Nguyễn Trinh Tiếp - người có công lớn nhất cho sự ra đời của súng không giật (SKZ) vào thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp
Từ điển Bách khoa quân sự Việt nam (NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2004), trang 727-728, ghi nhận: Kỹ sư Nguyễn Trinh Tiếp đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (1996) “Về công trình nghiên cứu, chế tạo máy SKZ”.
Sau đây, Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của KS. Đỗ Đức Dục – nguyên Phó tư lệnh, chủ nhiệm kỹ thuật Quân khu II, về đề tài nêu trên; bài báo đã được đăng trên tạp chí Xưa và Nay tháng 12 năm 2000 nhân dịp kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến.
Trong kháng chiến chống ngoại xâm, “lấy vũ khí địch đánh địch” là một cách đánh truyền thống của quân đội ta. Bên cạnh đó, bằng trí tuệ sáng tạo và tinh thần tự lực, quân đội ta đã sáng tạo ra nhiều loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại góp phần làm nên sức mạnh để chiến thắng.
Trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một thành tựu lớn của ngành quân giới là nghiên cứu và sản xuất loại súng không giật SKZ-60. Người ta đã nói nhiều đến vai trò quan trọng của những tên tuổi lớn như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu... nhưng không thể không nói tới những con người khác đã trực tiếp làm nên chiến công ấy. Họ trước hết là những trí thức và những người thợ mà tất cả được gọi chung là người lính của Cụ Hồ. Trong số đó có một người được coi là có công lớn nhất sáng chế ra vũ khí nổi tiếng này. Đó là liệt sĩ Nguyễn Trinh Tiếp.
Ông Nguyễn Trinh Tiếp sinh năm 1924, quê ở Nông Cống, Thanh Hoá. Sau khi tốt nghiệp tú tài toán ở trường Khải Định (Huế) thì ra Hà Nội học toán đại cương (mathématiques générales) và cơ học lý thuyết (mécanique rationnelle) ở trường cao đẳng khao học, rồi vào Trường Cao đẳng công chính cùng với tôi. Học xong khoá kỹ sư công chính đầu tiên của Việt Nam dân chủ cộng hoà thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Đầu tháng 4/1947, ông Tiếp vào Nha nghiên cứu kỹ thuật (N.C.K.T) cục quân giới vừa chuyển về Tuyên Quang và nhận trách nhiệm xây dựng phòng Xạ thuật (balistique) hay là phòng thiết kế về vũ khí. Nha NCKT là cơ quan nghiên cứu vũ khí đầu tiên của ta, nơi tập trung nhiều cán bộ khoa học ở chiến khu Việt Bắc thời chống Pháp. Ba tháng sau đồng chí được cử làm trưởng phòng và tôi phó phòng.
Những bài học ban đầu về xạ thuật mà đồng chí Trần Đại Nghĩa - Cục trưởng kiêm giám đốc Nha lên lớp trong mấy buổi ở Vân Đình (địa điểm đầu tiên của Nha khi mới thành lập), đồng chí Hoàng Đình Phu phó giám đóc có ghi chép cẩn thận và trao lại cho đồng chí Tiếp. Với vốn sẵn có về toán cao cấp, đồng chí Tiếp, một con người khiêm tốn, lầm lì ít nói nhưng thông minh, lại có một lề lối làm việc khoa học đã triển khai công việc rất khẩn trương, đỡ phải mày mò từ đầu.
Tại Tuyên Quang, Nha được tiếp nhận một kho vũ khí khá hiện đại của Nhật, Pháp để lại. Tại Khai Bao (địa điểm thứ ba sau Tuyên Quang) lại tiếp nhận một tủ sách khoa học mà đồng chí Tạ Quang Bửu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - vừa sưu tầm mua được ở Pháp năm 1946 trong thời gian đồng chí đi dự hội nghị Fontainebleau về Đông Dương. Đó là những cơ sở vô cùng quan trọng về lý thuyết và thực hành đối với một cơ quan nghiên cứu vũ khí ở bước đi ban đầu.
Cũng không thể không nói đến tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần học tập vươn lên hoàn thành nhiệm vụ vô cùng khó khăn phức tạp thời kỳ đầu kháng chiến của anh em được bổ sung dần vào Nha và phòng Xạ Thuật.
Sau chiến dịch Việt Bắc (Thu đông năm 1947), quân Pháp thấy không thể nống ra mãi được nữa, đành co cụm lại ở những phòng tuyến nhất định với những boong-ke lô cốt kiên cố. Một nhiệm vụ nặng nề Bộ Quốc phòng đề ra: Cần có vũ khí để tiêu diệt công sự vững chắc của địch. Đồng chí Tiếp đã nghĩ đến một loại vũ khí dùng nguyên lý không giật với đạn lõm (dùng hiệu ứng Monroe ) có sức công phá lớn, tầm bắn ngắn. Trong những tài liệu có sẵn thì vũ khí của Nhật, Pháp, Đức, Liên Xô có nhiều nhưng chống tăng là nhiều hơn cả mà vũ khí chống tăng thì ta vừa nghiên cứu chế tạo Bazôka và AT rồi. Ông Tiếp nghĩ đến súng Panzerfaust của Đức và cho tăng lượng thuốc nổ ở đạn nhưng công nghệ chế tạo không đơn giản. Anh em có tham khảo đến súng không giật 75mm và 57mm của Mỹ, rất khó chế tạo nhất là nòng có rãnh xoắn. Anh em cũng có nghĩ đến bom ba càng của Mỹ với lượng thuốc nổ khoảng 2kg, cỡ khoảng 150mm, dài khoảng 250mm. Bom này, tháng 4/1947 đã thử tại mỏ Tràng Đà đối diện với Tuyên Quang ở tả ngạn sông Lô; cho nổ vào một bức tường gạch dày gần 1m, tường bị xuyên thủng.
Hồi này chúng tôi không nhận được ý kiến nào khêu gợi của Cục, đành tự tìm tòi là chính. Cân nhắc đi cân nhắc lại, Nguyễn Trinh Tiếp đã chọn một đề án dùng một quả đạn dài 1,2m., đầu cỡ 120mm bằng ống thép tóp, đuôi cỡ 60mm bằng gỗ đút vào nòng súng. Lượng thuốc nổ 2,2 kg, dùng tác dụng lõm. Nóng súng gồm ba đoạn:
- 1 đoạn chứa đuôi đạn cỡ 60,8mm dài 80cm.
- 1 đoạn là bọng súng cỡ 82mm dài 40cm chịu áp lực tối đa khoảng 230kg/cm 2.
- Đoạn tuy-e, đường kính 50mm, dài 8-10cm, súng nặng 9kg.
Sơ tốc vào khoảng 75-80m/giây.
Tầm bắn hiệu quả khoảng 50-60m.
Nguyên liệu chủ yếu là ống thép dày 2mm một ít đồng vàng và gỗ. Riêng bọng súng dùng thép tiện dày hơn.
Anh em đặt tên cho loại súng này là SKZ-60 lấy ba chữ cái đầu của ba từ Súng Không Zật, còn 60 là cỡ nòng.
Đề án được đồng chí Hoàng Đình Phu phó giám đốc chấp nhận, báo cáo lên Cục và được đồng chí Trần Đại Nghĩa duyệt cho thực hiện. SKZ-60 được chế thử và thực nghiệm tại Nha lúc bấy giờ ở xã Đồng Chiêm gần bến Đĩa tả ngạn sông Lô, trên Đoan Hùng khoảng 10km. Nha nhận thức được rằng đây là nhiệm vụ trung tâm vô cùng quan trọng, do đó cho tiến hành không chút chậm trễ.
Nguyên vật liệu để chế tạo hai dụng cụ này phải nhặt nhạnh khắp nơi. Có những dụng cụ đó, việc thực hiện tiến hành khẩn trương liên tục. Không ngày nào là không bắn thử để khảo sát, đo đạc, thực nghiệm độ lùi, tầm bắn, sơ tốc của đạn, sức công phá và độ xuyên của đạn v.v... Có lần bắn vào ụ đất, có lần bắn vào núi đá và có lần bắn vào một mảng thành cổ Tuyên Quang đã bị phá hoại, thành xây gạch cổ dày đến 1m. Sau mỗi lần thực nghiệm lại rút kinh nghiệm tính toán sửa chữa cho đến lúc hoàn thiện mới thôi. Thỉnh thoảng đồng chí Trần Đại Nghĩa có nói thêm về tính toán trong những thư công tác gửi cho Nha. Mỗi một phân đoạn của chế thử và thực nghiệm là một cuộc phấn đấu gian khổ để tìm ra giải pháp hay nhất. Về phần tính toán phải huy động hàng chục người có trình độ với những thước tính mua được từ trong hậu địch, có lúc làm việc suốt đêm dưới những ngọn đèn dầu le lói để bảo đảm mỗi người tính xong một tờ giấy khổ lớn đầy số liệu đáp ứng với những phương án khác nhau.
Lần bắn thử cuối cùng là bắn tổng hợp, trong điều kiện ngư ngoài chiến trường, dưới sự giám sát của phó giám đốc thường trực và toàn thể cán bộ chủ chốt trong Nha. Một đồng chí cán bộ của phòng Xạ thuật trực tiếp làm xạ thủ. Kết quả đạt được rất tốt, kết thúc phần nghiên cứu tiến hành đã 6 tháng từ tháng 10/1948. Sau đó là sản xuất hàng loạt. Vấn đề bảo đảm an toàn được hết sức chú ý, không hề xảy ra một sự cố đáng tiếc khi nghiên cứu chế thử, sản xuất hàng loạt cũng như chiến đấu ở mặt trận.
Tập thể của Nha N.C.K.T hồi đó đang trưởng thành với gần 10 kỹ sư cử nhân khoa học, hàng chục thợ lành nghề và mấy chục anh chị em tốt nghiệp tú tài tương đương (vốn tri thức quan trọng ở thập niên 40) đều đã toàn tâm toàn ý tham gia vào cuộc nghiên cứu SKZ-60 mà trung tâm điều hành là ban SKZ do đồng chí Tiếp làm trưởng ban.
Những chiến công vang dội ngay sau đó không lâu do SKZ-60 mang lại trong các trận đánh tại, Phó Rành, Phố Lu (Tây Bắc) v.v... và sau này ở chùa Dầu (Ninh Bình), Komplong, Măng Giang (Khu 5) v.v... nói lên vai trò tác dụng to lớn của vũ khí ấy trong chiến tranh.
Tiếp theo SKZ-60 là cả một họ SKZ nối đuôi nhau ra đời, có cái đáp ứng được nhu cầu của chiến trường, có cái phải bỏ dở vì viện trợ vào nhiều. Nhưng có hiệu quả hơn cả, được ưa chuộng hơn cả, được trang bị rộng khắp ở các đại đoàn chủ lực và địch kinh hoàng nhất là SKZ-60, một vũ khí hoàn toàn của Việt Nam, do Việt Nam nghiên cứu và chế tạo. Đó là niềm tự hào xứng đáng của Nha NCKT và quân giới Việt Nam .
SKZ-60 thành công, nhiều đồng chí đã góp phần đáng kể: Phó giám đốc Hoàng Đình Phu thay mặt giám đốc ở xa, trong mấy năm trời đã trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, chủ trì công tác hiệp đồng trong nội bộ Nha cũng như giữa Nha và các cơ quan nhà máy trong Cục để đi vào sản xuất hàng loạt. Các cán bộ của phòng Xạ thuật, các đồng chí chủ trì của các phòng và xưởng mẫu, các đồng chí chủ trì ở Nha Tổng giám đốc và ty quân giới khu 10 v.v... Nhưng công lao lớn nhất phải thuộc về Nguyễn Trinh Tiếp, tác giả một đề án rất thông minh táo bạo, đã trực tiếp chủ trì từng bước nghiên cứu thực nghiệm, hoàn thành xuất sắc công trình và công trình đó đã đem lại hiệu quả to lớn cho chiến trường.
Tháng 7/1950 tại địa điểm mới của Nha (hồi này Nha đổi thành viện) ở Nà Lằng thuộc xã Quảng Chu huyện Phú Lương, Thái Nguyên, Nha được vinh dự nhận Huân chương quân công hạng ba vì những thành tích về nghiên cứu vũ khí, đặc biệt là SKZ-60. Đây cũng là huân chương quân công đầu tiên mà nhà nước tặng cho một cơ quan. Anh chị em vui mừng phấn khởi đón tiếp đồng chí Trần Đại Nghĩa, giám đốc của Nha, sau hơn 3 năm xa cách từ khi Nha rời khỏi Tuyên Quang đầu tháng 5/1947. Đồng chí Nghĩa đã thay mặt Chính phủ trao huân chương cho Nha mà đại diện là đồng chí Nguyễn Trinh Tiếp lúc đó đã được cử làm viện trưởng Viện nghiên cứu quân giới, một viện trưởng mới 26 tuổi.
Tháng 3/1953, Viện nghiên cứu quân giới giải thể, mỗi người phân tán một nơi. Riêng đồng chí Tiếp không còn ở Bộ Quốc phòng nữa mà chuyển sang Bộ Giao thông vận tải làm nhiệm vụ một ky sư về quản lý đường bộ.
Ngày 24/6/1967 lúc 18 giờ, trong một chuyến công tác vào khu 4, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì bom của giặc Mỹ, hồi đó đồng chí là Cục phó Cục quản lý đường bộ vừa được đề bạt làm phó ban đảm bảo giao thông vận tải trung ương. Giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại đang diễn ra ác liệt, nhiều đồng chí, đồng đội cũ của đồng chí Tiếp không hề biết tin dữ này! Tổ quốc Việt Nam đã mất đi một cán bộ có đức, có tài, có nhiều cống hiến cho đất nước, trong độ sung sức ở tuổi 43.
Nguồn: Xưa & Nay, 12/2000, tr 6