Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 04/04/2005 17:18 (GMT+7)

“Người tiên đoán” về những hiện tượng vật lý

36 năm xa quê, nhưng chỉ cần hai ngày để hòa nhập trở lại

Giáo sư Phạm Quang Hưng lúc còn trẻ tại ĐH Virginia

Giáo sư Phạm Quang Hưng
lúc còn trẻ tại ĐH Virginia GS Phạm Quang Hưng sinh năm 1950 tại Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình và là con út trong một gia đình có 9 người con. Lúc mới vài tháng tuổi, gia đình ông chuyển về Hà Nội, ở phố Mã Mây. Và đến năm tròn 4 tuổi, cả nhà lại chuyển vào Sài Gòn. Ông cũng học trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn với Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhưng sau hai khóa, đến năm 18 tuổi, ông rời Việt Nam sang Mỹ học đại học và ở lại đó cho đến tận bây giờ.

Ông cho biết, từ bé, ông đã ham mê nghiên cứu khoa học, nhất là vật lý. Cậu bé Hưng ngày ấy đã từng tìm đọc những quyển sách về vật lý để hiểu tại sao đèn lại sáng. Và đến khi vào học tại ĐH Ilinois Technology (Chicago), chuyên ngành của ông cũng là vật lý. Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển sang ĐH California để làm luận văn tiến sĩ. Nhưng cũng như nhiều sinh viên tốt nghiệp thời đó, ông chưa xác định được hướng nghiên cứu tiếp theo sẽ là gì cho đến khi ông gặp thầy giáo người Nhật Bản J.J.Sakurai tại ĐH California và theo học vật lý hạt cơ bản.

Công trình nghiên cứu về tương tác yếu (weak interaction) trong thời gian học tiến sĩ của ông cùng thầy Sakurai đã khiến nhiều người chú ý. Giáo sư Hưng cho biết, đó cũng là một trong số ít công trình nghiên cứu lý thuyết vật lý của ông được chứng minh qua thực nghiệm. Cũng nhờ công trình này, ông đã được nhận vào làm việc tại phòng thí nghiệm Fermilab (tên gọi tắt của Fermi National Accelerator Laboratory - phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia Fermi), nơi có chiếc máy gia tốc lớn nhất thế giới hiện nay.

Hai năm sau, ông chuyển sang giảng dạy tại ĐH California. Rồi cũng chỉ được hai năm, năm 1982, ông nhận chức vụ giáo sư tại ĐH Virginia và làm việc cho đến bây giờ.

Đến nay, ông đã có 80 bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và hai nghiên cứu mới chuẩn bị công bố.

Kể về chuyến hồi hương của mình, ông tâm sự: “Sau 36 năm xa quê, cứ tưởng rằng tôi sẽ rất bỡ ngỡ khi trở về, nhưng lạ lùng thay, chỉ hai ngày sau, tôi đã hòa hợp với mọi người, cả về tiếng nói, ăn uống lẫn sinh hoạt”. Cũng dễ hiểu thôi, bởi suốt 36 năm đó, ông vẫn thường xuyên ăn món ăn Việt Nam, vẫn có một người bạn dạy cùng trường đại học với ông là Giáo sư Trịnh Xuân Thuận để tâm sự và vẫn có cả những học trò người Việt.

Vợ ông là Giáo sư vật lý lý thuyết hạt nhân Simonetta Liuti, người Italy, kém ông 12 tuổi. GS Hưng nói: “Đó là mối tình muộn mằn của tôi. Năm 1990, lúc đã 40 tuổi, tôi mới gặp được cô ấy”. Hai người đã quen nhau trong một lần bà Liuti từ Italy sang Mỹ cộng tác với một đồng nghiệp của ông. Một năm sau, hai người cưới nhau và bà chuyển hẳn sang ĐH Virginia để được gần chồng.

Họ đã có ba đứa con, hai trai, một gái, đứa lớn 11 tuổi, đứa thứ hai năm tuổi rưỡi, còn đứa thứ ba chưa đầy hai tuổi. Mỗi năm, cứ vào dịp hè, cả gia đình ông lại sang Italy. Cháu lớn gửi ông bà ngoại, hai cháu nhỏ gửi nhà trẻ, còn hai vợ chồng lại miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm ở Rome.

22 năm theo đuổi một giả thuyết

Công trình ông tâm huyết nhất và theo đuổi lâu nhất trong quá trình nghiên cứu của mình là về sự hợp nhất của các lực (unification of forces). Ba lực đã được các nhà vật lý xác định đó là lực yếu (weak force), lực mạnh (strong force) và lực điện từ (electromagnetic force). Lúc năng lượng tăng cao, ba lực này sẽ hợp lại với nhau. Từ năm 1980, khi đang làm việc tại Fermilab, ông đã cùng hai nhà vật lý A.J.Buras và J.D.Bjocken có công trình nghiên cứu mang tên Petite Unification (sự hợp nhất nhỏ) của hạt quarks và leptons. Nghiên cứu này đặt ra giả thuyết khi năng lượng tăng, lực yếu và lực điện từ sẽ hợp nhất với nhau trước khi gặp lực mạnh. Vì thế, sự hợp nhất này diễn ra nhẹ nhàng hơn.

Nghiên cứu này trái ngược với giả thuyết cho rằng ba lực này sẽ hợp nhất cùng một lúc và tạo ra Sự hợp nhất lớn (thuyết Grand Unification, được viết vào năm 1974). Vào thời điểm đó, giả thuyết Sự hợp nhất lớn đã được giới vật lý trên thế giới quan tâm nên ít ai để ý đến giả thuyết Sự hợp nhất nhỏ của hai ông. Nhưng nhiều năm trôi qua, các nhà vật lý vẫn không thể nào chứng minh được Sự hợp nhất lớn. Vì thế, 22 năm sau (năm 2002), ông lại cùng Giáo sư Buras (ĐH Munich, Đức), học trò Trần Ngọc Khánh và hai học trò người Đức lại tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về Sự hợp nhất nhỏ. Theo đó, họ đã nêu ra những hạt cơ bản khác với những hạt cơ bản mà thế giới đã biết đến.

Hai năm qua, ông và Giáo sư Buras đã đi khắp nơi để thuyết phục các nhà vật lý chú ý đến giả thuyết của mình. Nỗ lực của hai ông đã bắt đầu gây được sự chú ý của các nhà vật lý thế giới.

Mơ ước của họ là đến một ngày nào đó, khoa học vật lý thực nghiệm trên thế giới sẽ chứng minh được thuyết Petite Unification hay thuyết Grand Unification là đúng. Bởi cái khó của những nhà vật lý lý thuyết như ông là làm sao để những công trình nghiên cứu trên lý thuyết của mình được chứng minh chứ không chỉ là lý thuyết suông. Họ đều là những nhà tiên đoán mà không biết mình đúng hay sai. Họ đều đang hy vọng vào năm 2007, khi máy siêu gia tốc lớn nhất thế giới đặt ở Thụy Sĩ với số tiền đầu tư 8 tỷ USD sẽ được xây dựng xong. Lúc đó, những lý thuyết mà ông và nhiều nhà vật lý trên thế giới đang theo đuổi sẽ được chứng minh, những hạt cơ bản mới sẽ có cơ hội được khám phá.

Trong lịch sử của ngành vật lý, cũng đã có những nghiên cứu lý thuyết mà rất nhiều năm sau mới chứng minh được bằng thực nghiệm. Đó là giả thuyết của Albert Einstein (Đức) và Satyendra Bose (Ấn Độ) đưa ra vào năm 1924 cho rằng, ở nhiệt độ gần điểm không tuyệt đối (-273 độ C), các nguyên tử không còn chuyển động tự do nữa mà sẽ co lại thành một dạng nguyên tử đồng nhất. Khi đó, vật chất sẽ hóa đặc trong một khối gọi là hóa đặc Bose-Einstein. 70 năm sau, giả thuyết này mới được hai nhà vật lý Mỹ là Eric Cornell và Carl Wieman và nhà vật lý Đức Wolfgang Ketterle chứng minh bằng thực nghiệm. Ba nhà khoa học này đã đoạt giải Nobel năm 2001. Vì thế, biết đâu, một số giả thuyết trong 80 công trình nghiên cứu trên lý thuyết của “người tiên đoán”- Giáo sư Phạm Quang Hưng sẽ được chứng minh trong tương lai.

Khi được hỏi ông có bao giờ nghĩ đến giải Nobel về vật lý, GS Hưng cười nói: “Bạn bè tôi cũng thường nghĩ về tôi như vậy. Nhưng điều đó cần yếu tố may mắn nhiều hơn đối với những nhà vật lý lý thuyết như tôi. Trong vật lý, giải Nobel được trao nhiều hơn cho những nhà vật lý thực nghiệm. Vả lại, tôi nghiên cứu với niềm say mê của mình chứ không phải vì giải thưởng”.

Nghiên cứu gần đây nhất của ông được thực hiện cùng học trò Trần Ngọc Khanh về chiều của không gian. Tại hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần thứ năm, nghiên cứu sinh Trần Ngọc Khanh đã thay mặt Giáo sư Phạm Quang Hưng trình bày nghiên cứu này. Con người chỉ xác định được mình đang sống trong ba chiều không gian và một chiều thời gian. Báo cáo đặt ra vậy có chiều thứ tư hoặc thứ năm của không gian không. Nếu có những chiều không gian khác thì con người chưa thể tìm ra được vì nó cuốn lại rất bé. Nghiên cứu cũng tiên đoán những hệ quả mà con người có thể khám phá được nếu thực sự phát hiện ra các chiều không gian này.

Ông cho biết, sắp tới, ông sẽ công bố một nghiên cứu mới về việc nhận biết những hạt cơ bản mới trong quá trình thực nghiệm trên máy gia tốc đặt ở Thụy Sĩ trong thời gian sắp tới. Khi hai luồng Photon năng lượng cao đụng vào nhau, một đám tứ tung hạt cơ bản sẽ văng ra. Trong số đó, sẽ có những hạt cơ bản mới được các nhà vật lý lý thuyết tiên đoán. Vậy làm thế nào để nhận ra những hạt này? Đây cũng là trăn trở của ông trong suốt quá trình nghiên cứu vật lý lý thuyết.

Sẵn sàng giúp những sinh viên say mê vật lý

Mỗi tuần, một giáo sư đại học như ông chỉ phải lên lớp ba tiếng đồng hồ và cứ ba năm thì các giáo sư lại được đổi môn dạy một lần. Nếu như trước đây, ông thường dạy sinh viên cao học thì hai năm qua, ông lại dạy vật lý cơ bản cho các sinh viên mới vào học đại học. Mỗi lớp học như vậy thường khá đông, từ 100 đến 150 người và có hai lớp do ông và một giáo sư người Mỹ khác phụ trách. Năm ngoái, sinh viên đăng ký vào lớp học của ông rất ít chỉ vì nhìn thấy tên giảng viên người Việt Nam. Nhưng đến năm nay, lớp học ông dạy lại đông gấp rưỡi lớp còn lại. GS Hưng cho biết, những điều nho nhỏ như thế cũng giúp ông hưng phấn hơn trong việc giảng dạy.

Hiện nay, nhiệm vụ của ông ở trường đại học là quản lý sinh viên cao học ngành vật lý như tuyển sinh viên, cấp học bổng và theo dõi quá trình học của họ. GS Hưng cho biết, ông sẵn sàng giúp những sinh viên say mê vật lý tiếp tục nghiên cứu ở nước ngoài. Bởi vì theo ông, các nhà vật lý trẻ Việt Nam cần được tiếp cận nhiều hơn với các nhà vật lý các nước khác, từ đó góp tiếng nói trong ngành vật lý thế giới.

Trong chuyến trở về này, ông đã xem hồ sơ hai sinh viên vừa tốt nghiệp đang làm việc tại Phân viện Vật lý TP Hồ Chí Minh và nhận sẽ giúp đỡ họ sang làm luận án tiến sĩ vật lý tại ĐH Virginia.

Ý định này bắt đầu từ cách đây 5-6 năm, khi ông gặp Giáo sư Nguyễn Mộng Giao (Phân viện Vật lý TP Hồ Chí Minh) tại một hội nghị quốc tế về vật lý tại Pháp. Nếu như trước đây, hai người cũng chỉ trao đổi về vấn đề này qua điện thoại, email, thì trong những ngày ở TP Hồ Chí Minh trước khi ra Hà Nội dự Hội nghị, Giáo sư Hưng đến thăm Phân viện Vật lý và có buổi làm việc cụ thể về vấn đề này.

Về lâu dài, ông cho biết sẽ cố gắng tạo sự hợp tác giữa trường ĐH Virginia với các trường đại học trong nước để mở rộng các lĩnh vực đào tạo khác ngoài vật lý cho sinh viên Việt Nam như hóa học, CNTT, kinh tế...

Các sinh viên quan tâm đến nghiên cứu về vật lý có thể liên hệ với Giáo sư Phạm Quang Hưng theo địa chỉ:

Department of Physics, UVa

382 McCormick Rd.

PO Box 400714

Charlottesville, VA 22904-4714

Nguồn: www.nhandan.com.vn ngày 19-08-2004

Xem Thêm

Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới

Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).