Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 21/06/2012 21:12 (GMT+7)

Một số suy nghĩ về những nỗ lực của Phi-líp-pin sử dụng tòa trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông

Sau khi phía Trung Quốc từ chối, khăng khăng đòi giải quyết vấn đề bằng đàm phán song phương [1], Ngoại trưởng Phi-líp-pin lại mạnh bạokhẳng định rằng họ sẽ sử dụng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước Luật Biển) [2]cho phép họ có thể đơn phươngkiện Trung Quốc [3]. Ngoại trưởng Phi-líp-pin tuyên bố rằng, Phi-líp-pin muốn sử dụng cơ chế trọng tài quy định trong Công ước Luật Biển để “xác định rõ vùng biển nào có tranh chấp và vùng biển nào không” [4].

Việc phân định rạch ròi giữa vùng biển nào là tranh chấp và vùng biển nào không tranh chấp ở Biển Đông là một việc làm vô cùng cần thiết khi Trung Quốc đang đẩy mạnh các yêu sách phi lý, hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế, để mở rộng tranh chấp vào cả những vùng biển của quốc gia khác ở Biển Đông. Tuy nhiên, có sự không rõ ràng là Phi-líp-pin sẽ sử dụng những điều khoản nào trong Công ước để làm việc này. Hay nói cách khác, câu hỏi đặt ra là: Phi-líp-pin định kiện Trung Quốc về vấn đề gì để đạt được mục đích trên? Khi Phi-líp-pin không “tiết lộ” ý định cụ thể của mình, cách duy nhất để có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi này là xem xét mối quan tâm của Phi-líp-pin hiện nay ở Biển Đông và đối chiếu nó với cơ chế giải quyết tranh chấp nào trong Công ước có thể áp dụng trong quan hệ giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc về Biển Đông.

Trước khi bàn về hai vấn đề trên, một điểm cần lưu ý đó là bài viết sẽ không bàn luận về tranh chấp chủ quyền đảo ở Biển Đông hay chỉ ra điểm yếu của Trung Quốc và Phi-líp-pin trong yêu sách của hai quốc gia này đối với quần đảo Trường Sa [5]. Thay vào đó, bài viết tập trung vào phân tích khả năng Phi-líp-pin sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp Luật Biển ở Biển Đông như thế nào. Đây là một việc làm không chỉ có tính chất khoa học thuần túy mà có ý nghĩa thực tế và trực tiếp liên quan đến Việt Nam - một quốc gia hiện cũng đang phải đối mặt với những yêu sách “quá quắt” của Trung Quốc ở Biển Đông [6].

1. Sự kiện Bãi Cỏ Rong - mối quan tâm đặc biệt gần đây của Phi-líp-pin

Tuy ở Biển Đông, Phi-líp-pin và Trung Quốc có hai tranh chấp về biên giới lãnh thổ [7], nhưng tuyên bố liên quan đến việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật Biển của Ngoại trưởng Phi-líp-pin dường như chỉ liên quan đến những căng thẳng gần đây giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc xuất phát từ tranh chấp ở quần đảo Trường Sa (mà Phi-líp-pin còn gọi là Kalayaan, viết tắt là KIG) [8]- một tranh chấp chủ quyền đa phương không chỉ liên quan đến Phi-líp-pin, Trung Quốc mà còn có cả Bru-nây, Ma-lai-xi-a và Việt Nam với những mức độ yêu sách khác nhau [9].

Những căng thẳng gần đây giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc liên quan đến Trường Sa được đánh dấu bằng sự kiện hai tàu tuần tra của Trung Quốc xua đuổi tàu thăm dò của Anh do Phi-líp-pin thuê để khảo sát khu vực Bãi Cỏ Rong (tiếng Anh là Reed Bank, Phi-líp-pin còn gọi là Recto Bank) (thường được biết đến là sự kiện Bãi Cỏ Rong) [10]. Phi-líp-pin ngay lập tức phản ứng trên thực địa và gửi công hàm ngoại giao phản đối hành vi của Trung Quốc, khẳng định Bãi Cỏ Rong nằm trên thềm lục địa của nước mình [11], đồng thời Ngoại trưởng Phi-líp-pin cũng đã cử đại diện sang Bắc Kinh để “thảo luận về vấn đề” [12]. Hiện không rõ quan điểm và thái độ của Trung Quốc đáp lại công hàm phản đối của Phi-líp-pin như thế nào. Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi về việc thăm dò dầu khí của Phi-líp-pin ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rằng: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng nước phụ cận; các hoạt động thăm dò dầu khí của các quốc gia khác tại khu vực nằm dưới quyền tài phán của Trung Quốc mà không được Chính phủ Trung Quốc cho phép là vi phạm chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc...” [13]. Như vậy, nếu tuyên bố này của Trung Quốc là đề cập đến hoạt động thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong thì dường như Trung Quốc cho rằng Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa, hay cụ thể hơn là nằm trong vùng nước phụ cận của Trường Sa.

Sự kiện Bãi Cỏ Rong đã dẫn đến một phát triển mới trong tranh chấp ở Biển Đông đó là “tranh cãi” giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc tại Liên hợp quốc vào nửa đầu tháng 4 liên quan đến đường chín đoạn mà Trung Quốc vẽ trên tấm bản đồ đính kèm Công hàm phản đối việc Việt Nam và Ma-lai-xi-a đệ trình hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa năm 2009 [14]. Trong Công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc, Phi-líp-pin khẳng định:

“... yêu sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về “các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển” (như được thể hiện trên bản đồ đường chín đoạn đính kèm các Công hàm CML/17/2009 ngày 07/05/2009 và CML/18/2009 ngày 07/05/2009) bên ngoài các cấu trúc địa chất trong vùng KIG và “các vùng nước phụ cận” của các cấu trúc này sẽ không có bất kỳ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển” [15].

Đáp lại Công hàm của Phi-líp-pin, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc bên cạnh Liên hợp quốc cũng gửi Công hàm đến Tổng thư ký Liên hợp quốc, phản đối Phi-líp-pin, khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và đặc biệt nhấn mạnh “quần đảo Trường Sa hoàn toàn có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa” theo quy định của Công ước Luật Biển cũng như các văn bản pháp luật trong nước của Trung Quốc [16].

Trong nửa đầu năm 2011, giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc đã có nhiều sự kiện gây tranh cãi [17], trong đó đáng chú ý còn có vụ việc Trung Quốc tập kết vật liệu xây dựng trên bãi Amy Douglas (Phi-líp-pin còn gọi là Iroquois Reef) - một bãi ngầm mà Phi-líp-pin cũng cho là nằm trên thềm lục địa của mình giống như Bãi Cỏ Rong [18].

Những vụ việc liên quan đến các bãi ngầm mà Phi-líp-pin cho rằng nằm trên thềm lục địa của họ như sự kiện Bãi Cỏ Rong, rõ ràng đã làm Phi-líp-pin có thái độ quan ngại về việc Trung Quốc đã mở rộng tranh chấp ở khu vực quần đảo Trường Sa. Thực vậy, tại Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển lần thứ 21 diễn ra tại New York trong tháng 6 vừa qua, Tổng thư ký Ủy ban các vấn đề Biển và Đại dương của Phi-líp-pin, ông Henry Bensurto đã có tuyên bố:

“Những sự kiện gần đây ở Bãi Cỏ Rong (Recto Bank) dường như đã mở rộng khái niệm khu vực tranh chấp ở Biển Tây Phi-líp-pin hay Biển Nam Trung Hoa để gộp cả những vùng biển và thềm lục địa rõ ràng chỉ thuộc chủ quyền và/hay quyền tài phán của Phi-líp-pin” [19].

Đối chiếu phát biểu trên của ông Bensurto với tuyên bố của Ngoại trưởng Phi-líp-pin Albert del Rosario về việc cần làm rõ giữa khu vực tranh chấp và khu vực không tranh chấp, dường như Phi-líp-pin có ý định sử dụng Tòa trọng tài quốc tế để khẳng định Bãi Cỏ Rong hay những bãi ngầm tương tự là nằm trên thềm lục địa của Phi-líp-pin và cần tách biệt với vùng biển liên quan đến quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Đặc biệt, Bãi Cỏ Rong giờ đây đã trở thành một vấn đề lợi ích quan trọng của Phi-líp-pin, do ở đây dự đoán có tiềm năng lớn về dầu khí [20]và Tổng thống Phi-líp-pin gần đây tuyên bố sẽ làm mọi cách để bảo vệ khu vực này [21]. Hành động cụ thể đi cùng với quyết tâm này của Phi-líp-pin là việc Phi-líp-pin đã mua một số trang thiết bị, đặc biệt là các tàu chiến cỡ lớn từ Mỹ. Tuy nhiên, thực tế là Phi-líp-pin vẫn là một quốc gia có tiềm lực quân sự thuộc loại yếu nhất ở khu vực và những nỗ lực mua sắm mới này không thể ngay lập tức cải thiện đáng kể tương quan lực lượng giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc - một quốc gia đã có cả một quá trình đầu tư quân sự với số tiền khổng lồ. Trong bối cảnh đó và phù hợp với nhu cầu cần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực thì việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp vẫn là ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế, việc sử dụng Tòa trọng tài quy định trong Công ước Luật Biển của Phi-líp-pin để giải quyết bất đồng với Trung Quốc là một cách làm khôn ngoan. Vấn đề đặt ra là thực sự Phi-líp-pin có khả năng làm điều này hay không và để trả lời câu hỏi này, cần hiểu qua cơ chế và thủ tục giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật Biển, đặc biệt là về Tòa trọng tài.

2. Vài nét về cơ chế và thủ tục giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật Biển

Công ước Luật Biển với 320 điều là một trong những văn kiện “vĩ đại” nhất trong lịch sử Liên hợp quốc. Thường được biết đến như là “Hiến chương cho Đại dương”, Công ước đặt nền móng cho việc hình thành một trật tự pháp lý mới về biển thông qua việc quy định tổng thể quy chế pháp lý của các vùng biển, đồng thời điều chỉnh các hành vi sử dụng và khai thác biển. Tuy nhiên, sự vững mạnh của trật tự pháp lý về biển sẽ bị giảm đi nếu như các điều khoản của Công ước không được thực thi đồng bộ và hiệu quả. Điều này đặc biệt đúng khi Công ước chứa đựng những quy định mới của luật pháp quốc tế về biển do các quốc gia thỏa thuận và nhân nhượng lẫn nhau trong quá trình đàm phán. Chính vì thế, cùng với các quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, cũng cần có một cơ chế giải quyết tranh chấp chặt chẽ liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Nhận thức được điều này, các nhà đàm phán Công ước đã dành riêng Phần XV (trong 17 phần) cùng với 04 phụ lục (trong 09 phụ lục) cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước.

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật Biển cùng với cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới được coi là hai cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế tiến bộ nhất và là hình mẫu về cơ chế giải quyết tranh chấp trong các lĩnh vực chuyên ngành của luật pháp quốc tế. Ngoài đặc điểm tiến bộ về thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc, cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Luật Biển còn được đánh giá cao bởi sự “tinh vi” và chặt chẽ về thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định trong 21 điều (từ Điều 279 đến 299) và được cụ thể hóa bằng 04 phụ lục (V, VI, VII, VIII). Cũng chính vì lý do này, khó có thể trình bày trong phạm vi bài viết toàn bộ nội dung của cơ chế giải quyết tranh chấp theo Phần XV của Công ước Luật Biển mà ở đây sẽ chỉ là những điều khoản có liên quan trực tiếp và có thể áp dụng trong tranh chấp về Biển Đông giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Phi-líp-pin dự kiến sẽ sử dụng cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc [22].

Một điều dường như là hiển nhiên nhưng cần phải nhấn mạnh ngay từ đầu đó là về nguyên tắc [23], đối tượng tranh chấp ( ratione materiae) của cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Phần XV phải “liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước (hay các điều khoản trong Công ước)” [24]. Điều này được thể hiện qua việc cụm từ trên được sử dụng xuyên suốt Phần XV tại các điều khoản quy định về các cơ chế và thủ tục mà các bên tranh chấp có thể sử dụng. Phần XV được chia làm ba mục, trong đó điểm tiến bộ nhất của cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước chính là Mục 2 quy định về các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc đưa đến các quyết định có tính chất ràng buộc [25]. Mục đích chính của các nhà đàm phán khi thỏa thuận và đưa Mục 2 về thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc vào trong Công ước đó là để đảm bảo rằng, tất cả hoặc ít nhất là phần lớn các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước sẽ được giải quyết. Với thủ tục này, các tranh chấp khi phát sinh có thểsẽ không cần sự đồng ý của tất cả các bên tranh chấp mà vẫn có thể được giải quyết bởi một cơ quan tài phán quốc tế [26]. Điều 286 - điều khoản đầu tiên của Mục 2 - quy định rõ ràng về điều này, theo đó một bên tranh chấp có thể đơn phương yêu cầu một tòa án hay Tòa trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước (lưu ý, việc này sẽ phải đáp ứng hai điều kiện sẽ được đề cập bên dưới).

Điều 287 liệt kê bốn tòa án và Tòa trọng tài quốc tế có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước, đó là: (i) Tòa án quốc tế về Luật Biển thành lập theo Phụ lục VI; (ii) Tòa án công lý quốc tế; (iii) Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII (thường gọi là Trọng tài Phụ lục VII); và (iv) Tòa trọng tài đặc biệt thành lập theo Phụ lục VIII để giải quyết bốn loạitranh chấp cụ thể [27]. Để tôn trọng sự độc lập trong việc lựa chọn các thủ tục giải quyết tranh chấp của quốc gia thành viên, khoản 1 Điều 287 cũng yêu cầu các quốc gia khi ký kết, phê chuẩn hay gia nhập Công ước hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó, tuyên bố về việc họ chọn cơ quan tài phán nào trong bốn cơ quan trên để giải quyết tranh chấp liên quan đến họ. Tính đến tháng 07/2010 đã có 54 quốc gia trong tổng số 160 thành viên Công ước vào thời điểm đó [28]tuyên bố theo Điều 287 [29]. Đối với một quốc gia không đưa ra tuyên bố lựa chọn cơ quan tài phán, khoản 3, Điều 287 quy định Trọng tài Phụ lục VII sẽ được áp dụng như là thủ tục “mặc định” để giải quyết tranh chấp giữa quốc gia đó và một quốc gia thành viên khác, bất kể quốc gia thành viên khác này có tuyên bố hay không. Không khó để hiểu sự cần thiết của quy định này, nó bảo đảm cho việc luôn có ít nhất một thủ tục giải quyết tranh chấp được áp dụng mà không bị cản trở bởi một quốc gia thành viên khác bởi vấn đề thủ tục, cụ thể việc lựa chọn cơ quan tài phán phù hợp.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc tại Mục 2 phải đáp ứng hai điều kiện quy định ngay chính tại Điều 286. Hai điều kiện này là, việc yêu cầu đơn phương một tòa án hay Tòa trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp chỉ được đưa ra sau khi: (i) Không đạt được giải pháp nào từ việc áp dụng các quy định của Mục 1, và (ii) Phụ thuộc vào quy định của Mục 3 trong đó có những hạn chế về nội dung - đối tượng tranh chấp ( ratione materiae).

Mục 1 của Phần XV quy định một số nguyên tắc chung về việc giải quyết tranh chấp, trong đó liên quan đến vấn đề quy định về việc ưu tiên sử dụng các cơ chế do các bên tranh chấp thỏa thuận (Điều 282) và nghĩa vụ trao đổi ý kiến (Điều 283) [30]. Nội dung của Điều 282 là, nếu giữa các quốc gia tranh chấp đã có thỏa thuận song phương hay trong khuôn khổ khu vực về việc sử dụng một cơ chế giải quyết tranh chấp cụ thể có dẫn đến quyết định có tính ràng buộc, thì các bên tranh chấp phải sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp cụ thể đó thay cho các cơ chế quy định trong Công ước Luật Biển, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Điều 282 sẽ có tác động cụ thể thế nào đến nỗ lực sử dụng Mục 2 của Phi-líp-pin để kiện Trung Quốc phụ thuộc vào việc phân tích quy định của điều ước về giải quyết tranh chấp, nếu có, mà Phi-líp-pin và Trung Quốc là thành viên. Vấn đề này sẽ được xem xét cụ thể hơn ở phần sau.

Nghĩa vụ chính theo Điều 283 là, khi có tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước, thì các bên tranh chấp cần nhanh chóng tiến hành trao đổi ý kiến về việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hay bằng các biện pháp hòa bình khác (khoản 1). Nhìn bên ngoài, điều khoản này chỉ có tính chất thủ tục nhưng thực sự đây là một nghĩa vụquan trọng, nó nhấn mạnh mong muốn ưu tiên biện pháp đàm phán trong việc giải quyết tranh chấp của quốc gia tham gia soạn thảo Công ước Luật Biển [31]. Mục 2 về thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc sẽ chỉ có thể được sử dụng sau khi nghĩa vụ tại Điều 283 được tuân thủ. Việc trao đổi ý kiến này là bước đầu tiên trong nỗ lực giải quyết tranh chấp của hai bên và được thực hiện bằng chính việc đàm phán để giải quyết tranh chấp [32]. Ở khía cạnh này, cần lưu ý, đàm phán không đưa đến kết quả không có nghĩa là sẽ đàm phán mãi mãi mà không cho phép một trong hai bên tranh chấp tự mình đưa ra kết luận về biệc có khả năng đạt được giải pháp thông qua đàm phán hay không [33]. Điều quan trọng là cần cho thấy các bên đã đàm phán nghiêm túc và nỗ lực tìm biện pháp để giải quyết tranh chấp [34]. Tuy chưa có án lệ nào giải quyết trước Trọng tài Phụ lục VII mà Tòa trọng tài thoái thác không thụ lý vụ án do các bên không bảo đảm nghĩa vụ trao đổi quan điểm này, nhưng đáng chú ý là trong hầu hết các cuộc tranh tụng trước tòa, các bên đều dành khá nhiều thời gian và công sức để chứng minh nghĩa vụ này đã được tuân thủ hay chưa [35]. Ngoài ra, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, các tòa án và Tòa trọng tài quốc tế đã từ chối không thụ lý vụ việc vì bên viện dẫn tranh chấp đã không đáp ứng được nghĩa vụ này [36].

Điều kiện thứ hai đặt ra đối với việc viện dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc tại Mục 2 đó là hạn chế về đối tượng tranh chấp. Vấn đề này được quy định tại Mục 3 Phần XV của Công ước Luật Biển, trong đó có hai loại ngoại lệ: “đương nhiên” và “tùy chọn”, liệt kê tại hai Điều 297 và 298. Khoản 2 và 3 Điều 297 liệt kê một số loại quyết định trong việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển (liên quan đến nghiên cứu khoa học biển và nghề cá) như là những ngoại lệ đương nhiên(không cần tuyên bố trước) mà các quốc gia khi bị kiện có thể ngăn cản tòa án hay Tòa trọng tài thụ lý vụ việc [37]. Điều khoản này không áp dụng trong tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc nên sẽ không được xem xét thêm. Quan trọng hơn đối với nỗ lực của Phi-líp-pin trong việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật Biển đó là các ngoại lệ “tùy chọn” theo Điều 298. Điều 298 liệt kê ba loại tranh chấp mà một quốc gia có thể “chọn” làm ngoại lệ cho việc áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc tại Mục 2. Tuy nhiên, khác với Điều 297 mà theo đó các ngoại lệ là đương nhiên, Điều 298 yêu cầu quốc gia phải đưa ra tuyên bố rõ ràng về các ngoại lệ liệt kê tại Điều này vào lúc ký, phê chuẩn, gia nhập hay bất kỳ lúc nào khác (tất nhiên là trước khi tranh chấp nảy sinh) và trong tuyên bố quốc gia sẽ phải nêu rõ loại tranh chấp nào bị coi là ngoại lệ. Chính vì điều này nên ba loại tranh chấp nêu trong Điều 298 được coi là các ngoại lệ “tùy chọn”. Trong ba loại tranh chấp mà theo Điều 298, một quốc gia được phép ngăn cản không cho tòa án hay Tòa trọng tài quốc tế thụ lý [38], đáng chú ý là tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển hoặc tranh chấp liên quan đến vịnh lịch sử hay danh nghĩa lịch sử [39]. Hệ quả của việc một quốc gia ra tuyên bố theo Điều 298 đó là các thủ tục theo Mục 2 sẽ không được áp dụng. Nói cách khác, một cơ quan tài phán trong Mục 2, kể cả thủ tục Trọng tài Phụ lục VII, sẽ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nêu trong tuyên bố theo Điều 298. Cách duy nhất để một cơ quan tài phán liệt kê tại Điều 297 có thể thụ lý một tranh chấp thuộc ngoại lệ nêu trong tuyên bố đó là, phải có sự đồng ý của quốc gia đó trong việc giải quyết tranh chấp bằng cơ quan tài phán (Điều 299).

Trước khi đi vào phân tích về triển vọng giải quyết tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc bằng thủ tục tại Mục 2, cần nêu một số khía cạnh thủ tục của Trọng tài Phụ lục VII do đây chính là cơ chế phù hợp nhất mà Phi-líp-pin có thể sử dụng để giải quyết tranh chấp. Các khía cạnh về thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Phụ lục VII nêu tại Mục 2 đương nhiên được cụ thể hóa trong Phụ lục VII [40]. Một Tòa trọng tài Phụ lục VII giải quyết tranh chấp giữa hai quốc gia có năm (05) thành viên, trong đó mỗi quốc gia được chỉ định một trọng tài viên và ba (03) trọng tài viên còn lại sẽ do cả hai quốc gia thỏa thuận. Để tạo điều kiện cho việc thành lập Tòa trọng tài, trong trường hợp một quốc gia không kịp thời chỉ định trọng tài viên của mình, Điều 3(e) Phụ lục VII quy định về việc Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển sẽ chỉ định trọng tài viên thay cho quốc gia đó. Điều khoản này cũng áp dụng trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận về các trọng tài chung về ba (03) trọng tài viên còn lại. Đặc biệt, để bảo đảm Tòa trọng tài vẫn hoạt động ngay cả trong trường hợp một bên tranh chấp thiếu hợp tác, Điều 9 của Phụ lục VII quy định rằng, Tòa trọng tài vẫn sẽ ra phán quyết ngay cả khi một bên tranh chấp không tham gia tranh tụng.

3. Triển vọng giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Phụ lục VII theo đề nghị của Phi-líp-pin

Do cả Phi-líp-pin và Trung Quốc đều không đưa ra tuyên bố về việc lựa chọn cơ quan tài phán nào là cơ quan ưu tiên trong việc giải quyết tranh chấp theo khoản 1 Điều 287, theo quy định tại khoản 3 của Điều này, Trọng tài Phụ lục VII sẽ là thủ tục mặc nhiên áp dụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước giữa hai quốc gia này. Cần nhắc lại là, theo Điều 286, một trong hai quốc gia có thể đơn phương yêu cầu thành lập Trọng tài Phụ lục VII để giải quyết tranh chấp với quốc gia kia. Điều này giải thích tại sao Ngoại trưởng Phi-líp-pin tuyên bố sẽ sử dụng Trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, do cơ chế này theo Công ước Luật Biển không cần sự đồng ý của hai bên. Tuy nhiên, để có thể vận dụng được thủ tục Trọng tài quy định trong Công ước Luật Biển, hai điều kiện, một về thủ tục trong Mục 1 và một về đối tượng tranh chấp trong Mục 3, đặc biệt theo Điều 298 trình bày ở trên cần phải được đáp ứng.

Trước hết, về các nghĩa vụ trong Mục 1, dường như Phi-líp-pin đã thực hiện một số các động thái để đáp ứng nghĩa vụ trao đổi quan điểm về biện pháp giải quyết tranh chấp, thông qua việc cử đoàn sang đàm phán với Trung Quốc sau sự kiện Bãi Cỏ Rong [41], cũng như bằng chính việc Ngoại trưởng Phi-líp-pin đề nghị với người đồng nhiệm Trung Quốc về việc sử dụng Tòa án quốc tế về Luật Biển để giải quyết tranh chấp [42]. Do các thỏa thuận về giải quyết tranh chấp song phương giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc không được phổ biến rộng rãi, sẽ khó có thể đánh giá được hết ảnh hưởng của Điều 282 về vấn đề ưu tiên lựa chọn thủ tục theo thỏa thuận của các bên thay cho việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại Phần XV của Công ước Luật Biển. Mặt khác, với việc Trung Quốc gia nhập Hiệp ước Thân Thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) [43]năm 2003 [44], rõ ràng tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc có thể được giải quyết bằng cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Chương IV của TAC - một cơ chế áp dụng đối với các bên tranh chấp ảnh hưởng đến các bên ký kết, đặc biệt là các tranh chấp có khả năng ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ các quy định của TAC sẽ nhận thấy, Chương IV không đề ra một thủ tục giải quyết tranh chấp dẫn tới quyết định ràng buộc và do vậy, sẽ không thay thế các thủ tục giải quyết tranh chấp quy định tại Phần XV của Công ước Luật Biển [45]. Hơn nữa, Điều 17 trong Chương IV cũng quy định rõ, TAC không ngăn cản việc sử dụng các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp nêu tại Điều 33 (1) của Hiến chương Liên hợp quốc, mà các thủ tục quy định tại Phần XV của Công ước Luật Biển có thể được coi là nằm trong các biện pháp này [46]. Thực tế là cơ chế giải quyết tranh chấp theo Chương IV của TAC chưa được sử dụng trong 45 năm qua và Sinh-ga-po đã không căn cứ vào thủ tục trong TAC cùng với Điều 282 để phản đối việc Ma-lai-xi-a viện dẫn đến các thủ tục trong Phần XV, yêu cầu thành lập Tòa trọng tài để giải quyết một tranh chấp liên quan đến Công ước Luật Biển trong việc Sinh-ga-po lấn biển ở Eo biển Johor năm 2003 [47].

Với các phân tích ở trên, dường như Phi-líp-pin không có vướng mắc về thủ tục trong việc đơn phương yêu cầu thành lập Trọng tài Phụ lục VII để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Vấn đề còn lại đó là làm sao Phi-líp-pin đáp ứng được điều kiện thứ hai về đối tượng tranh chấp, bị hạn chế bởi Mục 3, để Trọng tài Phụ lục VII mà Phi-líp-pin yêu cầu thành lập có thể thụ lý vụ án. Cần lưu ý là, năm 2006 Trung Quốc đã ra tuyên bố loại bỏ tất cả các tranh chấp thuộc ba ngoại lệ “tùy chọn” theo Điều 298 [48]. Như vậy, Tòa trọng tài Phụ lục VII mà Phi-líp-pin yêu cầu thành lập sẽ không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thuộc ba loại ngoại lệ liệt kê tại Điều 298, trong đó đáng chú ý có tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các Điều 15, 74, 83 liên quan đến phân định ranh giới biển và các tranh chấp về danh nghĩa lịch sử hay quyền lịch sử.

Với hạn chế rõ ràng về thẩm quyền nêu trên của Trọng tài Phụ lục VII khi thụ lý tranh chấp liên quan đến Trung Quốc, có vẻ như tuyên bố của Ngoại trưởng Phi-líp-pin là sẽ yêu cầu Tòa trọng tài “xác định rõ vùng biển nào có tranh chấp và vùng biển nào không” là chưa chính xác. Thực vậy, tuyên bố của Ngoại trưởng Phi-líp-pin như ngụ ý rằng, tồn tại vùng biển chồng lấn tạo bởi một bên là quần đảo Trường Sa và một bên là bờ biển Phi-líp-pin (về vấn đề này xem thêm bàn luận bên dưới) và yêu cầu Tòa trọng tài Phụ lục VII tách biệt vùng biển nào thuộc Phi-líp-pin và vùng biển nào liên quan đến quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Nhưng để làm như vậy thì Tòa trọng tài Phụ lục VII sẽ phải tiến hành một công việc gần như là phân định biển [49]. Nói cách khác, Tòa trọng tài sẽ phải vận dụng các nguyên tắc phân định để giải quyết tranh chấp và như vậy, vụ việc mà Phi-líp-pin yêu cầu Tòa trọng tài giải quyết sẽ trở thành một vụ việc liên quan đến việc giải thích và áp dụng các Điều 15, 74 và 83 của Công ước Luật Biển. Trong trường hợp này, tuyên bố của Trung Quốc theo Điều 298 năm 2006 sẽ “phát huy tác dụng”, ngăn cản Tòa trọng tài thụ lý vụ việc. Nói tóm lại, sẽ khó có việc Tòa trọng tài Phụ lục VII thành lập theo yêu cầu của Phi-líp-pin “phân định” trực tiếpgiữa một bên là vùng biển của Phi-líp-pin không tranh chấp và một bên là vùng biển liên quan đến quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Mặt khác, nếu thực sự mối quan tâm của Phi-líp-pin là tách các bãi ngầm, cụ thể là Bãi Cỏ Rong, mà Phi-líp-pin cho là nằm trong phạm vi thềm lục địa của mình khỏi phạm vi vùng biển thuộc Trường Sa thì câu chuyện có thể khác. Để bảo vệ quyền lợi của mình, trước hết Phi-líp-pin cần “thể hiện” được tranh chấp của mình với Trung Quốc liên quan đến Bãi Cỏ Rong dưới dạng tranh chấp về việc giải thích và áp dụng Công ước, nhưng không liên quan đến phân định. Để xem Phi-líp-pin có thể vận dụng điều khoản nào trong Công ước, trước hết cần xem đặc điểm của Bãi Cỏ Rong.

Tuy các nguồn thông tin không thống nhất về mực nước ngập trên Bãi Cỏ Rong nhưng rõ ràng đây là một bãi chìm vĩnh viễn [50]. Về khoảng cách địa lý, Bãi Cỏ Rong nằm cách Palawan 80 hải lý và đảo Hải Nam gần 500 hải lý [51], khoảng cách giữa các điểm gần nhất của quần đảo Trường Sa và Bãi Cỏ Rong là khoảng 35 - 40 hải lý [52]. Do là một bãi chìm vĩnh viễn và với khoảng cách như vậy, Bãi Cỏ Rong không thể là đối tượng chiếm hữu riêng biệt [53]và trở thành lãnh thổ quốc gia [54]. Quy chế của Bãi Cỏ Rong sẽ là quy chế của thềm lục địa theo Công ước Luật Biển. Như vậy, khu vực thềm lục địa bao trùm Bãi Cỏ Rong thuộc về quốc gia nào thì Bãi Cỏ Rong sẽ thuộc về quốc gia đó. Phạm vi thềm lục địa theo Công ước Luật Biển tối thiểu là 200 hải lý và có thể có kéo dài hơn đến rìa ngoài của thềm lục địa nếu rìa ngoài này vượt quá 200 hải lý [55]. Về nguyên tắc, một quốc gia chỉ có thể mở rộng thềm lục địa của mình hơn 200 hải lý nếu như khu vực mở rộng đó không nằm trong phạm vi 200 hải lý của một quốc gia khác [56]. Với khoảng cách địa lý như trên và với thực tế địa mạo ở Biển Đông, Bãi Cỏ Rong sẽ nằm trên thềm lục địa mà Phi-líp-pin có thể có theo Công ước Luật Biển tính từ Palawan nhưng khó có thể nằm trên thềm lục địa của Trung Quốc kéo dài từ lãnh thổ lục địa của Trung Quốc. Tất cả quyền mà Trung Quốc có đối với Bãi Cỏ Rong, nếu có, sẽ phải là bắt nguồn từ yêu sách của Trung Quốc đối với Trường Sa và vùng biển phụ cận, cụ thể đó là Bãi Cỏ Rong sẽ nằm trên thềm lục địa của Trường Sa - một quan điểm không hề khó hiểu khi Trung Quốc đã tuyên bố rằng Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.

Như vậy, cách tốt nhất để Phi-líp-pin bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với Bãi Cỏ Rong chính là bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Với việc Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng và công khai quan điểm của mình về việc Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc tháng 4/2011, Phi-líp-pin hoàn toàn có thể “tạo” một tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề này bằng duy trì một quan điểm ngược lại và yêu cầu thành lập Tòa trọng tài Phụ lục VII giải quyết [57]. Một tranh chấp liên quan đến việc Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hay không sẽ là một tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121 về Quy chế đảo. Điều 121 quy định rằng, chỉ có các “đảo” mới có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong khi các “đá” thì không. Tranh chấp liên quan đến Điều 121 không nằm trong các ngoại lệ “đương nhiên” hay “lựa chọn” của Mục 3, và do vậy Tòa trọng tài Phụ lục VII hoàn toàn có thẩm quyền để thụ lý vụ việc, quyết định xem Điều 121 được giải thích và áp dụng ở Trường Sa như thế nào. Nếu Tòa trọng tài cho rằng, ở Trường Sa không có “đảo” mà chỉ có “đá” thì phán quyết ràng buộccủa Tòa trọng tài sẽ xóa bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về thềm lục địa ở Trường Sa. Nói cách khác, vùng biển của Trường Sa lúc này chỉ còn là lãnh hải 12 hải lý và không thể vươn đến Bãi Cỏ Rong. Một phán quyết như vậy sẽ “gián tiếp” khẳng định Bãi Cỏ Rong thuộc thềm lục địa của Phi-líp-pin và “gián tiếp” xác định vùng biển không có tranh chấp của Phi-líp-pin theo ý của Ngoại trưởng Phi-líp-pin. Thực tế trong Tài liệu khái niệm của mình về Khu vực ASEAN - Trung Quốc hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác (ZoPFF/C) tại Biển Đông trình bày tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 44 tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a) tháng 7 vừa qua, Phi-líp-pin cho rằng vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông là vùng biển liên quan đến quần đảo Trường Sa đang tranh chấp nên có thể được xác định bằng việc áp dụng Điều 121 [58]. Đồng thời, Phi-líp-pin cũng bày tỏ quan điểm rằng phần lớn Trường Sa là “đá” hoặc bãi cạn nửa chìm nửa nổi [59](ngụ ý chỉ có 12 hải lý lãnh hải) và khẳng định những vùng biển nằm vượt qua vùng biển tranh chấp liên quan đến Trường Sa “không phải là vùng biển tranh chấp” [60].

Tuy nhiên, việc đưa tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121 đối với Trường Sa cũng không phải là không có rủi ro. Theo Điều 121, một cấu trúc địa lý sẽ bị coi là “đá” nếu không thể cho phép con người đến ở hoặc không duy trì được đời sống kinh tế riêng. Định nghĩa này về “đá” vốn nổi tiếng là “khó hiểu” và có nhiều cách giải thích khác nhau [61]. Hơn nữa, trong khi chưa có một án lệ nào về việc giải thích và áp dụng Điều 121 thì các thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển trong các ý kiến riêng của mình đã áp dụng Điều khoản này một cách khác nhau đối với cùng một cấu trúc địa lý [62]. Đối với quần đảo Trường Sa, các học giả cũng có quan điểm khác nhau về vấn đề này [63]. Trường hợp Phi-líp-pin không thành công trong việc chứng minh rằng ở Trường Sa không có “đảo” mà chỉ có “đá” thì phán quyết ràng buộc của Tòa trọng tài về việc “đảo” ở Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng cũng có nghĩa là sẽ có thể có vùng thềm lục địa chồng lấn tạo bởi một bên là Trường Sa và một bên là bờ biển Phi-líp-pin, và vùng chồng lấn này sẽ bao trùm lên Bãi Cỏ Rong. Trong trường hợp này, để khẳng định dứt khoát Bãi Cỏ Rong là thuộc về Phi-líp-pin, Phi-líp-pin sẽ phải yêu cầu tòa phân định vùng chồng lấn này - một việc mà Tòa không có thẩm quyền làm [64], như đã phân tích ở trên.

Một điểm có lẽ cũng đáng quan tâm đó là thái độ của Trung Quốc sẽ như thế nào khi Phi-líp-pin yêu cầu thành lập Tòa trọng tài Phụ lục VII. Như đã nêu ở trên, Phụ lục VII trong Công ước Luật Biển năm 1982 quy định khá chặt chẽ và đầy đủ về các vấn đề thủ tục liên quan đến việc thành lập Tòa trọng tài, dự trù cả trường hợp một bên tranh chấp thiếu thiện chí trong vấn đề này và không tham gia chỉ trọng tài cũng như không tham gia vào quá trình tố tụng. Hay nói cách khác, theo Phụ lục VII, việc bất hợp tác trong quá trình chỉ định trọng tài hay tố tụng sẽ không đem lại lợi ích gì cho bên bị kiện. Vì thế, dường như khả năng nhiều đó là Trung Quốc sẽ “khôn ngoan” và “tỏ thiện chí” bằng cách chỉ định trọng tài và thảo luận với Phi-líp-pin về các trọng tài còn lại, đồng thời cũng sẽ tham gia vào quá trình tố tụng. Việc này không có nghĩa Trung Quốc sẽ không tận dụng Tuyên bố năm 2006 theo Điều 298 của mình, đặc biệt là khi tranh chấp có khả năng liên quan đến vấn đề phân định vùng biển như phân tích ở trên. Cụ thể, Trung Quốc chắc chắn sẽ “thách thức” thẩm quyền của Tòa trọng tài Phụ lục VII trong các bản biện hộ của mình cũng như trong quá trình tranh tụng [65]. Thậm chí, Trung Quốc cũng có thể vừa chỉ định trọng tài viên của mình vừa đưa bảo lưu về vấn đề chủ quyền và Trung Quốc sẽ tiếp tục “thách thức” thẩm quyền của Tòa trọng tài Phụ lục VII trong bản biện hộ và khi tranh tụng [66]. Nói tóm lại, nếu Phi-líp-pin “quyết tâm” trong nỗ lực giải quyết bằng thủ tục Trọng tài Phụ lục VII thì khả năng Tòa trọng tài được thành lập là rất cao. Đồng thời, nếu đúng là Phi-líp-pin hỏi về vấn đề quy chế “đảo” và “đá” theo Điều 121 áp dụng ở Trường Sa như thế nào thì có thể sẽ sớm có một phán quyết về việc Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hay không.

4. Kết luận

Tuyên bố và động thái ngoại giao của Phi-líp-pin cho thấy, Phi-líp-pin đã có một sự nghiên cứu và chuẩn bị nhất định cho việc khởi kiện Trung Quốc, cụ thể là đáp ứng được nghĩa vụ về thủ tục trước khi viện dẫn thủ tục Trọng tài Phụ lục VII. Khi mà Trung Quốc khăng khăng giải quyết tranh chấp song phương và dường như không “lùi bước” trong việc “áp đặt” các yêu sách của mình, việc Phi-líp-pin đơn phương yêu cầu thành lập Tòa trọng tài Phụ lục VII để kiện Trung Quốc, qua đó bảo vệ quyền lợi của mình có lẽ là một trong những bước đi “táo bạo” nhưng “khôn ngoan”. Trong trường hợp tương quan lực lượng giữa hai nước chênh lệch đáng kể thì việc bên yếu hơn viện dẫn đến luật pháp quốc tế để tìm công lý là điều không tránh khỏi. Các quy định chặt chẽ của Công ước về thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc dẫn đến phán quyết có tính ràng buộc, làm cho khả năng một Tòa trọng tài Phụ lục VII được thành lập là rất cao nếu Phi-líp-pin quyết tâmtrong nỗ lực sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc tại Mục 2 của Công ước Luật Biển.

Qua việc phân tích cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Luật Biển cũng như bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông, có thể thấy đối tượng tranh chấp phù hợp nhất mà Phi-líp-pin có thể mang ra trước Tòa trọng tài Phụ lục VII chính là tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121 về Quy chế đảo đối với Trường Sa. Một phán quyết ràng buộc của Tòa trọng tài về việc ở Trường Sa không có đảo và do đó không có thềm lục địa sẽ gián tiếpxác định vùng biển không tranh chấp của Phi-líp-pin, đó là vùng biển nằm trong phạm vi ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin nhưng cách các đá ở Trường Sa hơn 12 hải lý. Phán quyết như vậy sẽ giải quyết được mối quan tâm hiện nay của Phi-líp-pin đối với Bãi Cỏ Rong hay những bãi ngầm mà Phi-líp-pin cho rằng nằm trong phạm vi thềm lục địa của họ.

Tuy nhiên, việc Phi-líp-pin sử dụng Tòa trọng tài Phụ lục VII để giải thích và áp dụng Điều 121 đối với Trường Sa không phải là không có rủi ro khi mà chưa có một án lệ nào về điều khoản này cũng như quan điểm của các luật gia còn khác nhau. Dù gì đi chăng nữa, hiện nay Trung Quốc vẫn đang duy trì yêu sách là các đảo ở Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Một phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII bất lợi cho Phi-líp-pin, cho rằng ở Trường Sa có một hoặc một số “đảo” vẫn không nhất thiết là điều xấu. Ít nhất nó cũng đem đến một câu trả lời cho câu hỏi: yêu sách của Trung Quốc đúng hay sai? Nó cũng sẽ giúp nội bộ Phi-líp-pin hiểu được ở Biển Đông họ có cái gì, chưa có cái gì và thậm chí có thể không có cái gì [67]. Nói tóm lại, phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII để xóa tan sự “mơ hồ” về pháp lý như hiện nay liên quan đến yêu sách của Trung Quốc là cần thiết.

Từ góc độ khoa học pháp lý cũng như nhìn vào thực tế tranh chấp ở Biển Đông hiện nay, một phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII gồm những luật gia nổi tiếng và có uy tín trong lĩnh vực Luật Biển về việc giải thích Điều 121 cũng như áp dụng nó trong hoàn cảnh cụ thể ở Trường Sa là đáng hoan nghênh. Hơn nữa, việc chưa có một án lệ nào về việc giải thích và áp dụng Điều 121 cũng là một cơ hội nếu Phi-líp-pin có sự đầu tư thích đáng cho vấn đề này để xây dựng những lập luận thuyết phục về việc nên giải thích và áp dụng Điều 121 ở Trường Sa như thế nào trước Tòa trọng tài Phụ lục VII.

Với Việt Nam, vùng thềm lục địa phía Tây Nam của Việt Nam, nơi cách xa đảo Hải Nam của Trung Quốc, cũng đang bị Trung Quốc yêu sách và không loại trừ khả năng Trung Quốc đưa yêu sách đối với vùng này trên cơ sở là khu vực đó là thuộc thềm lục địa của Trường Sa. Những bước đi và việc sử dụng thủ tục Trọng tài Phụ lục VII của Phi-líp-pin để bảo vệ quyền lợi của họ ở Bãi Cỏ Rong là điều đáng để suy ngẫm và có thể là bài học để Việt Nam nghiên cứu áp dụng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình đối với vùng thềm lục địa phía Tây Nam.

Tuy về nguyên tắc, một phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế chỉ có giá trị đối với các bên tranh chấp và như vậy phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII do Phi-líp-pin yêu cầu thành lập để kiện Trung Quốc chỉ ràng buộc Phi-líp-pin và Trung Quốc. Tuy nhiên, là một bên có yêu sách về chủ quyền ở Trường Sa, một phán quyết về việc ở Trường Sa có đảo hay không rõ ràng có liên quan đến lợi ích của Việt Nam. Hơn nữa, ngay cả khi phán quyết của Tòa trọng tài không có giá trị ràng buộc đối với Việt Nam, ý kiến của các trọng tài viên - các luật gia có uy tín trong lĩnh vực Luật Biển - về việc ở Trường Sa có “đảo” hay chỉ toàn “đá” không thể nói là không có tác động đối với Việt Nam. Việt Nam sẽ tham gia thế nào trong một tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của mình? Ngoài Việt Nam, Bru-nây và Ma-lai-xi-a cũng có yêu sách đối với Trường Sa. Hai quốc gia này cùng với In-đô-nê-xi-a cũng là các quốc gia đối diện với Trường Sa nên vùng biển của họ cũng phụ thuộc vào việc Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa hay không. Với lợi ích như vậy, phản ứng của các quốc gia này sẽ như thế nào khi một Tòa trọng tài Phụ lục VII được thành lập để giải quyết vấn đề ở Trường Sa có đảo hay đá? Hơn nữa, do phạm vi yêu sách của các bên ở Trường Sa là không giống nhau, các bên sẽ phải làm gì để phán quyết của Tòa trọng tài bao trùm lên tất cả các yêu sách? Đây là những câu hỏi quan trọng, cần nghiên cứu nghiêm túc.

5. Lời bạt

Sau khi bài viết này được hoàn thành, tại Diễn đàn về vấn đề Trường Sa do Đại học Ateneo de Manila tổ chức ngày 05/8/2011, Ngoại trưởng Phi-líp-pin Albert del Rosario tuyên bố rằng đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc chính là “điểm then chốt của vấn đề” và gây khó khăn cho việc tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông (mà giờ đây Phi-líp-pin gọi là Biển Tây Phi-líp-pin) [68]. Ngoại trưởng Phi-líp-pin cũng đề cập đến việc Phi-líp-pin đề nghị Trung Quốc giải quyết vấn đề tại Tòa án quốc tế về Luật Biển hoặc các cơ quan tài phán quốc tế khác, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Phi-líp-pin cho rằng đường 9 đoạn của Trung Quốc đơn giản là bất hợp pháp. Đường đó là tùy tiện và không có bất kỳ cơ sở hay giá trị nào theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển”.

Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Phi-líp-pin cũng cho biết, đáp lại những cáo buộc của Phi-líp-pin về việc Trung Quốc vi phạm vùng biển của họ trước Liên hợp quốc, Trung Quốc đã trả lời rằng không xảy ra vi phạm do Trung Quốc có quyền chủ quyềnđối với toàn bộ Biển Đông nhờ yêu sách đường 9 đoạn [69]. Dường như những vi phạm của Trung Quốc mà Phi-líp-pin đề cập bao gồm cả sự kiện Bãi Vành Khăn khi Ngoại trưởng Phi-líp-pin nêu cụ thể rằng vụ vi phạm xảy ra “trong phạm vi 85 hải lý tính từ đảo gần nhất của Phi-líp-pin là Palawan”. Ông Del Rosario cũng cho biết thêm, Phi-líp-pin sẽ kêu gọi các nước tham gia vào việc đưa giá trị pháp lý của yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ra xem xét theo Công ước Luật Biển, đồng thời “lưu ý” tất cả các nước cần chuẩn bị cho việc yêu sách của mình được xem xét trước một cơ quan tài phán quốc tế và được công nhận.

Những tuyên bố trên của Ngoại trưởng Phi-líp-pin phần nào làm sáng tỏ thêm về đối tượng tranh chấp mà Phi-líp-pin định đưa ra trước Tòa trọng tài Phụ lục VII - đó là đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc. Một sự phản bác theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển, đối với đường yêu sách 9 đoạn bao trùm đến 80% Biển Đông là vô cùng cần thiết và sẽ góp phần vào nỗ lực chung của các nước nhằm duy trì ổn định và phát triển Biển Đông. Tạm thời bỏ qua việc thảo luận về tính phi lý của đường 9 đoạn của Trung Quốc, vấn đề đáng quan tâm đó là Tòa trọng tài Phụ lục VII có thể thụ lý một vụ việc liên quan đến đường 9 đoạn hay không. Vấn đề này lại phụ thuộc vào nội dung thực chất của đường 9 đoạn là gì. Ở đây có một điểm khó khăn đó là, Trung Quốc vẫn chưa chính thức công khai quan điểm của mình về vấn đề này. Dù theo Ngoại trưởng Phi-líp-pin, Trung Quốc cho rằng đường 9 đoạn đem đếncho Trung Quốc “quyền tài phán” ở Biển Đông thì vẫn có sự không rõ ràng “quyền tài phán” là quyền tài phán loại gì. Cụ thể là, “quyền tài phán” đó là quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông và đường 9 đoạn là đường ranh giới thể hiện quyền lịch sử đó; hay đường 9 đoạn chỉ thể hiện yêu sách về các vị trí địa lý mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và trong các vị trí đó có đảo theo Công ước Luật Biển, và do đó “quyền tài phán” mà Trung Quốc nói đến là quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo đó theo Công ước Luật Biển. Trong trường hợp thứ hai này, vấn đề lại quay lại là trong các vị trí địa lý mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông - Trường Sa - có đảo theo quy định tại Điều 121 của Công ước Luật Biển, để từ đó Trung Quốc có thể có yêu sách về thềm lục địa từ các đảo đó hay không. Nếu trong trường hợp này thì như đã phân tích, Tòa trọng tài Phụ lục VII có khả năng thụ lý vụ việc. Tác giả vẫn tiếp tục cho rằng, việc giải thích và áp dụng Điều 121 đối với Trường Sa chính là vấn đề Phi-líp-pin sẽ đưa ra Tòa trọng tài Phụ lục VII. Điều này được củng cố thêm bằng thực tế đó là, khi phản đối đường 9 đoạn của Trung Quốc tại Liên hợp quốc tháng 4 vừa qua, Phi-líp-pin cho rằng đường 9 đoạn là thể hiện yêu sách về vùng biển và thềm lục địa của quần đảo Trường Sa.

Mặt khác, trong trường hợp Trung Quốc cho rằng đường 9 đoạn thể hiện “quyền tài phán” có tính chất lịch sử thì khả năng Tòa trọng tài Phụ lục VII có thẩm quyền thụ lý yêu cầu Phi-líp-pin hay không sẽ trở nên ít rõ ràng hơn. Điều này là do tuyên bố của Trung Quốc năm 2006 theo Điều 298 có loại trừ các tranh chấp liên quan đến “vịnh lịch sử và danh nghĩa lịch sử” khỏi thẩm quyền của các cơ quan tài phán nêu tại Điều 297, Mục 2 phần XV, cụ thể trong trường hợp này là Trọng tài Phụ lục VII. Câu hỏi đặt ra là, ngoại lệ “vịnh lịch sử hay danh nghĩa lịch sử” (historic bay or historic title) có bao gồm cả quyền lịch sử hay không? Có học giả cho rằng, câu trả lời là phủ định [70]. Tuy nhiên, học giả đó không cung cấp án lệ hay ý kiến của các học giả nổi tiếng để bảo vệ quan điểm của mình. Quan điểm của tác giả là trong các án lệ cũng như các chuyên khảo nghiên cứu về danh nghĩa lịch sử (historic title) và quyền lịch sử (historic right) trong Luật Quốc tế, phạm trù “danh nghĩa lịch sử” thường được hiểu là bao gồm cả “quyền lịch sử”. Nếu như vậy, một Tòa trọng tài Phụ lục VII sẽ khó có thể có thẩm quyền để thụ lý yêu cầu của Phi-líp-pin về giá trị của đường 9 đoạn như là một đường thể hiện yêu sách “quyền lịch sử” [71]của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, cũng nên nói rằng nếu Trung Quốc chính thứckhẳng định đường 9 đoạn là yêu sách về “quyền lịch sử” ở Biển Đông không liên quan đến vấn đề chủ quyền đảo, thì Công ước Luật Biển lại có thêm một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc mà Phi-líp-pin có thể đơn phương viện dẫn. Cơ chế này là cơ chế hòa giải, được áp dụng với tranh chấp thuộc ngoại lệ nêu tại Điều 298 mà không liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Tuy báo cáo của Ủy ban hòa giải không có giá trị bắt buộc như một phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII, ý kiến độc lập của một bên thứ ba về sự vô lý của đường 9 đoạn không phải là không có giá trị. Nó sẽ là cơ sở để Phi-líp-pin tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về một giải pháp cho tranh chấp giữa họ, đặc biệt là về Bãi Cỏ Rong.

Dù thế nào đi chăng nữa, lời “kêu gọi” của Phi-líp-pin về việc các nước ASEAN tham gia cùng Phi-líp-pin để “thách thức” đường 9 đoạn của Trung Quốc cần được xem xét một cách nghiêm túc. Đã hé mở khả năng các nước ASEAN sẽ cùng tham gia với Phi-líp-pin trong một hoặc nhiều vụ kiện bằng thủ tục Trọng tài Phụ lục VII./.



[1]Xem: S-L Wee and S Mao, “China says again sea disputes should be resolved bilaterally”. Như bên trên (12 July <http://af.reuters.com/articlePrint?articleld=AFL3E71C1PK20110712>.

[2]“The United Nations Convention on the Law of the Sea, Montego Bay, 10 December 1982” 1833 United Nations Treaties Series396.

[3]“Philippines to seek UN arbitration in South China Sea” Agence France Presse(19 July 2011) <http://globalnation.inquirer.net/6371/philippines-to-seek-un-arbitration-in-spratlys>.

[4]Mới đây, Phi-líp-pin lại kêu gọi các nước ASEAN ủng hộ nỗ lực xác định vùng biển tranh chấp và không tranh chấp ở Biển Đông. Xem: “Philippines wants SE Asian unity on sea row” Agency France Press(29 July 2011) <http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapacific/view/1143816/1/.html>.

[5]Để biết thêm về vấn đề này, xem: Nguyễn Hồng Thao, Luật Quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa(Hà Nội, 2010); Lan-Anh T Nguyen, The South China Sea Dispute: A Reappraisal in the Light of International Law(PhD thesis, University of Bristol, Bristol 2008), Chương 3.

[6]Ngoài việc là một bên trong tranh chấp đa phương có liên quan đến Trung Quốc về vấn đề quyền đối với quần đảo Trường Sa, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại tranh chấp song phương về vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Về tranh chấp này, xem: M Chemillier - Gendreau, La souverainete sur les archipels Paracels et Spratleys(L’Harmattan, Paris, 1996).

[7]Giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc tồn tại tranh chấp về bãi cạn Scarborough, một bãi cạn có một số các mỏm đá nằm cách Phi-líp-pin khoảng 115 hải lý. Để biết thêm về vấn đề này, xem: Z Keyuan, “Scarborough Reef: a new flashpoint in Sino-Philippine relations?” (1999) 7(2) Boundary & Security Bulletin71.

[8]Kalayaan tiếng Phi-líp-pin nghĩa là “Vùng đất tự do”.

[9]Để biết về lập luận của các bên tranh chấp, xem: chú thích 6 bên trên.

[10]Xem: I Storey, “China and the Philippines: Implications of the Reed Bank Incident” (2011) 11(8) ChinaBrief6, 7.

[11]Như bên trên, 7. Phi-líp-pin cử hai chiến đấu cơ ra thực địa, đồng thời bố trí hai tàu của lực lượng tuần duyên hộ tống tàu thăm dò thực hiện nốt chuyến khảo sát.

[12]P Lee-Brago, “Maritime expert off to Beijing” The Philippine Star (06 March 2011 2011) <http://www.philstar.com/Article.aspx?articleid=663490>.

[13]Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, ‘Foreign Ministry Spokesperson Jiang Yu’s Regular Press Conference, 24 March 2011’ <http://www.fmprc.gov.cn/eng/xwfw/s2510/2511/t810015.htm>.

[14]Công hàm của Phi-líp-pin và Trung Quốc được phân tích tại: Nguyen Hong Thao & Nguyen Dang Thang, ‘China’s Nine - Dotted Lines, Another Round: How Much Clearer?’, 23/06/2011, tại SSRN: http://ssrn.com/abstract=1871315.

[15]“Note Verbale No. 000228 dated 05 April 2011 of the Permanent Mission of the Republic of the Philippines to the United Nations”, <http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/phl_re_chn_2011.pdf>.

[16]“Note Verbale No. CML/8/2011 dated 14 April 2010 of the Permanent Mission of the People’s Republic of China to the United Nations”, <http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/chn_2011_re_phl_e.pdf>, (bản dịch tiếng Anh).

[17]Phi-líp-pin cho rằng, trong sáu tháng đầu năm 2011 có ít nhất chín (09) vụ Trung Quốc vi phạm các vùng biển của Phi-líp-pin. Xem: DA Maliwanag, “Del Rosario to visit China amid spat” Inquirer(06 July 2011) <http://globalnation.inquirer.net/5454/del-rosario-to-visit-china-amid-fresh-spats>.

[18]“PHL asks China to explain ships near Reed Bank”, Pnoy Sa Palasyo, 01/6/2011 14:28:16 tại http://www.gmanews.tv/100days/story/222246/nation/phl-asks-china-to-explain-ships-near-reed-bank.

[19]Trích trong: Press Release NYPM 30 - 2011 ngày 22/06/2011 của Phái đoàn thường trực Cộng hòa Phi-líp-pin bên cạnh Liên hợp quốc, tại http://www.un.int/philippines/news/20110622nypm30.htm.

[20]Theo Thượng Nghị sỹ Eduardo Angara của Phi-líp-pin, Bãi Cỏ Rong chứa khoảng 3.9 phút khối khí, 35 triệu thùng dầu và 21 tỷ thùng khí lỏng tương đương với 19.9 triệu đô la Mỹ, 2.1 tỷ đô la Mỹ và 1.2 tỷ đô la Mỹ theo tính toán của Bộ Năng lượng. Xem: Calia, Aurea, “Senators to oppose Santiago plan to kill baselines bill, The Philippine Star, 27 April 2008, <http://www.philstar.com/Article.aspx?articleid=58608>.

[21]Xem: “Philippines vows to protect South China Sea assets” Agence France Presse(25 July 2011) <http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_asiapacific/view/1142928/1/.html>.

[22]Do không có điều kiện tiếp cận những thỏa thuận song phương, nếu có, giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông giữa hai nước, bài viết không bàn luận được một quy định có tính chất quan trọng tại Điều 281, theo đó, nếu các bên tranh chấp đã thỏa thuận sẽ chỉsử dụng một thủ tục giải quyết tranh chấp nhất định ngoài Công ước thì các cơ chế và thủ tục của Phần XV sẽ không được viện dẫn để giải quyết tranh chấp nữa. Để biết thêm về quy định này, xem: Southern Bluefin Tuna Case (Australia and New Zealand v Japan), Award on Jurisdiction and Admissibility, 04 August 2000, 119 Reports of International Arbitral Awards508.

[23]Khoản 2 Điều 288 quy định một ngoại lệ cho nguyên tắc này, đó là ngoài các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, một tòa án hay Tòa trọng tài quốc tế nêu tại Điều 287 (thảo luận bên dưới) cũng có thể thụ lý cả những tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng những thỏa thuận quốc tế liên quan đến mục đích của Công ước. Tuy nhiên, ngoại lệ này không áp dụng đối với tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc do rõ ràng hai nước đã không đạt được thỏa thuận về việc sử dụng các tòa án và Tòa trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa họ ở Biển Đông chứ chưa nói đến nội dung giải quyết tranh chấp là gì.

[24]Tiếng Anh là “disputes concerning the interpretation or application of this Convention” hoặc “disputes concerning the interpretation or application of articles [...]”.

[25]Tiêu đề tiếng Anh của mục này là “Compulsory procedures entailing binding decisions”.

[26]Tuy nhiên, cần lưu ý là Phần XV vẫn đề cao tính độc lập của các bên trong việc lựa chọn giải quyết tranh chấp cũng như ưu tiên việc giải quyết các tranh chấp trước hết thông qua đàm phán. Xem thêm thảo luận bên dưới.

[27]Bốn loại tranh chấp này bao gồm tranh chấp về: (i) Nghề cá; (ii) Bảo vệ môi trường biển; (iii) Nghiên cứu khoa học biển; (iv) Hàng hải, kể cả ô nhiễm do tàu gây ra và do đổ rác thải.

[28]Hiện nay số lượng thành viên Công ước đã lên đến 162 sau khi Malawi và Thái Lan tham gia Công ước vào tháng 9/2010 và tháng 5/2011. Xem thông tin chi tiết tại http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/convention_ agreements.htm.

[29]Số liệu có tại http://www.un.org/depts/los/settlement_of_disputes/choice_procedure.htm#Choice%20of%20 procedure.

[30]Các điều khoản khác bao gồm nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp (Điều 279); tính độc lập của các bên (parties’ autonomy) trong việc lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp (Điều 280); quan hệ giữa thủ tục giải quyết tranh chấp do các bên tranh chấp lựa chọn và thủ tục quy định trong Công ước (Điều 281); việc sử dụng cơ chế hòa giải (Điều 284) và quy định về việc áp dụng Mục 1 đối với các tranh chấp liên quan đến Phần XI về Vùng (Đáy đại dương).

[31]S Rosenne and L Sohn (eds), United Nations Conventions on the Law of the Sea 1982: A Commentary(Vol V, Martinus Nijhoff, Dordrecht, 1989), tr. 29.

[32]Xem: Barbados/Republic of Trinidad and Tobago, Arbitral Award, 11 April 2006, XXVII Reports of International Arbitral Awards147, đoạn 201.

[33]Xem: Southern Bluefin Tuna cases (New Zealand v. Japan; Australia v. Japan), Provisional Measure, Orders 1999/2 and 1999/3 of 3 August 1999 ITLOS Cases No. 3/4, các đoạn 60-61; Southern Bluefin Tuna Cases (Australia and New Zealand v. Japan), Award on Jurisdiction and Admissibility, 04 August 2000, 119 International Law Reports508, đoạn 55.

[34]Xem: Southern Bluefin Tuna Cases (Australia and New Zealand v. Japan), Award on Jurisdiction and Admissibility, 04 August 2000, 119 International Law Reports508, đoạn 55, tại đó Tòa kết luận rằng, nghĩa vụ này được đáp ứng khi đàm phán diễn ra “kéo dài, căng thẳng và nghiêm túc”.

[35]Vụ việc gần đây mà vấn đề này nổi bật là vụ Barbados kiện Trinidad và Tobago về phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Điều 286. Xem: Barbados/Republic of Trinidad and Tobago, Arbitral Award, 11 April 2006, XXVII Reports of International Arbitral Awards147.

[36]Vụ gần đây nhất là vụ Gru-di-a kiện Nga liên quan đến Công ước về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc, xem: Application of the International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination (Georgia v Russian Federation), Judgment, Preliminary Objections, 01 April 2011 <http://www.icj-cij.org/docket/files/140/16398.pdf>.

[37]Trong trường hợp này, tranh chấp sẽ được giải quyết theo thủ tục hòa giải. Xem: khoản 2(b) và 3(b) Điều 297.

[38]Hai tranh chấp khác là: (i) Tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự hay thực thi pháp luật để thực thi; và (ii) Tranh chấp mà Hội đồng Bảo an có chức năng giải quyết. Xem: khoản 1(b-c) Điều 298.

[39]Cũng giống như trường hợp ngoại lệ đương nhiên, các tranh chấp nảy sinh đối với ngoại lệ “lựa chọn” này cũng sẽ được giải quyết theo thủ tục hòa giải. Xem: khoản 1(i) Điều 298.

[40]Các vấn đề quy định tại Phụ lục VII bao gồm: Thủ tục tố tụng, thành lập trọng tài, nghĩa vụ của các bên tranh chấp, hoạt động của Tòa trọng tài cũng như việc ra phán quyết và thi hành phán quyết...

[41]Xem: chú thích 13 bên trên.

[42]Xem: chú thích 1.

[43]Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia, Ba-li, 24/02/1976 văn bản có tại: Text of Treaty of Amily and Cooperation in Southeast Asia and Related Information(ASEAN Secretariat, March 2005) , 3 hoặc http://www.asean.org/1217.htm. Phi-líp-pin là quốc gia sáng lập của ASEAN và là thành viên ban đầu của TAC. Để cho các quốc gia bên ngoài khu vực và tổ chức khu vực khác tham gia, Hiệp ước được sửa đổi ba lần bằng các Nghị định thư năm 1987 (cho phép các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á tham gia), 1999 (bổ sung các quốc gia thành viên mới của ASEAN là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam vào quy định yêu cầu cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên ASEAN để một quốc gia bên ngoài khu vực được tham gia TAC) và 2010 (cho phép các tổ chức khu vực, cụ thể là EU, tham gia). Văn bản hai Nghị định thư đầu tiên có tại: Text of Treaty of Amity and Coorperation in Southeast Asia and Related Information(ASEAN Secretariat, March 2005), 13 và 17; văn bản Nghị định thư thứ ba có tại http://cil.nus.edu.sg/2010/2010-third-protocol-amending-the-treaty-of-amity-and-cooperation-in-southeast-asia/.

[44]Trung Quốc gia nhập TAC năm 2003, văn kiện gia nhập của Trung Quốc có tại <http://www.asean.org/15271.htm>.

[45]Điều 15 TAC quy định Hội đồng tối cao đưa khuyến nghị cho các bên về việc sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp thích hợp nhưng không đưa đến quyết định bắt buộc như môi giới, trung gian, hòa giải và nếu cần Hội đồng cũng có thể đảm nhiệm các chức năng này. Nhưng cần lưu ý rằng, ngay cả trong trường hợp này, theo Điều 16 thì Hội đồng chỉ được đưa ra khuyến nghị sau khi tất cả các bên tranh chấp đồng ý về các điều khoản của Chương XIV, trong đó có Điều 15, được áp dụng. Theo Điều 14 của TAC, được sửa đổi bởi Nghị định thư thứ 3, Hội đồng tối cao gồm đại diện là cấp Bộ trưởng của ASEAN và bên tranh chấp (nếu bên này không là thành viên ASEAN). Xem thêm Quy tắc 3 trong Quy tắc Thủ tục của Hội đồng tối cao theo TAC, trong Text of Treaty of Amity and Cooperationin Southeast Asia and Related Information(ASEAN Secretariat, March 2005), 22.

[46]So sánh với Điều 279 về nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của Công ước Luật Biển, trong đó các quốc gia thành viên Công ước có nghĩa vụ tìm kiếm các giải pháp cho tranh chấp bằng các biện pháp nêu tại Điều 33 (1) của Hiến chương.

[47]Sinh-ga-po chỉ viện dẫn nghĩa vụ trao đổi thông tin trước khi yêu cầu thành lập Tòa trọng tài để phản đối Ma-lai-xi-a. Tòa án quốc tế về Luật Biển cũng cho rằng, bước đầucó thẩm quyền để đưa ra các biện pháp tạm thời nhằm bảo vệ quyền lợi của Ma-lai-xi-a cho đến khi có một phán quyết cuối cùng có tính ràng buộc. Tuy nhiên, vụ việc sau đó đã được hai nước giải quyết thông qua thỏa thuận và Tòa trọng tài được thành lập theo yêu cầu của Ma-lai-xi-a đã đưa các điều khoản của thỏa thuận này vào trong phán quyết của mình. Xem thông tin tại http://www.itlos.org/index.php?id=104&L=0 (lập luận của các bên và phán quyết liên quan đến biện pháp bảo vệ tạm thời của Tòa án quốc tế về Luật Biển) và tại http://www.pca-cpa.org/showpage.asp?pag_id=1154 (về việc giải quyết tại Tòa trọng tài).

[48]Văn bản Tuyên bố có tại http://www.un.org/depts/convention_declarations.htm#China%20after%20ratification.

[49]Ngoài ra, có thể còn có một khó khăn nữa đó là quần đảo Trường Sa hiện đang có tranh chấp về chủ quyền và thông thường trong phân định biển, các tòa án thường tiến hành trình tự lô-gíc đó là: giải quyết tranh chấp chủ quyền trước khi phân dịnh. Tuy nhiên, thiếu thỏa thuận của Trung Quốc thì Tòa trọng tài Phụ lục II không được giải quyết các tranh chấp không liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Về thẩm quyền của các cơ quan tài phán trong Mục 2, kể cả Tòa trọng tài Phụ lục VII, xem: khoản 1 Điều 288 Công ước. Về ngoại lệ cho phép các cơ quan tài phán này giải quyết các tranh chấp bên ngoài Công ước, xem: chú thích 24 bên trên.

[50]Xem: MJ Valencia, JM Van Dyke and NA Ludwig, Sharing the resources of the South China Sea(Martinus Nijhoff, The Hague, 1997), 232, tập hợp các nguồn khác nhau cho rằng chỗ cao nhất của Bãi Cỏ Rong nằm cách mặt nước biển 9 hoặc 16 mét.

[51]Thông tin trên các báo của Phi-líp-pin.

[52]Tác giả cảm ơn Tiến sỹ Dương Danh Huy đã cung cấp thông tin này.

[53]Ngay cả bãi cạn nửa chìm nửa nổi giờ đây cũng đã được khẳng định rõ ràng là không thể là đối tượng chiếm hữu riêng biệt nên càng khó có thể cho rằng bãi chìm là có. Tòa án công lý quốc tế đã nhiều lần khẳng định rõ rằng các bãi ngầm khác với đảo và đảo là đối tượng có thể chiếm hữu. Xem Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain (Qatar v Bahrain), Merits, Judgement [2011] ICJ Reports40, các đoạn 205-6; khẳng định lại trong Case Concerning Territorial and Maritime Dispute between Nicaragua and Honduras in the Caribbean Sea (Nicaragua v Honduras), Judgment of 8 October 2007. <http://www.icj-cij.org/docket/files/120/14075.pdf>, đoạn 141, và Sovereignty Over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge (Malaysia v Singapore), Judgment of 23 May 2008, <http://www.icj-cij.org/docket/files/130/14492.pdf>, đoạn 296.

[54]Quan điểm cho rằng, đáy biển có thể được chiếm hữu đã không còn tồn tại cùng với sự phát triển của luật pháp quốc tế về biển, qua đó khái niệm thềm lục địa được hiểu là nơi quốc gia ven biển chỉ được thực hiện một số các quyền có tính chức năng, đó là quyền chủ quyền vì mục đích kinh tế. Về lịch sử của khái niệm thềm lục địa và “quyền chủ quyền” xem: DP O’Connell, The International Law of the Sea(Vol 1, edited by I.A. Shearer; Clarendon Press, Oxford, 1982), từ tr. 477. Tòa trọng tài trong vụ Guinea/Guinea - Bissau Maritime Delimitation Case, Arbitral Award [1985] 77 International Law Reports635, tại đoạn 124, tuyên bố rằng thềm lục địa không phải vùng thuộc chủ quyền quốc gia.

[55]Điều 76 Công ước Luật Biển. Điều khoản này cũng quy định thêm các điều kiện cần đáp ứng để một quốc gia có thể có thềm lục địa dài hơn 200 hải lý.

[56]Điều này xuất phát từ tính ưu tiên của tiêu chuẩn khoảng cách 200 hải lý trong việc phân định thềm lục địa giữa hai nước. Về tính ưu tiên của tiêu chuẩn khoảng cách, xem án lệ: Continental Shelf (Libya v Malta), Merits, Judgement, 03 June 1985, [1985] ICJ Reports13, các đoạn 33 - 34.

[57]Quan điểm của Phi-líp-pin về quy chế của các vị trí địa lý trong quần đảo Trường Sa đã được bày tỏ gần đây. Xem chú thích 60 bên dưới.

[58]“Philippine Paper on ASEAN - China Zone of Peace, Freedom, Friendship and Cooperation (ZoPFF/C) in WPS (SCS)”, presented at the 44th ASEAN Ministerial Meeting (AMM), Bali (Indonesia), 16 - 23 July 2011, (tác giả có văn bản), tr. 2.

[59]Như bên trên.

[60]Như bên trên.

[61]Về vấn đề này, xem: B Kwiatkowska and AHA Soons, ‘Entitlement to Maritime Areas of Rocks which Cannot Sustain Human Habitation or Economic Life of Their Own’ (1990) 21 NetherlandsYearbook of International Law139.

[62]Xem: Tuyên bố của thẩm phán Vukas và Phản đối của thẩm phán Anderson, chú thích 3, về đảo Heard của Úc trong vụ “The ‘Volga’, Russian Federation v Australia, Prompt Release”, ITLOS Case No 11(ITLOS 2002).

[63]Chẳng hạn, TS. Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng ở Trường Sa có một số đảo có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng trong khi Marius Gjetnes cho rẳng không. So sánh Lan-Anh T Nguyen, The South China Sea Dispute: A Reappraisal in the Light of International Law(Bristol: University of Bristol, PhD thesis, 2008), tr. 55 - 61 với Marius Gjetnes, “The Spratlys: Are They Rocks or Islands?” (2001) 32 Ocean Development & International Law191.

[64]Dù rằng khi áp dụng các nguyên tắc của phân định biển, ngay cả trong trường hợp ở Trường Sa có đảo thì các đảo này chỉ có vùng biển không nhiều hơn lãnh hải 12 hải lý là mấy. Xem: C Schofield and I Townsend-Gault, “Brokering Cooperation Amidst Competing Maritime Claims: Preventative Diplomacy in the Gulf of Thailand and South China Sea” in AE Chircop and others (eds), The future of ocean regime-building: Essays in tribute to Douglas M Johnston(Martinus Nijhoff Publisher, Leiden, 2009), 643, 666.

[65]Đây là cách thức phổ biến trong tất cả các tranh chấp được khởi kiện đơn phương. Cụ thể trong tranh chấp Trọng tài Phụ lục VII, xem vụ: Barbados/Republic of Trinidad and Tobago, Arbitral Award, 11 April 2006, XXVII Reports of International Arbitral Awards147.

[66]Cách này giống với cách Su-ri-nam làm trong vụ Arbitral Tribunal Constituted Pursuant to Article 287, and in Accordance with Annex VII, of the United Nations Convention on the Law of the Sea in the Matter of an Arbitration Between Guyana and Suriname, Award, 17 December 2007, <http://www.pca-cpa.org/upload/files/Guyana-Suriname%20Award.pdf>.

[67]Hơn nữa, lúc này Phi-líp-pin vẫn có thể tiếp tục sử dụng thủ tục hòa giải để giải quyết tranh chấp. Nói tóm lại, Phi-líp-pin không mất gì về mặt pháp lý khi tiến hành những thủ tục này (một điều dường như là hiển nhiên).

[68]Office of the President of the Philippines, “Secretary del Rosario says China’s 9-dash line is “crux of the problem” in WPS, proposes, “preventive diplomacy” solutions” An August 5, 2011 press release from the Department of Foreign Affairs(<http://www.gov.ph/2011/08/05/secretary-del-rosario-says-china’s-9-dash-line-is-“crux-of-the-problem”-in-wps-proposes-preventive-diplomacy”-solutions>. Lưu ý là tuyên bố của Ngoại trưởng Phi-líp-pin được đưa ra dường như để đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Diễn đàn an ninh khu vực ARF, trong đó Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng đường 9 đoạn đã có từ năm 1948. Xem: Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, “Remarks by Foreign Minister Yang Jiechi at the 18th ARF Foreign Ministers’ Meeting, 15 - 23 July 2011, Bali” <http://www.fmprc.gov.cn/eng/topics/yjccxdmwzh/t842183.htm#>.

[69]So với Office of the President of the Philippines, “Continuing dialogue essential on the South China Sea” An March 18, 2011 press release from the Department of Foreign Affairs, trong đó Ngoại trưởng Phi-líp-pin không nói cụ thể nội dung công hàm của Trung Quốc trả lời công hàm phản đối của Phi-líp-pin liên quan đến sự kiện Bãi Cỏ Rong.

[70]Xem: R Beckman, ‘UNCLOS Dispute Settlement Regime and the South China Sea Dispute’ trình bày tại 2011 International Law Association Asia-Pacific Regional Conference, Taipei (Taiwan), May 29 - 1 June 2011.

[71]Chẳng hạn, trong án lệ Libya/Tunisia, Tòa án Công lý quốc tế khi phân tích về yêu sách “quyền lịch sử” của Tunisia dường như đã “đánh đồng” các khái niệm “quyền lịch sử”, “danh nghĩa lịch sử”, “vùng nước lịch sử” với nhau. Xem vụ: Continental Shelf (Tunisia/Libyan Arab Jamahiriya), Merits, Judgement [1982] ICJ Reports18, đoạn 100. Về vấn đề này, xem thêm: YZ Blum, Historic Titles in International Law(Martinus Nijhoff, The Hague, 1965); CR Symmons, Historic Waters in the Law of the Sea: A Modern Re-appraisal(Martinus Nijhoff Publishers, Leiden, 2008).

Xem Thêm

Gia Lai: Góp ý Dự thảo Báo cáo 03 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU
Liên hiệp hội tỉnh Gia Lai vừa tổ chức buổi góp ý Dự thảo Báo cáo sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về“Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế và nâng cao độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khi hậu của tỉnh giai đoạn 2021-2030”.
Thanh Hoá: Phản biện đề án phát triển du lịch huyện Lang Chánh
Sáng ngày 30/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo khoa học phản biện “Đề án phát triển du lịch huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” với sự tham dự của các thành viên Hội đồng khoa học phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội; các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đắk Lắk: Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi của Bộ Tài chính
Ngày 19/8, Liên hiệp hội Đắk Lắk đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn, phản biện, góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Bắc Giang: Hồ sơ điều chỉnh Bảng giá đất giai đoạn 2022-2024
Ngày 12/8/2024, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Hồ sơ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 72/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định Bảng giá đất giai đoạn 2022-2024 tỉnh Bắc Giang. TS. Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Liên hiệp hội Bắc Giang chủ trì Hội thảo
Phú Thọ: Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp
Ngày 09/8/2024, Liên Hiệp Hội tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì tổ chức hội thảo tư vấn phản biện và giám định xã hội về: Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. ThS. Khổng Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch Liên Hiệp Hội tỉnh Phú Thọ; TS. Trần Thị Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì đồng chủ trì hội thảo.
UB KHCN&MT của Quốc hội phối hợp VUSTA tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Ngày 5/8 tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội phối hợp với Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, đề xuất từ các chuyên gia.

Tin mới

Bộ Chính trị điều động, phân công đồng chí Đỗ Trọng Hưng giữ chức Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Chiều 5-9, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.
Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia cuộc họp của Ban Thư ký của tổ chức phổ biến kiến thức khoa học thế giới
Vào ngày 26/8, Ban Trù bị của Tổ chức quốc tế về Phổ biến kiến thức khoa học (WOSL) đã tổ chức buổi họp trực tuyến với sự tham gia của đầy đủ các tổ chức thành viên. Buổi họp do Thạc sĩ Yin Hao, Tổng Thư ký Hội Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc chủ trì.
Thanh Hoá: Phản biện đề án phát triển du lịch huyện Lang Chánh
Sáng ngày 30/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo khoa học phản biện “Đề án phát triển du lịch huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” với sự tham dự của các thành viên Hội đồng khoa học phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội; các cơ quan, đơn vị liên quan.
An Giang: Liên hiệp hội bầu bổ sung nhân sự lãnh đạo
Sáng 27/8, Ban Thường vụ Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành mở rộng lần thứ 5, khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Hồng Châu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Châu; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện sở, ngành, hội có liên quan.