Một người thầy đạo cao đức trọng
Là người thông minh ham học, có trí nhớ tốt và rất giỏi về văn chương nên ông đã sớm nổi tiếng và đỗ tú tài từ khi còn trẻ. Đến năm 24 tuổi, Tự Đức thứ 14 ông đỗ cử nhân thứ 12 khoa Tân Dậu 1861. Dạy học một thời gian không lâu, ông được bổ làm quan Huấn đạo huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Học trò nhiều người làm nên và ông đã hai lần được thăng lên Hàn Lâm viện tu soạn. Hơn ba năm sau, ông được điều làm quan Điển học tỉnh Hà Tĩnh kiếm chức Quản đạo hữu đường tỉnh ấy và sau đó được bổ tri huyện huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ông ở nhiệm sở được một số năm, đời sống nhân dân ổn định, kinh tế được phục hồi và phát triển thì cuối năm 1873 thực dân Pháp lại tiến hành xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất. Thành phố Hà Nội và các tỉnh lỵ Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình và Nam Định lần lượt bị đánh chiếm. Tuy vậy phong trào kháng chiến chống Pháp ở các địa phương vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Chính quyền ở huyện Tứ Kỳ do ông đứng đầu đã nhóm họp quân hương binh cùng nhân dân đào hào đắp ụ, rào làng chiến đấu, sắm sửa vũ khí, quyết tâm chống giặc, giữ gìn huyện nhà. Nhờ được lòng dân cộng với công tác chuẩn bị và chỉ huy tốt, quân dân một lòng nên lực lượng kháng chiến do ông lãnh đạo đã chiến đấu dũng cảm, mấy lần đánh lui quân giặc xâm phạm, giữ vững huyện thành cho đến ngày chúng rút lui theo Hoà ước ký với triều đình Huế tháng 3 năm 1874.
Đến năm Ất Hợi 1875 miền Bắc xảy ra lũ lụt lớn, đê sông Hồng bị vỡ nhiều nơi. Quan tỉnh sức giấy cho các quan huyện phủ phải huy động lực lượng dân phu đông đảo bồi đắp đê. Giữa lúc đời sống nhân dân đang rất khó khăn, là người luôn gần gũi thương mến dân, thấy dân tình đói khổ, ông không nỡ bắt ép họ nên việc chấp hành lệnh cấp trên có phần chậm trễ. Đã nhiều lần đề nghị lên trên nhưng không được chấp thuận, cuối cùng lại bị quan trên quở trách, nhân việc này ông làm đơn xin về hưu. Nghe tin, nhiều người trong huyện đến công sở hoặc đón đường mời ông ở lại. Nhưng bản tính là người có hiếu với cha mẹ, lại không muốn làm quan lúc nhiễu nhương nên lấy cơ cha mẹ già đau yếu ông kiên quyết xin về và được lĩnh nguyên hàm Hàn lâm tu soạn. Với tấm lòng kính trọng và quý mến một ông quan đức độ thanh liêm, yêu nước thương dân, sau đó nhân lễ mừng thọ do các học trò tổ chức, các thân hào và các vị chức sắc nho học ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã đưa vào mừng ông đôi câu đối (hiện còn treo ở nhà thờ Chi phái, 3 họ Nguyễn Tâm ở xóm 2, Liên Trì):
Hà Nam Triệu phủ thiên gia Phật,
Song Bắc hy hoàng Lục địa Tiên
Tạm dịch là:
Ông Tiên Song Bắc ở đát Lục, hiền sáng tựa Phục Hy ngày trước;
Đức Phật Hà Nam ngàn hộ, công minh như Triệu Bá thuở xưa (2).
(Nguyễn Duy Đối dịch)
Một ông quan huyện mà khi còn sống được dân tình ca ngợi đến mức như vậy cũng là điều ít thấy. Cũng vào dịp này, các học trò thành đạt ở tỉnh Hà Tĩnh có mang ra đôi câu đối mừng thầy:
Đại gia kim phạm Hàn Sơn Đẩu,
Tường viện xuân phong lộ trảo cân.
Nghĩa là:
Bậc đại nho khuôn vàng thước ngọc, sáng như sao Bắc Đẩu, cao như núi Thái Sơn,
Người tự nguyện về quê, vui thú điền viên để giữ trọn tấm lòng trung hiếu (3).
(Lời dịch của Trần Phúc Long và Nguyễn Thọ Đạt)
Các học trò ở Đông Yên, xã Minh Thành cũng có đôi câu đối mừng cụ:
Giai thú cao lung, đồng tự nguyệt;
Thanh phương viễn dẫn, liên đình phong.
Đức lớn tài cao, người sống thanh bạch, đẹp đẽ như cây bạch đồng ở dưới mặt trăng.
Tiếng thơm của Người như hương sen từ xa đưa đến, chúng con được thừa hưởng để lớn lên như ngày nay (4).
(Nguyễn Thọ Đạt dịch)
Từ lúc về hưu ông đã dành tất cả thời gian và tâm trí cho việc dạy học và cũng là để thực hiện ước nguyện của đời mình. Nhiều thế hệ học trò trong vùng từ đây ra đi mọi miền. Triều đình ba lần điều đi làm quan nhưng ông đã từ chối. Với thời gian dạy học, là người yêu nước thương dân, đã từng lãnh đạo nhân dân huyện Tứ Kỳ chống Pháp, ông đã truyền cảm đến học trò những tư tưởng tiến bộ của thời đại và đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời họ. Tương truyền trong số học trò có nhiều người hay chữ nổi tiếng trong vùng và có những người đã trở thành những nhà nho, nhân sĩ yêu nước bị giặt xử chém.
Một trong những người đó là ông Phan Văn Bạt (1853 - 1895) thường gọi là ông Chánh Sính ở làng Liên Trì. Là nhà nho hay chữ, một quan chánh tổng yêu nước thương dân, đã mười năm làm chánh tổng Vân Tụ trong suốt thời kỳ Văn thân Cần Vương. Ông đã ngấm ngầm ủng hộ và giúp đỡ nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn - Lê Doãn Nhã hoạt động trên địa bàn mình. Ông lại có những câu đối kín đáo đả kích, châm biếm bọn bồi Tây nên bị bọn này thù oán, cùng với việc dung túng cho nghĩa quân, ông bị bọn chúng khép tội “thông đồng với nghĩa quân” tâu lên triều đình và bị xử chém tại vệ Bến Sải ngày 24 - 12 - 1895.
Một học trò giỏi nữa của ông là Tô Viết Trác (1838 - 1895), tức là ông Tô Bá Ngọc ở Đông Yên, xã Đồng Minh, nay là xã Minh Thành. Ông Ngọc là cháu ruột gọi ông bằng cậu và là một điền chủ yêu nước, đã có nhiều đóng góp trong việc nuôi dưỡng nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn - Lê Doãn Nhã hoạt động. Ông cũng là người đã đón tiếp rất thịnh tình lãnh tụ Cần Vương Phan Đình Phùng vào tháng 2 năm 1887, khi cụ trên đường ra Bắc dừng chân ở đây một thời gian (hiện còn di bút của cụ Phan đề tặng ông Ngọc đã được con cháu cất giữ và bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1997). Những hoạt động yêu nước đó bị bọn thực dân và tay sai theo dõi và khi phong trào bị đàn áp, chúng đã quy tội xử chém ông tại đồng Chợi Rỏi ngày 28 - 5 - 1887.
Những học trò xuất sắc khác là một Nguyễn Tâm Nhựa (1849 - 1921), thường được gọi là Cố Tú, con trai ông thi vào đến tam trường khi mới 19 tuổi và sau đó đỗ tú tài. Ông cũng là người có bầu nhiệt huyết với dân với nước, nghe nói vì bất bình với việc vua Tự Đức chém người trung, ông đã bỏ mấy kỳ không dự thi. Rồi ông Nguyễn Bá Trường (1860 - 1933), thường gọi là Cố Đàn ở Liên Trì… và nhiều người khác nữa là những thầy đồ nổi tiếng trong vùng mà học trò của họ sau này nhiều người cũng sống bằng nghề dạy học và không ít người trong số họ đã trở thành đảng viên và là “quân sư” của các tổ chức Nông hội đỏ trong phong trao Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931.
Nhiều cháu chắt các thế hệ sau đã tham gia cách mạng trước và sau năm 1945, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và ngày nay đang tích cực đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng quê hương đất nước. Trong thời gian dạy học ông có sáng tác một số bài thơ, câu đối, nhưng tiếc rằng không còn lưu giữ được. Hiện chỉ còn nghe một số giai thoại về những lời tiên tri của ông được truyền miệng đến ngày nay.
Sau khi ông qua đời, các học trò làm bức đại tự rất đẹp với hai chữ: “Sơn Đẩu”, tôn vinh thầy mình như núi Thái Sơn, sáng láng như sao Bắc Đẩu, treo chính giữa nhà thờ, ghi nhận công lao và phần nào nói lên tầm cỡ một ông thầy đạo cao đức trọng với tấm lòng yêu nước thương dân đã có ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ học trò yêu nước ở vùng này của những thập kỷ tiếp theo.
Chú thích
1) Ở vùng nam huyện Yên Thành, trước đây, những người già có con, kể cả con rể đỗ đạt nhân dân thường gọi một cách kính trọng là Cố Cụ.
2) Lấy trong điển tích: “Nê sơn sinh thánh, Lục địa sinh tiên”.
3) Ngày xưa vua nước Hàn thường phong cho các nhà học giả hai chữ “kim phạm”, nghĩa là mẫu mực đáng quý như vàng; vua nước Lỗ thường phong cho các bậc trung thần ba chữ “xuân phong hương” nghĩa là thơm như hoa mùa xuân.
4) Cây bạch đồng thường được trồng ở vườn Thượng uyển nhà Chu.