Nguyễn Trực : Tiến sĩ khai khoa, danh nhân văn hoá - ngoại giao thời Lê (1417 – 1473)
Nguyễn Trực sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Mới được vài tuổi, tư chất của Nguyễn Trực đã thông mãn lạ lùng. Các già làng thuộc các chi dòng tộc Nguyễn Trực ở Quốc Oai vẫn thường kể cho con cháu nghe: Nguyễn Trực lúc sinh ra mặt mũi khôi ngô tuấn tú. Khi 5 - 6 tuổi chơi đùa với bạn bè phần nhiều chỉ ham muốn hơn bạn. Nguyễn Trực tự tay nặn con voi bằng đất thó mà voi cử động được. Sáng kiến của Nguyễn Trực là: để voi đất đứng trên mai con cua kềnh, bắt con đỉa để làm vòi, con bướm để làm tai - những con vật này đều còn sống. Bạn bè chơi xem mà phục tài trí thông minh của Nguyễn Trực.
Lại một lần khác, Nguyễn Trực đang chơi trò vui trên với bạn bè thì quan tuần phủ đi qua. Thấy Nguyễn Trực mải chơi không tránh đường cho ngựa của quan đi, sai nha liền quát: “Tránh ra cho ngựa của quan đi”. Nguyễn Trực liền quay lại đáp: “Từ trước đến nay ngựa phải tránh voi, chứ voi có tránh ngựa bao giờ”. Thế là vị quan kia buộc phải cho ngựa tránh voi mà đi, đoạn bảo bọn lính hầu đi theo rằng: “Thằng bé này thật thông minh, sau này cậu ta sẽ làm nên chuyện lớn đấy!”.
Lời của vị quan ấy nhận xét quả không sai. Năm 12 tuổi, Nguyễn Trực đã có khả năng làm thơ văn và làu thông kinh sử. Năm Ất Mão, Thiệu Bình nguyên niên (1435), ở tuổi 18, Nguyễn Trực đã đỗ đầu thi Hương ở Sơn Tây, được vào Trường Giám đọc sách... Năm 25 tuổi, ngày 22 tháng 2 năm Đại Bảo thứ ba – Nhâm Tuất (1422) Nguyễn Trực dự thi Đình. Đỗ Đệ nhất danh (Đệ nhất Tiến sĩ), đứng đầu 33 Tiến sĩ trong số 450 cống sĩ đủ tư cách vào dự thi. Đây là một thời phồn thịnh của nền văn học dân tộc dưới triều Vua Lê Thái Tông kể từ sau chiến thắng giặc Minh xâm lược. Khi Nguyễn Trực đỗ Đệ nhất Tiến sĩ, bảng vàng quan Lễ Bộ được đem treo ngoài cửa Đông Hoa. Học trò bốn phương đã nô nức đến tìm xem mặt vị Tân khoa, thiên hạ xa gần đều ngưỡng mộ vị Trạng nguyên khai quốc đầu tiên của nhà Lê. Triều định vui mừng khoản đãi đón tiếp vị Tân khoa rất trọng thể, vì ông là người đậu Tiến sĩ khai khoa đầu tiên của nhà Lê. Vua ban sắc cho ông là Quốc Tử Giám Thị thư, ban thưởng là Á liệt khanh, đồng thời ban cho áo lam bào, mũ cánh chuồn, đai lưng bạc, ngựa trắng, cho đi dạo chơi quanh Tràng An (Hà Nội ngày nay) trong ba ngày. Sau đó lại ban cho xe kiệu, bia biểu vinh quy về làng. Tấm bia biểu đề bốn chữ lớn: “Bối Khê biệt thự”.
Đầu niên hiệu Thái Hoà năm Quý Hợi (1443) đời Lê Nhân Tông (1443-1459), do nổi tiếng về văn chương, Nguyễn Trực được bổ làm Trực học sĩ Viện hàn lâm, kiêm Vũ kị uý. Và cũng vì sự nghiệp văn chương, ông được thăng chức An phủ sứ phủ Nam Sách. Khi về triều được bổ chức Thị giảng, thăng đến chức Trung thư thị lang (phẩm trật vào hàng Tam phẩm) ở Sảnh trung thư. Trong năm Giáp Tý (1444) Nguyễn Trực nhận sứ mệnh của Lê Nhân Tông đi sứ nhà Minh (Trung Quốc) cùng với phó sứ Trịnh Thiết Tràng (người làng Đông Lý, An Định) đỗ Bảng nhãn khoa vào năm Mậu Thìn (1448). Tại vương triều phương Bắc, với kiến thức uyên bác của một vị Trạng nguyên, với tài ứng phó của một nhà ngoại giao, Nguyễn Trực đã làm cho vua tôi nhà Minh phải kính phục. Thời gian này, triều đình Trung Hoa mở khoa thi Hội, mời sứ thần các nước cử người cùng ứng thí. Nguyễn Trực và Trịnh Thiết Tràng (có sách chép là Trịnh Thiết Trường) cũng đăng ký dự thi. Khi công bố kết quả, Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyện, còn Trịnh Thiết Tràng đỗ Bảng nhãn. Danh từ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” có từ đấy. nếu tính qua các triều đại ở nước ta kể từ năm Thiên Ứng Chính Bình 15, năm Bính Ngọ (1246) đời Trần Thái Tông, cho đến năm Nhâm Thìn (1892) đời Thành Thái thứ 4, có tổng số 46 vị đỗ Trạng nguyên, thì có hai người được tôn vinh là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Đó là Nguyễn Trực và trước đó là Mạc Đĩnh Chi. Xét về văn hiến Việt Nam thì người kế tục được danh vị tài trí của Mạc Đĩnh Chi về việc “Sứ ư tứ phương bất nhục quân mệnh” thời Lê Sơ thì chỉ có Nguyễn Trực, và gần một thế kỷ sau đó là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Nguyễn Trực là người đỗ đại khoa, tên tuổi lừng lẫy một thời mà coi thường công danh, “thường muốn về với mảnh ruộng, góc vườn, dạy học, đội nón nhỏ, mặc áo tơi đi thăm cày ruộng” và làm thuốc cứu dân. Sau này khi ông mất, ông vần giữ được tấm lòng trong sạch và cao quý ấy.
Khi Lê Thánh Tông lên ngôi, Vua càng yêu quý Nguyễn Trực vì tài năng, thanh liêm đức độ của ông. Năm đầu Quang Thuận (1460), Nguyễn Trực được bổ làm Tuyên phụng đại phu, Trung thư lệnh, coi việc ba quân. Ở hàng chức quan to như thế, nhưng mấy lần ông xin về mà Vua không cho.
Tuy được trọng dụng, nhưng Nguyễn Trực vẫn luôn nhớ về quê hương. Một trong những bài thơ ông làm đã nói lên tâm trạng đó:
Đại đình tằng đối tam thiên tự
Phù thế hư kinh ngũ thập niên
Bất thị vô tâm lai cấm tỉnh
Chí nhân đa bệnh ức điền viên
Dịch (theo Phan Huy Chú)
Ở sân vua tứng làm bài đối sách ba nghìn chữ
Giật mình về việc đã năm mươi năm trời theo đuổi
cái hư danh của phù thế
Không phải vì vô tâm đối với cung cấm của nhà vua
Chỉ vì lắm bệnh, nên nhớ cảnh điền viên
Tháng 7 năm Quang Thuận thứ 7 (Bính Tuất 1466), Nguyễn Trực nhận chức Tổng thư lệnh, vig bịu ốm nặng nên ông xin về dưỡng bệnh tại quê mẹ ở làng Nghĩa Bang (xã Nghĩa Hương, Quốc Oai, hà Tây ngày nay). Sĩ tử các nơi đến tụ hội rất đông. Một số bài thơ chữ Hán của ông được ra đời trong thời gian này. Vùng đất Chùa Thầy quê ông nổi bật với cảnh trí thanh u tuyệt đẹp. Đối với các tao nhân mặc khách, thì nơi này là đề tài muôn thuở cho những áng thơ văn tuôn chảy. Xúc cảm trước cảnh vật ở đây mà thi nhân Nguyễn Trực đã làm nhiều bài thơ bằng chữ Hán. Bài “Đề cực lạc tự”đã làm nao lòng những ai có ý thức với cảnh thiền môn mây trời:
Đột ngột vân gian tự
Nhân sinh kỷ độ qua
U nham tàng Phật tích
Tiễu bích ỷ Tăng gia
Địa viễn phi trần thiểu
Sơn cao đắc nguyệt đa
Thương nhân lưu khách túc
Ổi vũ hựu tiên trà
Có sách chép hai câu dưới là:
Chủ nhân lưu khách túc
Ôi vũ hựu phanh trà
Bản dịch của Sơn Nam :
Chùa chót vót trong mây
Đời người qua mấy thuở
Hang sâu, vết Phật in
Vách đá, nhà sư ở
Đất vắng ít bụi trần
Núi cao nhiều trăng tỏ
Sư giữ khách nghỉ ngơi
Khoai với trà sẵn có
Cũng bài thơ “Đề cực lạc tự“ấy, sách lưu trữ tại Thư viện nghiên cứu Hán Nômthì lại dịch thế này:
Mây trời cao xa chùa
Đời người có lúc cần phải giúp
Hang sâu tàng dấu tích Phật
Vách núi dựa nhà Tăng
Xa trần không bụi bám
Núi cao có được trăng
Chủ nhân lưu khách nghỉ
Khoai nướng lại pha trà
Năm Hồng Đức thứ 4 (1473), Nguyễn Trực được thăng Gia hạnh đại phu, Thừa chỉ Viện hàn lâm, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Nhưng ông sớm lâm bệnh rồi qua đời vào ngày 28 tháng 12 năm Giáp Ngọ (1474) tại phường Thịnh Quang, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (tức kinh thành Thăng Long), giữa tuổi tài năng đương còn rực rỡ, thọ 57 tuổi. Cả triều đình Lê Thánh Tông để tang ông. Không chỉ quan lại mà cả sĩ phu dân tình đều tiếc thương con người tài ba đức độ. Thi hài ông được Vua Lê Thánh Tông cho phép mang về an táng tại xứ Muội Nguyên, đồng thời cho xây dựng từ đường ở quê. Sau, phụng chỉ nhà vua, khi cải táng, ông được đưa về đặt ở trang Tây Tựu, thảo đường núi Thịnh Mỹ (còn gọi là Thịnh Linh), thuộc thôn Đại Lại, xã Bạch Thạch, huyện Mỹ Lương (nay là thôn Bạch Thạch, xã Hoà Thạch, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây).
Ngày 17 tháng 7 năm 2000 (tức ngày 16 tháng 6 năm Canh Thìn) các chi dòng tộc cụ Trạng Nguyễn Trực từ Bối Khê (Thanh Oai) đến các chi ở Phú Mỹ, Thế Trụ, Văn Quang, Văn Khê, Bạch Thạch, Phú Cát... đã cùng góp tiền của công sức bắt đầu khởi công xây dựng lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực. Trước lăng mộ, được đặt bia ghi ngày tháng năm sinh và mất, giữa là dòng chữ lớn cả chữ Hán cà chữ Quốc ngữ: Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trựcrất đẹp và trang trọng.
Ngày 4 tháng 3 năm 2001 (tức ngày 10 tháng 2 năm Tân Tị) vừa qua, toàn bộ công trình lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực đã được tổ chức cắt băng khánh thành với sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo thay mặt cho ngành Văn hoá từ trung ương đến địa phương, đại diện lãnh đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể của huyện và cơ sở, cùng đông đảo con cháu trong dòng tộc của Cụ Trạng từ Bối Khê (Thanh Oai, Hà Tây) đến con cháu các chi dòng họ của Cụ ở xung quanh huyện Quốc Oai đã về dự lễ khánh thành và trân trọng thắp hương tưởng niệm Cụ.
Ngày 13 tháng 8 năm 2000 (tức ngày 14 tháng 7 năm Canh Thìn) , tại Văn Miếu Quốc tử Giám, Hà Nội, Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm giáo dục lịch sử truyền thống, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam và Viện Sử học đã tổ chức trọng thể cuộc hội thảo về Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực - Tiến sĩ khai khoa, Danh nhân văn hoá - ngoại giao thời Lê (1417 - 1473).
Trong văn bia đại khoa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) có ghi: „Tiến sĩ Đề Danh ký“, còn ghi đoạn mở đầu ca ngợi Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực và các danh khoa cùng đỗ khoá này với ông như: Nguyễn Như Đổ, Lương Như Hội, Ngô Sĩ Liên... như sau: „ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương, thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí làm công việc cần kíp. Bởi vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết nhường nào. Đã được đề cao bởi khoa danh lại thêm long trọng bằng tước trật“.Đó là suy nghĩ của đời xưa về Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, vẫn còn lưu danh mãi tới hôm nay.
Nguồn: Tạp chí Văn hoá - Văn nghệ - số 05/2006