Ngày xuân nói chuyện tâm lý nhà quản lý
Con người ta sinh ra là bình đẳng, và phải được bình đẳng về quyền lợi. Nhưng đâu có thế. Sở dĩ trong xã hội có người giàu, kẻ nghèo là do kết quả của chế độ tư hữu kéo dài hàng mấy ngàn năm đến nay. Trong đời sống, những nhu cầu thiết yếu của mỗi người là ăn, mặc, ở, chữa bệnh, đi lại, học hành, vui chơi giải trí… Có nghĩa là con người phải có quyền lợi về đời sống vật chất, quyền lợi về đời sống tinh thần. Trong đó quyền lợi về vật chất là cơ bản. Vì thế, trong các công sở, xí nghiệp, công ty, trang trại, người đến xin việc câu đầu tiên cần biết là lương bao nhiêu một tháng, chế độ làm việc và phúc lợi thế nào. Nhà quản lý không chỉ nắm những nguyên tắc về tổ chức, kiểm soát công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, kế hoạch dài hạn, bao nhiêu là thứ ngổn ngang trong đầu. Giữ được thái độ bình tĩnh khi gặp những tình huống gay cấn, phức tạp đến nơi, không phải dễ dàng. Cho nên giữ được cái đều lạnh trước sự việc nóng bỏng coi như một yêu cầu quan trọng trong công việc quản lý. Những đợt gió mùa đông bắc tràn về trước mùa Xuân chắc có thể làm giảm nhiệt độ trong đầu những bạn nóng tính.
Mâu thuẫn cơ bản trong đời sống xã hội là mẫu thuẫn về lợi ích vật chất, về sự thiếu công bằng, thiếu công minh trong quá trình phân phối. Còn những mâu thuẫn về lợi ích tinh thần, thường phía sau lợi ích này vẫn là vật chất. Thoả mãn, hài hoà được hai lợi ích trên sẽ có sự tiến triển hoà bình, cùng nhau đưa đơn vị tiến lên. Trên thế giới này, lúc nào cũng có đầy mâu thuẫn. Giải quyết được những mâu thuẫn này, sẽ phát sinh những mâu thuẫn khác. Tuy nhiên, người quả lý có trách nhiệm biết khéo léo giải quyết các mâu thuẫn lớn, nhỏ, lấy lợi ích của người lao động đặt lên hàng đầu. Người lao động có tính quyết định trong quá trình sản xuất các sản phẩm cho xã hội, nên phải đảm bảo sự tự giác, thoải mái, yên tâm sản xuất. Càng tốt hơn nữa, nếu họ có sự phấn khởi trong công việc để tăng kỹ năng lao động, tăng sự tự giác học hỏi thì hiệu quả quản lý càng được nâng cao. Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, vào dịp sang thăm Nhật Bản, tôi đến thăm một xí nghiệp lớn sản xuất đồng hồ nổi tiếng. Bên trong xí nghiệp cực kỳ sạch sẽ, người vào thăm phải tụt giày, di vào dép đã để sẵn rồi mới bước trên lối đã trải nệm len. Tôi đi qua những hàng nam, nữ ngồi theo dây chuyền để lắp những đồng hồ đeo tay. Họ hết sức chăm chú vào công việc tỉ mỉ, yêu cầu kỹ thuật cao này. Đến giờ nghỉ, mọi người đi ra. Do được tuyên truyền về tình yêu Tổ quốc của người Nhật, tôi hỏi một chị công nhân: “Tôi nghe nói do nước Nhật không giàu về tài nguyên, nên người Nhật ra sức lao động để làm cho Tổ quốc giàu lên?”. Chị trả lời gọn gàng: “Chúng tôi tích cực làm việc để làm giàu cho công ty chúng tôi”. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên, nhưng suy nghĩ mới thấy người ta nói rất thực tế, vì quyền lợi cụ thể của họ gắn liền với sự phát triển của xí nghiệp. Trong một xí nghiệp Nhật Bản, người ta được quan tâm từ lao động hàng ngày, giờ nghỉ, cuộc sống riêng tư như sinh nhật, cưới hỏi, tang lễ, lúc trả lương hàng tháng được tổ chức vui vẻ và có sự cảm ơn của người phụ trách, cuối năm, đều có tiền thưởng (thực chất tiền thưởng, hoặc lĩnh thêm tháng lương là do trích dần một phần tháng lương cộng lại). Cách này được gọi là tâm lý thực dung, người lao động gắn bó với xí nghiệp suốt đời, khi nghỉ hưu đã có số tiền tiết kiệm của mình dành được để mà tiêu xài.
Có nhiều người không được học qua tâm lý học quản lý bao giờ, nhưng có thể làm công tác quản lý có hiệu quả, bởi vì họ chân thành, trong sáng, hết lòng vì mọi người, và trên hết là tinh thần yêu nước. Khó mà nói được đầy đủ yêu cầu về tinh thần, nhân cách của một người quản lý. Muốn tập hợp được đông đảo những người lao động và các tầng lớp khác, đầu tiên phải là sự tôn trọng con người, khiêm tốn, dù tri thức của mình phong phú đến bao nhiêu cũng vẫn còn là thiếu sót. Biết thiếu sót của người khác, nên phê bình riêng. Biết ưu điểm của người khác, nên tuyên dương trước tập thể. Bản thân có thiếu sót, nên thừa nhận để mà sửa đổi.
Ngày xuân nói chuyện tâm lý nhà quản lý có lẽ chỉ nên nói những chuyện vui, những chuyện đưa lại lợi ích, nếu nhà kinh doanh thì nên nói những chuyện phát tài. Dù là phát tài lớn hay nhỏ thông qua việc quản lý tốt, đều là điều may mắn mà chúng ta mong chúc các nhà quản lý vào dịp đầu Xuân.
Nguồn: Nhà quản lý, xuân Bính Tuất, 1+2/2006, tr 34