Người Ai Cập xây kim tự tháp bằng bê tông?
Thế nhưng, vào cuối những năm 1970, một nhà hoá học người Pháp tên là Joseph Davidovits đã đưa ra một giả thuyết mới hoàn toàn trái ngược với những quan điểm trên. Theo ông, thứ vật liệu mà người Ai Cập cổ đại dùng để xây kim tự tháp không phải là đá tự nhiên mà là những tảng bê tông được đúc ngay tại công trường. Khi đó, Davidovits đã bị nhiều người coi là hoang tưởng. Nhưng càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có thể ông mới chính là người vén bức màn huyền bí về kim tự tháp.
Gilles Hug (Cơ quan Nghiên cứu hàng không vũ trụ Quốc gia Pháp) và Michel Barsoum (Đại học Drexel, Mỹ) là những người đang tiếp tục phát triển giả thuyết của Davidovits. Sử dụng tia X và kính hiển vi điện tử, hai nhà nghiên cứu đã so sánh từng mẩu rất nhỏ của mẫu đá lấy từ các kim tự tháp với đá tự nhiên tại các mỏ đá ở Toura và Maadi. Họ tìm thấy ở một số mẫu dấu vết của những phản ứng hoá học không thể tồn tại trong đá tự nhiên, nhưng lại thường gặp ở các vật liệu đúc hỗn hợp như bê tông. Từ đó, Hug và Barsoum kết luận rằng người Ai Cập đã dùng 2 loại vật liệu để xây kim tự tháp: đá tự nhiên để xây những phần tường thấp và đá nhân tạo (thực chất là một loại bê tông) để xây những kết cấu ở trên cao.
Ví dụ như ở kim tự tháp Cheops. Trong số 2,5 triệu khối đá của kim tự tháp này thì những khối granite nặng 10 tấn ở móng và chân đế là đá tự nhiên. Đá vôi khai thác từ cao nguyên Giza được ngâm trong các bể lớn chứa đầy nước lấy từ sông Nin cho đến lúc phân rã thành thứ bùn sệt, sau đó thêm vôi đã nung và muối rồi để bay hơi, tạo thành loại vữa mềm, ẩm gần như đất sét. Thứ vữa này được chở đến công trường, đổ vào các khuôn gỗ đã dựng sẵn. Sau vài ngày, khi vật liệu khô, tháo khuôn, người ta đã được những “phiến đá” nặng từ 1 đến hơn 2 tấn nằm đúng chỗ. Chính do được đúc bằng phương pháp này nên những khối đá trên đỉnh kim tự tháp có cấu trúc xốp hơn hẳn so với những khối đá ở chân đế.
Cũng như những giả thuyết khác về quá trình xây dựng kim tự tháp, nghiên cứu của Hug và Barsoum đang phải đối mặt với nhiều ý kiến phản bác. Một số người cho rằng hình dạng phong phú của các khối đá cho thấy chúng không thể ra đời từ các khuôn đúc. Số khác lại cho rằng để làm bê tông cần rất nhiều vôi nung và gỗ là những thứ không phải lúc nào cũng sẵn, trong khi người Ai Cập lại thừa nhân lực để khai thác đá tự nhiên nên họ sẽ chẳng tội gì chọn con đường thứ nhất. Về phần mình, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết về kim tự tháp bê tông cho biết: họ chưa thể chứng minh tính chính xác trong quan điểm của mình nếu nhà chức trách Ai Cập chưa cho phép họ mở rộng nghiên cứu tại hiện trường và tiếp xúc với số lượng mẫu vật lớn hơn.
Nguồn: KH&ĐS Số 98 Thứ Sáu 8/12/2006