Mừng thọ GS-NGND Hoàng Như Mai tròn 90 tuổi : Người thầy của tôi
GS Nguyễn Lộc trong bài phát biểu nhân dịp mừng thọ 80 tuổi của thầy Hoàng Như Mai 10 năm trước cũng nhấn mạnh đến cái tình dành cho nhiều thế hệ sinh viên đó của thầy: “Nhưng có lẽ vượt lên trên tất cả chính là cái tình của thầy. Thầy Hoàng Như Mai là một người sống chí tình với học trò, với bạn bè xung quanh và với cuộc sống, được học sinh hết sức quý mến”.
GS Nguyễn Lộc kể hồi còn chiến tranh, nhiều sinh viên Khoa Ngữ văn được bố trí vào Nam công tác. Chuyện đi Nam lúc bấy giờ được tổ chức hết sức bí mật, nhưng nhiều người trước khi đi cũng tìm mọi cách để gặp được thầy, trước là để thăm thầy, sau đó là để nhận ở thầy một lời khuyên bảo. Khi ra chiến trường rồi, họ cũng không quên viết thư về báo tin cho thầy và tâm sự cùng thầy. Những lá thư ấy bao giờ thầy cũng giữ hết sức trân trọng. Năm 1986, Trường Đại học Tổng hợp làm lễ mừng 30 năm ngày thành lập, GS Hoàng Như Mai được mời về thăm lại Khoa Ngữ văn. Thầy đã xúc động làm bài thơ “Trở về Khoa Ngữ văn”, trong đó thầy viết:
Nhớ khi Ký Phủ, Đồng Văn
Mấy phen mì độn, mấy lần đạn bom
Thầy cô, người mất người còn
Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường
Ba mươi năm, một chặng đường
Về đây có cả buồn thương vui mừng.
Lớp sinh viên chúng tôi sau năm 1975 khi được học tập, gần gũi với thầy cảm thấy rất rõ cái tình của thầy. Trong các thầy cô ngày đầu giải phóng, có lẽ thầy là người nhận được nhiều thư của sinh viên nhất. Nhiều bạn do hoàn cảnh phải sống nơi xứ lạ quê người cũng viết thư liên lạc thường xuyên với thầy. Những chuyện đó hơn 30 năm sau thầy vẫn còn nhớ như in. Tôi nghĩ đó không chỉ là do thầy có trí nhớ phi thường mà còn là tấm lòng sâu nặng đối với học trò.
Nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng, chúng tôi được học với rất nhiều thầy cô từ Hà Nội vào như Trần Đình Hượu, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Hải Hà… Nhưng ấn tượng nhất vẫn là thầy Hoàng Như Mai với phong thái rất nghệ sĩ của thầy. Và đặc biệt là đôi mắt rất sáng màu xanh thật lạ của thầy. Những bài giảng của thầy rất thuyết phục, bởi với tư cách là người trong cuộc, với giọng đọc thơ rung rung truyền cảm, thầy đã làm chúng tôi như sống lại không khí hào sảng của buổi đầu kháng chiến chống Pháp qua cảm hứng lãng mạn anh hùng trong Ngày vềcủa Chính Hữu, Nhà tôicủa Yên Thao, Tây tiếncủa Quang Dũng. Các nhà văn cùng thời với thầy như Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương... như hiện ra trước mắt chúng tôi bằng xương bằng thịt qua hồi ức của thầy. Cả Màu tím hoa simquen thuộc của Hữu Loan cũng hấp dẫn hơn qua lời bình gan ruột của thầy.
Sau này, khi tìm hiểu về cuộc đời của thầy, chúng tôi càng thấy thân thuộc hơn với thầy. Hóa ra trước cách mạng thầy cũng đã từng băn khoăn tìm kiếm lẽ yêu đời, đã một thời thấy học hành không có ích gì trong thời buổi rối ren, loạn lạc ấy nên đã bỏ Đại học Y rồi Đại học Luật để đến các Thư viện Quốc gia, Thư viện Viễn Đông bác cổ đọc sách về mác-xít. Và ngay sau Cách mạng Tháng Tám đã viết những cuốn như Thặng dư giá trị, Đời sống thợ thuyền trong xã hội tư bản, Lênin và Cách mạng Tháng 10…cho tủ sách Vỡ lòng của Nhà xuất bản Hàn Thuyên.
Thấy thầy gần gũi với miền Nam hơn vì biết thầy đã từng cùng với các nghệ sĩ Sĩ Tiến, Đào Mộng Long, Thu Hà, Phan Ninh… thành lập đoàn kịch Độc Lập để tham gia phong trào Nam tiến sau Cách mạng Tháng Tám, đã viết vở kịch Dòng sông biên giớinói về nỗi đau chia cắt đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, vào TPHCM công tác, thầy lại viết vở kịch Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu(1982) để ca ngợi nhà thơ Nam bộ Nguyễn Đình Chiểu. Thầy cũng rất yêu cải lương, đặc sản của Nam bộ, và đã viết sách nghiên cứu về cải lương, về soạn giả Trần Hữu Trang, tác giả của các vở Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệtnổi tiếng.
Nhưng trước sau, sự nghiệp cả đời của thầy vẫn là nghề dạy học. Bắt đầu bằng sự nể nang bạn bè nên dạy giúp môn văn học Việt Nam và Văn học Pháp ở Trường Trung học tư thục Đông Hải ở thị xã Hải Dương năm 1943, sau đó như một cái duyên, thầy đã gắn bó suốt đời với ngành giáo dục. Trong kháng chiến, thầy được Tỉnh hội Việt Minh tỉnh Thái Bình cử làm hiệu trưởng Trường Trung học Chuyên khoa tư thục Phan Thanh, rồi sau đó làm hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc và đã từng đưa các giáo sinh của trường sang học ở Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc).
Hòa bình lập lại, thầy đảm nhiệm chức hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp Trung ương, sau đó dạy ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với giáo trình Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1960, thầy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Sau ngày giải phóng miền Nam, thầy được mời thỉnh giảng ở Đại học Văn khoa Sài Gòn và đến năm 1980 thầy về dạy ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Trường ĐH KHXH-NV TPHCM).
Thầy chính là người sáng lập Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM và đã được hội tín nhiệm cử làm chủ tịch từ đó đến nay. Thầy cũng là người sáng lập Đại học dân lập Văn Hiến. Đã có biết bao thế hệ sinh viên được thầy đào tạo, nhiều người hiện đảm trách vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, nhiều người là giáo sư ở các trường đại học và cơ quan nghiên cứu, nhiều người trở thành các văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo có tên tuổi. Ở tuổi 90, thầy vẫn làm việc không mệt mỏi, vẫn đang hướng dẫn nghiên cứu sinh, vẫn đang là Hiệu trưởng Trường Trung học dân lập Trương Vĩnh Ký.
Mừng thọ 90 tuổi của thầy, chúc thầy luôn khỏe mạnh, minh mẫn để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và văn học của đất nước.