giảm xuống, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng vọt lên hơn 4 lần trong vòng 2 năm (2001-2003). Thị trường bên ngoài này còn rộng mênh mông hơn thị trường trong nước nhiều lần. Có người lo ngại là dù hàng rào bảo hộ của các thị trường bên ngoài được giảm thiểu, thì Việt Nam cũng chưa thể sản xuất được hàng hoá gì xuất khẩu vào các thị trường này. Thực tế cho thấy mối lo ngại đó là không đúng. Vì khi có thị trường, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tìm mọi cách thiết lập các cơ sở sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường đó. Khi Trung Quốc gia nhập WTO, các nhà đầu tư bên ngoài đã lập tức đổ tiền của vào Trung Quốc, thành lập các cơ sở sản xuất xuất khẩu ra các thị trường của các nước thành viên WTO, do vậy FDI vào Trung Quốc đã đạt mức cao nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc cũng tăng cao nhất thế giới.
Về chiều sâu,Việt Nam còn phải làm nhiều việc trong lĩnh vực phát triển kinh tế thị trường. Có thể nói là, hiện thị trường Việt Nam còn bị Nhà nước can thiệp trực tiếp quá nhiều, thậm chí đã làm thay thị trường trong không ít trường hợp, đặc biệt là trong việc phân bổ các nguồn lực.
Những hạn chế trên đây là một trong những nguyên nhân làm cho Việt Nam đã bị tụt bậc trong thang bậc xếp hạng các quốc gia về năng lực cạnh tranh do tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện. Năm 2004 Việt Nam đứng thứ 77 trong số 104 nước, tụt 17 bậc so với năm 2003. Nếu so với năm 1998, mức tụt bậc còn nghiêm trọng hơn, tới 38 bậc, năm 1998 Việt Nam xếp thứ 39.
Những hạn chế trên đây có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng có thể kể ra là do những nhận thức về kinh tế thị trường ở Việt Nam còn có những khác biệt xa so với thế giới. Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam được xác định là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khác với các nền kinh tế thị trường hiện đại ở các nước phương Tây trên những phương diện sau đây:
Về chế độ sở hữu, tuy Việt Nam đã thừa nhận mọi thành phần kinh tế đều là những bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế quốc dân, tồn tại lâu dài và bình đẳng, nhưng vẫn còn tồn tại sự khác biệt giữa các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác. Sự khác biệt đã thể hiện trong các chính sách của Nhà nước, và khó tránh khỏi sự phân biệt đối xử. Việc Nhà nước phải ưu đãi cho doanh nghiệp Nhà nước đã tạo ra sự khác biệt rõ rệt giữa các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp ngoài nhà nước - một bên có nhiều lợi thế, một bên không có những lợi thế đó. Điều này đã làm méo mó thị trường, giảm thiểu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng cạnh tranh chung của nền kinh tế và môi trường đầu tư.
Về sự quản lý của Nhà nước,ở Việt Nam vai trò quản lý của Nhà nước được xác định cho đến nay là rất rộng và đang lấn át thị trường trên nhiều lĩnh vực. Tư duy kinh tế kế hoạch vẫn còn rất nặng trong các giới chức do lo ngại quyền lực quản lý nhà nước bị giảm thiểu, giảm thiểu chế độ "xin-cho" hiện có lợi cho họ bị giảm thiểu.
Với sự quản lý nhà nước quá chặt chẽ và chế độ "xin- cho" khá phổ biến hiện nay thì kinh tế thị trường ở Việt Nam phải phát triển trong một khuôn khổ chật hẹp, méo mó và kém lợi thế là điều khó tránh khỏi.
Về tâm lý xã hội, kinh tế thị trường phát triển ở Việt Nam tất nhiên đã bộc lộ cả những tác động tích cực, lẫn những mặt trái của nó. Nhưng điều đáng lưu ý là tâm lý lo ngại những mặt trái của thị trường, quy tất cả hiện tượng tiêu cực của xã hội từ tham nhũng đến xì ke ma tuý… đều do thị trường đẻ ra lại là tâm lý khá phổ biến. Sự lo ngại này đã có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế thị trường ở Việt Nam .
(còn tiếp)