Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 15/08/2005 14:35 (GMT+7)

Nhà khoa học của những sản phẩm “độc chiêu”

Tại đại hội thi đua yêu nước công nhân, viên chức lao động toàn quốc tổ chức tại Cung Văn hoá Lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) ngày 28/7/2005 vừa qua, TS Phạm Văn Trung, Giám đốc Xí nghiệp tập thể Bình An, là một trong năm đại biểu, thay mặt gần 300 nghìn cán bộ, công nhân viên chức của TP Hải Phòng tham dự. Những ý tưởng sáng tạo, do chính bản thân anh bỏ công sức, tiền của nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi và đền bù xứng đáng bằng các giải thưởng.

Ông giám đốc vóc dáng bé nhỏ, gầy gò tỏ ra ngại ngần khi tiếp xúc nhà báo, nhưng “sức hút” của vật liệu cách nhiệt chống cháy cho tàu thuỷ và thiết bị phân ly dầu nước đối với anh như nam châm, câu chuyện chẳng mấy chốc trở nên sôi nổi, miên man về những ngày đầu lao vào công việc nghiên cứu quá nhiều mồ hôi và khát vọng này.

Mười năm cho vật liệu chống cháy

Tôi cứ nghĩ đơn giản, con tàu đi giữa đại dương mênh mông, đâu cần gì đến vật liệu, thiết bị chống cháy. Nếu chẳng may xảy ra hoả hoạn, chỉ cần bơm nước lên là… xong. Với kẻ “ngoại đạo” như tôi, anh cười hiền: “Nghĩ vậy là chết rồi, con tàu hoạt động độc lập trong một phạm vi hẹp, khi xảy ra hoả hoạn, không ai dại dột bơm nước biển lên vì nước sẽ làm chìm tàu, hư hỏng các thiết bị. Vật liệu cách nhiệt chống cháy là một phần không thể thiếu của kết cấu tàu, giúp cho mỗi con tàu và thuỷ thủ bình an giữa sóng gió đại dương”.

Thực tế của ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam , phần lớn các thiết bị và vật liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài, rất ít sản phẩm nội địa đạt tiêu chuẩn các công ước quốc tế và quy phạm đóng tàu.

Là một cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản, anh không khỏi chạnh lòng khi những con tàu đóng mới ở nước ta chỉ có phần nhân công, bởi hầu hết các thiết bị, vật liệu đều phải nhập ngoại. Tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành đóng tàu Trường Đại học Hàng hải, anh được giữ lại làm giảng viên. Nhưng khát vọng nghiên cứu khoa học và mong muốn ứng dụng đề tài nghiên cứu vào cuộc sống, năm 2000, anh xin nghỉ công tác giảng dạy và thành lập Xí nghiệp tập thể Bình An, chuyên nghiên cứu và sản xuất thiết bị phục vụ công nghiệp tàu thuỷ và ngành đường biển. Ước mơ lớn nhất của anh là sản xuất một vài vật liệu, thiết bị “made in Việt Nam ” đủ tiêu chuẩn công ước quốc tế lắp đặt trên tàu thuỷ, thay thế phần nào nhập ngoại.

Ý tưởng nghiên cứu kết cấu chống cháy đã nung nấu từ lâu, nhưng xem ra thực hiện không phải dễ dàng. Có lần, lỡ đổ một can keo làm thí nghiệm, bốc mùi khó chịu cho cả ngõ, chỉ sau mấy tiếng, một đoàn kiểm tra cùng xe lớn, xe nhỏ ập đầy xưởng thực nghiệm hơn 60 m 2của anh, họ tưởng anh đang “bí mật” sản xuất vũ khí hay chất độc gì đó. Còn ông giám đốc đang ngồi ngẩn ra tiếc của, bởi can keo đó được đổi từ chiếc cát-xét cũ mua bằng tiền thưởng sáng kiến.

Cứ mỗi ngày nghiên cứu không thành, từng tài sản có giá trong nhà theo nhau “đội nón” ra đi: xe đạp, tủ lạnh, máy thu hình, thậm chí có lần phải cầm cố nhà… Cuối cùng, sau những tháng ngày lao tâm khổ tứ, vật liệu cách nhiệt chống cháy ra đời. Sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế năm 1993, một trong những bằng sáng chế đầu tiên ở thành phố Hải Phòng.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của công ước quốc tế và quy phạm đóng tàu, anh vẫn tiếp tục cải tiến vật liệu và đặc biệt là chế tạo thiết bị thử nghiệm. Đây là trạm thử nghiệm đầu tiên và duy nhất ở nước ta về lĩnh vực này. Mất tới mười năm ròng từ khi chế tạo thành công vật liệu chống cháy đến thiết bị thử nghiệm, công trình được áp dụng thử trên một số tàu nước ngoài sản xuất tại Việt Nam , được các chủ tàu chấp nhận.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay, 85% số tàu tàu chạy tuyến quốc tế đóng mới tại Việt Nam treo cờ Việt Nam hoặc do Cục giám sát, phân cấp đã áp dụng kết quả nghiên cứu của Bình An. Với công nghệ sáng chế vật liệu cách nhiệt, chống cháy trên tàu thuỷ, Xí nghiệp tập thể Bình An là nhà sản xuất độc quyền ở Việt Nam năm 2003.

Và một năm cho máy phân ly dầu nước

Dù rất khiêm tốn, anh cũng tự nhận mình rằng có khả năng về sáng tạo, ưa thích tìm tòi, biến những ý tưởng “hàng độc” thành hiện thực. Thiết bị phân ly dầu nước là một thí dụ mới nhất cho những ý tưởng được thực hiện thành công.

Theo công ước quốc tế và quy phạm đóng tàu, khi xả nước từ tàu ra biển, nước phải đạt hàm lượng dầu nhỏ hơn 15 phần triệu, tàu sức chở hơn 400 tấn trở lên bắt buộc phải lắp đặt và sử dụng thiết bị này. Sau một năm nghiên cứu, năm 2004, thiết bị này tung ra thị trường, được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp chứng chỉ thoả mãn tiêu chuẩn quốc tế.

Không chỉ ứng dụng trên tàu thuỷ, các cơ sở công nghiệp, phân xưởng cơ khí… đều có thể sử dụng thiết bị phân ly dầu nước ngăn ngừa nước thải bị nhiễm dầu. Bình An hiện là nhà sản xuất duy nhất thiết bị này, với giá rẻ hơn nhiều so nhập khẩu. Năm 2004, công trình đã được tặng giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và ngay lập tức nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các chủ tàu.

Những sản phẩm giá rẻ, thân thiện môi trường

Trước đây, ai có dịp đến hồ Tam Bạc ở trung tâm thành phố cảng đều rất khó chịu bởi mùi hôi do hệ thống thoát thải hai bên bờ bị hư hỏng nặng. Có nhiều phương án nhưng thành phố chưa chấp thuận do sẽ phá hỏng vỉa hè, dải cây xanh, đặc biệt là hệ thống cấp nước và cáp điện ngầm.

TS Phạm Văn Trung (lúc đó vẫn công tác tại Trường Đại học Hàng hải) đã đề xuất với thành phố sử dụng nhựa composite chống thẩm thấu đường ống thoát nước, thi công ngầm trong lòng ống dưới độ sâu hơn 4 m. Điều kiện của thành phố đưa ra là không làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư, hư hỏng vỉa hè, dải cây xanh… và chỉ cho làm thử 50 m, nếu thành công mới được tiếp tục.

Anh dí dỏm: “Tất nhiên, toàn bộ kinh phí mình phải tự bỏ ra, thành phố không dám mạo hiểm ứng tiền trước, vì ở nước ta chưa có ai thi công theo giải pháp này”. Chắc thắng, anh hăm hở thi công, nhưng… chỉ với 50 m cống đường kính 1.200 mm mà bơm tới hai tuần liền vẫn không cạn. Nhiều người đã cười ruồi: “Cách mới này chỉ làm mất thời gian của thành phố, cứ theo cũ mà làm, có tốn kém một chút nhưng bảo đảm”.

Bảo vệ uy tín của nhà trường và bản thân, TS Trung xin thêm một tuần nữa, căn nhà trong ngõ lại được đem thế chấp để tiếp tục thi công. Cùng những người giúp việc, anh ngâm mình trong nước cống bẩn thỉu những ngày giá rét căm căm tìm cách xử lý mạch nước.

Cuối cùng, 50 m làm thử đã thành công, được đoàn nghiệm thu và chuyên gia Phần Lan đánh giá cao. Công trình xử lý hệ thống thoát thải hồ Tam Bạc đã tiết kiệm cho ngân sách thành phố hàng tỷ đồng, còn anh được “đền bù” xứng đáng bằng một giải thưởng sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Chưa hết, trong vòng 5 năm (2000-2004), Xí nghiệp tập thể Bình An đã “trình làng” những sản phẩm độc đáo: thân đèn biển bằng FRP (vật liệu composite, nền polymer, cốt sợi thuỷ tinh), thay thế thân đèn biển kết cấu thép hoặc bê tông cốt thép, vừa thuận tiện trong lắp đặt, vừa hạn chế sự ăn mòn của môi trường biển. Cũng từ FRP, anh đã chế tạo phao đỡ ống hút bùn thay phao thép truyền thống, giảm sức cản sóng, cản dòng chảy, hạn chế ăn mòn và vận chuyển, lắp đặt dễ dàng.

Tôi tò mò:

- Trong thời gian tới, anh còn ý tưởng gì để thực hiện?

- Có chứ! Từ vật liệu FRP, cuối năm nay, Bình An sẽ đưa ra thị trường xuồng cấp cứu, có khả năng chống lật, chống chìm để lắp đặt trên tàu thuỷ. Mọi việc nghiên cứu đã hoàn tất, chỉ chờ ngày đưa vào sản xuất hàng loạt và đã có khá nhiều các chủ tàu đăng ký mua sản phẩm này. 

Anh bật mí: Trong óc tôi đang nghĩ tới việc sản xuất bê-tông cốt “rác”, biến rác thải trở thành có ích, góp phần làm sạch môi trường. Rác hữu cơ để sản xuất phân bón, còn rác không phân hủy thì trộn chất kết dính vô cơ cấp thấp rất sẵn trên thị trường nội địa với giá rẻ, đưa vào máy ép thủy lực thành bê-tông cốt liệu rác có hình dạng tự chèn.

Theo tính toán của tôi, bê-tông cốt “rác” có tuổi thọ trung bình hơn 50 năm, sử dụng hiệu quả trong xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng, xây kè, đê điều, lát vỉa hè... Giải pháp công nghệ toàn diện xử lý rác này sẽ phát huy tác dụng cao do xét tới tính phức tạp của chất thải công nghiệp của thành phố cảng 4-5 năm tới.

Xây dựng mô hình HTX kiểu mới

Xí nghiệp tập thể Bình An do TS Phạm Văn Trung xây dựng cũng là một mô hình mẫu của HTX công nghiệp kiểu mới. Trên thực tế, các HTX công nghiệp hoạt động rất khó khăn bởi năng lực tài chính hạn hẹp, nhân lực biến động, khó tuyển người giỏi do trả lương thấp, lại không có “đất” cho người tài “dụng võ”.

Mô hình Bình An lấy trọng tâm nghiên cứu công nghệ làm động lực, có các công ty thành viên của HTX được tổ chức theo hướng chuyên môn hoá, hoạt động độc lập theo Luật Doanh nghiệp, được HTX chuyển giao công nghệ và chuẩn bị ban đầu về thị trường.

Như vậy, bộ máy quản lý HTX không bị phình ra mà vẫn giải quyết được vấn đề vừa chuyên môn hoá, vừa đa dạng hoá sản phẩm lại không bị phân tán nguồn lực đã đầu tư. Mô hình này vẫn đang được anh áp dụng để kiểm nghiệm, với kỳ vọng một ngày không xa, người ta sẽ được chứng kiến sự trở lại huy hoàng của kinh tế tập thể trong diện mạo mới, như một thời nó đã từng có.

Nguồn: nhandan.com.vn   2/8/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.