Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 5-10 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa tổ chức hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ: Luật Đất đai được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2013 đánh dấu một mốc rất quan trọng trong việc quy định về chế độ sở hữu đất đai của toàn dân và chế độ quản lý, nghĩa vụ, quyền lợi, lợi ích của người dân.
Sau hơn 9 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý khá đồng bộ, khá chặt chẽ cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo
Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói: Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai đã được xây dựng mới bổ sung cho phù hợp thời kỳ mới của đất nước và bối cảnh quốc tế nên Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố dự thảo Luật Đất đai và đề nghị các cơ quan, tô chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chủ trì hội thảo
Tại hội thảo, bà Đàm Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các tham luận tại hội thảo đã tập trung góp ý các nội dung về giá đất; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tích tụ, tập trung đất đai; phân loại đất đai, chế độ sử dụng các loại đất...
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai Đàm Thị Thanh Mỹ phát biểu
Trong tham luận gửi tới hội thảo, Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ, Viễn thám Việt Nam Đặng Hùng Võ đưa ra một số ý kiến với mong muốn thay đổi cách nhận thức về định giá đất. Theo ông, Nhà nước không cần quan tâm tới các phương pháp định giá đất cụ thể vì chi phí cao, mà chỉ cần quan tâm tới cơ sở dữ liệu về giá đất trên các hợp đồng chuyển quyền đề định giá hàng loạt. Kết quả của định giá hàng loạt chỉ cần đạt mức 80% giá trị thị trường. Khi cần thiết, nhà nước có thể sử dụng biện pháp đấu giá đất hoặc đấu thầu việc sử dụng đất của các dự án đầu tư.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng phát biểu
Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng, quy hoạch sử dụng đất luôn là quy hoạch đi sau trong hệ thống quy hoạch. Căn cứ đề lập quy hoạch sử dụng đất là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng đất đai có thể huy động được. Quy hoạch sử dụng đất là thành phần không thể thiếu trong tất cả các đồ án quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch. Do vậy, ông đề xuất, hệ thống quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần thống nhất và tuân thủ theo hệ thống quy hoạch chung; bổ sung vào dự thảo quy định về thời gian và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng; bổ sung các quy định về đất đô thị, đất xây dựng đô thị, quy định về đất dân dụng, đất ngoài dân dụng và các danh mục đất đô thị khác (theo QC 01:2021) vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất trong đô thị, xác định mục đích sử dụng đất, định giá đất thuận lợi.
Phó Chủ tịch Hội khoa học Đất Việt Nam Nguyễn Đình Bồng phát biểu tham luận
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Lưu Đức Hải cho biết, hiện nay, việc tổ chức không gian ngầm cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi nhiều vấn đề liên quan vẫn đang bị bỏ ngỏ, chưa có quy định cụ thể. Quan hệ giữa người sử dụng đất trên mặt đất và dưới mặt đất, vấn đề sở hữu công trình ngầm, sở hữu không gian ngầm, phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn của công trình ngầm... chưa được nêu trong bất kỳ văn bản pháp luật nào. Ông kiến nghị cần có những điều khoản quy định rõ ràng cơ chế tài chính liên quan đến sử dụng đất đối với công trình ngầm; bổ sung quyền và nghĩa vụ của người giao đất, người được sử dụng đất ngầm; bổ sung quy định xây dựng ngầm chi tiết... trong Luật Đất đai (sửa đổi)
Phát biểu kết thúc hội thảo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành bày tỏ hoan nghênh các ý kiến đóng góp thẳng thắn, khách quan giúp các cơ quan hữu quan hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) để được Quốc hội thông qua .