Người “nghiện” chất đốt sinh học
Anh thợ cơ khí
Năm 1986, với tấm bằng Trung cấp Kỹ thuật công nghiệp được nhận (trông coi thiết bị) tại một Cty hóa chất. Sau 4 năm ở Cty hóa chất, dành dụm được ít vốn, anh tách ra mở tiệm cơ khí.
Lúc đầu, khách hàng của anh là những nông dân với chiếc máy xay xát, máy tuốt lúa hư hỏng. Hằng ngày, anh làm việc cật lực, kiếm tiền để… dành dụm.
Đêm đến, anh mày mò nghiên cứu các loại máy công nghiệp, động cơ và trăn trở tìm cách cải tiến. Tuy nhiên các “công trình” chỉ thực hiện trên giấy vì anh chưa đủ tiền thực hiện.
Năm 1998, anh thành lập Cty. “Phải vay mượn người thân, bạn bè, ngân hàng… nợ hơn 5 tỷ đồng” – Anh tâm sự. Khoản nợ ấy như thôi thúc anh làm việc, không thể lùi bước. Anh không còn đường lùi. Ngày đêm anh lặn lội đến các Cty, xí nghiệp trình bày phương án cải tiến những máy công nghiệp.
Anh đã nghiên cứu thành công nhiều thiết bị như dây chuyền cấp xi măng tự động giảm ô nhiễm, công nghệ cấp liệu chế biến bột mì và đã lắp ráp cho nhiều nhà máy ở Long An, TPHCM. Sau mấy năm, Cty TNHH Minh Tú được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng từ khắp nơi bay về.
Đến nay, Cty của anh có hơn 150 lao động, doanh thu hàng năm khoảng 20 tỷ đồng. Cty của anh là đầu mối cung cấp nhiều loại máy công nghiệp cho hàng chục Cty ở ĐBSCL, TP HCM và miền Trung.
Biến mỡ cá thành dầu diesel
Cuối tháng 10/2006, khi tôi đến, giám đốc Trịnh Minh Tú đang loay hoay trong phân xưởng nhằng nhịt dây chuyền, ống dẫn sản xuất dầu biodiesel từ mỡ cá tra, cá basa.
Anh giải thích: “1 kg mỡ cá pha thêm 15% methanol và một ít hóa chất, đun ở nhiệt độ 60oC sẽ cho ra 1 lít dầu biodiesel”. Anh cười: “Nguyên tắc đơn giản thế nhưng để chế tạo ra một dây chuyền sản xuất công nghiệp không dễ”.
Anh Tú đã chế tạo thành công dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động và được UBND thành phố Cần Thơ trao tặng bằng khen. Để có được dây chuyền này, anh mất 4 năm nghiên cứu. Năm 2002, anh đi một vòng những nước có sử dụng biodiesel ở châu Âu học hỏi kinh nghiệm.
Sau 4 năm mày mò cùng 100 triệu đồng mua thiết bị, anh đã chế tạo thành công dây chuyền vận hành bằng điện hoặc bằng chính biodiesel. Dây chuyền hoàn toàn tự động, chỉ cần nhấn nút là mỡ cá biến thành dầu.
“Đây chỉ là dây chuyền thử nghiệm, công suất 300 lít/giờ nên hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu - Anh phấn khởi nói - Sản phẩm biodiesel của tôi đã có mặt tại các tỉnh ĐBSCL, bạn hàng nhiều nơi tìm đến để…chờ mua biodiesel vì sản xuất không kịp”.
“Chỉ cần pha từ 5 đến 20% biodiesel vào chất đốt động cơ, khí thải độc hại sẽ giảm 40%. Loại dầu sinh học này giá rẻ hơn dầu diesel thông thường nên nhu cầu phát triển nó là tất yếu” -Anh cho biết. Chỉ tính riêng Cần Thơ mỗi một ngày nhu cầu biodiesel đã là 250.000 lít.
Tháng 6/2006, Cty TNHH Minh Tú đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất biodiesel từ mỡ cá với công suất 50.000 lít/ngày. Nhà máy sắp hoàn thiện và dự tính cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động. Giám đốc Trịnh Minh Tú đã ký hợp đồng cung cấp 2 triệu lít/năm cho Cty DUONG SOPHEA (Campuchia), bắt đầu từ đầu năm 2007.
Anh tâm sự: “Khó khăn là nguyên liệu đầu vào. Yếu tố thời vụ của cá tra, cá basa ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của nhà máy trong tương lai. Mua mỡ cá phải cạnh tranh với nhiều ngành khác và giá cả thường không ổn định”.
Anh Trịnh Minh Tú khoe bài toán nguyên liệu đã được anh tìm ra lời giải. Hiện anh đã nghiên cứu trồng thành công một loại cây có khả năng chiết xuất biodiesel từ hạt. Loại cây nhiệt đới mang tên Jatropha xuất xứ từ Malaysia . “Loại cây này chịu hạn rất tốt, sống được ở những vùng đất cằn nên phù hợp với việc phủ xanh đất trống đồi trọc, như vậy là nhất cử lưỡng tiện rồi”- Anh nói. Hiện tại, cây Jatropha đã trồng thử nghiệm ở Kon Tum và phát triển tốt. Dự tính, đầu năm 2007, Cty TNHH Minh Tú sẽ phối hợp với nông dân trồng 2.000 ha tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trung bình 1 ha cây Jatropha có thể sản xuất được 3.000 lít trong một năm. Cộng với nguyên liệu từ mỡ cá, mỗi năm, Cty TNHH Minh Tú có thể cho ra hàng chục triệu lít biodiesel đáp ứng cho nhu cầu rộng lớn. |
Nguồn: Tiền phong 7/12/2006