Một vài suy nghĩ về những người thợ thủ công, nghệ sĩ và trí thức văn hoá trong điều kiện thị trường
Khi bàn về những di sản văn hoá vật thể, nguy cơ này đã thúc đẩy những ai mong muốn bảo tồn nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống phải hành động. Trước kia, hành động này thường là những nỗ lực sưu tầm, bảo tồn và mô tả hiện vật; ghi chép lại về quá trình sản xuất/chế tác, công dụng và ý nghĩa văn hoá của hiện vật; và ngăn chặn hoặc than phiền về những sự thay đổi này dẫn tới chỗ những người sản xuất những sản phẩm đó không còn sản xuất và sử dụng chúng nữa.
Tuy vậy, không một nỗ lực nào trong những biện pháp này có thể đủ khả năng để bảo tồn. Việc sưu tầm, bảo tồn và mô tả hiện vật trong bảo tàng và những thiết chế khác sẽ giúp cho người ngoài (outsiders) thưởng thức được giá trị của những hiện vật như vậy, nhưng sẽ không thuyết phục và thúc đẩy được những người trước kia đã từng sản xuất và sử dụng những hiện vật đó tiếp tục những công việc họ đang làm. Việc ghi chép lại và nghiên cứu quá trình chế tác, sử dụng và ý nghĩa của những sản phẩm thủ công có thể giúp được những người ngoài (outsiders) và những “trí thức” địa phương có nhiều hiểu biết hơn, nhưng điều đó thường không giúp được cho những người đã từng sản xuất và sử dụng những hiện vật đó tiếp tục làm như vậy trong hiện tại và tương lai.
Ngăn chặn quá trình hiện đại hoá là một sự không thể và không mong muốn, vì nhu cầu và mong muốn thay đổi theo thời gian, và những mặt hàng tiêu dùng giá thấp đã có nhiều trên thị trường để thay thế cho những mặt hàng thủ công truyền thống. Thời gian qua đi, những chiếc gùi sẽ bị thay thế bởi những đồ dùng thích ứng hơn với những phương tiện giao thông thay thế cho việc phải đi bộ - chẳng hạn như đi xe máy. Các phương tiện thông tin đại chúng như vô tuyến truyền hình chắc chắn là sẽ đến và làm biến đổi lối sống, thay thế cho kể chuyện, sản xuất và học tập. Giáo dục chính thống trường quy sẽ lấy đi cơ hội của việc trao truyền không chính thống - như là việc cha mẹ dạy cho con cái theo phong cách dạy và học nghề (của sản xuất thủ công). Nếu như bảo tồn văn hoá có ý nghĩa là sự chối bỏ tính hiện đại, thì điều đó có nghĩa là khoá chặt những cộng đồng văn hoá đó vào trong quá khứ - ngày nay và trong thời đại này, điều đó không thể thuyết phục.
Gần đây, hiện đại hoá và toàn cầu hoá đã được tận dụng cho những nỗ lực nhằm bảo tồn văn hoá thông qua thị trường trong nước và quốc tế. Việc sử dụng hoặc trao đổi những sản phẩm thủ công không còn nhằm vào tiêu dùng tại chỗ nữa, mà được sản xuất nhằm vào chất lượng thẩm mỹ, thường kết hợp với những công dụng mới cho giới thượng lưu, nghệ sĩ và các nhóm thanh niên ở đô thị, khách du lịch trong nước và quốc tế, và thị trường thủ công quốc tế. Chẳng hạn, Craft Link và những cửa hàng thủ công khác ở Việt Nam bán và xuất khẩu những chiếc gối trang trí có hoa văn kim tuyến vốn trước kia được những người phụ nữ làm và dùng như của hồi môn của mình. Vấn đề chính là ở chỗ sự phụ thuộc vào thị trường luôn thay đổi nhanh chóng và đột ngột này có thể duy trì bền vững tới mức nào? Thị hiếu thẩm mỹ thay đổi rất nhanh, và các sản phẩm thủ công có thể trở nên lỗi mốt trước khi nhà sản xuất kịp làm quen với những sản phẩm đó.
Làm sao có thể ứng phó với thế lưỡng nan kết hợp phương thức mưu sinh bền vững với bảo tồn văn hoá trong tình huống thị trường luôn thay đổi nhanh chóng và đột ngột này? Không có câu trả lời sẵn cho câu hỏi đó, nhưng tôi muốn tranh luận rằng, trọng tâm cần chuyển từ hiện vật/sản phẩm tự thân sang trí thức và kỹ năng cần thiết để sản xuất ra những sản phẩm đó. Sự trân trọng/thưởng thức những hiện vật cụ thể nào đó sẽ tan biến, nên một chính sách tập trung vào những di sản vật thể sẽ là sai đường (dẫn nhầm đường đi). Nếu như có thể bảo tồn được tri thức và kỹ năng - được chứa đựng trong những con người đang sống - để sản xuất ra hàng thủ công, thì vừa có thể sản xuất được những hiện vật truyền thống “cũ”, vừa sản xuất cả những hiện vật mới, được thiết kế cho những thị trường mới và luôn thay đổi, nhằm duy trì cuộc sống.
Việc tái sản xuất những tri thức và kỹ năng này và tiếp tục áp dụng chúng vào sản xuất thủ công là rất quan trọng - cho cả những sản phẩm “truyền thống” phục vụ tiêu dùng va trao đổi tại chỗ, hoặc những sản phẩm sản xuất ra cho thị trường sản phẩm thủ công trong nước và quốc tế. Nếu như có thể duy trì được tri thức và kỹ năng, thì chí ít khả năng sản xuất những sản phẩm “truyền thống” có thể được trao truyền cho thế hệ sau trong tương lai. Điều này đòi hỏi một dạng thức học hỏi theo kiểu truyền nghề, như trước kia có bé gái học dệt thông qua việc quan sát và bắt trước mẹ, cô và chị gái của mình, và các em trai học làm nghề mộc từ người cha chú. Một ví dụ, Việt Nam của kiểu xưởng dệt như thế này là của bà Mỡ, một bà cụ người Chăm ở Ninh Thuận, đã trao truyền tri thức về những mẫu hoa văn phức tạp và tinh xảo của mình cho một thế hệ phụ nữ trẻ hơn, và đã tìm được những thị trường mới cho sản phẩm của mình...
Thế nhưng, trước kia, việc học tập không chính quy (trao truyền dân gian) như vậy lại dựa vào sự không tham gia trong giáo dục trường quy?. Nói một cách khác, những thiết chế ngày nay như trường học dường như cản trở sự trao truyền tri thức và kỹ năng sản xuất, sử dụng sản phẩm thủ công từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời, sự lưu thông của những giá trị đô thị và toàn cầu trên những phương tiện thông tin đại chúng hiện đại thường ngăn cản những giá trị văn hoá vốn được hàm chứa trong những sản phẩm/hiện vật. Dù vậy, không có cách nào quay trở lại quá khứ - mà cũng không nên quay lại quá khứ. Thị trường và truyền thông vẫn sẽ còn ở đây, và giáo dục chính thống là cần thiết để sống còn và thành công trên thế giới này. Liên quan đến vấn đề bảo tồn nghề thủ công, giáo dục chính thống cũng quan trọng không kém giáo dục không chính thống theo kiểu truyền nghề đối với những trí thức và kỹ năng liên quan đến thủ công và đặc trưng cho từng nền văn hoá. Giáo dục chính thống là cần thiết, bởi vì sản phẩm thủ công sẽ phải được sản xuất nhằm phục vụ những công dụng mới, những khách hàng mới, thị trường mới và liên tục thay đổi, cho nên nói đòi hỏi những kỹ năng thiết kế mẫu mỹ thuật, sự nhạy bén về thị trường và những hiểu biết sâu sắc về thương mại. Những kiến thức đó chỉ có thể có được thông qua giáo dục chính thống.
Để có thể phục hồi cách học tập/trao truyền theo kiểu truyền nghề và những thực hành văn hoá liên quan, cách học tập này cần phải được kết hợp với giáo dục chính thống, dành cho những ai có mong muốn kiếm sống bằng việc sản xuất và thiết kế hàng thủ công. Chỉ có cách thông qua giáo dục chính thống, những người thợ thủ công mới có thể làm cho trí thức và những kỹ năng mang tính đặc trưng văn hoá của mình thích ứng với những đòi hỏi của thị trường hiện nay. Liên kết với giáo dục chính thống cũng giúp khắc sâu niềm tự hào về những giá trị văn hoá gắn với sản xuất, sử dụng và ý nghĩa của những sản phẩm thủ công. Niềm tự hào đó là cần thiết để mọi người đầu tư thời gian và cả mưu sinh của mình vào sản xuất thủ công.
Sự nhạy bén về thị trường quy định rằng, ở tầm dài hạn, sản xuất thủ công không thể cạnh tranh với sản xuất công nghiệp về mặt giá cả, tiện nghi sử dụng, tính linh hoạt và mức độ sẵn có (số lượng nhiều, thông qua thị trường). Vì vậy, những dự án về thủ công không nên nhằm vào việc phát triển và thiết kế những mẫu mã cho những sản phẩm phục vụ cùng một khu vực thị trường của hàng hoá tiêu dùng phổ thông (hàng loạt), mà thay vào đó, nên nhằm vào những sản phẩm thủ công đặc trưng rõ nét và có thể phân biệt được với hàng công nghiệp. Người ta sẽ muốn mua hàng thủ công vì chất lượng thẩm mỹ của chúng và có thể vì tinh thần hoài cổ của mình chứ không phải vì giá rẻ. Thay vì cơ khi hoá, sản xuất hàng thủ công bằng tay cần phải được nhấn mạnh và làm cho trở nên trông thấy được/vật thể (rõ nét). Thay vì sử dụng những chất nhuộm công nghiệp, việc sử dụng chất nhuộm tự nhiên phải được quảng bá. Biện pháp duy nhất có thể làm cho cách sản xuất này có lợi về mặt kinh tế là nhằm vào chóp trên (hight end) của thị trường. Chẳng hạn, phương pháp của Jim Thompson phục hồi lại sản xuất tơ lụa ở Thái Lan chính là bằng cách đảm bảo chất lượng và kết hợp với mẫu mã tuyệt vời và tiếp thị nhằm vào đỉnh chóp của thị trường tơ lụa.
Thị trường cạnh tranh đột phá (niche market) cho sản phẩm thủ công, vì vậy, cần phải gắn bó chặt chẽ với thiết kế thật tốt và với nghệ thuật sáng tạo. Đã có sự trùng khớp nhất định giữa hai lĩnh vực này. Những nhà kiến trúc sư, thiết kế nội thất và thiết thời trang đã lùng tìm khắp nơi trên thế giới để tìm ra những sản phẩm mang tính “dân tộc” có thể sử dụng cho thiết kế mẫu mã của mình - chỉ cần nhìn vào rất nhiều tạp chí thời trang và thiết kế nội thất sẽ thấy rõ. Chỉ cần nhìn vào cách thức Laura Ashley giới thiệu những sản phẩm sơn mài Việt Nam vào một thị trường quốc tế. Ở Việt Nam , nhiều nghệ sĩ, trí thức và những người khá giả sống ở đô thị đã tạo nên một thị trường sản phẩm mang tính hoài cổ trong trang trí nội thất và những nhà kiểu nông thôn.
Tôi muốn đề xuất rằng, có thể đạt được điều này thông qua sự kết hợp đối tác sáng tạo giữa những người thợ thủ công và nghệ sĩ/nhà thiết kế. Những đối tác như vậy có thể đem lại những dạng sản phẩm có thể bán được trên thị trường, sản phẩm thủ công mang tính cạnh tranh đột phá nhằm vào chóp trên của người tiêu dùng. Một ví dụ là sự kết hợp của Trung tâm văn hóa dân gian Huế, do Mai Khắc Ứng chủ nhiệm, và hội thi tượng quốc tế, do Trường Đại học Mỹ thuật Huế tổ chức năm 2004, đưa những thợ thủ công người Catu và những nghệ sĩ điêu khắc Việt Nam và quốc tế gặp nhau trong một sự hợp tác, trao đổi sáng tạo. Để có thể đảm bảo cho những mối quan hệ đối tác mang tính sáng tạo đó được thành công, đồng thời tạo ra những cách kiếm sống một cách văn hóa, bền vững và phù hợp cho những người thợ thủ công, cần phải có một sự đầu tư vào giáo dục chính thống và đào tạo thợ thủ công. Họ không nên trở thành những người thừa hành, thực hiện thiết kế của những nghệ sĩ ở thành phố, hoặc làm việc cho những người chủ vắng mặt ở xa (“làm nô lệ”), mà phải tự thân chính mình trở thành những nghệ sĩ và nhà thiết kế hiểu biết về thị trường.
Những người thợ thủ công cần phải trở thành những chủ thể được trang bị đầy đủ trong một thế giới cạnh tranh, đồng thời vẫn tự hào về những trí thức và kỹ năng đặc trưng văn hóa của mình, và trao truyền những phẩm chất và giá trị này cho những thế hệ sau. Họ phải làm quen với thị trường và với những phẩm chất thẩm mỹ được trân trọng trên những thị trường riêng biệt mang tính cạnh tranh đột phá, mà không bị biến thành những nô lệ của thị trường. Để có thể đảm bảo được sự bảo tồn văn hóa bền vững đối với nghề thủ công, tốt nhất là cần đầu tư vào những trí thức và kỹ năng đặc trưng văn hóa của những người lưu giữ chúng - những người thợ thủ công - thông qua những chương trình giáo dục và đào tạo nhiều chiều. Để có thể đảm bảo được tính bền vững cho phương thức mưu sinh, quan trọng là làm sao cho những người thợ thủ công trở nên hiểu biết về thị trường - đặc biệt là những thị trường sản phẩm thủ công chóp trên mang tính đột phá, và về những mẫu mã thẩm mỹ, từ đó có thể tìm được đối tượng khách hàng thông qua những quan hệ đối tác sáng tạo với nghệ sĩ và nhà thiết kế.
Hướng tới tương lai, chúng ta hy vọng rằng, di sản văn hóa vật chất/vật thể của Việt Nam sẽ tiếp tục có ý nghĩa quan trọng trong đời sống hàng ngày, trong những sản phẩm tiêu dùng và sản phẩm thiết kế - và không chỉ trong bảo tàng như những hiện vật của quá khứ. Đầu tư vào những người thợ thủ công và tôn vinh họ - những người chuyên gia về sản xuất, sử dụng và ý nghĩa của sản phẩm thủ công - theo tôi, chính là một phương pháp bền vững và đầy hứa hẹn để đạt được mục đích đó.